Cẩm nang cho những kẻ tay trắng mộng mơ: Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm

Có ước mơ, dám hành động, tự tin, khiêm tốn, biết hi sinh và sáng tạo là những phẩm chất cần có với bất kì kẻ tay trắng mộng mơ nào. Cứ ra khỏi vùng an toàn ấm áp, rồi bạn sẽ biết cách tạo nên một trang sử cho riêng mình.

Cuốn tự truyện Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm của tác giả Kim Woo Choong là cuốn sách của một nhà kinh doanh nổi tiếng – cựu Chủ tịch và là người sáng lập ra Tập Đoàn Daewoo – Hàn Quốc – muốn gửi những tâm tư của ông cho thể hệ trẻ.

Cuốn sách sẽ đem lại cho thế hệ trẻ niềm tin vào cuộc sống hôm nay, như Kim Woo Choong viết: “vì thanh niên là hy vọng và ước mơ của chúng ta, tôi từ lâu đã muốn chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình để giúp họ đi đến thành công một cách dễ dàng hơn”.

Lịch sử thuộc về những người dám mơ ước

Tuổi trẻ quá ngắn ngủi để ta có thể hoang phí vào những thứ hời hợt bên ngoài. Khi bạn già đi, bạn sẽ phải nuối tiếc cả giờ đồng hồ về mỗi phút bạn đang lãng phí khi còn là thanh niên.

 

Kim Woo Choong luôn nghĩ như thế, và với suy nghĩ ấy, ông đã tận dụng tốt quãng thời gian tuổi trẻ để thoát khỏi mọi khuôn khổ và thực hiện ước mơ của chính mình. Ông quan niệm, trong mọi điều gắn liền với tuổi trẻ, thì ước mơ là quan trọng nhất. Đó là nguồn động lực tiềm ẩn có thể thay đổi cả thế giới nếu biết khơi gợi đúng cách. 

Nhưng có ước mơ không thôi thì chưa đủ, ước mơ cần đi kèm cả hành động.

Lịch sử sẽ không thuộc về những người dám mơ ước nếu tất cả những gì người đó làm là mơ. Lịch sử thuộc về những người dám thoát ra khỏi cơn mơ để biến nó thành hiện thực. Kim Woo Choong đã đánh đổi tuổi trẻ, mồ hôi và cả nước mắt để viết nên trang sử oanh liệt của riêng mình – trang sử của một người luôn trân trọng sức mạnh và phẩm chất nội tại.

Thế giới không cần những người trông lúc nào cũng bảnh bao. Thế giới cần những người có năng lực thật sự, những người luôn được hoan nghênh ở mọi nơi họ đến.

Bài học từ thế giới của loài nhện

Có một loài nhện biết khéo léo đẻ một số lượng trứng rất lớn vào lớp vỏ cây và ngụy trang bên trên bằng lớp mạng. Sau một thời gian, lũ nhện con nở ra, và nhện mẹ, không hề nghĩ đến bản thân, bắt đầu công việc tìm thức ăn cho đàn con giống như tất cả mọi loại động vật và côn trùng. Tuy nhiên, khi nhện con cứng cáp để tự bắt mồi, nhện mẹ kiệt sức mà chết. Kì lạ hơn nữa, ở loài nhện khác, thực tế nhện mẹ còn tự làm thức ăn cho các con của mình.

Bài học rút ra từ loài nhện được Kim Woo Choong đúc kết: sự nỗ lực của các thế hệ hiện tại sẽ tạo nên sự thịnh vượng cho một thế hệ tương lai. Và động lực cao đẹp này sẽ trở thành nhân tố giúp phát triển cả một đất nước. Con người luôn bận rộn đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân. Con người sẽ tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống, khi họ sống vì điều cao đẹp hơn chính bản thân mình. Đó là điều Kim Woo Choong muốn nhắn nhủ tới mọi thế hệ trẻ, sau những năm tháng thăng trầm đầy trải nghiệm của mình.

Việc bỏ lại cái tôi bao giờ cũng khó, cái tôi là thứ kén dai dày mà mọi chú bướm phải lột bỏ nếu muốn sống trong một thế giới rộng lớn hơn. Những người trẻ tuổi cũng vậy.

Ngoài kia là thế giới rộng lớn

Ngoài kia là thế giới rộng lớn đang chờ đợi, và có rất nhiều việc phải làm. Những người trẻ cần là những người tiên phong, đặt bước chân trên những con đường hoang sơ nhất, thậm chí là đặt chân đến cả những nơi không có đường. Lỗ Tấn đã từng nói: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi.” Và với Kim Woo Choong, những người trẻ sẽ là những người “đi mãi” ấy.

Tất nhiên, việc gặp nguy hiểm trong những chuyến đi như thế là không thể tránh khỏi. Nhưng đó là cái giá của việc tự viết một trang sử cho riêng mình.

Trên hết, Kim Woo Choong muốn những người trẻ ghi nhớ rằng, đừng bao giờ tự hài lòng với bản thân dù đã đặt được những bước chân đầu tiên trên con đường của một vùng đất mới. Đoạn đường nối tiếp vẫn còn quá dài, và sự tự mãn sẽ sớm trở thành chướng ngại vật khổng lồ nếu bất kì ai để nó nảy nở quá sớm trong tâm hồn.

Khi ta định hướng cho mình một con đường, một hướng đi thì điều cuối cùng là ta làm được hay không và làm như thế nào cho đạt. Cuộc sống vốn dĩ là một cuộc hành trình mà đích đến là sự hoàn thiện.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *