them-2-ca-benh-dau-mua-khi-tai-viet-nam,-benh-lay-lan-the-nao?

Thêm 2 ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam, bệnh lây lan thế nào?

Các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam

Ngày 22/09, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhân nam, 25 tuổi (địa chỉ thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đến khám với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

Ngay sau đó, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM. Một ngày sau, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị.

Thêm 2 ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam, bệnh lây lan thế nào?  - Ảnh 1.

Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng ban đầu không rõ ràng cho đến khi nổi mụn rộp. Ảnh minh họa Ewnews

Bệnh nhân cho biết thêm, bệnh nhân có tạm trú tại TPHCM. Sau khi nhận thông tin trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã triển khai điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý.

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân ở trọ tại TPHCM. HCDC đã tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận trên người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trong khi bệnh đậu mùa ở người đã được thanh toán trên toàn thế giới từ năm 1980 nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine thì bệnh đậu mùa khỉ lại trở thành căn bệnh lưu hành tại 11 quốc gia khu vực Trung Phi và Tây Phi, thỉnh thoảng có các đợt dịch nhỏ bùng phát.

Tuy nhiên, từ năm 2022, đậu mùa khỉ lại bùng phát trở lại với hàng chục nghìn ca mắc ở nhiều nước trên thế giới.

Trong 8 người này có 1 người là bạn của bệnh nhân hiện cư trú tại tỉnh Bình Dương. Người này hiện đã có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ.

Như vậy, đến nay chưa xác định rõ nguồn lây bệnh đậu mùa khỉ của bệnh nhân nam ở Đồng Nai.

Tính từ năm 2022, Việt Nam đã có 4 ca đậu mùa khỉ. 

Trước đó vào tháng 10/2022, tại TP.HCM đã phát hiện 2 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hai bệnh nhân này đều đi du lịch từ Dubai về.

Các đường lây của bệnh đậu mùa khỉ

TS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức (Bệnh viện Quân đội 108) cho biết, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền từ động vật sang người do virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) gây ra.

Theo TS Sáng, các đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm:

– Bệnh lây truyền từ động vật sang người xuất hiện khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của cơ thể hoặc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương ngoài da niêm mạc của động vật nhiễm virus.

– Bệnh cũng có thể lây truyền do ăn phải thịt động vật bị bệnh hoặc bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chưa được nấu chín.

– Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương ngoài da, chất tiết, chất thải đường hô hấp, giọt bắn với người bệnh mắc bệnh đậu mùa khỉ.

– Bệnh cũng có thể lây truyền gián tiếp hoặc thông qua các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt có chứa mầm bệnh như khăn mặt, chăn, ga trải giường.

– Lây truyền qua đường quan hệ tình dục cũng là một giả thuyết được đặt ra, đặc biệt quan hệ tình dục đồng tính. Đa số những ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha được ghi nhận ở những người đồng tính, song tính hoặc có quan hệ đồng giới nam.

– Lây truyền mẹ con cũng có thể xảy ra qua đường dây rốn từ mẹ sang thai nhi hoặc do tiếp xúc với các chất tiết sinh học trong và sau quá trình sinh nở.

Thêm 2 ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam, bệnh lây lan thế nào?  - Ảnh 3.

Bộ Y tế đã bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B – gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. (Biểu hiện của người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa WHO)

Bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng gì?

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, giai đoạn ủ bệnh đậu mùa khỉ là 6-13 ngày sau phơi nhiễm tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng có thể đến 5-21 ngày. Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát từ 1-5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân.

Kèm theo người bệnh có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus này có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát có đặc trưng là các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày. Vị trí ban thường gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân. Ban có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Tiến triển ban có thể từ dát đến sẩn, phồng rộp thành mụn nước, rồi thành mụn mủ có kích cơ từ 0,5-1 cm và đến đóng vảy khô, khi bong vảy có thể để lại sẹo.  

Số lượng ban trên da bệnh nhân có thể là vài nốt đến dày đặc. Trường hợp thương ổn nặng có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn phục hồi: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2-4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Theo GS Kính, biến chứng của bệnh có thể gây sẹo giác mạc và làm giảm thị lực, sẹo mặt; Nhiễm vi khuẩn thứ cấp; Viêm phổi; Nhiễm khuẩn huyết nếu các vết ban mủ bị nhiễm trùng; Viêm não; Sảy thai; Mất nước do nôn mửa, tiêu chảy và giảm uống nước do tổn thương miệng và xấu nhất là tử vong.

GS Kính cũng cảnh báo, người nhiễm virus đậu mùa khỉ có thể không có triệu chứng lâm sàng nào. Còn ở thể nhẹ các triệu chứng mất sau 2-3 tuần mà không cần bất cứ biện pháp điều trị nào.

Tuy nhiên, cũng có người mắc đậu mùa khỉ ở thể nặng, thường gặp ở đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch). 

Ở thể nặng, người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, có thể dẫn đến tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Thêm 2 ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam, bệnh lây lan thế nào?  - Ảnh 4.

Đường lây của bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh WHO

Các yếu tố chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ

Để chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, GS Kính cũng cho biết cần các dấu hiệu

Ca bệnh nghi ngờ: là ca bệnh có 1 hoặc nhiều yếu tố dịch tễ:

– Trong vòng 21 ngày khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh (bao gồm cả tiếp xúc vật lý trực tiếp với da và các tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, đồ dùng người bệnh.

– Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày từ ngày trước khi khởi phát triệu chứng.

– Có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ (đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ, các nốt phát ban ở tay, mặt…)

Ca bệnh xác định: là khi có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, tại Quyết định số 3044/QĐ-BYT của Bộ Y tế đã bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B – gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Bệnh nhóm B bao gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu và bệnh đậu mùa khỉ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *