Cá sú mì trong tiếng Việt có tên “chính ngạch” gọi là cá bàng chài vân sóng, tên dân giã là cá mó xù, Napoleon, cá hoàng đế…là một loài cá lớn nhất thuộc họ cá bàng chài. Loài cá này chủ yếu tìm thấy trong các rạn san hô trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chúng được gọi là cá hoàng đế vì vẻ đẹp và độ lớn của cơ thể chúng.
Trong tiếng Anh, những con cá vừa to vừa đẹp lại vừa ngon này có nhiều tên gọi như Giant wrasse, Humphead, Humphead wrasse, Maori wrasse, Napoleon wrasse, Truck wrasse, Undulate wrasse…tên tiếng Pháp là Napoleon fish, tên khoa học Cheilinus undulatus, thuộc chi Cheilinus, họ Labridae, bộ Perciformes.
Họ cá bàng chài Labridae (nguyên gốc Latinh của từ “Labridae” là “labrum” nghĩa là môi hay rìa, cũng có nghĩa là mãnh liệt), là một họ cá biển với nhiều loài có màu sặc sỡ. Họ này lớn và đa dạng, với khoảng 500 loài trong 60 chi.
Cá sú mì là loài lớn nhất trong họ Cá bàng chài, kích thước của con đực có thể dài đến 2m, trong khi con cái hiếm khi vượt quá chiều dài 1m. Loài cá này rất dễ nhận biết bởi hình dáng bên ngoài như đôi môi dày, mọng và một cái gù trên đầu, gù trở nên nổi bật hơn khi nó lớn tuổi hơn. Cá đực có màu xanh lá cây tươi sáng, màu xanh tím, hoặc xanh đậm. Cá chưa thành niên và cá cái có màu đỏ cam ở thân trên, và màu đỏ cam hoặc màu trắng phần thân dưới. Loài cá rạn đặc biệt này thích sống đơn lẻ nhưng con trưởng thành thỉnh thoảng thấy xuất hiện trong các nhóm nhỏ.
Cá phân bố ở bờ biển Đông Châu Phi và biển Đỏ, cũng như khu vực Ấn Độ Dương cho tới biển Thái Bình Dương. Con non và trưởng thành được tìm thấy ở những sinh cảnh khác nhau, con non xuất hiện tại vùng cát nông giáp với rạn san hô, trong khi con trưởng thành chủ yếu được tìm thấy ở ngoài khơi, và ở độ sâu hơn trong rạn san hô, thường ở bên ngoài sườn dốc rạn san hô và trong các kênh nhưng cũng có thể được tìm thấy ở môi trường bên ngoài.
Loài cá xinh đẹp và đẳng cấp này có tuổi thọ rất cao, nhưng tỷ lệ sinh sản thấp. Cá thành thục từ 4 đến sáu 6 tuổi, và con cái được biết sống đến khoảng 50 năm, trong khi con đực sống ngắn hơn khoảng 45 năm. Cá sú mì là loài có thể thay đổi giới tính, một số cá thể có thể trở thành con đực vào khoảng 9 tuổi. Các yếu tố kiểm soát thời gian của sự thay đổi giới tính chưa được biết đến. Con trưởng thành di chuyển xuống cuối dòng chảy của rạn và quần tụ để sinh sản tại thời điểm nhất định của năm. Loại cá này không di chuyển xa cho sự tụ tập đẻ trứng. Chúng sản sinh ra loại trứng và ấu trùng biển khơi mà cuối cùng định cư trên hoặc gần rạn san hô. Trứng có đường kính là 0.65 mm và hình cầu, không có sắc tố.
Là loài ăn thịt, cá sú mì săn mồi chủ yếu là nhóm động vật không xương sống như thân mềm (đặc biệt chân bụng và chân rìu), cầu gai, sao biển gai, đuôi rắn và động vật có xương sống như cá. Một nửa thực đơn là nhóm cầu gai và chân rìu ẩn dưới cát, các nhà khoa học tin rằng một trong hai lựa chọn: săn mồi kiểu xúc giống như cá đuối, hoặc bản thân chúng đào bới và sục sạo khắp nơi để tìm con mồi. Thường thì chúng sống đơn độc với cá bàng chài đỏ khác, chúng có thể đập vỡ nhím biển (echinoids) bằng cách tha mồi tới một tảng đá thích hợp rồi quăng quật con mồi bằng cách di chuyển đầu qua lại nhanh chóng.
Bởi vì cá sú mì là một trong số ít các loài thiên địch của sao biển gai ăn san hô (Acanthaster planci) nên chúng được coi là có công đóng góp vào sự kiểm soát số lượng của loài gây hại đến các loài san hô hữu ích trong hệ sinh thái biển. Việc đánh bắt quá mức ốc tù và cùng với cá sú mì là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sao biển gai.
Axit hóa đại dương đã trở thành một mối đe dọa lớn với rạn san hô bởi vì nó giảm tỷ lệ vôi hóa của san hô. Dưới ảnh hưởng tăng nồng độ của CO2 trong khí quyển làm giảm độ pH nước biển gây nên axit hóa, và do đó giảm các hoạt động tạo rạn của san hô. Hậu quả này cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của cá sú mì bởi sự tương hỗ qua lại (sú mì ăn loài phá hoại san hô và đồng thời rạn san hô lại là môi trường sống của chúng).
Con sú mì trưởng thành thường được tìm thấy trên sườn dốc rạn san hô, sườn kênh, và đầm trong độ sâu từ 1 đến 100m. Từ sự mất vôi hóa san hô này, các loài bị đe dọa có thể một ngày nào đó cũng bị mất đi ngôi nhà của mình.
Ấu trùng loài này tích cực chọn nhánh san hô cứng hoặc mềm hay cỏ biển để định cư. Con non có xu hướng thích trú ẩn ở nơi bí mật như trong khu vực của dày đặc nhánh san hô, tảo biển rậm rạp, hoặc trong đám cỏ biển, trong khi con lớn thích chiếm hữu lãnh thổ nở nơi sinh cảnh mở trên các bờ rìa của rạn, kênh và đèo rạn. Các loài thông thường thấy sự bắt cặp đơn độc, hay nhóm từ hai tới bảy cá thể.
Philippines, Indonesia và Malaysia là ba nơi xuất khẩu lớn nhất của cá sú mì. Cá có giá bán cao nhất ở châu Á, đặc biệt là nếu bị bắt sống, và nó là một món ăn cực kỳ thượng đẳng và đắt đỏ ở những nơi này.
Cá sú mì tại Việt Nam theo ghi nhận chỉ phân bố tại một số địa điểm như Trường Sa, Côn Đảo, Nha Trang. Do giá thịt cao (có thể lên tới 2 triệu/kg) và trọng lượng cá rất lớn nên cá bị săn bắt rất nhiều, phổ biến nhất là tại các khu vực Nha Trang, trong thực đơn ở các nhà hàng hải sản nổi tiếng coi món này là món câu khách với những lời quảng cáo rất hấp dẫn.
Cá sú mì có thịt nhiều, trắng và ngọt. Phần đầu của cá là bộ phận ngon nhất của cá, nó có vị béo như mỡ, giòn như sụn nhưng cũng có phần dai dai như gân. Cá được chế biến thành món ăn ngon như ăn sống, hấp Hongkong, nướng, nấu lẩu, cháo…
Theo các nhà khoa học, nếu tình trạng săn bắt cá với tần suất quá cao, bất chấp kích cỡ và vô tội vạ còn tiếp diễn, thì hậu quả sẽ gây mất cân bằng sinh thái rạn san hô, đặc biệt là bùng phát sao biển gai ăn san hô như ở Nha Trang, và sự diệt vong của cá sú mì chỉ còn là vấn đề thời gian.
(Tổng hợp theo Ốc Saigon)