BISMARCK VÀ CÂU CHUYỆN NHÀ NƯỚC MỚI TẠI CHÂU ÂU

Bismarck là một thủ tướng của nước Phổ, công quốc phía bắc cảu nước Đức. Ông là một người thông minh phi thường với ý chí sắt đá. Ông không bao giờ để lạc mất mục tiêu của mình và không hề e ngại nói với vua William I của nước Phổ chính xác  những gì ông nghĩ trong đầu. Ngay từ đầu, Bismarck chỉ mong muốn một điều: phát triển nước Phổ hùng mạnh và sử dụng sức mạnh đó để xây dựng một đế chế Đức từ những mảnh rời của liên bang Đức. Vì điều này, Bismarck tin tưởng rằng nhiệm vụ sống còn là phải có một quân đội hùng cường. Ông là người đã đưa ra phát biểu nổi tiếng rằng những vấn đề vĩ đại của lịch sử không được quyết định bởi những bài diễn văn mà bởi máu và sắt. Các dân biểu của Phổ không sẵn lòng cho ông rút từ tiền thuế một khoản khổng lồ mà ông cần cho quân đội, vì vậy, vào năm 1862, ông đã thuyết phục nhà vua hạ chỉ trái với hiến pháp và ý nguyện của quốc hội. Nhà vua e rằng mình sẽ phải chịu cùng số phận với vua Charles I của nước Anh vì không giữ lời tuyên thệ, hoặc như vua Louis XVI của nước Pháp. Nhà vua phải quay sang Bismarck, đang cùng đi trên một toa tàu, nói: “Ta thấy trước việc này sẽ đi đến đâu. Trên quảng trường Nhà hát Lớn, họ sẽ chặt đầu ông ngay dưới cửa sổ của ta, sau đó đến lượt chính ta.” Bismarck chỉ thản nhiên hỏi: “Rồi sao?” “Rồi cả hai chúng ta đều chết”, nhà vua đáp. “Đúng vậy”, Bismarck nói, “Rồi chúng ta sẽ chết, nhưng ta còn cái chết nào hay hơn nữa không?” Và chuyện tiếp theo là trái với ý nguyện của nhân dân, một đội quân khổng lồ được trang bị rất nhiều súng và đại bác, và nhanh chóng chứng tỏ giá trị của họ trước Đan Mạch.

     Với những lực lượng được rèn luyện và trang bị tốt, Bismarck tấn công nước Áo vào năm 1866, trong khi người Ý tấn công từ phía nam. Mục đính của ông là buộc hoàng đế Áo phải rời khỏi liên bang Đức, để cho nước Phổ trở thành một thành viên cường thịnh nhất của liên bang. Khi đó Phổ có thể lãnh đạo liên bang Đức. Tại Koniggratz, thuộc Bohemia, ông đánh bại quân Áo trong một trận quyết định và đẫm máu. Hoàng đế Franz Josef  phải nhượng bộ và nước Áo tách khỏi liên bang. Bismarck không đẩy thắng lợi của mình đi quá xa và không đòi hỏi điều gì thêm. Điều này khiến tướng tá sĩ quan của quân đội Phổ sôi sục nhưng Bismarck không lùi bước. Ông không muốn biến nước Áo thành kẻ thù vĩnh viễn. Nhưng không nói với ai, ông bí mật ký kết hiệp ước với các tiểu bang Đức khác, đảm bảo giữ được sự ủng hộ của họ trong bất kỳ cuộc chiến nào mà nước Phổ tham gia trong tương lai.

Cùng lúc đó tại Pháp, sự lớn mạnh của lực lượng quân đội Phổ khiến Napoleon III ngày càng lo lắng. Ông ta vừa thất bại trong một cuộc chiến tranh hoàn toàn ô ích với Mexico vào năm 1867 và rất e ngại người láng giềng đượcvũ trang kỹ lưỡng bên kia bờ sông Rhine. Trong mọi trường hợp, người Pháp chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với bất kỳ sự phát triển sức mạnh quân sự nào của nước Đức. Lúc vua William của nước Phổ đang ở trong một khu nghỉ dưỡng với suối nước nóng tại Ems thì đại sứ của Napoleon III xen vào buổi trị liệu của ông với một đòi hỏi hết sức kỳ quái. Thay mặt bản thân và con cháu mình, nhà vua Phổ phải soạn văn bản  để tuyên bố từ bỏ những vùng đất mà thậm chí ông ta chưa bao giờ chiếm đóng. Không chờ đợi sự đồng ý của nhà vua, Bismarck nắm lấy cơ hội và buộc Napoleon III phải tuyên chiến. Ngược lại với sự mong đợi của nước Pháp, tất cả các tiểu bang Đức đều tham dự, và tình thế nhanh chóng sáng tỏ rằng quân đội Đức được trang bị tốt hơn và được lãnh đạo tốt hơn quân Pháp.

     Tại một địa điểm mang tên Sedan, người Đức bắt giữ một số lớn tù binh Pháp, tình cờ trong đó có cả Napoleon III. Họ tiến về Paris, bao vây hàng tháng trời quanh một thành phố được phòng thủ cẩn mật. Thất bại của nước Pháp đồng nghĩa với việc quân đội Pháp đang bảo vệ giáo hoàng tại Roma phải rời đi, và điều này giúp cho vua nước Ý tìm thấy đường vào Roma. Tất cả sự việc diến ra hết sức phức tạp. Trong khi đó, Bismarck thuyết phục các vị vua và các quân vương Đức đề nghị với nhà vua Phổ, lúc này đang nghỉ tại điện Versailles, rằng ông nên chấp nhận tước hiệu hoang đế Đức. Bạn sẽ không tin những gì xảy ra tiếp theo. Vua William nhất quyết rằng tước hiệu của ông là hoàng đế của nước Đức, chứ không phải hoàng đế Đức, và mọi chuyện gần như đổ vỡ. Tuy nhiên, sau cùng, trong sảnh đường kỳ vĩ đầy những gương soi của điện Versailles, sự kiện thành lập đế chế Đức được long trọng tuyên bố. Nhưng hoàng đế mới được chỉ đinh, William I, giận dữ vì không có được tước hiệu mà ông ta muốn. Trước mặt tất cả mọi người, cố ý gây sốc, ông ta đi qua trước mặt Bismarck, từ chối bắt tay chính kẻ đã lập lên đế chế. Bất chấp điều này, Bismarck vẫn tiếp tục phục vụ ông, và phục vụ rất tận tình.

     Tại Paris, trong những tháng bị bao vây, một cuộc nổi dậy hãi hùng và đẫm máu của công nhân nổ ra, và sau đó bị đàn áp thậm chí đẫm máu hơn nữa. Số người chết trong cuộc nổi dậy này còn nhiều hơn toàn bộ cuộc Cách mạng Pháp cộng lại. Trong một thời gian dài sau đó, nước Pháp không còn quyền lực, và người Pháp buộc phải ký hòa ước. Họ phải trao một phần ssất nước cho người Đức (Alsace và Lorraine) cùng một lhoản tiền lớn. Vì Napoleon III đã cai trị quá tồi, ông ta bi người Pháp truất phế. Họ đã chán ngán với đủ loại đế vương và không bao giờ muốn có một vị vua nào nữa.

     Bismarck giờ đây là đại quan pháp, hay thủ tướng của đế chế Đức thông nhất, và cai trị với thẩm quyền rất rộng. Ông là một đối thủ đáng gờm của bất kỳ hoạt động xã hội chủ nghĩa nào do Karl Marx khởi xướng, nhưng ông biết rõ điều kiện sống thảm hại của công nhân. Ông  tin rằng cách duy nhất để ngăn chặn sự lan tràn của học thuyết Marx là giảm bớt nỗi khổ cực của công nhân, để họ không bao giờ muốn lật tung toàn bộ đất nước. Vì vậy, ông thành lập các tổ chức hỗ trợ các công nhân bị ốm đau hay gặp tai nạn, những người đã có thể chết nếu không nhận được sự hỗ trợ. Ông làm hết sức mình để giảm bớt tình trạng bần cùng. Dù vậy, công nhân thời đó vẫn phải lao động 12 giờ mỗi ngày, kể cả Chủ nhật.

     Bismarck, với cặp lông mày rậm và vẻ nghiêm khắc quyết đoán, nhanh chóng trở thành một trong những người nổi tiếng nhất châu Âu, ngay cả kẻ thù của ông cũng đồng ý ông là một chính khách vĩ đại. Khi các dân tộc châu Âu muốn khởi động việc chia chác phần còn lại của thế giới, mà giờ đây dường như nhỏ hơn trước rất nhiều, họ gặp nhau tại Berlin 1878, và Bismarck chủ trì các cuộc thảo luận. Nhưng khi vị tân hoàng đế Đức lên ngôi, hai người liên tục xung khắc. Sau rất nhiều bất đồng với vị đại quan pháp của mình, William II không thể chịu đựng nổi nữa và bãi miễn ông. Lúc này Bismarck đã là một ông già, ông đã lui về nghỉ hưu tại điền trangcủa tổ tiên. Tại đây, Bismarck sống thêm vài năm nữa, ông liên tục gửi thông điệp đến các lãnh đạo mới của nước Đức cảnh báo họ về những hành vi sai lầm ngớ ngẩn mà họ phạm phải.

Ảnh: hocmai

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *