Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân nam 60 tuổi bị tai nạn lao động đa chấn thương, vỡ gan độ IV nguy kịch nhờ can thiệp nút mạch gan.
Bệnh nhân là ông H.Đ.L (60 tuổi), phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị ngã đập thành trước ngực bụng xuống nền cứng. Sau ngã, bệnh nhân bị đau nhiều vùng ngực bụng được gia đình đưa vào viện cấp cứu.
Sau khi vào, các bác sĩ tại bệnh viện đã nhanh chóng thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả siêu âm, CT scanner ổ bụng cho thấy hình ảnh chấn thương gan độ IV, chấn thương lách độ II, gãy xương sườn và có nhiều dịch trong ổ bụng.
Trước nguy cơ bệnh nhân có thể tử vong do shock mất máu, kíp trực cấp cứu bệnh viện đã hội chẩn liên khoa: Ngoại – Điện quang can thiệp – Hồi sức tích cực thống nhất nút mạch cầm máu điều trị vỡ gan.
Bác sĩ Lê Tiến Hưng, Trưởng Đơn Nguyên điện quang – can thiệp (Bệnh viện Bãi Cháy) đã tiến hành can thiệp nút mạch thành công cho bệnh nhân sau gần 1 tiếng đồng hồ, giúp cầm máu nhanh chóng cho bệnh nhân.
Hiện tại, sau 1 ngày can thiệp sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt, mạch, huyết áp ổn định.
Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Gan là tạng đặc có thể tích lớn trong cơ thể, trong chấn thương bụng kín vỡ gan chiếm tỉ lệ gần 68%.
Vỡ gan có nhiều mức độ khác nhau nếu không phát hiện và xử trí kịp thời dẫn đến chảy máu ổ bụng làm bệnh nhân bị sốc do mất máu và dễ dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, đặc biệt gan chứa rất nhiều mạch máu. Nếu gan bị vỡ rất dễ bị mất máu nhanh, vì vậy cần phải được điều trị kịp thời tránh để lâu nguy hiểm đến tính mạng người bệnh”.
Theo bác sĩ Hưng, khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách… do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sinh hoạt, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương. Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu (không phải gây mê) như hiện nay, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ,…
Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu với nhiều ưu điểm như: thời gian thủ thuật ngắn, cầm máu được tức thì, hạn chế tối đa xâm lấn giúp tổn thương ở gan mau hồi phục để bệnh nhân nhanh chóng được xử lý những tổn thương khác.