Rất nhiều năm về trước, một em học sinh của tôi đột nhiên trở nên rất chăm chỉ, chẳng mấy chốc mà thành tích thi cử nhảy vọt lên những hạng đầu.
Tôi thấy rất lạ, bởi vì trước đó em ấy thường xuyên đi học muộn, nhiều khi còn trốn tiết đi chơi net, làm thầy cô và gia đình chạy khắp thị trấn tìm cũng không thấy người đâu.
Nhưng vấn đề này hỏi thẳng cũng hơi kỳ, tôi đâu thể nào bảo là: “Ủa? Mặt trời mọc đằng tây rồi à? Sao nay chăm thế?”
Vậy khác gì đang mỉa mai, châm biếm sự cố gắng của học trò mình đâu.
May là sau đó, em ấy đã tự viết ra nguyên nhân cho sự thay đổi này, trong phần kết bài của kỳ thi môn Văn.
Em ấy viết, lúc trước đi học trễ bị bắt lên văn phòng uống trà. Khi đó tôi đã nói một câu làm em ấy nhớ đến tận bây giờ.
Tôi nói: “Ông trời cho các em một bộ não thông minh không phải để đứa nào đứa nấy tự hoang phí chính mình như vậy!”
Em ấy bảo, bản thân lúc nào cũng tự mãn, bởi vì cho dù em ấy có trốn học, đi trễ, không làm bài tập thì thành tích lúc nào chẳng đứng giữa lớp!
Nhưng ngày hôm đó nghe câu nói của tôi xong, em ấy đột nhiên nhận ra rằng, nếu bản thân cố gắng thêm chút nữa, thì có thể đạt được thành tích cao hơn nữa, chứ không phải trôi qua mỗi ngày nhẹ nhàng êm đềm buồn tẻ như người bình thường.
Kể từ lúc đó, em ấy tự nâng cao tinh thần học tập, không đến trễ, không trốn tiết, mà bắt đầu nghiêm túc học tập.
Quả nhiên, thành tích của em ấy từng bước tiến bộ rõ rệt, làm tất cả mọi người xung quanh còn tưởng em ấy gặp phải cú sốc đầu đời nào đó nữa chứ.
Tuy không thể đứng đầu khối như mong ước, nhưng điểm số và thứ hạng bây giờ đã là điều trước đó em ấy chưa từng nghĩ đến.
Đã ăn được cao lương mỹ vị, ai lại muốn quay trở lại thời ăn mãi rau dưa đạm bạc, vì vậy, em ấy không bao giờ muốn quay về là con người vô kỷ luật, không chí cầu tiến như trước kia nữa.
Bạn thấy câu chuyện này truyền cảm hứng lắm đúng không?
Nhưng thật ra hôm đó tôi lôi tận 6 đứa lên văn phòng uống trà, nhưng chỉ mình em ấy giác ngộ được và kiên trì đến cùng.
Còn những người khác, vẫn là khách quen của bàn trà phòng giáo viên.
Làm giáo viên lâu, dần dà bạn sẽ phát hiện, bạn không thể kiểm soát chặt chẽ học sinh của mình được.
Giáo dục chính là giúp các em nhận ra chính mình, trở thành chính mình; Bạn không thể biến em ấy thành một kiểu người em ấy không thể biến thành.
Cho nên, chúng tôi không phải là “không dám”, mà là không nên.
Tôi thấy bình luận của các bạn thường kể lại thời học sinh của mình bị ảnh hưởng bởi thầy cô khá nhiều.
Nhưng nếu đọc kỹ, tôi thấy, thầy cô chỉ đang giúp các bạn xua tan mây mù trong lòng để hiện rõ những điều sẵn có, chứ không phải là biến không thành có.
Cho nên, làm nghề giáo ấy mà, chúng tôi cũng không dám bảo học sinh của mình là “cả đời cũng không thành tài được”, hay tự dưng nghi ngờ chính mình không có năng lực, nên học sinh mới hư.
Chúng tôi chỉ nghĩ, mình và em học sinh này chắc không có duyên, mình không phải người dẫn đường phù hợp cho em ấy. Thôi, cứ bảo vệ em ấy bình an đi qua đoạn đường này, sau này người có duyên sẽ đến sau vậy.