Bà ngoại năm 20 tuổi đã gả cho ông ngoại.
Năm đó, bà dạy môn toán ở trường trung học trong thôn. Điều kiện dạy học ở thôn khá là sơ sài, tổ ngữ văn và tổ toán được bày trí trong cùng một văn phòng. Một ngày của năm học mới, hiệu trưởng dẫn một anh chàng mắt to mày đậm vào giới thiệu với mọi người: “Đây là thầy Lý mới tới, sau này thầy sẽ phụ trách dạy môn ngữ văn khối lớp 8.” Sắp xếp xong, hiệu trưởng nhờ bà ngoại dẫn thầy Lý đi làm quen với môi trường mới. Ừ, thầy Lý này chính là ông ngoại của tôi.
Trans: Chắc chắn sẽ có bạn thắc mắc vì sao 20 tuổi mà được làm giáo viên. Nguyên văn là như vậy đó, bỏ qua nha, cứ đọc tiếp thôi, phần tuổi tác không quan trọng đâu!
Bà ngoại nhận nhiệm vụ dẫn ông ngoại đi tham quan khắp mọi nơi. Tướng tá ông ngoại hơi gầy, cao hơn bà cả một cái đầu, nhưng khi đi bên cạnh bà ngoại thì ông có hơi hoang mang, lo lắng. Bà ngoại nghĩ chắc là ông rời xa nhà đi dạy học, không có người thân bên cạnh nên mủi lòng an ủi: “Thầy Lý đừng lo, mọi người ở thôn chúng tôi dễ gần lắm.”
Ông ngoại đột nhiên ngước lên, hai tay nắm chặt, nhìn bà: “Cô giáo Tiêu, có nguyện lòng cùng tôi gắn kết tơ duyên hay không?”
Bà ngoài bị ngớ người trước câu thổ lộ cầu hôn bất ngờ như vậy, sau đó thì bà cười lớn lên, “Chuyện kết hôn đâu thể nói ra dễ dàng như vậy được ạ.”
Ông ngoại không nhục chí, mỗi ngày đều mượn cớ công việc để đến tìm bà ngoại thảo luận, đôi khi còn lấy danh nhà bà ngoại có nhiều sách quý nên muốn đến nhà thăm hỏi, có lúc lại lấy cớ mình là người ngoài vùng đến đây sống một mình nên nhờ bà chỉ điểm cho vài phương pháp. Cứ như thế, ông ngoại đã cưới được “mỹ nhân” về nhà.
Theo tôi nhớ, ông ngoại là một người nói chuyện rất nhiều. Chắc là vì dạy ngữ văn đó mà, nói chuyện với mấy người nhỏ tuổi hơn thường diễn giải đến mấy chuyện kinh điển, nhưng thường thì chỉ có cơ hội thể hiện sự uyên bác của mình được một nửa mà thôi, sau đó đều là bị bà ngoại kéo đi: “Nói ba cái thứ đạo lí này làm gì, phiền quá.” Ông ngoại cũng cười cười, nương theo bà ngoại kéo đi.
Những ngày thường, bà ngoại phụ trách mua thức ăn, ông ngoại sẽ nấu ăn. Mỗi lúc đến thời gian chuẩn bị bữa tối đều sẽ nghe thấy tiếng ông càm ràm từ nhà bếp: “Bà nói xem, mua cải gì mà không có tươi gì hết, lớn như thế rồi mà không biết cách lựa rau.”
Tám năm trước, ông được chẩn đoán là bị bệnh Alzheimer. Ông thường kéo bà đến nói chuyện, mỗi lần nói là nói hết cả ngày mới chịu. Mọi người cũng hiểu là ông sợ sẽ quên đi những chuyện muốn nói. Bà cũng lo lắng cho ông, nhưng cố tỏ ra không có chuyện gì xảy ra.
Người nhà đưa ông đi bệnh viện, lấy thuốc, nhưng bệnh tình vẫn ngày một nặng hơn, trí nhớ cũng giảm đi từng ngày.
Hai năm trước, tôi về thăm nhà. Ông ngoại nhìn tôi, một ánh nhìn mông lung vô định. Bà an ủi: “Ông còn không nhớ rõ mẹ con nữa kìa, con đừng để trong lòng nhé”. Đến năm nay, ông đã quên bà luôn rồi.
Lễ 1/5, tôi về nhà. Hôm ấy, bà ngoại bệnh phải nhập viện. Nguyên nhân là vì lao lực quá sức, bà chăm sóc cho ông, không muốn để người khác đến giúp. Ba ngày sau, bà xuất viện. Lúc bà vào phòng, bố tôi vừa mới lau người cho ông ngoại xong, đẩy xe lăn chuẩn bị đưa ông ra ngoài tắm nắng. Ông ngoại nhìn thấy mấy người “xa lạ” bước vào, sau đó nhìn chăm chú vào bà ngoại. Tôi cũng hiểu là ông đã quên mất mọi người rồi, càng đáng sợ hơn là ông còn hỏi bà là ai nữa cơ. Bà thật sự không thể chịu nổi khi chứng kiến cảnh đó.
Tôi định mở miệng để giải vây thì ông ngoại đột nhiên cất lời: “Cô gái này, xin thứ lỗi cho sự đường đột của tôi. Xin hỏi, cô có nguyện lòng cùng tôi gắn kết tơ duyên hay không?”
Mẹ nghe vậy thì bật khóc thành tiếng. Chúng tôi cũng đỏ hồng nơi khóe mắt. Duy chỉ có bà ngoại là cười lên. Bà nhẹ nhàng đi đến bên ông, ngồi xuống đối diện với ông, từ tốn và trịnh trọng gật gật đầu.
