Hỏi: Những gương mặt Việt xuất hiện tại Fashion Week quốc tế có chứng minh được ngành thời trang Việt Nam đang phát triển đúng hướng?
Đáp: Có và không.
Có ở đây đó là việc xuất hiện những người nổi tiếng thuộc Tier A và A+ tại Việt Nam trên các runway show quốc tế cho thấy các nhãn hàng bắt đầu quan tâm hơn vào thị trường Việt Nam. Nó cũng được chứng minh khi nhiều flagship/concept store của các thương hiệu nổi tiếng xuất hiện tại Việt Nam nhiều hơn. Nhưng điều đó chỉ chứng tỏ rằng sức mua của thị trường Việt Nam đang tiềm năng và sẽ phát triển trong giai đoạn sắp tới. Nhận thức của người dân về đồ thương hiệu và mức độ chi tiêu cao hơn để đủ thuyết phục được các thương hiệu lớn.
Các local brands ở Việt Nam cũng phát triển rất nhiều và được đón nhận tại thị trường nội địa. Điều này chứng minh một phần về thị trường cũng như khả năng sản xuất của các thương hiệu thời trang. Đồng thời, Việt Nam dần có những tên thương hiệu nội địa xuất hiện tại các web-retailer lớn của thế giới như Farfetch, Ssense. Đây là điều chứng tỏ chúng ta đang phát triển có hướng.
Không ở đây đó là tất cả những thứ trên chỉ là ở phương diện kinh tế. Ngành thời trang Việt Nam bao gồm rất nhiều yếu tố khác nhau: thương hiệu, dây chuyền sản xuất, người tiêu dùng, người ảnh hưởng, cách tiếp nhận thời trang, sự kiện thời trang. Các gương mặt Việt xuất hiện ở Fashion Week quốc tế chỉ thể hiện được sự quan tâm của global brand còn nội tại của chúng ta chưa thể hiện được nhiều.
Người mẫu là một trong những khía cạnh căn bản của thời trang, trong những năm qua chúng ta có những cái tên xuất hiện trên sàn diễn thế giới. Đó là niềm tự hào nhưng cũng đặt câu hỏi ngược lại, người mẫu đó vốn dĩ không được “trọng dụng” quá nhiều tại thị trường Việt Nam nhưng lại vô cùng thành công ở nước ngoài khi tham gia một tổ chức agency quốc tế. Vậy phải chăng ngành thời trang Việt Nam đang phát triển đúng hướng? Tại sao chúng ta có quá ít những cái tên xuất hiện tại runway quốc tế? Có chăng nền tảng Việt Nam còn chưa vững?
Tương tự, các thương hiệu xuất hiện tại quốc tế nhưng chưa chắc là được đón nhận nhiệt liệt tại Việt Nam, thậm chí còn ở một khoảng thị trường rất ngách. Mức độ mở lòng của thị trường Việt đã mở nhưng có quá cởi mở hay không? Hay vẫn còn những sự so sánh nhất định? Và các chương trình thời trang Việt Nam có thật sự khiến người khác yêu thời trang hơn không? Những câu hỏi lớn vẫn diễn ra ở đó theo nhiều năm.
Hỏi: Anh nhận xét thế nào về sự hội nhập của ngành thời trang Việt Nam với làng thời trang thế giới? Đó là quá trình chủ động hay bị động?
Đáp:
Chủ động cá nhân và bị động toàn thể.
Những cá nhân có được sự thành công với làng thời trang thế giới thực ra đều là những sự chủ động cá nhân – từ việc thay đổi định hướng, phát triển và kết nối.
Bị động toàn thể là chúng ta còn cập nhật những xu hướng nước ngoài và bị chậm so với thế giới khoảng nửa năm. Thứ hai là chúng ta bị động trong sản xuất, trong công nghệ, trong nguồn vải. Việt Nam hiện tại đang là một trong những công xưởng may của thế giới, nhưng đó là ở thế bị động (nhận đơn, sản xuất, giao đơn), phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu nước ngoài.
