Nếu bạn có ý định biến đam mê thành nghề nghiệp thì hãy nhớ rằng sau một thời gian bạn sẽ không còn thấy nhiệt tình với công việc nữa. Dưới đây là bài dịch của bạn Hoàng Nguyễn Hữu từ RDVN Group!
Tôi khá chắc điều trên không đúng với tất cả mọi người, nhưng trên kinh nghiệm cá nhân của tôi cùng với rất nhiều nghệ sĩ cố gắng biến đam mê thành nghề nghiệp mà tôi biết, tôi có thể khẳng định phần lớn mọi người sẽ cảm thấy ghét những gì họ đam mê sau một thời gian dùng nó kiếm tiền. Thậm chí là ghét hơn cả những công việc không-phải-đam-mê mà họ đã từng làm nữa. Nếu bạn không biết cách tự quản lý kỉ luật và sự tận tuỵ của bản thân thì vấn đề còn tệ hơn nữa.
Tôi làm việc thiết kế và lắp ráp bàn cờ (của các game nhập vai) được gần 10 năm rồi, trong 10 năm đó thì việc này là nguồn thu nhập chính của tôi. Tất nhiên là tôi vẫn cố gắng làm việc với đam mê cùng sự hoàn hảo (tôi tự hào vì điều này), nhưng cái công việc này cũng làm tôi ngán tận cổ rồi. Tôi thường xuyên cảm thấy chán nản khi làm việc và sự thích thú chỉ đến khi tôi làm xong và nghĩ “Cuối cùng cũng không phải thấy nó”. Trước kia tôi cảm thấy rất hưng phấn khi làm việc, nhưng bây giờ tôi chỉ mong đến giờ nghỉ, chỉ quan tâm đến lỗ và lãi, v.v… Mặt kinh doanh của công việc đã hoàn toàn chiếm lấy tâm trí tôi, làm sức khoẻ tinh thần của tôi giảm sút, cuối cùng cũng khiến tôi bị suy sụp tinh thần vào năm ngoái.
Nếu bạn định biến sở thích của bạn thành cần câu cơm:
1. Bắt đầu nhỏ thôi, bạn hãy coi nó như một việc làm thêm. Chậm mà chắc!
2. Học quản lý thời gian, chỉ nên dành một phần nhỏ trong quỹ thời gian ngày/tuần/tháng của mình vào công việc.
3. Không bao giờ được tham việc mà nhận quá nhiều việc khi bạn không thể hoàn thành trong khoảng thời gian đã đặt ra ở trên. Nếu không bạn sẽ vào phải trường hợp làm bục mặt ra để nuôi thân đồng thời nhận một đống việc ở ngoài.
4. Tính tiền hợp lý cho dịch vụ của bạn. Đừng đưa giá rẻ mạt để đổi lấy quảng cáo. Cũng đừng đưa giá cao hơn giá trị bạn mang lại. Hãy nhìn xem những thứ tương tự của người khác được định giá như thế nào, sau đó tự xem lại sản phẩm của mình dưới con mắt khách hàng.
5. Nhồi nhét công việc sẽ phá huỷ con người bạn. Nếu bạn có thói quen thức đến tờ mờ sáng chỉ để chạy deadline thì bạn sẽ cảm thấy chán nản rất nhanh đấy. Đây không phải là có đạo đức nghề nghiệp đâu, đây là bạn đã đánh giá quá cao khả năng hoàn thành công việc của bản thân mà thôi.
6. Động lực là một thứ xa xỉ, nếu bạn đợi động lực thì bạn sẽ chết đói. Bạn cẩn KỶ LUẬT. Bạn cần phải học cách thúc đẩy bản thân hoàn thành công việc trước khi bắt đầu bất kì cái gì.
Cứ tận hưởng thú tiêu khiển của bạn một cách bình thường. Chỉ nên biến nó thành công việc khi bạn thật sự chắc chắn và có khả năng, kỷ cương và quyết tâm để đưa sở thích lên một tầm cao hơn. Cố gắng tách biệt công việc và sở thích, vì nếu không cẩn thận thì bạn sẽ không còn cái nào đâu.
Nguồn: Ta đi làm với Tây