LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (18)
“Khi Israel còn là một đứa trẻ…”
Hai chương đầu của Sáng Thế Ký
Tôn giáo của Israel là tôn giáo kinh sách. Những tập sao lục được cấu thành từ những văn bản của nhiều thời đại và định hướng khác nhau đại diện cho những truyền thống truyền miệng rất cổ nhưng được diễn giải, chỉnh lý, và tái cấu trúc suốt nhiều thế kỷ trong những hoàn cảnh khác nhau. Những tác giả hiện đại mở đầu lịch sử tôn giáo Israel với Abraham, người được Chúa chọn trở thành tổ tông của người dân Israel. Nhưng 11 chương đầu tiên của Sáng Thế Ký lại dành cho việc kể lại những sự kiện phi thường trước Abraham. Việc biên soạn những chương này được biết là muộn hơn nhiều phần khác của Ngũ Kinh.
Mở đầu nổi tiếng của Sáng Thế Ký: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” Hình ảnh của đại dương sơ khai có thần sáng tạo lơ lửng trên đó là cực kỳ cổ. Tuy vậy chủ đề thần bay lượn qua mặt nước thì không tìm thấy trong khởi nguồn vũ trụ của Lưỡng Hà, dù là thần thoại trong sách Enuma elish chắc là khá quan thuộc với tác giả của bản văn kinh thánh (đại dương sơ khai tiếng Do Thái là tehom, liên hệ về ngữ nguyên học với tiamat của tiếng Babylon). Sự sáng thế được thực hiện qua sức mạnh ngôn từ của Chúa. Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng. Các giai đoạn tiếp theo đều có được qua ngôn từ. Đại dương hỗn loạn không được nhân cách hóa (như Tiamat) và do đó không có “chinh phục” trận chiến khai sinh vũ trụ.
Đoạn tường thuật này giới thiệu một cấu trúc cụ thể: (1) sáng tạo bằng ngôn từ; (2) của một thế giới “thiện tính”; và (3) của cuộc sống (động vật và cây cỏ) “thiện tính” và được Chúa ban phước; (4) cuối cùng, việc sáng tạo vũ trụ được tôn lên bằng sự sáng tạo ra con người. Vào ngày thứ sáu và ngày cuối cùng, Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Không có chiến công hiển hách nào (trận Tiamat với Marduk), không có yếu tố “bi quan” nào nguồn gốc vũ trụ và nhân loại (thế giới tạo thành từ quái vật Tiamat; con người tạo ra từ máu của Kingu). Thế giới là “thiện” và con người là hình ảnh của Chúa, sống theo hình mẫu của Chúa trên thiên đường. Tuy nhiên Sáng Thế Ký sẽ sớm nhấn mạnh rằng cuộc sống là đau khổ dù là đã được ban phước bởi Chúa, và con người không được ở thiên đường nữa. Tất cả điều này là kết qủa của hàng loạt sai lầm của tổ tiên. Chính họ đã thay đổi điều kiện sống của con người. Chúa không chịu trách nhiệm về sự hư hỏng này. Cũng như tư tưởng Ấn Độ thời hậu Áo nghĩa thư (Upanishads), loài người là kết quả của chính hành động của họ.
Trương mục khác, mang tính Yahweh giáo,thì cổ hơn và khác biệt rõ ràng với những gì chúng ta vừa tổng hợp. Không còn câu hỏi về sự sáng tạo trời và đất mà là của sa mạc nơi Chúa (Yahweh) làm cho mầu mỡ bằng một dòng nước dânglên từ mặt đất. Yahweh nặn một người đàn ông (adam) từ đất sét và ban sự sống qua hơi thở “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Sau đó Yahweh “trồng một vườn cây ở Ê-đen,” và làm mội loại “cây trông thì đẹp, ăn thì ngon” mọc lên, và đặt con người vào khu vườn “để cày cấy và canh giữ đất đai.” Rồi vẫn từ đất Yahweh tô điểm thêm thú vật và chim muông và đem chúng đến với Adam, và Adam đặt tên cho chúng. Cuối cùng, sau khi gây mê chàng, Chúa lấy một cái xương sườn của chàng và tạo ra một người đàn bà, tên Eve (tiếng Do Thái là hawwah, một từ có ngữ nguyên liên hệ rất gần với “sự sống”).
Những nhà chú giải thấy rằng bản thuật lại đơn giản hơn của Yahweh giáo không phải sự đối lập giữa đại dương “hỗn loạn” với thế giới “định hình” mà giữa sa mạc và sự khô cằn với sự sống và cây cối sinh trưởng. Vậy nên có vẻ hợp lý khi cho rằng nguồn gốc huyền thoại này đến từ một vùng sa mạc. Việc tạo ra người từ đất sét thì chúng ta đã thấy tại Sumer. Những thần thoại tương tự cũng có mặt khắp ít nhiều khắp thế giới, từ Ai Cập cổ đại và Hy Lạp đến những người “nguyên thủy.” Ý tưởng cốt lõi dường như giống nhau: con người được tạo từ một vật chất cơ bản (gỗ, đất, xương) rồi được thần sáng thế thổi cho sự sống. Phần lớn trường hợp hình dạng con người là hình dạng của thần sáng tạo. Chúng đã thấy trong thần thoại Sumer, “hình dạng” và “cuộc sống” của con người chia sẻ cùng tình trạng với thần sáng thế theo cách nào đó. Chỉ có thân xác và thuộc về “vật chất.”
Việc tạo ra phụ nữ từ xương sườn của Adam có thể được phân tích như là chỉ ra sự lưỡng tính của con người ban sơ. Những quan niệm tương tự được chứng nhận ở những truyền thống khác, bao gồm cả những chú giải kinh thánh từ những nhà cầm quyền Do thái cổ. Huyền thoại về sự lưỡng tính minh họa cho một niềm tin tương đối rộng rãi: sự hoàn hảo của con người, được nhận ra từ tổ tiên thần thoại, bao gồm một nhất thể mà cùng lúc cũng là tổng thể. Chúng ta sẽ ước định tầm quan trọng của lưỡng tính khi thảo luận về những suy cứu của Thuyết ngộ đạo và Ẩn học. Chúng ta nên chú ý rằng việc con người lưỡng tính có hình mẫu từ sự lưỡng tính thần thánh, một quan niệm chung của nhiều nền văn hóa.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/