Hôm nay, chủ nhật đầu tiên của ngày đi làm trở lại sau một kỳ nghỉ Tết dài, bị đánh thức bởi nhưng tia nắng chiếu xuyên qua cửa sổ. Trời nắng đẹp, không khí vẫn còn se se lạnh của đầu mùa lập xuân, cái thời tiết được xem là hoàn hảo cho những ai thích ra đường. Chạy xe trên đường để cảm nhận cái nắng, cái bầu không khí trong mát, nhìn dòng người chạy ngược chạy xuôi, nhìn những cô chú bán vé số đi từ từ mời từng người qua lại trong quán cà phê, nhìn những gia đình dẫn nhau đi chơi dịp cuối tuần. Ngẫm nghĩ, đôi khi sự an yên chỉ xuất phát từ tâm mình chứ không phải do ai tạo, nếu có cũng chỉ là ngoại cảnh tác động tới cảm xúc một phần nhỏ nào đó. Đi trên đường với cảm xúc hiện tại, mình chạy một mạch tới quán cà phê Ikigai nằm trên con đường một chiều Nguyễn Chí Thanh, con đường này mát mẻ với nhiều tán cây phủ rợp cả một đoạn dài, làm mình nhớ lại khoảng thời gian tháng 10 năm ngoái khi minh đang đi trên con đường Phan Đình Phùng của Hà Nội. Ôi cảm xúc khó tả làm sao…
Bước vào quán, gọi một ly cà phê, bật laptop lên và viết ngay những cảm xúc đang nghĩ và đôi dòng về quyển sách mà ngày hôm qua mình đọc “ Đi khi ta còn trẻ” của tác giả Trương Anh Ngọc – mình xin phép được xưng hô bằng “Anh” vì anh quá trẻ so với tuổi, không những trẻ về ngoại hình mà còn trẻ về tư duy, truyền cảm hứng tích cực, dám mạo hiểm và luôn đặt nhiều thử thách cho bản thân. Cảm ơn anh vì một quyển sách mà em chắc chắn em sẽ đọc lại lần hai lần ba lần bốn và kể cả lần nào đi một nơi mới em sẽ mang theo như một cẩm nang du lịch cũng như một cách giết thời gian trên chuyến bay hoặc sự dừng chân ở góc quán cà phê “chill chill” của một buổi sáng nơi xa xôi nào đó.
Nhớ lại, khoảng thời gian năm 2022, mình được biết đến khá nhiều nơi trong nước như Hội An, Huế là hai nơi mình thường xuyên ghé đến vì cơ bản mình ở Đà Nẵng, về khoảng cách địa lý tương đối gần, nên việc lui tới thăm hai nơi thân thuộc này tương đối dễ dàng. Đến tháng 3 chiếu lệ, mình thường về Châu Đốc để vía Bà Chúa Xứ, và có dịp nán lại thành phố Cần Thơ, được ngắm vùng đất gạo trắng nước trong, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tây Đô, được biết đến bến Ninh Kiều, được ngồi trên chiếc thuyền chạy bằng máy dạo quanh khắp chợ Nổi Cái Răng – khu chợ tiêu biểu, sầm uất, nổi tiếng nhất cho nét văn hóa sông nước miền Tây, được đứng dưới Tượng đài Hồ Chủ Tịch cao hơn 7m được xây dựng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tháng 6, mình đến Hạ Long cùng công ty vào dịp đi công tác, được trải nghiệm một nơi muốn gọi taxi còn khó hơn gọi điện nói chuyện với người yêu cũ, được thử món bánh đa cua, được ngắm Di sản Thiên Nhiên Thế giới, một nơi tạo hoá ban tặng cho người Việt Nam và được UNESCO công nhận. Tiếp đến, Đà Lạt, một nơi mình ao ước được đặt chân đến trong quãng đời sinh viên nhưng tận đến tháng 7 năm vừa rồi mình mới được biết đến nơi được mệnh danh là “Thành phố sương mù”. Ở đây mình được trải nghiệm không khí se se lạnh ban ngày và lạnh buốt khi màn đêm buông xuống, những con đường dốc lên xuống liên tục, những rừng thông và cây cỏ hoa lá ngập tràn, làm cho mình yêu thiên nhiên và muốn sống ở nơi này rất nhiều…. Mãi đến tháng 10, mình đến Hà Nội, mùa thu lá bay, không khí nhộn nhịp của thủ đô, tận hưởng địa điểm chính trị rõ nét nhất về sự uy nghiêm và trang trọng, đồng thời thấy rõ sự cổ kính trên các cung đường như Phan Đinh Phùng hay băm sau phố phường,… tại nơi này mình có cơ duyên được gặp gỡ hai người bạn rất thiện cảm, chính hai bạn là chất xúc tác giúp mình biết và yêu nơi này nhiều hơn. Tháng 11, mình lại có dịp tiếp tục đặt chân đến nơi được gọi là “ thiên đường đảo ngọc”, một nơi chỉ cần mở mắt là bạn có thể thấy biển và biển, một nơi trải nghiệm rất thú vị về nơi có những hạt tiêu đậm vị đặc trưng, mà chỉ cần ăn là biết hạt tiêu được trồng ở Phú Quốc, một nơi được biết đến nhiều địa điểm tâm linh và nổi tiếng, và một nơi xem những chú Cún có tên đặc trưng “Chó xoáy Phú Quốc” hay là “ Vương Khuyển” rất được người dân ở nơi này tôn thờ như một lòng tin và tâm linh, đã từng được Vua Gia Long nhà Nguyễn sắc phong một cách trang trọng không kém như những khai quốc công thần. Năm vừa rồi chính là động lực và mình nghĩ nó cũng chính là bước đệm để mình cố gắng, dám thử thách, dám trải nghiệm và dám khám phá những nơi mới trong nước và ngoài nước.
Đọc xong quyển “Đi khi ta còn trẻ”, mình rút rất nhiều được bài học, và mình cũng tự vấn bản thân nhiều điều về tuổi chớm nở của cuộc đời, cái tuổi mà chúng ta được phép sai lầm, được phép dấn thân và được phép khám phá những nơi ta chưa biết đến. Ở quyển sách này, Anh không chỉ đề cập đến việc đi hay khám phá các địa danh mới, mà Anh còn cho chúng ta tầm quan trọng của việc dạy con. Trong phần II của sách, Anh dành toàn bộ những tâm sự, những kỷ niệm và sự lớn lên của đứa con của Anh, và dạy chúng cách tự lập, cách sống và dám đi ra nước ngoài một mình như nào, và để sau này chính những đứa trẻ ấy trở thành hướng dẫn viên cho ba mẹ của chúng. Rất ý nghĩa, rất hay và rất đáng học hỏi cho những ai chưa, đang và đã làm bố mẹ. Hãy thử một lần, đọc và mở tâm thế để tiếp nhận những bài học mà từ chính Anh muốn truyền tải. Sự truyền tải ấy gần gũi và chân thực chứ không diệu vời và khó hiểu. Mình nghĩ bất kì ai cũng có thể cảm thụ nó.
Trong phần cuối của sách, Anh cũng viết về những sự kiện nổi tiếng từng diễn ra, những bài học về ý nghĩa cuộc sống hàng ngày, và những sự liên kết yêu thương giữa người với người, kể cả suy nghĩ về cái chết trong tư duy của Anh. Anh đã từng viết một đoạn mình rất tâm đắc, và phải dừng lại để ngẫm:
“ Khi cuộc sống bắt đầu, ta khóc, còn những người thân của ta cười.
Khi cuộc sống kết thúc, những người thân của ta khóc, còn đâu đó trên cao, ta cười.
Trên hành trình đời, ta chỉ chuyển từ dạng tồn tại này sang dạng tồn tại khác, từ cười sang khóc, từ khóc sang cười.
Cái chết không phải sự kết thúc của cuộc sống, mà là một phần của nó.
Hãy sống có ích, và chết nhẹ nhàng. Như một nụ cười. ”
Đôi khi, nghĩ về cái chết, ai cũng sợ, ai cũng từ chối nói đến vì sợ bị bảo là nói điềm gỡ, xui xẻo. Vậy trong chúng ta, có ai từng thắc mắc, ngày qua ngày, chúng ta ao ước được sống để có mục đích gì không và mục đích cuối của việc sống là gì ? Hay chỉ là sống tạm bợ ở giữa trần thế, để rồi cuối cùng ra đi trong một ngày nào đó, và không có ý nghĩa gì của một kiếp sống này. Vậy chẳng thà được sống một lần ý nghĩa ngắn hạn còn hơn sống lâu vất vưởng. Chúng ta đôi lúc sống không cần phải trở thành một vị tài ba lỗi lạc, cứu đời hay làm rạng danh dòng tộc hoặc đất nước và sống để mọi người biết đến, vì chính những việc ấy khi ai sinh ra đã được định sẵn làm gì và trở thành gì, vì chính mỗi người đều có một nhiệm vụ riêng mà do vũ trụ đã chỉ định sẵn. Vậy chúng ta sinh ra phải làm gì để được gọi là có ý nghĩa ? Thứ nhất, hãy sống một cách thiện lành, sau đó tu dưỡng tâm đức lẫn trí tuệ và xây dựng nên giá trị bản thân. Thứ hai, học cách buông xả những rác rưởi trong thân tâm, học cách tha thứ và yêu thương tất cả mọi người lẫn việc làm. Thứ ba, hãy tìm cho mình một nơi nương tựa về tinh thần và thâm thức, vì chính việc ấy sẽ giúp chúng ta ngày ngày khai sáng nhãn tuệ của chính bản thân mình. Đó là quan điểm của chính bản thân mình, giúp mình được hoàn thiện hơn trước. Và mình nghĩ, nó sẽ góp một phần nào đó trong cuộc sống với một quan điểm tích cực cho những ai đọc được chia sẻ của mình về quyển sách của Anh, và mình mong quyển sách này sẽ dành cho những ai thích sự khám phá thế giới bên ngoài và thế giới bản thân, dành cho mọi lựa tuổi, dành cho các gia đình đã có những đứa con và đặc biêt dành cho những ai yêu sự tích cực về cuộc sống, cũng như dành cho những bạn trẻ như mình…
Hãy đi và lạc quan như ta còn trẻ !!!!
Nguồn tham khảo: ĐI KHI TA CÒN TRẺ – Tác giả Trương Anh Ngọc