“Cha mẹ đánh đập tôi khi tôi còn nhỏ nhưng tôi không bị chấn thương tâm lý gì cả” – Đây là lời của một người đàn ông bị tố cáo vì có hành vi bạo lực thân thể người khác.
“Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ để tôi khóc một mình cho đến khi tôi thiếp đi và điều tồi tệ là tôi không được đi chơi bên ngoài” – Đây là lời của một người đàn ông dành hàng giờ liền trên mạng xã hội, cho dù việc đó ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của anh.
“Cha mẹ trừng phạt tôi khi còn nhỏ nhưng tôi vẫn ổn” – Đó là lời của một người đàn ông mà mỗi khi mắc lỗi thì luôn nói với bản thân những lời miệt thị như một kiểu tự trừng phạt.
“Khi còn nhỏ, tôi phải chịu đựng những cái bạt tay đau đớn mà bố mẹ tôi gọi là ‘giáo dục’” – Đó là lời của một người phụ nữ luôn không hiểu tại sao cuối cùng tất cả người yêu của mình đều trở nên hung hãn.
“Hồi nhỏ, mỗi lần tôi trở nên thất thường, cha tôi sẽ nhốt tôi trong phòng một mình để tôi hiểu ra vấn đề và hôm nay tôi rất cảm kích điều ấy” – Đó là lời của một người phụ nữ từng trải qua những cơn lo âu và không thể lý giải việc mình sợ bị nhốt trong không gian chật hẹp.
“Cha mẹ nói với tôi rằng họ sẽ bỏ tôi một mình hoặc giao tôi cho một người lạ nào đó nếu tôi có những hành vi bướng bỉnh, nhưng tôi không hề bị sang chấn tâm lý hay gì đâu” – Đó là lời của một người phụ nữ tha thiết được yêu thương và sẵn sàng tha thứ hết lần này đến lần khác cho những người đàn ông không chung thủy, chỉ vì cô sợ bị bỏ rơi.
“Cha mẹ có thể kiểm soát tôi chỉ bằng một ánh nhìn nhưng tôi đã vượt qua điều đó thành công” – Đó là lời của một người phụ nữ không thể giao tiếp bằng mắt với những nhân vật có ‘uy quyền’ mà không cảm thấy bị đe dọa.
“Khi còn nhỏ, tôi thậm chí còn bị đánh bằng dây cáp thép nhưng bây giờ tôi là một người giỏi giang, thậm chí là chuyên nghiệp” – Đó là lời của một người đàn ông bị hàng xóm tố cáo vì uống say rồi đập vỡ đồ đạc và quát mắng vợ.
“Cha mẹ bắt tôi phải học một nghề có thể kiếm nhiều tiền cho bản thân, và nhìn xem bây giờ tôi khá giả như thế nào này” – Đó là lời của một người đàn ông ngày nào cũng mong mỏi đến thứ Sáu vì anh ta tuyệt vọng trong một công việc mình không yêu thích.
“Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ bắt tôi ngồi cho đến khi ăn hết thức ăn, thậm chí còn đút ép tôi ăn cho bằng được vì họ không phải là những ông bố bà mẹ nuông chiều con” – Đó là lời của một người phụ nữ không hiểu tại sao cô không thể có mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn và thậm chí còn mắc chứng rối loạn ăn uống khi còn trẻ.
“Tôi cảm ơn bố mẹ mình vì mọi trận đòn roi và mọi hình phạt, vì nếu không có chúng, ai biết được điều gì sẽ xảy ra với tôi” – Đó là lời của một người đàn ông không bao giờ có được mối quan hệ tốt đẹp với con trai và con anh liên tục nói dối vì nó sợ anh.
Và cứ thế, chúng ta đi qua nhiều cuộc đời, lắng nghe nhiều người tự nhận mình đang rất “ổn” và không hề mang chút tổn thương nào, nhưng nghịch lý thay, trong một xã hội đầy rẫy bạo lực và những người đầy thương tích.
Chuyện này cứ được sao chép và nhân rộng.
Đã đến lúc chúng ta cần phá vỡ vòng lặp gây ra chấn thương cho các thế hệ này. Nếu bạn cảm thấy đồng cảm với điều này, hãy nghiên cứu cách nuôi dạy con mình nhẹ nhàng, ôn hòa, hãy xây dựng mối quan hệ giữa bạn và con cái dựa trên sự tin tưởng, tình yêu thương và dẫn dắt chỉ bảo.
Nguồn bài viết: Kayt Ridgley