Bị coi là “ngụy quyền”, hình ảnh của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ hiện lên như thế nào trong chính sử triều Nguyễn?
-Vừa là “ngụy” vừa là anh hùng (Ngụy là một từ gốc Hán trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, thường dùng để chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, như trong từ ngụy trang, ngụy tạo. Trong lịch sử, từ “ngụy” được dùng để chỉ một chính phủ được lập ra một cách bất hợp pháp, không chính thống, không được người dân công nhận)
Sau khi lên cầm quyền, triều đình nhà Nguyễn đã rất tích cực trong việc thủ tiêu các di tích và sách sử về nhà Tây Sơn – kẻ thù không đội trời chung của họ.
Chỉ đến thời vua Tự Đức, Đại Nam liệt truyện – một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn mới có những ghi chép về các vị vua Tây Sơn trong một thiên có nhan đề “Ngụy Tây liệt truyện” (có nghĩa là Truyện về sự tiêu vong của ngụy quyền Tây Sơn).
Điều đáng chú ý là dù bị coi là “ngụy”, nhưng hình ảnh của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ hiện lên trong Ngụy Tây liệt truyện như một con người phi thường, với khí phách và tài năng của một vị anh hùng lịch sử.
Theo mô tả của Ngụy Tây liệt truyện, ngay từ ngoại hình, Nguyễn Huệ đã một con người phi phàm với “tiếng nói như tiếng chuông to, mắt lập lòe như tia lửa”. Ông là người “đánh giặc rất giỏi, người người đều sợ”.
Bằng những lời lẽ không giấu giếm sự nể phục, tác phẩm cho biết: “Nguyễn Huệ đã bốn lần đánh phá Gia Định, lâm trận đi đầu các binh sĩ, hiệu lệnh rất nghiêm minh, quân sĩ đều kính phục”.
Tài cầm quân của Nguyễn Huệ được miêu tả khá kỹ trong trận đánh Vị hoàng ở vùng Thanh Nghệ trên đường ra Bắc dẹp quân Trịnh:
“Khi Nguyễn Huệ đã tiến tới Vị Hoàng, kinh thành Thăng Long chấn động. Trịnh Khải sai Trịnh Tự Quyền đen bộ binh xuống Sơn Nam, sai Đinh Tích Nhưỡng đem chiến thuyền chặn ngang sông Lỗ Giang lập thế trận hình chữ nhất. Lúc đấy nước lụt vừa yên, đang đêm Nguyễn Huệ cho năm chiếc thuyền chiến Mông xung (thuyền cơ động dùng để đột kích) trước hết tiến bức Lỗ Giang mà đánh.
Binh của Đinh Tích Nhưỡng Tranh nhau bắn, nhưng chiến thuyền của địch lặng lờ không động đậy gì. Đến sáng binh của Đinh Tích Nhưỡng mới biết đó là thuyền không, thì thuốc đạn đã hết. Chiến thuyền của Nguyễn Huệ ụp tới thuận theo gió, súng nổ rền trời, đạn bay đoạn ngang cây cổ thụ…”.
Đến cuộc chiến chống sự xâm lược của quân Thanh, khí phách và tài năng của Nguyễn Huệ càng được tỏ rõ.
Khi Tôn Sĩ Nghị đưa quân vào Thăng Long, tuyên phong Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc Vương (1788) và bày tỏ sự coi thường quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã vô cùng phẫn nộ. Ngụy Tây liệt truyện viết:
“Ngô Văn Sở bỏ các trấn ở Bắc thành. Vua Chiêu Thống sai quan đến nhậm chức các nơi. Các quan văn võ lục tục kéo đến đô thành Thăng Long bái Yết. Họ đều xin Sĩ Nghị ra quân. Sĩ nghị bảo: Năm sắp hết, việc gì mà vội? Không cần đánh gấp. Quân giặc ốm. chúng ta chính đang nuôi chúng mập béo để chúng tự đến nạp thịt vậy.
Sĩ Nghị truyền lệnh cho các đội quân hạ trại nghỉ ngơi, hẹn ra xuân mùng 6 tháng Giêng ra quân.
Nguyễn Huệ được cấp báo mắng to: Chó Ngô là quân gì mà dám tung hoành?”.
Ngay sau đó Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Quang Trung và tiến hành cuộc hành quân huyền thoại ra đất Bắc.
Vị anh hùng của Tây Sơn đã chứng tỏ mình là một người có trí tuệ sáng suốt khi hành xử thấu tình đạt lý với hai bại tướng không chặn được quân Thanh. Theo Ngụy Tây liệt truyện thì:
“Ngày 20 tháng Chạp vua Quang Trung đến núi Tam Điệp. Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân phủ phục bên đường xin nhận tội. Vua Quang Trung nói: Tội của các ngươi đáng muôn lần chết. Nhưng ta lại nhớ Bắc Hà mới dẹp yên, lòng người chưa phụ vào. Bọn ngươi bảo toàn được quân đội để tránh mũi dùi nhọn của giặc, trong thì kích thích chí khí của quân sĩ, ngoài thì làm kiêu căng lòng giặc. Đó cũng là cái kế dụ địch. Ta cho bọn ngươi lập công chuộc tội để xem chiến tích của bọn ngươi sau này”.
Tài năng quân sự của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ không chỉ thể hiện ở việc đánh trận mà còn ở nghệ thuật truyền dũng khí cho quân sĩ, được kể lại như sau:
“Vua Quang Trung đãi quân sĩ ăn uống no say rồi nói với toàn quân: Nay chúng ta hãy ăn Tết trước, đợi sang xuân mùng 7 vào thành Thăng Long rồi ta mở yến tiệc một lần nữa. Bọn ngươi hãy nhớ xem ta nói có ngoa hay không”.
Dưới sự dẫn dắt của hoàng đế Quang Trung, đội quân Tây Sơn nhanh chóng nhổ bật các chướng ngại để bước vào trận đánh sinh tử ở đại bản doanh của kẻ thù.
Trận Ngọc Hồi được Ngụy Tây liệt truyện mô tả:
“Hừng sáng ngày mùng 5 quân Nam tiến đánh lũy Ngọc Hồi. Trên lũy đạn bắn xuống như mưa. Vua Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ lấy ván gỗ núp mà xung trận. Vua Quang Trung tự đánh voi đốc quân ở phía sau.
Quân Nam đã phá được cửa lũy, liền bỏ ván gỗ xuống đất, dùng đoản đao đánh giết. Quân Thanh chống không nổi, tan rã bỏ chạy tứ phía mắc vào bẫy ngầm, địa lôi phát nổ, tử thương rất nhiều. Vua Quang Trung giục trống thúc quân truy đuổi, phá luôn mấy đồn Văn Điển, An Quyết…
Ngày ấy vua Quang Trung xua quân vào thành. Chiếu bào của vua biến thành màu sạm đen vì thuốc súng”.
Đọc những đoạn trên, khó có thể hình dung Ngụy Tây liệt truyện đang nói về một kẻ tử thù của triều Nguyễn. Người ta chỉ thấy hình ảnh vua Quang Trung hiện lên như một đấng anh hùng kiệt xuất.
Ngụy Tây liệt truyện cũng ghi nhận sự khiếp sợ của người phương Bắc trước uy thế của vua Quang Trung:
“Vua Quang Trung cho quân đuổi theo đến cửa ải Lạng Sơn, và lên tiếng sẽ giết sạch không sót mạng nào để tìm tung tích vua Chiêu Thống. Người nhà Thanh kinh khủng, từ cửa ải trở về Bắc, già trẻ dìu nhau trốn chạy. Hàng mấy trăm dặm tuyệt nhiên người và khói bếp lạnh tanh”.
-Chiến lược ngoại giao xuất sắc
Ngụy Tây liệt truyện đã đề cập khá chi tiết chuyến “công du” thành công rực rỡ của “vua giả” Phạm Công Thiện trên đất nhà Thanh.
Với tầm nhìn của mình, hoàng để Quang Trung hiểu rằng để có thể tránh họa binh đao, dân chúng được hưởng thái bình lâu dài thì phải thiết lập quan hệ ngoại giao hòa hảo với chính kẻ thù của mình.
Ngụy Tây liệt truyện viết: “Khi Tôn Sĩ Nghị dìu dắt nhau chạy về Bắc, các sắc thư của hắn mang theo rơi rớt dọc đường. Vua Quang Trung thu được, nói với Ngô Thì Nhậm: Ta xem thư của vua Thanh, chẳng qua là họ xem thế mạnh yếu mà giúp vậy thôi. Việc giúp nhà Lê không phải ở bản tâm chân thật, mà chỉ mượn đó làm danh nghĩa để mưu lợi. Nay sau khi thua trận, họ tất cho là nhục, hẳn là không chịu dứt can qua. Nhưng hai nước giao binh cũng không phải là cái phúc cho nhân dân. Nay chỉ khéo ở lời thù tiếp ngoại giao mới có thể dứt được đao binh”.
Vì vậy, ngay sau khi đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi, vua Quang Trung đã “làm mềm lòng” vua Thanh bằng cách ra lệnh cho người quân binh nhà Thanh bị bắt làm tù binh đều được cấp lương phạn và được chọn nơi cho tạm trú.
Sứ giả nhà Thanh đã đưa thư sang gợi ý vua Quang Trung hãy “nhận ân huệ” của nhà Thanh, nhưng thực bụng là tỏ ý muốn giảng hòa. Vua Quang Trung nhận được thư, trong lòng khinh bỉ, nhưng ngoài mặt vẫn sai người dâng biểu cho nhà Thanh xin làm An Nam Quốc vương.
Tờ biểu được viết bằng những lời lẽ rất khiêm nhường, trần tình về cuộc chiến vừa xảy ra và xin lỗi vua Thanh vì đã lỡ tay… diệt sạch quân thiên triều. Nhưng ẩn sau các lời lẽ đó là những hàm ý hết sức cứng rắn, khiến sứ giả nhà Thanh thất kinh khi tiếp nhận.
Theo Ngụy Tây liệt truyện, tờ biểu có các đoạn sau:
“Ôi, đường đường là thiên tử lại đi so hơn thua với nước bé thì ắt là muốn chinh chiến mãi không thôi để cùng khốn binh sĩ, lạm dụng vũ lực hầu sướng khoái cái lòng tham tàn bạo thì thật lòng Đại hoàng đế không nhẫn”
“Vạn nhất can qua mãi không dứt, tình thế đến nỗi nào thật không phải do thần muốn và không dám biết đến”
Đoạn trên chẳng khác nào câu lời chửi xéo vào cái sự tham tàn của vua Thanh, trong khi đoạn dưới là một thông điệp đầy thách thức, tỏ ý sẵn sàng đánh đến cùng với nhà Thanh, bất chấp kết cục ra sao thì ra.
Dù vậy, với việc hoàng đế Quang Trung chấp nhận giảng hòa và xin phong vương, vua Thanh đã vui mừng chuẩn y. Để khẳng định uy thế thiên triều, vua Thanh yêu cầu Quốc vương An Nam đích thân sang chiêm cận ở cửa ải.
Vua Quang Trung đã từ chối khéo đề nghị này. Theo Ngụy Tây liệt truyện, thư hồi đáp vủa vua Quang Trung viết: “Vốn đích thân đến cửa khuyết của triều đình để tỏ tình xin tội, nhưng vì trong nước vừa bị chiến tranh, lòng người chưa yên, thần kính cẩn sai đứa cháu ruột là Nguyễn Quang Biểu theo tờ biểu vào chiêm cận”.
Vua Thanh chuẩn y cho Nguyễn Quang Biểu lên kinh đô, nhưng vẫn nhất quyết yêu cầu vua Quang Trung sang chiêm cận để bày tỏ thành tâm.
Nguỵ Tây liệt truyện viết: “Vua Quang Trung lại dâng biểu tạ ơn, xin sang năm vào chiêm cận. Vua Thanh tin thật, liền sắc phong vua Quang Trung làm An Nam quốc vương, sai Thanh Lâm, quan hậu bổ Quảng Tây làm lễ thụ phong”.
Sau nhiền lần trì hoãn theo dụng ý của vua Quang Trung, buỗi lễ đã được tiến hành. Nhưng người xuất hiện trong buổi lễ không phải vua Quang Trung mà là người đóng thế Phạm Công Trị.
Ngụy Tây liệt truyện đã mô tả khá chi tiết chuyến “công du” thành công rực rỡ của “vua giả” Phạm Công Thiện trên đất nhà Thanh. Dưới đây là trích đoạn trong Ngụy Tây liệt truyện:
“Mùa xuân năm Canh Tuất (1790), Phúc An Khang (Tổng đốc Lưỡng Quảng) giục Quang Trung sửa soạn sang chầu.
Vua Quang Trung lại mượn cớ có tang mẹ xin cho con là Quang Thùy thay mình vào chiêm cận. phúc An Khang không chịu, bí mật sai người đến cửa quan đem theo nỗi niềm ẩn khuất bày vẽ nếu bất đắc dĩ không đi được thì nên tìm người giống mình mà thay thế.
Vua Quang Trung bèn cho Phạm Công Trị giả mạo lấy tên mình và sai bề tôi là Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Dỗ Văn Công với ngoại lệ hai thớt voi đực để làm khổ bọn quan Tàu dọc đường dịch trạm.
Lưỡng Quảng tổng đốc Phúc An Khang và Quảng Tây Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh đưa phái đoàn đến kinh đô. Vua Thanh bao thưởng rất trọng hậu để biểu thị ý đặc biệt…
Vua Thanh cho giả vương y phục chén bát cũng đồng bậc như thân vương. Vua Thanh lại thưởng thêm vạn bạc lượng.
Khi giả vương đến cáo từ để trở về nước, vua thanh lại cho giả vương đến bên sạp ngự và vỗ vai giả vương an ủi dạy bảo ôn tồn rồi sai họa công vẽ chân dung mà ban thưởng (nay còn bức ảnh truyền lại).
Khi giả vương đã trở về rồi, vua Thanh sai đưa sang ban cho chữ Phúc và đồ trân ngoạn của ngự dụng. Sứ giả qua lại không ngớt”.
Như vậy, bằng tài ngoại giao của mình, vua Quang Trung đã biến một kẻ thù hùng mạnh thành bằng hữu mà không hề hạ thấp vị thế của mình, cũng như của cả triều đại và dân tộc. Đây thực sự là một chiến công lớn mà không cần dùng đến gươm giáo của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ.
-Vua Quang Trung nhòm ngó đất nhà Thanh
Hoàng đế Quang Trung đã nhiều lần có động thái thách thức và đưa ra yêu sách về chủ quyền với triều đình Mãn Thanh.
Theo Ngụy Tây liệt truyện, sau khi đánh đuổi quân Thanh khỏi bờ cõi rồi thiết lập lại quan hệ ngoại giao hòa hảo với vua Càn Long, hoàng đế Quang Trung đã nhiều lần có động thái thách thức và đưa ra yêu sách về chủ quyền với triều đình Mãn Thanh.
Sau khi tiêu diệt các đội quân phản loạn trong nước, vua Quang Trung đã dùng các chiến công này để phô trương sức mạnh với nhà Thanh. Ngụy Tây liệt truyện viết:
“Tháng 6 quân Tây Sơn khắc phục Trấn Ninh, bắt được người cầm đầu Chiêu Kiểu, Chiêu Nam, tháng 8 diệt được Trịnh Cao, Quy Hợp, tháng 10 Quốc trưởng Vạn Tượng phải bỏ thành chạy. Quân Tây Sơn bắt được voi ngựa chiêng trống và đuổi ra xa đến biên giới Xiêm La, chém được viên súy Tả Phan Dung và Hữu Phan Siêu rồi đem quên về Bảo Lạc. Lê Duy Chi (em Lê Chiêu Thống) và Phúc Tấn Văn Đồng không thể địch nổi đều bị giết.
Vua Quang Trung sai Vũ Vĩnh Thành, Trần Ngọc Thị sang triều nhà Thanh dâng tin chiến thắng, tiếng là cung thuận nhưng thật ra là khoa trương võ công”.
Việc đất đai nước Việt bị nhà Thanh xâm lấn vào các đời vua trước khiến vua Quang Trung luôn trăn trở và âm thầm nuôi chí phục thù, chuẩn bị giành lại lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự. Ngụy Tây liệt truyện có đoạn:
“Thuở trước 6 châu ở Hưng Hóa và ba động ở Tuyên Quang vào cuối thời Lê đều bị các thổ ty nhà Thanh xâm chiếm, đã được nhiều lần giãi bày mà vẫn không được thu hồi.
Vua Quang Trung gửi thư cho tổng đốc Lưỡng Quảng xin phân rõ biên giới cũ. Tổng đốc Lưỡng Quảng cho rằng biên giới đã định xong mà trả thư lại.
Do đó vua Quang Trung có ý bất bình, khuyến khích quân sĩ làm thuyền tàu, âm thầm nuôi chí nhòm ngó đất Quảng Đông, Quảng Tây. Vua Quang Trung thường nói với các tướng: Được thêm vài năm bồi dưỡng uy lực nhuệ khí ta nào sợ chúng”.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển quân đội, sự cao tay trong chiến lược quốc phòng của vua Quang Trung còn thể hiện ở việc sử dụng các lực lượng đối kháng trong lòng Để chế Mãn Thanh để làm suy yếu an ninh biên ải của đối thủ phương Bắc.
Theo Ngụy Tây liệt truyện: “Lúc ấy giặc Tàu Ô ở Lưỡng Quảng bị nhà Thanh đánh đuổi, thế bức phải quy phục triều đình Việt Nam. Vua Quang Trung thu dụng tên đầu đảng, ban cho hắn chức tổng binh. Vua Quang Trung lại thâu nạp đảng cướp Thiên Địa hội, cho hắn thừa thế ẩn hiện cướp phá Trung Quốc. Đường biển vì thế mà không thông, nhưng quan nhà Thanh sợ vua Quang Trung hùng cường mà không hỏi đến”.
Những hoài bão của vị hoàng đế vĩ đại trong lịch sử Việt Nam không chỉ dừng lại ở các mảnh đất bị mất vào tay nhà Thanh. Vua Quang Trung còn muốn mở rộng cương giới của người Việt bằng cách giành lại toàn bộ hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây – vốn thuộc nước Nam Việt thời Triệu Ðà, bị nhà Hán thôn tính.
Việc vua Quang Trung cầu hôn một công chúa của vua Càn Long chính là động thái mở màn kế hoạch đầy tham vọng của ông. Ngụy Tây liệt truyện viết: “Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung sai làm tờ biểu cầu hôn để thăm dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây hấn. Nhưng vua Quang Trung lại bị bệnh mà việc ấy phải thôi”.
Theo một số nguồn sử liệu, vua Càn Long đã chấp thuận lời cầu hôn và đồng ý trao Quảng Tây cho hoàng đế Quang Trung làm đất đóng đô, coi như của hồi môn cho con gái. Nhưng vua Quang Trung bỗng đột ngột băng hà, khiến kế hoạch đổ vỡ…
-Cái chết bí ẩn của hoàng đế Quang Trung
Trong Ngụy Tây liệt truyện, cái chết của hoàng đế Quang Trung được miêu tả khá chi tiết và nhuốm màu sắc kỳ bí.
Vào tuổi tứ tuần, giữa lúc chuẩn bị mở một chiến dịch tổng lực để tiêu diệt liên minh Nguyễn Ánh – Pháp, hoàn thành việc thống nhất đất nước; đồng thời nỗ lực giành lại hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông từ nhà Thanh, hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Biến cố này là một trong những nghi vấn lớn nhất của lịch sử Việt Nam.
Trong Ngụy Tây liệt truyện, cái chết của hoàng đế Quang Trung được miêu tả khá chi tiết và nhuốm màu sắc kỳ bí:
“Một buổi chiều, vua Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm tối tăm, thấy một ông già đầu bạc mặc áo trắng từ trên không trung hạ xuống, tay cầm thiết bảng mắng rằng: Cha ông ngươi sống trên đất của các chúa, đời đời làm dân của chúa, ngươi sao dám phạm đến lăng tẩm?
Nói xong, lão lấy thiết bảng đập vào trán vua Quang Trung. Vua Quang Trung mê man ngã xuống, hồi lâu mới tỉnh và kể lại với quan Trung thư Trần Văn Kỷ.
Từ đó, bệnh của vua Quang Trung chuyển nặng. Vua gọi quan Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Quang Diệu về bàn bạc để dời đô về Nghệ An. Bàn bạc chưa xong thì Thế tổ Cao hoàng Nguyễn Ánh đã lấy lại được Gia Định và chiếm Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh với thanh thế chấn động.
Vua Quang Trung nghe được lo buồn mà bệnh ngày càng tăng, liền gọi bọn Quang Diệu vào dặn rằng: Ta mở rộng bờ cõi chiếm cả vùng Nam phục này, nay vì bệnh tật mà ắt không dậy được. Thái tử tư chất khá cao nhưng tuổi còn bé, ngoài thì có mối thù với nước Gia Định, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi già ham dật lạc không lo hậu họa. Khi ta thác rồi, việc chôn cất phải sơ sài trong một tháng cho xong mà thôi. Bọn ngươi phải phò Thái tử sớm rời về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Nếu không, như thế thì binh Gia Định đến bọn ngươi không có chỗ chôn.
Bọn Diệu cùng khóc mà nhận lệnh, rồi giết ngựa bạch mà thề.
Ngày 29 tháng 8 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung băng, ở ngôi được 5 năm, thọ được 40 tuổi”.
Cái chết của hoàng đế Quang Trung đánh dấu quá trình suy yếu và diệt vong quả nhà Tây Sơn, dẫn đến việc Nguyễn Ánh thống nhất đất nước vào năm 1802.
Theo giải thích của Ngụy Tây liệt truyện, cơn bệnh đột ngột dẫn tới cái chết của vị hoàng đế Tây Sơn là sự trừng phạt cho việc “Nguyễn Huệ tàn ngược vô đạo, lúc đô thành Phú Xuân bị chiếm, các tôn lăng của chúa Nguyễn đều bị xâm phạm”.
Dễ dàng nhận thấy, những tình tiết thần thoại về cái chết của hoàng đế Quang Trung được các sử gia nhà Nguyễn dựng lên trong Ngụy Tây liệt truyện nhằm hai mục đích: Thứ nhất là làm nổi bật hình ảnh của đối thủ như một kẻ nghịch tặc bị thần thánh trừng trị. Thứ hai là khẳng định tính chính danh của nhà Nguyễn như một triều đại được dựng nên hợp với ý trời.
Bên cạnh đó, nếu gạt bỏ những yếu tố hoang đường và dụng ý chính trị thì những mô tả trong Ngụy Tây liệt truyện đã hé mở phần nào nguyên nhân dẫn đến cái chết của vua Quang Trung trên phương diện y học hiện đại.
Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu ngày nay, nhiều khả năng vị hoàng đế vĩ đại của nhà Tây Sơn đã bị suy sụp bởi một cơn tăng huyết áp đột ngột và qua đời vì tai biến mạch máu não.
Theo:
-Nguỵ Tây liệt truyện
-KIẾN THỨC