#VNMatyrDay #nonquora
Chào mọi người, mình biết hôm nay mới thứ 3 nên chưa phải là non-Quora day. Nhưng hôm qua là ngày Thương Binh Liệt Sĩ nên mình xin các admin được đăng bài để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh.
Bài viết được viết và đăng trên trang cá nhân của Bao Anh Thai
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10157834996633323&id=550138322
Mai là ngày thương binh, liệt sỹ. Post lại
“Trên đường đi về nghe đài phát “Bài ca không quên” mà tự nhiên như bị ám ảnh, không thể không nghe lại.
Tôi nhớ một lần nhậu ở Biên Hoà với một anh khách hàng. Người đàn ông đó sảnh sỏi trong thương trường và thuộc loại gan lỳ số một. Thế nhưng khi nhậu đã sương sương, anh ôm đàn và hát “Bài ca không quên”. Tôi nhớ nước mắt anh chảy dài khi hát đoạn:
“Bài ca tôi không quên, tôi không quên, những mùa nước đổ
Bài ca tôi không quên, tôi không quên, em chống xuồng vượt qua pháo nổ
Chỉ một lần quen mà mang nỗi nhớ mênh mông”.
Tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông gan góc ấy khóc một cách chân thành, không xấu hổ. Sau này, tôi hỏi anh tại sao anh lại xúc động thế. Anh kể rằng hồi đợt 2 của Mậu Thân anh bị thương. Năm đó, ta tổn thất nặng, mặt trận vỡ mọi nơi. Đơn vị anh hy sinh gần hết. Anh và mấy người bị thương được giao liên và du kích chở xuồng ngược sông Đồng Nai về cứ. Chở xuồng cho anh là một cô giao liên. Cô 18 còn anh 19. Mỗi lần đạn bắn, cô lại chồm người lên chiếc xuồng ba lá lấy thân mình che cho anh. Và khi họ về gần cứ thì đoàn trúng pháo toạ độ. Anh nói là mỗi lần hát “em chống xuồng vượt qua pháo nổ” là anh thấy lại hình ảnh cô khi đó, gồng mình chống xuồng đi thật nhanh để qua vùng pháo toạ độ bất chấp miểng pháo bay hun hút. Bài hát như viết chính cho anh, cho cô. Và cũng như lời bài hát, chỉ một lần đó thôi anh thương cô. 6 tháng sau, lành vết thương, từ cứ anh lần về tìm cô. Người ta nói với anh rằng cô đã hy sinh ngay sau lần đưa anh về cứ, cũng con xuồng đó, cũng một trận pháo toạ độ, cũng thương binh, nhưng lần đó cô không qua được. Anh đứng nhìn mênh mông Đồng Nai và thấy lòng mình mênh mông nước trắng. Và sau này, mỗi khi hát “Bài ca không quên” anh khóc cho anh, cho mối tình một lần gặp mà nhiều năm vẫn nhớ, cho cô, cho các đồng đội đã bỏ mình trên mảnh đất Miền Đông.
Từ ngày đó, mỗi lần nhìn nước Đồng Nai chảy về Đông, và lang thang trên những con đường Miền Đông cũ, tôi không còn thấy đất chỉ là đất và nước sông chỉ là nước sông. Và hôm nay, nghe Cẩm Vân và Tùng Dương hát, tôi cũng muốn khóc cho thế hệ cha anh đã hy sinh để đất nước thống nhất. Và bây giờ, xin để Tùng Dương hát!”