Chào cả nhà,

Chủ nghĩa khắc kỷ

Hôm nay mình tiếp tục review thêm một quyển sách về “triết lý sống” đó là “Chủ nghĩa khắc kỷ”.

Chủ nghĩa khắc kỷ là một triết lý sống cổ xưa phổ biến và thành công nhất thời La Mã cổ đại, tuy nhiên ngày nay nó hoàn toàn thiết thực và phù hợp với bất cứ cá nhân nào mong muốn một cuộc sống vừa ý nghĩa vừa trọn vẹn.

Với cá nhân thì mình đang áp dụng một vài triết lý của chủ nghĩa khắc kỷ và tâm lý học Adler làm triết lý sống, cả hai có nhiều nét tương đồng và mình đã chọn lọc cho riêng mình một triết lý sống phù hợp được góp nhặt từ hai triết lý đó. Mỗi người trong chúng ta cũng có thể chọn lọc một triết lý phù hợp cho bản thân mình.

Cũng giống với Thiền tông, các nhà khắc kỷ cho rằng một cuộc sống thanh thản là điều quý giá nhất và họ vạch ra các chiến lược để đạt được sự thanh thản:

– Các nhà khắc kỷ cho rằng hai nguồn bất hạnh chính của con người: sự tham lam vô độ và khuynh hướng bận tâm đến những việc ngoài tầm kiểm soát. Để chế ngự lòng tham vô độ, các nhà khắc kỷ khuyên ta thực hành tưởng tượng tiêu cực, chúng ta nên chiêm nghiệm về tính vô thường của mọi sự. Chúng ta tưởng tượng rằng mình đánh mất những thứ mà ta trân quý nhất bao gồm những người thân yêu và của cải, nếu làm vậy chúng ta sẽ biết trân trọng những thứ mà ta đang có, và bởi vì ta trân quý nên sẽ ít khả năng nảy sinh ham muốn những thứ khác. Nếu những điều không may xảy đến, ta sẽ ít cảm thấy đau buồn và không cảm thấy nuối tiếc do ta đã hết lòng trân trọng những thứ mà ta từng có, ta sẽ không cảm thấy đau buồn và hối tiếc vì đã không làm tròn bổn phận vốn có của mình.
– Để hạn chế xu hướng lo lắng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, các nhà khắc kỷ khuyên chúng ta phân loại các yếu tố trong cuộc sống và sắp xếp thành 3 loại: những thứ mà ta không có quyền kiểm soát, những thứ ta có toàn quyền kiểm soát và những thứ ta có thể kiểm soát một phần. Khi phân loại như vậy, chúng ta đừng nên bận tâm những việc ta không thể kiểm soát, thay vào đó ta dành thời gian của mình để giải quyết những việc mà mình có thể kiểm soát. Cách hạn chế lo lắng này cũng tương tự như việc “phân chia nhiệm vụ” của tâm lý học Adler đó là làm đúng nhiệm vụ và thực hiện một cách tốt nhất có thể các nhiệm vụ của mình. Vd khi gặp một người mà ta yêu mến, đây là mối quan hệ mà ta chỉ có thể kiểm soát một phần, qua những hành động của ta. Việc người kia có yêu mến ta hay không thì ta không thể kiểm soát, việc của ta chỉ là “nội tại hoá mục tiêu” có thể kiểm soát của mình. Nghĩa là ta không thể đặt mục tiêu đòi hỏi người kia phải yêu lại mình, thay vào đó ta nội tại hoá bản thân, nỗ lực hành xử một cách yêu thương nhất trong khả năng của mình dù cho kết quả có như thế nào. Làm được như thế ta sẽ không thấy quá đau khổ nếu kết quả không như ý muốn, bởi vì ta đã nỗ lực hết khả năng mình, ta đã cho đi những điều tốt đẹp và sự mất mát có chăng chỉ là chưa có “người xứng đáng” nhận được nó mà thôi.

– Các nhà khắc kỷ khuyên ta đơn giản hoá lối sống, cũng tương tự như việc “tự nguyện chịu khổ”. VD: thay vì đi xe máy thì ta đi xe đạp hoặc xe bus, thay vì ăn thức ăn ngon (có hại cho sức khoẻ) thì ta ăn chay hay ăn uống lành mạnh để có sức khoẻ tốt… Khi chúng ta đơn giản hoá lối sống của mình thì những ham muốn của ta sẽ thay đổi chóng mặt, ta không còn thèm muốn nhiều thứ mà trước đây ta từng xem là thiết yếu để sống, đó là nhờ ta phát triển được khả năng tận hưởng những niềm vui đơn giản của cuộc đời.

– Với các mối hiềm khích xảy ra trong các mối quan hệ, các nhà khắc kỷ chọn cách đáp trả bằng cách tự cười vào chính mình trước những bất hoà. Chẳng hạn ai đó nói bạn lười biếng, bạn đơn giản đáp lại rằng: “việc tôi hoàn thành xong bất cứ việc gì đó là một điều kỳ diệu”. Bằng cách phản hồi như vậy, ta đã truyền thông điệp cho người kia biết rằng ta đủ tự tin vào bản thân và không bị ảnh hưởng bởi những lời phê bình đó. Việc từ chối tham gia vào những mối hiềm khích, bất hoà như vậy sẽ gây khó chịu cho người tấn công ta hơn là chính bản thân ta.

– Những nhà khắc kỷ luôn có ý thức vượt qua bản thân – chiến thắng nỗi sợ hãi, tính lười biếng, sự thiếu kỷ luật của bản thân, sẵn sàng đương đầu và đón nhận mọi sự. Họ sống có trách nhiệm với cộng đồng, họ không sợ cái chết hay sự đày ải – những việc khiến con người ta chùn bước không thể ngăn trở họ. Đối với con người hiện đại thường cảm thấy không có gì đáng để đánh đổi mạng sống, họ không dành năng lượng của mình để thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng bất chấp hậu quả xảy ra và cũng không đứng lên vì lương tri để rồi chuốc lấy rắc rối, họ dùng năng lượng để làm tất cả những thứ đảm bảo cho sự hưởng thụ trần tục của họ được tiếp tục. Liệu một cuộc sống mà không có điều gì đáng để ta xả thân thì có còn là một cuộc đời đáng sống ?

Chủ nghĩa khắc kỷ là liều thuốc cho những căn bệnh: sự lo âu, buồn đau, sợ hãi và nhiều cảm xúc tiêu cực khác ngăn không cho ta sống cuộc đời tươi vui. Bằng cách thực hành các kỹ thuật khắc kỷ như trình bày ở trên, chúng ta có thể chữa lành căn bệnh, sống đức hạnh và nhờ đó có được một cuộc sống tốt đẹp, thanh thản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *