Tiểu thuyết “Bà Bovary” của Flaubert thật ra là một quyển sách hay, nhưng lại bị nhiều bài phê bình chê bai một cách khá bất công

Tôi biết rằng yêu thích một tác phẩm kinh điển thì không phải ý kiến gì lạ đời lắm, nhưng tôi đã đọc hàng tá bài cảm nhận trên mạng buộc tội tiểu thuyết này là thứ rác rưởi coi thường phụ nữ, và là một nỗi ô nhục cho tinh thần nhân văn. Cái này thì tôi phải phản đối.
Hầu hết mọi sự phê bình đều quay xung quanh nhân vật chính: Emma không phải là người dễ thương cho lắm, cô ta tỏ ra xấu tính với những người quan tâm mình, đồng thời có những đòi hỏi và tham vọng điên rồ. Và điều đó đúng thôi, bởi vì đây đúng là ý đồ của quyển sách! Cô không phải một nữ anh hùng, cô ta là một phản-anh hùng, cô ấy muốn cuộc đời mình cũng được như các nhân vật chính trong những quyển sách cô yêu thích, và rồi đi đến chỗ hủy diệt cũng vì lối suy nghĩ như thế.
Việc tác giả không đưa ra nhận định rõ ràng, không có nghĩa là ông đồng tình với cách sống của cô ta. KHÔNG đưa ra đánh giá trực tiếp về các nhân vật của mình là một đặc điểm của Chủ nghĩa Hiện thực Pháp. Và kể cả như thế, thì Flaubert đã làm sáng tỏ góc nhìn của mình qua đoạn kết: Ông nhấn mạnh rằng gia đình Emma đã và đang phải chịu rất nhiều đau thương, hậu quả từ hành động của cô.
Cũng rất nhiều người chê trách việc một người phụ nữ lại bị mô tả theo cái cách như thế, cho rằng đấy là coi thường phụ nữ. Theo tôi thì nhìn nhận vậy không đúng đâu. Nhà văn đã chỉ ra rằng Emma chịu nhiều giới hạn của phụ nữ đương thời, và chỉ rõ rằng cuộc sống cô ấy sẽ khác đi nhiều (không hẳn là theo chiều hướng tốt đẹp hơn hay công bằng hơn, nhưng ít ra sẽ khác) nếu cô ấy là nam. Minh họa cho điều này là một nam ca sĩ opera có cái tính giông giống Emma: Flaubert chỉ ra rõ rằng, dù anh ta là một tên lăng nhăng hèn hạ, anh ta hủy hoại cuộc đời của một công chúa Ba Lan nhưng mọi người vẫn ngưỡng mộ anh ấy.
Câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều giả như Bà Bovary hóa thành Ông Bovary.
Và, nếu ta nói về khía cạnh nữ quyền, thì quyển sách cũng có vài góc nhìn tiến bộ một cách đáng ngạc nhiên, trên một số khía cạnh nhất định:
[SPOILERS]
Khi Bà Bovary bị tay Rodolphe quyến rũ và lao vào một mối tình giả trá, Flaubert đã không đổ lỗi cho nàng. Ông nhận thức rằng cái sai nằm ở gã đàn ông, rằng gã chính là bên ác, và rằng nàng ta là nạn nhân bị thao túng. Rodolphe nuông chiều khuyến khích những ảo mộng viển vông, để lợi dụng nàng như một công cụ, góp phần đẩy nàng ta đến kết cục bi thảm. Nhà văn đã nhận ra cái điều mà nhiều người thời nay vẫn chưa chịu hiểu. Tôi không nói Flaubert là một nhà nữ quyền, nhưng ông ấy đâu có xấu đâu!
Tóm lại thì đó là những điều tôi muốn chia sẻ. Tôi không nói rằng đấy là một quyển sách hoàn hảo, rằng mọi người đều phải nên thích nó. Nhưng đó vẫn là một quyển sách giá trị về mặt lịch sử, là dấu mốc quan trọng trong nền văn hóa chúng ta. Với các biện pháp miêu tả gợi tình, những đối thoại gián tiếp, và một nhân vật đi ngược lại với lý tưởng thông thường; việc cố gắng làm thấp giá trị của một quyển tiểu thuyết chỉ bởi vì nhân vật chính của tác phẩm là người xấu thì không nên.



Emma là một nhân vật phức tạp và có chủ đích. Với những ai cho rằng đấy là ghét phụ nữ, thì tui phải nói là các bạn hiểu sai rồi. Khi người ta hỏi nguyên mẫu của Emma là ai, Flaubert đã đáp, cô ấy chính là tôi. Cô ấy là đại diện cho những linh hồn sáng tạo mắc kẹt trong cuộc đời ngột ngạt với rất ít lựa chọn.


Thú vị đây. Tôi đọc xong khoảng 2/3 rồi, và mặc dù tôi không vấn đề gì với việc mọi người không ưa Emma (ai quy định nhân vật chính là mặc nhiên phải dễ thương dễ yêu nào?), tôi lại không thấy cô ấy có gì tương đồng với cái gọi là tinh thần sáng tạo cả. Cô nàng cực kỳ ngây ngô về tình yêu, cũng chẳng biết cách hài lòng với cuộc sống. Cô ta cơ bản không khác gì một thiếu nữ vị thành niên hay lướt Instagram cả ngày và cứ tưởng rằng cuộc sống của những người nổi tiếng trên đấy toàn màu hồng mà thôi.


Mới đọc xong hôm qua, và tôi thích nó. Tôi đồng ý với bạn rằng Emma không có tài năng sáng tạo gì cả. Cô ấy có hiểu biết và khả năng cảm thụ cơ bản về nghệ thuật và văn hóa, cổ muốn đi xem opera để có dịp khoác lên những bộ cánh đẹp đẽ và được những người sang trọng để ý, chứ chẳng phải để thưởng thức nghệ thuật gì. Tôi không cho rằng những điều này khiến Emma trở thành một người tệ hại, thật sự, cô ấy chỉ ngây ngô và nông cạn thôi. Cô ấy sống trong lồng son quá lâu, cô nghĩ rằng những gì cô đọc trong tiểu thuyết lãng mạn đều có thật, và như hầu hết phụ nữ sống ở những năm 1850s, cô không có cơ hội được TỰ MÌNH khám phá cuộc sống và rồi hiểu ra rằng những điều kia chỉ là ảo ảnh. Thật sự là một câu chuyện đau lòng, nếu ta nhìn nhận theo cách đấy.


Có đọc nó hồi đi học vì nhà trường bảo thế, khoảng mười năm trước rồi. Tôi là nam nhé. Với tôi thì đó là chuyện về một người phụ nữ khao khát sống một cuộc đời mà việc theo đuổi giá trị về cuộc đời ấy là bất khả với phụ nữ, bởi phụ nữ lúc ấy gần như không có cơ hội nào về sự nghiệp cũng như thăng tiến. Cho nên cô ta dằn vặt người chồng, người mà, cùng với cha của cô, đã kéo chân cô vào một cuộc hôn nhân. Cô dằn vặt anh ta hòng bắt anh ta phải đạt được cái điều mà cô không có quyền theo đuổi. Sự vỡ mộng đau đớn của cô với cuộc sống diễn ra sau khi ông chồng mà cô chưa bao giờ thực lòng muốn cưới đã thất bại hết lần này đến lần khác, không những anh ta không đạt được kỳ vọng của cô, mà anh ta còn chưa bao giờ buồn theo đuổi nó, anh ta không hề hợp với cô, cũng chẳng có ước vọng gì rõ rệt. Cô trơ mắt nhìn những người như ca sĩ opera, Rodolphe, và nhà tử tước lướt qua cuộc đời cô, tưởng như cánh cửa cơ hội đã mở ra cho cô, và cả chồng cô nữa.
Edit: Cổ cũng cố trở nên nồng nhiệt với anh chồng, và cố gắng chia sẻ những ý nghĩ về tình yêu với anh ta, nhưng ảnh gạt đi. Anh ta là một con người tầm thường chán chường hết nói nổi, khi cổ gắng sức kéo anh vào những cuộc phiêu lưu tình ái với cổ, anh cũng từ chối luôn.
Tưởng tượng rằng bạn đang sống, bạn biết rõ mình khao khát điều gì, bạn thấy người ta tận hưởng nó, thấy họ nỗ lực hướng về phía nó, nhưng riêng bạn thì lại bị ngăn cấm bởi cái điều ngẫu nhiên là giới tính, rồi còn bị kéo chân bởi những xiềng xích và mỏ neo được gọi là chồng, từ từ nhận ra phần đời còn lại của mình chỉ là sự tẻ nhạt kinh khủng, không lối thoát và không thể chịu đựng nổi, chưa kể đến hậu quả tài chính bởi những sai lầm của bạn trong việc cố gắng bắt chước và hiện thực hóa lối sống trong mơ ấy.
Tôi cho rằng “Bà Bovary” đã khắc họa một người phụ nữ mắc kẹt trong một hoàn cảnh như thế, nhưng người đàn bà này cũng như nhiều cá nhân khác – cô ta không hoàn hảo. Có lẽ từ sâu trong thâm tâm, cô ấy không phải quá tệ bạc đâu, nhưng cô ta cũng có những khiếm khuyết tính cách mà giả như đặt trong môi trường khác, chúng sẽ được triệt tiêu hoặc giảm bớt, kiểu như nếu một tay ăn cắp xe hơi mà sinh ra trong một gia đình trung lưu, anh ta có thể trở thành người bán xe chẳng hạn. Chúng ta đã đọc rất nhiều câu chuyện về những con người đa diện, hay những con người mang những khiếm khuyết lẽ ra không quá nghiêm trọng, nhưng họ bị đặt trong những tình thế ngặt nghèo, dẫn đến kết cục hoặc vươn lên, hoặc tàn lụi, nhưng đến cuối cùng ta vẫn có thể thanh thản mà ngưỡng mộ họ. Còn tác phẩm này, nó là chuyện về một con người cũng rơi vào hoàn cảnh bí bách như thế, nhưng lại không được trang bị gì để vượt qua, đã thế một phần trong bản tính cô ta còn khiến nó trở nên trầm trọng hơn. Và tôi nghĩ, mặc cho những sự nhảm nhí và trò mèo của cô ta, chúng ta rồi sẽ vô hạn thông cảm với cô, không chỉ là ở một chừng mực nhất định, mà vô cùng, thật lòng cảm thông và sẵn lòng đứng về phía cô ấy.


Nhiều người cho rằng sách này ghét phụ nữ chỉ vì nhân vật nữ được khắc họa một cách tiêu cực thôi ư? Tôi có hiểu đúng không vậy?
Tôi không khỏi tự hỏi liệu cái này có bắt nguồn từ những hội nhóm phụ nữ tự nhận là mạnh mẽ độc lập, những người mà cho rằng nhân vật nữ lúc nào cũng cần phải mạnh, phải ngầu, phải thông minh tài trí thì mới tốt hay không. Tôi thật sự ghét cách suy nghĩ đó, bởi vì, nghe nè, phụ nữ cũng là con người thôi. Có khi chúng ta mạnh mẽ, có lúc cũng yếu đuối, nhiều khi dễ thương và lắm lúc cũng bực mình. Tôi nghĩ quyển sách này không thể nào mang tư tưởng ghét phụ nữ, bởi vì nó đã dám xây dựng một nhân vật nữ chính với với rất nhiều thói xấu rất người, rất đời. So với năm 1857 thì đây là điều rất tiến bộ đấy chứ, đến bây giờ giá trị vẫn còn nguyên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *