Ai trong chúng ta cũng có những ngày mất ngủ vì lý do xong việc muộn, cơ thể đau nhức hoặc là 10 vạn lý do khác nữa. Nhưng nếu bạn liên tục thức đến 2-3 giờ sáng mà không hề có nguyên nhân cụ thể nào thì rất có thể bạn đang mắc hội chứng mà hàng triệu người trên thế giới đang mắc phải – Hội chứng trì hoãn giấc ngủ (DSPS).
1. DSPS là gì?
“Hội chứng trì hoãn giấc ngủ (DSPS) là một rối loạn, trong đó giấc ngủ của một người bị trễ hai giờ hoặc hơn thời gian được coi là thời điểm đi ngủ thông thường hoặc có thể chấp nhận được. Khi đó, việc giấc ngủ bị trì hoãn sẽ gây ra tình trạng khó có thể thức dậy vào thời gian mong muốn.” (Stanford Health Care)
Một nhận định khác cho rằng: “Hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ là hội chứng mà đồng hồ sinh học của người bệnh “chậm” hơn so với mọi người, do vậy họ rất khó ngủ sớm vào buổi tối.” Nhiều người mắc hội chứng này chỉ đơn thuần nghĩ rằng mình bị mất ngủ, trong khi hội chứng này có thể trở thành mãn tính.
2. Tác hại của Hội chứng Trì hoãn giấc ngủ
– Việc đi ngủ muộn của người mắc hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ gây ảnh hưởng rất lớn tới công việc và thời gian biểu của ngày hôm sau, khi họ không thể dậy đúng giờ. Kể cả khi dậy đúng giờ thì những người mắc bệnh này cũng thấy mệt mỏi vì thiếu ngủ.
– Tăng cân không kiểm soát: Nếu cơ thể không ngủ đủ ít nhất 6 tiếng vào ban đêm thì quá trình chuyển hóa chất béo sẽ bị xáo trộn. Bên cạnh đó, thức khuya làm gia tăng cơn đói, thèm ăn và ăn nhiều hơn vào ban đêm.
– Hệ miễn dịch bị suy yếu: Thức khuya triền miên sẽ phá hủy các tế bào cung cấp khả năng miễn dịch cho cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, bạn sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn.
– Da bị xấu đi: Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Da mặt trở nên nhợt nhạt, thiếu sinh khí, da thường bị nổi mụn, mắt có quầng thâm. Thường xuyên thức khuya sẽ dẫn đến việc da bị khô, kém đàn hồi, đen sạm.
– Nhức đầu: Ngủ muộn làm bạn có cảm giác chuếnh choáng khi thức dậy. Lâu dần, nó sẽ dẫn đến tổn thương não bộ, gây nhức đầu, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống phản xạ tự nhiên của cơ thể cũng bị suy yếu
– Suy giảm tuổi thọ: Đây là hệ quả tích lũy tất cả những tác hại do thức khuya triền miên trên. Bạn cần có lối sống lành mạnh để có được tuổi thọ lâu dài.
Và đặc biệt, giấc ngủ kém hiệu quả kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảm xúc, và thậm chí gây ra căn bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó là các loại bệnh vô cùng nguy hiểm như: bệnh tim, đột quỵ và bệnh tiểu đường.
3. Một vài biện pháp hiệu quả để giảm thiểu tình trạng này
– Coi trọng việc tập thể dục thường xuyên vì tập luyện không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn khiến bạn mệt và muốn nghỉ ngơi vào cuối ngày.
– Phân biệt rạch ròi khoảng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, hạn chế tối đa công việc vào buổi tối.
– Xác định một thời điểm cụ thể để đi ngủ, tuân theo và tắt mọi thông báo điện thoại trong khoảng thời gian đó.
– Tránh xa các màn hình điện thoại, PC, laptop để tránh ánh sáng xanh làm ảnh hưởng giấc ngủ.
– Giữ cho trí óc an yên trước giờ lên giường, có thể thực hành thiền trong tư thế nằm thông qua các app hướng dẫn thiền.
Hãy đưa ngay những hoạt động trên vào thời gian biểu ngày mai và cùng nhau tìm lại giấc ngủ ngon cùng cuộc sống khỏe mạnh nha!
