Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Đặng Tất (1357-1409) là một danh tướng của nhà Hậu Trần. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần và được bổ làm tri phủ Hóa Châu, nay là vùng Hải Lăng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau đó lại chuyển đến làm tri phủ huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền bính, lập nhà Hồ (1400 -1407), Đặng Tất là một trong những vị quan được Hồ Quý Ly tin dùng, phong tới chức Đại tri châu Hóa. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh lật đổ, vùng đất do Đặng Tất trấn giữ một mặt phải lo đối phó với quân Minh, mặt khác phải lo đánh lại quân Chiêm Thành xâm lấn. Trong tình thế hai đầu thọ địch, Đặng Tất quyết định đầu hàng quân Minh để chống lại quân Chiêm Thành. Sau khi hàng quân Minh, Đặng Tất vẫn được phép giữ nguyên chức cũ, tức Đại tri châu Hóa. Nhờ không phải lo đối phó với quân Minh nữa, Đặng Tất dẹp tan quân Chiêm Thành .
Cùng năm 1407, Trần Ngỗi – tôn thất nhà Trần xưng đế ở Mộ Độ (nay thuộc Yên Mô, Ninh Bình), lấy hiệu là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần, khởi binh đánh lại giặc Minh. Đặng Tất nghe tin bèn giết hết quan lại nhà Minh ở châu Hóa, di chuyển quân lương ra Nghệ An để phò giúp Giản Định Đế. Nhà Hậu Trần liên tiếp gặt hái được nhiều chiến thắng vang dội chỉ trong một thời gian ngắn với sự trợ giúp đắc lực của nhiều vị tướng tài, trong đó nổi trội nhất là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Do mang danh nghĩa hậu duệ chính thống của nhà Trần, lại đi kèm với uy tín của hai vị danh tướng, thế lực của Giản Định Đế được nhân dân nô nức ủng hộ. Nhờ đó quân đội tuyển thêm được vô số binh lính và ngày càng lớn mạnh.
Tên tuổi của Đặng Tất gắn liền với trận Bô Cô vang dội. Tuy nhiên, sau chiến thắng vẻ vang ấy, trong nội tình bộ chỉ huy nghĩa quân xuất hiện những mâu thuẫn. Trong khi Giản Định Đế muốn thừa thắng xông lên tiến đánh thành Đông Quan, thì Đặng Tất lại muốn chủ trương bình định địa bàn chiếm đóng, đồng thời củng cố lại lực lượng để chuẩn bị cho những trận đánh sau. Sử chép Chính sự bất đồng ý kiến giữa Trần Ngỗi và Đặng Tất, cộng với bọn gian thần xu nịnh gièm pha đã dẫn đến việc Giản Định Đế sai người giết hại hai danh tướng của mình là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Mất đi hai vị tướng tài, vị vua đầu của nhà Hậu Trần như mất đi hai cánh tay. Sự kiện này khiến binh lính bị giảm mất sĩ khí, đánh thua liến mấy trận. Bắt ngay cơ hội, quân Minh lật ngược thế cờ. Lực lượng khởi nghĩa của nhà Hậu Trần nhanh chóng tan rã. Các tướng như Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị , con Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, dẫn binh sĩ rời đi theo phò một tông thất nhà Trần khác là Trần Quý Khoán, tức Trùng Quan Đế tiếp tục khởi nghĩa chống quân Minh. Nhưng thế lực của quân Hậu Trần đã trở nên suy yếu như ngọn đèn hết dầu. Đên năm 1414 thì bị đánh bại hoàn toàn, nhà Hậu Trần kết thúc sau bảy năm tranh đấu.
Theo đánh giá của các sử gia, Đặng Tất là một trong những danh tướng hàng đầu của nhà Hậu Trần. Ông vốn dĩ là một vị tướng có tài thao lược, trí dũng song toàn. Luận về tri thức, ông vốn dĩ là con nhà quý tộc, từ nhỏ được nhận sự giáo dục tốt nhất, bản thân ông cũng đỗ đạt làm quan. Luận về dũng khí, Đặng Tất là một nhà quân sự tài ba. Điều này thể hiện rõ qua các chiến công của ông trong công cuộc chống Chiêm Thành và giặc Minh. Tiếc rằng, trong thời buổi “tôi sáng” nhưng không có “vua hiền” nên tài năng của danh tướng Đặng Tất đã bị chôn vùi sớm. Nếu như vị chủ công mà Đặng Tất phò tá là một vị minh quân như Lê Lợi chứ không phải Giản Định Đế thì liệu cuộc đời của ông sẽ không phải kết thúc trong bi kịch và lịch sử sẽ có thể ghi thêm nhiều công lao của vị danh tướng này chăng?.
*************************************
#truyencophong #truyenngontinh #art #sach #monostyle #tranhve #tieuthuyet #khoahocvientuong #thesiegevietchoivebay #dainamkieuhungtruyen