CÂU CHUYỆN VỀ NHÀ TÂY SƠN: ĐÔNG ĐỊNH VƯƠNG NGUYỄN LỮ

Nguyễn Lữ sanh năm Giáp Tuất (1754), tại làng Kiên Mỹ, huyện Tuy Viễn. Là em thứ ba sau Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Lớn lên theo hai anh xuống Bàng Châu thụ giáo Đinh Công hai năm rồi lên An Thái, theo học văn lẫn võ cùng thầy Trương Văn Hiến.

Vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, ông cũng đã học hết các môn võ và chuyên về môn miên quyền.

Môn miên quyền còn gọi là nhu quyền, là một môn võ nghệ chuyên dùng sức nhẹ để thắng mạnh, hợp với phụ nữ và những người thích võ nhưng tính ôn hòa. Phần đông đều dùng nhu quyền để tự vệ hơn tấn công.

Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến chân truyền cho môn miên quyền. Môn này cũng là món sở trường của Trương Công. Ngoài ra, Nguyễn Lữ cũng chuyên về kiếm, nhờ ở sự phối hợp giữa miên quyền và kiếm thuật, ông Lữ đã nổi danh về môn nhu kiếm. Kiếm của ông nhẹ và mỏng nhưng lại sắc bén vô cùng nhờ ở biết thế nương vào sức mạnh của địch mà đánh trả, nên tuy kiếm mảnh mà không đao búa nào đánh gãy được.

Về văn học, ông lại ham thích nghiên cứu về tôn giáo, cho nên khi cha là Nguyễn Phi Phúc qua đời, Nguyễn Nhạc về nối nghiệp cha thì Nguyễn Lữ cũng thôi học, xuất gia theo minh giáo, tục gọi là đạo Ma Ní, dùng phù phép để chữa bệnh, trừ tà như đạo phù thủy. Đạo minh giáo thờ thần lửa gần giống với sự thờ cúng của các dân tộc ít người tại Tây Sơn thượng. Đạo Ma Ní rất thịnh hành ở Tây Sơn thượng, nên ông Lữ qua việc truyền giáo đã quen biết rất nhiều các tộc trưởng, nhiều bộ lạc, người dân tộc thiểu số như sắc tộc Xà Đàn (Sédang), Ra Đê (Rhadé), Gia Rai (Djarais) v.v…

Ông Lữ đi truyền đạo cũng như chữa bệnh cho mọi người khắp vùng Tây Sơn. Nhân dân thường gọi ông là Thầy Tư Lữ.

Trên đường hành đạo, ông Lữ nhờ đức tính hiền hòa cộng với sự tin tưởng vào bản thân tuyệt đối, hòa với võ công đặc biệt là môn miên quyền mà ông đã vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy. Khi gặp phải bọn côn đồ, không thể dùng lời lẽ ôn tồn khuyên răn, ông đã dùng đến vũ lực để chinh phục. Nhờ môn miên quyền mà ông đã thu phục được nhiều kẻ anh hùng, vũ dũng, sống ngoài vòng cương tỏa của xã hội, sau này trở thành tướng sĩ của nhà Tây Sơn.

Khi Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, ông trở về cùng anh chung lo việc nước.

Một phần lớn nhờ ở ông đi thuyết phục mà các sắc tộc miền Tây Sơn thượng theo về với nhà Tây Sơn. Việc thu phục được tộc trưởng Bốc Kiơm, ông đã dự vào một phần lớn.

Khi Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Vương thì Nguyễn Lữ được giao trọng trách lo về kinh tế, tài chánh, cùng với Nguyễn Thung và Bùi Thị Xuân.

Nguyễn Thung là một phú nông ở thôn Thuận Nghĩa, sát Kiên Mỹ, là một thôn trù phú. Nguyễn Thung tuy là một phú nông, song kinh sử đều thông thuộc. Tánh tình hào phóng, nhân hậu. Trong nhà tân khách luôn luôn tấp nập. Biết võ nghệ, sở trường về môn trường tiên. Kết giao với nhiều tay anh hùng như ba anh em Tây Sơn, Võ Văn Dũng v.v… là nhân vật đến với nhà Tây Sơn từ thuở ban đầu. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Thung đã đem tất cả tài sản ủng hộ nghĩa quân. Giữ nhiệm vụ vận tải, tiếp tế quân lương, ông được phong Tán Tương Quân vụ, lo ở mặt Bắc, còn Nguyễn Lữ lo mặt Nam.

Lúc tổng hành dinh dời lên Tây Sơn thượng, Nguyễn Lữ vẫn ở lại Tây Sơn hạ, tiếp tục đôn đốc sản xuất. Khi cần đến kế hoạch “thượng vận”, ông mới lên cùng Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn thượng. Ông là người có công đầu trong việc liên kết các sắc tộc với nhà Tây Sơn, vì ông vừa giỏi tiếng dân tộc vừa là nhà truyền giáo rất thích hợp với tôn giáo người miền Tây Sơn thượng.

Trong việc chinh phục tộc trưởng Bốc Kiơm của tộc Xà Đàng ông Lữ là người tham mưu cho ông Nhạc, cũng như việc liên kết với tộc Ba na trong rừng Mộ Điểu.

Để nâng cao uy danh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ dành mọi thực thi kế hoạch cho Nguyễn Nhạc. Kết quả các bộ tộc Tây Sơn thượng tôn Nguyễn Nhạc là vua trời.

Nguyễn Lữ đã cùng anh đi rộng lên Kontum, Pleiku. Đi đến đâu, thuyết phục người dân tộc đến đó và rất được đồng thanh liên kết. Trên bước đường đi liên minh cùng các sắc tộc vùng cao, Nguyễn Lữ cũng đã tuyên truyền cho đạo thần lửa của mình và tài nghệ dùng lá cây chữa bệnh đã giúp ông thu nhiều kết quả.

Ngày rằm tháng tám năm Quí Tỵ (1773), Tây Sơn khởi nghĩa. Nguyễn Lữ được phong Tán Tương Quân vụ lo việc tiếp tế lương thực.

Sáng ngày 16, Nguyễn Lữ đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực tại chân núi Đồng Phong, thôn Trinh Tường để đón tiếp đại quân xuất phát từ núi Bà Phù đêm hôm trước. Tại đây, tướng sĩ dừng chân, ăn uống no nê rồi đi thẳng một mạch xuống Tuy Viễn. Binh đi như gió cuốn. Mặt trời lên cao thì huyện lỵ đã bị bao vây. Tiếng quân hò reo vang trời. Tri huyện Tuy Viễn trốn chạy, binh sĩ trong huyện đầu hàng. Cho là nhờ ăn no, lãnh lương đầy đủ tại núi Đồng Phong, nên quân Tây Sơn chiến thắng dễ dàng. Do đó nhân dân gọi núi Đồng Phong là Hòn Lãnh Lương và gọi tắt là Hòn Lương.

Cuối thu năm ấy, sau khi chiếm được Quy Nhơn, đuổi chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Văn Lộc, Võ Văn Cao đi vào Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận để xem xét tình hình và liên lạc với hai vua Thủy Xá (Potau Ea) và Hỏa Xá (Potau Apui) để liên minh và cổ động đồng bào địa phương hưởng ứng cuộc Nam chinh.

Thủy Xá và Hỏa Xá là con cháu vua Chiêm Thành, chiếm cứ các sơn phần Phú Yên, Diên Khánh và vùng đất cao nguyên Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột, lâu nay không thuần phục chúa Nguyễn. Tuy được phong chức Chưởng Cơ, nhưng từ chối không nhận. Vì cùng một tín ngưỡng, nên hai vua tiếp đón Nguyễn Lữ và phái đoàn rất niềm nở. Nguyễn Lữ hứa sẽ phục hồi danh vị là Phiên vương khi bình định xong miền Nam, nên hai vua rất vui mừng và hứa sẽ giúp đỡ quân Tây Sơn khi Nam tiến. Đồng thời, mọi tầng lớp nhân dân ở Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận nguyên đã chán ghét quan quân nhà Nguyễn chỉ lo bóc lột nhân dân, không nghỉ gì đến an nguy của quốc gia, nên ai nấy đều mong có cuộc đổi thay.

Nguyễn Lữ nắm được tình hình miền Nam, liền về phúc trình các điều kiện thuận tiện trong kế hoạch chinh Nam.

Mùa đông năm ấy, quân Tây Sơn chiếm được 3 phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận.

Mùa xuân năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Lữ và Phan Văn Lân được cử đem thủy quân vào đánh Gia Định. Quân Nguyễn Lữ vào đánh Sài Côn, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần khiếp sợ chạy về Trấn Biên (Biên Hòa). Tướng sĩ mở cửa thành đầu hàng. Quân Tây Sơn kéo vào thành, Nguyễn Lữ cho khuân hết vũ khí, lương thực thu được xuống thuyền rồi sai Phan Văn Lân trở về Quy Nhơn, còn mình ở lại giữ Gia Định.

Sang năm Bính Thân (1776), Đỗ Thành Nhân ở Đông Sơn dấy binh giúp nhà Nguyễn, kéo quân đánh Sài Côn. Nguyễn Lữ không chống cự nổi bỏ thành, rút quân về Quy Nhơn.

Tháng 3 năm Định Dậu (1777), Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định, hạ thành Sài Côn giết Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương, rồi kéo binh về Quy Nhơn.

Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc xưng đế, Nguyễn Lữ được phong làm Tiết chế. Trong nam, Nguyễn Phúc Ánh sau khi chiếm lại Gia Định cũng xưng vương.

Đầu năm Quí Mão (1783), Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Huệ và các tướng Lê Văn Hưng, Trương Văn Đa vào đánh tan quân nhà Nguyễn, thu phục lại đất Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn ra Phú Quốc. Quân Tây Sơn rút về Quy Nhơn.

Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Lữ đem thủy binh hợp cùng bộ binh của Nguyễn Huệ ra đánh Thuận Hóa. Thành Phú Xuân hạ xong, Nguyễn Lữ cùng với Võ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Lộc tiến quân đánh lấy các doanh trại thuộc Quảng Trị, Quảng Bình. Bình định xong Thuận Hóa, Nguyễn Lữ ở lại trận thủ, còn Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long.

Dẹp yên chúa Trịnh ở Thăng Long, đánh đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia định, vua Thái Đức phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, quản lý đất Gia Định từ Bình Thuận đến Hà Tiên (1787).

Đông Định vương đóng quân tại thành Sài Côn. Vương chỉ là người có đức độ, không có tài trị nước yêu dân. Khi cầm binh đánh dẹp, phần lớn nhờ công của các tướng tá phụ giúp và nhất là nhờ tài ba của người anh thứ hai là Nguyễn Huệ. Cho nên khi trọng nhậm ở Gia Định, phần thì đất rộng dân thưa, các tướng tài ở đất Quy Nhơn vào phò tá chết già, chết bệnh gần hết. Hơn nữa, ở miền Nam, người dân phần lớn lại trung thành với nhà Nguyễn, nên các tướng của nhà Nguyễn nương nơi lòng dân, chiếm đóng nhiều nơi hiểm yếu, làm cơ sở kéo binh quấy phá thường xuyên. Trong xứ mất an ninh. Lòng người ly tán.

Tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Phúc Ánh ở Xiêm La, dò biết được tình hình, nên xuống thuyền về nước. Các tướng tá vây cánh cũ đem quân ra giúp. Tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham chống cự không nổi, bỏ thành Sài Côn, sang đóng ở Ba Thắc. Đông Định vương xuống thuyền chạy về Quy Nhơn, chịu tội với anh. Rồi lên ngựa trở về Kiên Mỹ thăm lại cố hương.

Trong cuộc chia tay lần cuối, Nguyễn Lữ đã trình bày cùng Nguyễn Nhạc:

– Nhà Tây Sơn đã dựng nên nghiệp lớn nhờ ở thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nguyễn Phúc Ánh ở miền Nam cũng có được ba yếu tố đó. Ta tuy đánh chiếm được Gia Định, song vì xa Trung ương, người dân miền Nam lòng vẫn nhớ nhà Nguyễn. Khi ta mạnh thì theo ta, khi địch mạnh thì theo địch, ta chưa đủ nhân tài để chinh phục nhân tâm, vì đất rộng người thưa. Đóng giữ Gia Định chỉ là tạm thời. Bình định miền Nam mới là chính yếu. Đệ chỉ là một người hèn mọn, chỉ giúp huynh được một thời, còn tính kế bền lâu thì không đủ khả năng. Thân đã mệt mỏi vì chiến chinh, trí vẫn còn vương vấn đến nguồn đạo vĩnh cửu. Đệ chỉ có mấy lời tâm sự, xin vương huynh hiểu thấu tấm lòng.

Nguyễn Nhạc ứa nước mắt tiễn em lên đường.

Từ đấy, mây ngàn hạc nội, không còn ai biết rõ thầy Tư Lữ ở đâu.

http://www.baobinhdinh.com.vn/642/2003/11/6949/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *