THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 4)

THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 4)

Có một định kiến khá phổ biến trong đầu nhiều người Việt Nam đó là Trung Quốc chỉ là một đất nước của sao chép công nghệ và ăn cắp bản quyền chứ chẳng có phát minh sáng tạo gì ra hồn, tất cả mọi thành tựu khoa học kỹ thuật của Trung Quốc đều chỉ là học theo các nước khác và Trung Quốc không có nền tảng khoa học công nghệ vững chắc như Nga. Vậy điều đó có đúng không?
Đúng ra là không định viết bài này nhưng vì nhiều người suy nghĩ theo kiểu này quá nên phải bỏ thời gian giải thích một chút. Việc Trung Quốc sử dụng gián điệp công nghiệp là thực tế rõ ràng mà ai cũng biết từ lâu, tuy nhiên gián điệp công nghiệp ăn cắp, sao chép thiết kế, công nghệ của các đối thủ cạnh tranh chỉ là một phần trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật của Trung Quốc. Nếu chỉ dựa vào đó mà phủ nhận khả năng tư duy sáng tạo và đổi mới công nghệ của Trung Quốc thì điều đó là không đúng.

CÁC CON ĐƯỜNG ĐỂ TRUNG QUỐC HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ
Nghiên cứu và Phát triển – Research and Development (R & D) là xương sống của sự đổi mới. Nghiên cứu và Phát triển hỗ trợ hình thành các sản phẩm và dịch vụ mới chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Trong một cộng đồng toàn cầu được xây dựng dựa trên công nghệ, cách các quốc gia tận dụng R & D của họ có tác động sâu sắc đến sự thịnh vượng kinh tế và chất lượng cuộc sống của công dân. Ngoài phương pháp sử dụng gián điệp công nghiệp thì Trung Quốc cũng đã phát triển và hiện đại hóa thông qua các hoạt động sau:
1/ Hấp thụ công nghệ cao từ liên doanh với nước ngoài
Đầu những năm 1980, các công ty nước ngoài bắt đầu chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc bằng các thỏa thuận cấp phép và bán thiết bị. Sau đó nhiều tập đoàn đa quốc gia muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc bắt buộc phải liên doanh với một đối tác trong nước và phải chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Đây là cách mà Việt Nam cũng từng làm hồi những năm 90, tuy nhiên không hiểu tại sao mà tới bây giờ nhiều cty Việt Nam vẫn không hấp thụ được công nghệ của đối tác trong liên doanh, ngược lại còn bị họ thâu tóm?

2/ Hấp thụ công nghệ cao từ du học sinh và Hoa kiều
2,25 triệu sinh viên đã đi du học kể từ năm 1978 và 818.400 đã trở về Trung Quốc để làm việc. Khi trở về, các du học sinh này cung cấp kiến ​​thức khoa học và công nghệ quan trọng, kỹ năng quản lý và khả năng đổi mới cho nghiên cứu khoa học và công nghiệp. Quản lý cấp cao trong các công ty công nghệ cao thường được đào tạo ở nước ngoài. Hoa kiều ở nước ngoài cũng đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Trung Quốc.
Năm học 2008/2009 có 98.235 du học sinh Trung Quốc ở Mỹ, 10 năm sau con số đó đã là 369.548 người.

3/ Tự đầu tư nghiên cứu công nghệ
Nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc dành nhiều nguồn lực cho R & D. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu R & D của Trung Quốc chỉ chiếm 0,72% GDP vào năm 1991 trong khi Mỹ và Nhật Bản trung bình tỷ lệ R & D so với GDP cao hơn, lần lượt là 2,5 và 2,7%. Vào thời điểm đó, nền kinh tế của Trung Quốc lớn thứ 10 thế giới.
Chi phí R & D của Trung Quốc chứng kiến ​​mức tăng gần 30 lần từ năm 1991 đến năm 2016 – từ 13 tỷ USD lên 410 tỷ USD. Hiện tại, Trung Quốc chi cho R & D nhiều hơn Nhật, Đức và Hàn Quốc cộng lại, ngang bằng với toàn bộ 34 quốc gia châu Âu và chỉ thua Hoa Kỳ. Theo một số ước tính, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành quốc gia đầu tư cho R & D hàng đầu ngay trong năm 2020. Ở cấp độ địa lý, các tỉnh Quảng Đông và Giang Tô đứng đầu bảng xếp hạng chi tiêu, tiếp theo là đô thị Bắc Kinh đứng thứ ba.

THÀNH QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA
Dựa trên thành tựu của R & D, Trung Quốc đã trở thành đối thủ có sức cạnh tranh mạnh trong các lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển nhanh như năng lượng hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo, sản xuất tự động hóa…. Kể từ năm 2016, ngành sản xuất ở Trung Quốc đã sử dụng nhiều robot công nghiệp nhất thế giới. Năm 2018, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30% thị phần doanh số robot công nghiệp trên toàn thế giới và dự kiến trong năm 2020 Trung Quốc ​​sẽ sản xuất 150.000 đơn vị robot công nghiệp và có 950.300 robot công nghiệp đang hoạt động. Geely Auto, một trong những nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất Trung Quốc gần đây đã mở một nhà máy sản xuất thông minh với hơn 70% công việc được thực hiện bởi robot giúp họ đảm bảo sản xuất và chất lượng sản phẩm. Grand View Research dự báo thị trường robot công nghiệp thế giới sẽ vượt quá 40 tỷ USD vào năm 2020 và chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu giành được hơn 50% thị phần toàn cầu.
Trung Quốc cũng có kế hoạch trở thành cường quốc đứng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo – Artificial Intelligence (AI) vào năm 2030.
Các công ty tư nhân đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động nghiên cứu công nghệ ở Trung Quốc. Trong năm 2017, Huawei đã chi 14,3 tỷ đô la cho R & D – nhiều hơn các công ty Mỹ như Apple. Sự tập trung vào công nghệ thông tin và truyền thông này đã giúp mở đường cho những bước đột phá như nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc DJI chiếm tới 74% thị trường toàn cầu, Huawei là kẻ dẫn đầu thế giới trong việc phát triển công nghệ 5G và đang triển khai ở Nga và nhiều nước khác các công nghệ và giải pháp kỹ thuật 5G và IoT (Internet of Things) của họ còn công nghệ giám sát của Hikvision kiểm soát hơn 20% thị phần toàn cầu. Các sản phẩm của Hikvision đã được xuất khẩu sang một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, nơi chúng được đưa vào sử dụng bởi các doanh nghiệp tư nhân và chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của viện Brooking thì trong khi Hoa Kỳ duy trì vị thế là cường quốc hàng đầu về công nghệ trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào R & D và trong một số ngành nhất định, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ – đặc biệt là trong việc triển khai nhanh chóng một số công nghệ mới.

| NẾU NHƯ CHỈ ĐƠN THUẦN SAO CHÉP CÔNG NGHỆ MÀ KHÔNG CÓ BẤT KỲ NỖ LỰC NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ SÁNG TẠO NÀO THÌ LÀM SAO CÓ NHỮNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÀ TRÌNH ĐỘ KỸ THUẬT CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ DẪN ĐẦU THẾ GIỚI NHƯ TÀU CAO TỐC, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO HAY INTERNET TỐC ĐỘ CAO? KẺ DẪN ĐẦU CÔNG NGHỆ THÌ CHỈ CÓ NGƯỜI KHÁC SAO CHÉP CỦA NÓ CHỨ NÓ SAO CHÉP CỦA AI BÂY GIỜ? |





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *