dung-chu-quan-voi-dau-hieu-rach-co-sau-choi-the-thao

Đừng chủ quan với dấu hiệu rách cơ sau chơi thể thao

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Việt Đức, rách cơ là tổn thương mà các sợi cơ của một cơ hay nhóm cơ bị đứt, có thể đứt một phần hay hoàn toàn cả bó cơ đó.

Rách cơ xảy ra khi cơ phải chịu một lực tải lớn hơn khả năng cho phép của nó. Thường gặp trong các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức mạnh cơ như gym, bóng đá, chèo thuyền, tenis…

Đừng chủ quan với dấu hiệu rách cơ sau chơi thể thao - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức khám cho bệnh nhân bị rách cơ. Ảnh BVCC

Theo PGS Liên, biểu hiện của rách cơ là đau, sưng nề vùng cơ bị rách và khó thực hiện động tác của cơ đó. Tùy theo mức độ rách cơ mà mức độ biểu hiện sẽ khác nhau. 

Để có thể hồi phục nhanh chóng cũng như quay lại với tập luyện chuyên nghiệp thì cần có sự can thiệp y tế cụ thể là luyện tập phục hồi chức năng sớm và đúng cách.

6 cách phục hồi rách cơ sau chấn thương

Theo PGS Liên, một khi bị rách cơ, người bện cần phải tuân thủ các biện pháp: 

Bảo vệ cơ bị rách

Khi một cơ đã bị rách thì người bệnh không được thực hiện các động tác làm co cơ đó, cố định chi thể có cơ bị rách ở tư thế chùng cơ trong ít nhất 4-6 tuần. 

Chườm lạnh

Trong thời gian đầu sau chấn thương, người bệnh cần được chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng nề. Cách làm: Dùng túi chườm lạnh chườm khoảng 20 phút/lần x 3-4 lần/ngày tại vị trí vùng cơ bị tổn thương. 

Kéo giãn – xoa bóp.

Xoa bóp vùng cơ bị tổn thương nhẹ nhàng, giúp tăng lưu thông máu, tránh co cứng cơ. Kéo giãn tăng dần giúp duy trì chiều dài cơ, tránh co rút.

Tập vận động tăng dần.

Sau khoảng thời gian đầu được cố định, người bệnh sẽ được tập luyện tăng dần. Khởi đầu là tập vận động thụ động để duy trì tầm vận động khớp, co cơ tĩnh để duy trì sức mạnh cơ.

Sau đó tăng dần khả năng co cơ bằng cách tập co cơ chủ động và co cơ có sức cản để tăng sức mạnh cơ.

Điều trị khác.

Nếu bệnh nhân đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau – kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu rách cơ hoàn toàn, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật nối cơ.

Can thiệp chuyên sâu

Để có quá trình hồi phục tốt nhất, nhanh nhất và an toàn nhất, người bệnh bị rách cơ nên tìm đến cơ sở phục hồi chức năng có uy tín, để bác sĩ đưa ra phương pháp tập luyện phù hợp và can thiệp bằng các thiết bị tập hiện đại, tiên tiến nhất.

“Tùy vào mức độ tổn thương cũng như các tổn thương kèm theo mà thời gian hồi phục kéo dài bao lâu. Với rách cơ mức độ nhẹ (hay thường gọi là căng cơ) thì người bệnh có thể chỉ mất khoảng 1 tuần để hồi phục, còn đối với rách cơ nhiều, cần can thiệp phẫu thuật thì có thể kéo dài đến 3-4 tháng”, PGS Liên chia sẻ.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *