Chiêu Từ Hoàng Thái hậu xuất thân cao môn, bà là con gái duy nhất của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, nhận Thụy Bảo công chúa (Hoàng nữ thứ ba của Trần Thái Tông Trần Cảnh) làm mẹ kế. Từ nhỏ, bà đã được phong làm Quận chúa, hiệu xưng Chiêu Hiến (昭憲). Trần Bình Trọng là vị đã nổi tiếng với câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm vào vương đất Bắc”, hy sinh rất oanh liệt trên chiến trường. Tuy nhiên, về người mẹ là Thụy Bảo công chúa thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại Việt sử ký toàn thư chép Chiêu Từ Hoàng hậu là con gái của Thụy Bảo công chúa, tuy không nói rõ là có phải con gái ruột hay không. Nhiều nguồn sử ghi rằng Thụy Bảo công chúa góa chồng (phu quân đời trước của công chúa là Uy Văn vương Trần Toại bệnh mất sớm) và Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng góa vợ (?), vua Trần Thánh Tông thương dũng tướng cùng cô ruột phủ viện cao mà cô đơn vắng vẻ, lại xót Quận chúa Chiêu Hiến từ nhỏ mồ côi mẹ nên ban hôn cho hai người về một nhà. Như vậy, Quận chúa Chiêu Hiến không phải là con gái ruột của Thụy Bảo công chúa mà là con của vợ trước Trần Bình Trọng. Tuy vậy, điều đó cũng không ảnh hưởng gì khi Thụy Bảo công chúa yêu thương Chiêu Hiến Quận chúa như con gái ruột và một mình nuôi nấng Quận chúa nên người.
Vốn nghĩ cuộc đời nàng cũng sẽ như bao người con gái khác, gả cho một nam tử bình thường rồi tề gia nội trợ, phụng dưỡng mẹ già. Thế nhưng số trời lại định sẵn nàng có mệnh sinh ra thiên tử cho Trần triều. Dưới sự ủng hộ của mẹ, nàng đồng ý tiến cung, được vua phong hiệu là Huy Tư Hoàng phi. Nhân gian vốn không thiếu việc phi tần nhận ân sủng vài ngày rồi đổi lại cả đời bị thất sủng, nếm trải bao mưu kế hãm hại chốn rèm ngọc màn lụa. Ấy vậy mà khi Trần thị vào cung, dù không hề xuất thân trong hoàng tộc nhưng nàng lại nhận được sự ân sủng từ Anh Tông và cả Bảo Từ Hoàng hậu – người đứng đầu hậu cung lúc đó.
Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép: “Dạo nọ, Huy Tư Hoàng phi đi theo hầu Anh Tông, lệ chưa được đi kiệu. Hoàng hậu lấy kiệu của mình cho Huy Tư đi thì Anh Tông, vốn rất nghiêm khắc tôn ti trật tự, nhắc nhở: Bảo Từ có yêu quý Huy Tư thì cho cái khác, chứ cái kiệu ngồi còn điển chế cũ, không thể cho được”. Quả thực mệnh nàng tốt đến mức khiến nhiều người phải đỏ mắt ghen tị. Chiếm được sự ân sủng từ hai người đứng đầu cung cấm, rõ ràng phong quang vô hạn. Thứ mà bao nữ nhân ở trong bốn bức tường khao khát, có chăng cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Năm 1300, Huy Tư sinh được long tử, khiến Trần tộc kinh hỉ không thôi. Bởi lẽ vị hoàng tử này là người được sinh ra suôn sẻ và sống mạnh khoẻ duy nhất trong các vị hoàng tử. Chính vì vậy mà Anh Tông bảo hộ hoàng tử rất kĩ, lo lắng mọi nẻo chu toàn. Ngài ban đầu vốn định giao hoàng tử cho mẹ vợ là Thuỵ Bảo công chúa nhưng bà từ chối vì lý do đang gặp hạn rủi, sợ sẽ ảnh hưởng đến hoàng tử. Cuối cùng, Anh Tông giao hoàng tử cho Trần Nhật Duật nuôi dạy.
Khi con trai được sách phong làm Đông cung Thái tử, dĩ nhiên Trần thị cũng được hưởng phận tôn quý. Trong cung lúc đó ai ai cũng biết, quyền hành của nàng vốn chỉ thua Hoàng hậu. Thái tử Trần Mạnh là vị Thái tử duy nhất không phải con của vợ cả, hay nói cách khác là không phải đích trưởng tử trong lịch sử nhà Trần.
Năm 1314, Thái tử lên đế vị, Huy Tư thân là sinh mẫu của tân đế nên được tấn phong là Hoàng Thái phi, thập phần tôn quý. Bảo Từ Hoàng hậu vốn là chính thất nên được tôn làm Thái thượng Hoàng hậu, xứng với vị trí trước giờ của bà. Hoàng Thái phi và Thái thượng Hoàng hậu ổn định chốn hậu cung, mối quan hệ hòa thuận tốt đẹp khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Năm 1320 Trần Anh Tông qua đời ở cung Trùng Quang (thuộc phủ Thiên Trường), hưởng dương 45 tuổi. Sau đó ông được chôn cất vào Thái lăng tại Yên Sinh (nay thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh). Lúc rước linh cữu Anh Tông về Thiên Trường (Nam Định), theo lễ thì thuyền của Bảo Từ Hoàng thái hậu được dùng tám dải lụa để kéo, thuyền của Huy Tư Thái phi chỉ có hai dải. Người coi cấm quân có ý nịnh bợ, lấy lụa buộc thêm cho Huy Tư Thái phi, Bảo Từ Hoàng thái hậu biết chuyện, cũng không để bụng, đủ thấy Thái hậu yêu mến Thái phi như thế nào.
Năm Khai Hựu thứ 2 (1330), tháng 7, Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng thái hậu băng ở am Mộc Cảo, ấp Yên Sinh. Sau khi Thái hậu qua đời, Hoàng thái phi Trần thị trở thành người ở ngôi cao nhất cung cấm, uy quyền hơn bất kì nữ nhân nào. Bà an hưởng tuổi già vui vẻ bên con trai và các cháu. Mãi đến khi Minh Tông mất, bà vì đau lòng quá độ mà sinh bệnh, sức khỏe ngày càng suy nhược. Năm 1359, tức hai năm sau khi Minh Tông băng hà, Huy Tư Hoàng thái phi Trần thị quy tiên, được triều thần dâng thuỵ hiệu là Chiêu Từ Hoàng thái hậu (昭慈皇太后).
Cuộc đời của bà, ấu thơ có nhiều điều buồn tủi, cơ cực nhọc nhằn, song chính nhờ vào đức độ cùng phẩm hạnh mà bà được mọi người yêu mến. Trong chốn cung cấm, nơi mà chuyện ganh ghét nhau thành điều bình thường, thì việc Trần thị được Hoàng hậu yêu thương lại là chuyện khiến người ta phải cảm thán. Vốn có câu thiên mệnh khó tránh, nhưng cũng không phải tự dưng lại nói nhân định thắng thiên. Con người vốn dĩ chịu mệnh trời, nếu có thể dùng đức độ để cảm hoá, dùng chữ nhân để tồn tại, thì ắt sẽ nhận được chuyện lành mà thôi. Lấy đức nhân mà thắng được tham tàn, ấy mới là thượng sách vậy.
