NGƯỜI NUÔI BỊNH MƯỚN

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng cấp cứu tổng hợp, lầu 3.

Tôi nhớ rõ chiều ngày 20 tháng 4 năm 2009, bịnh ba tôi trở nặng, bác sĩ cho chuyển xuống từ lầu 5 vào phòng cấp cứu rồi sau đó khoảng mười ngày ba tôi mất.

Chuyện có hơi dài vì từ ngày ba nhập viện, tôi lên săn sóc thường xuyên, có khi ở hẳn cả tuần lễ. Ba tôi bị bệnh lao phổi do hút thuốc lá nhiều năm, đến khi tuổi già suy kiệt, nằm bệnh triền miên nên các bác sĩ, y tá khoa lao, tôi đều biết mặt.

Ấn tượng trong tôi là được chứng kiến lần đầu tiên người và nghề nuôi bịnh mướn tại khoa cấp cứu nầy. Hóa ra cũng có người chuyên chăm sóc một người chẳng thân thiết họ hàng gì với mình để kiếm tiền độ nhật. Cái nghề mới nghe ngồ ngộ nhưng nuôi bịnh lâu riết rồi cũng quen. Ấy là thân nhân người bịnh không có thời gian hoặc điều kiện chăm sóc người thân. Họ, hoặc là Việt kiều có ông bà, cha mẹ nằm bịnh không về kịp hoặc cũng có khi sống gần đây nhưng không có nhiều thì giờ trực suốt ở phòng cấp cứu. Cũng có bịnh nhân con cháu đầy đàn nhưng sợ lây bệnh hoặc dư giả tiền bạc nên không cần có mặt cũng có thể yên tâm mướn người lo cho thân nhân từ A đến Z. Hay có người làm ra tiền nhiều, một ngày làm của họ bằng cả tháng trời mướn nuôi bịnh nên bỏ việc thì tiếc, chi bằng mướn người nuôi…

Thôi thì đủ loại thượng vàng hạ cám. Mà chuyện đời có cầu thì có cung. Vậy là người ta mướn người nuôi, mỗi ngày trực giúp lo vệ sinh, đẩy xe chuyển bịnh, mua thuốc theo toa, đem đồ ăn nước uống cho bịnh nhân, kể cả tắm táp, chùi rửa, đổ bô, pha sửa, đổ thuốc…Mọi thứ hầm bà lằng theo yêu cầu người bịnh đều do một tay người nuôi cáng đáng với thù lao mỗi ngày đâu hơn một trăm ngàn đồng. Thi thoảng, những người mướn cũng giấm giúi cho thêm ít tiền lẻ khi người thân của họ bớt bịnh hoặc chuyển đi khoa khác điều trị.

Người nuôi bịnh mướn ở khoa cấp cứu là một trung niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát. Lần đầu gặp, tôi cứ tưởng anh đang chăm sóc cho người thân như mình nhưng sau đó, cứ sáng sớm lại có người dấm dúi cho anh tiền công. Hỏi mấy người chung quanh mới biết anh là người nuôi bịnh mướn. Tôi để ý thấy mắt anh sáng lên mừng rỡ khi nhận được tiền, mân mê, vuốt cho những tờ bạc thật thẳng rồi sau đó mới cẩn thận cho vào bọc ni lông mở ra đâu chừng năm sáu lớp quấn ngang thắt lưng bằng sợi dây thun bẩn thỉu, đen đúa.

Anh tên Ba Trọng, dân Rạch giá chính gốc, nhà ở xóm Lò heo gần đầu vàm phường Vĩnh Hiệp, chừng năm chục tuổi. Vóc người vạm vỡ, to lớn, gương mặt đen đúa, nhàu nhĩ. Anh ăn nói rổn rảng, cộc cằn nhưng được cái tốt bụng, người mới tới khoa cấp cứu chưa rành đường đi nước bước, lạ hoắc lạ hươ đều được anh dặn dò chu đáo, kỹ lưởng như đã từng quen biết… Nào là mấy giờ bác sĩ cho vào thăm, người bịnh cần mua cái gì, mướn chiếu nằm ở đâu, lấy nước sôi chỗ nào, điện thoại kêu cà phê số mấy…Nhiều thân nhân nuôi bịnh, nhất là dân miệt miền Tây như tôi, anh tỏ ra hồ hởi, hỏi thăm luôn miệng tình hình người bịnh rồi xăng xái giúp vặt đủ thứ. Buồn cười nhất là ai chưa kịp mướn chiếu trải dưới nền gạch bông nằm nghỉ (mỗi chiếc giá 3000 đồng một đêm) là anh lôi ra từ trong đống chiếu nằm cho mượn. Thú thật, nhìn cái chiếu đen đúa, rách te tua anh đưa ra ai cũng chê, không lấy. Dù sao đó cũng là tấm lòng. Không mượn nằm thì thôi, anh cũng chẳng buồn, loay hoay một hồi lại thấy anh sắp từng khoanh chiếu cuộn tròn, quăng vào một góc để rồi có ai vừa mới tới, lại hăm hở nhiệt tình lấy ra đòi… cho mượn.

Một ngày anh uống chừng chục ly cà phê đặc sánh, không đường. Cứ khoảng chừng hơn một tiếng, lại thấy anh mở nắp bình thủy rót ra một cái xây chừng sủi bọt, uống cạn một hơi hết sạch. Nhất là ban đêm, cần thức dậy vào lúc 3 giờ sáng để làm vệ sinh cho bịnh nhân nên anh uống liên tù tì, chắc là để khỏi buồn ngủ. Cũng nói thêm về chỗ nầy một chút. 3 giờ sáng. Đó là khoảng thời gian duy nhất trong ngày bác sĩ phòng cấp cứu cho thân nhân vào lau rửa, thay quần áo hoặc vệ sinh người bịnh. 3 giờ sáng. Đó cũng là thời gian đáng sợ nhất của thân nhân vì là thời điểm bác sĩ kêu lên thông báo tình hình chuyển biến người bệnh. Có người khi ra phòng mặt mũi méo xệch, khóc không thành tiếng vì biết rằng mạng sống người thân của họ đã quá mong manh.

Ba Trọng không nói không rằng, chỉ lẳng lặng làm cái bổn phận mà người ta mướn anh. Bất kỳ là ai khi nhận chăm sóc, anh đều nhiệt tình chăm nom như chính người thân của mình. Chuẩn bị cả tá khăn lau, một thau nước ấm, bịch đồ, vài ba túi xà phòng nhỏ cùng mấy thứ linh tinh lặt vặt… đến giờ bác sĩ kêu tên là anh xăng xái đầu tiên vào phòng lau rửa tươm tất, thay quần áo, đổ bô cho người bịnh chừng nửa tiếng thì xong. Bệnh nhân ở phòng cấp cứu được đánh số hẳn hoi để khỏi lộn. Tôi nhớ rất rõ chuyện nầy vì ba tôi có số 4 còn người bịnh anh nhận nuôi là số 5. Chỉ sau tôi một số khi bác sĩ kêu vào nhưng anh nhanh lẹ lắm. Tôi còn đang lọng cọng rửa ráy, thay đồ cho ba là anh đã xong việc rồi. Anh ra khỏi phòng, nhắn tin hoặc điện thoại cho thân nhân người bịnh báo cáo công việc để rồi sáng mai, người nhà mang tiền trả công trong ngày. Có tiền, anh săm soi, vuốt thẳng từng tờ cho vào túi ni lông đen sì cột quanh vòng bụng, đôi mắt ánh lên nổi vui mừng khó tả..

Tôi thật sự chẳng muốn xía vào chuyện của người khác nhưng riết cũng buồn, muốn nói chuyện cho khuây khỏa giết thì giờ. Biết nói với ai ngoài anh vì tôi dưới miền Tây lên, có quen biết ai đâu, với lại tôi không muốn khơi dậy nỗi đau người khác quanh mình. Là người nuôi bịnh, ngoài thời gian chăm sóc người nhà thì hầu như không việc gì làm, chỉ chờ bác sĩ kêu tên, đóng tiền thuốc men hoặc mua gì đó cho thân nhân, ra ngoài phòng cấp cứu tiếp tục ngồi chờ, hết đứng lại nằm khó chịu lắm. Bác sĩ trực, ngoài thời điểm 3 giờ sáng, hiếm khi cho ai vào phòng bịnh vì sợ lây nhiễm, nhất là những bịnh dễ nhiễm trùng như lao phổi. Ngồi suốt ngày ở hành lang, mắt cứ nhướng vào phòng bịnh xem bác sĩ có kêu gì thì vào tiếp sức nên có Ba Trọng nói chuyện cũng đỡ buồn. Không khí bệnh viện khó thở, ngột ngạt, đầy mùi bông băng, mùi ê te, thuốc tẩy… xộc vào mũi. Cả một lô thân nhân nuôi bịnh như tôi ngồi chờ trước cửa phòng, gương mặt ai cũng buồn xo, thở dài hoặc đầy vẻ ưu tư, lo lắng. Thời gian ngừng lại, đặc quánh trôi qua từng giờ chậm rì, hiu hắt. Người nằm, người ngồi la liệt nhưng chẳng ai muốn nói chuyện với ai, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư.  Rồi có khi, bất ngờ bật ra những tiếng khóc òa vỡ trong không gian im ắng và ngột ngạt. Đó là lúc một bệnh nhân nào đó vừa qua đời được đẩy ra khỏi phòng trên băng ca trắng toát. Hình ảnh những thân nhân chạy theo chiếc băng ca định mệnh đó cứ ám ảnh tôi trong nhiều đêm rầu rĩ, mệt nhoài nằm lăn lóc trên nền gạch ngoài cửa phòng cấp cứu hoặc thấp thỏm lo âu dõi mắt vào tấm kiếng đục mờ nhìn qua giường bệnh ba tôi.

Hầu như chiếc băng ca nào đẩy ra, tôi cũng thấy Ba Trọng phụ sau xe, gương mặt lạnh lùng, không hề tỏ ra cảm xúc, lặng lẽ xốc lại thi hài nằm cho ngay ngắn, quấn lại tấm drap trùm người cho thẳng thớm và chục lần như một, sau khi đẩy xe từ nhà xác về, tôi đều thấy anh kêu xị rượu ngồi thẩn thờ nhấm nháp một mình, đôi mắt buồn xo, nhàu nhĩ, đăm đắm nhìn vào khoảng tường trắng toát trước mặt. Chẳng biết anh nghĩ gì lúc đó nhưng trong suy tư mẫn cảm có chút thương tâm, tôi chắc anh đang thầm xót đau cho người bất hạnh vừa từ giã vĩnh viễn cuộc đời.

Là tôi cũng chỉ suy nghĩ bâng quơ vậy thôi chứ một lát sau đó đã thấy anh nằm lăn ra ngủ khì, hai tay gác lên trán, thở ra làn hơi mệt nhọc phì phào vì đêm nào cũng thức suốt đến gần sáng. Thật lạ không biết anh lấy sức đâu ra để có thể hết năm nầy tháng nọ nuôi bịnh mướn ở đây. Ngay cả anh em tôi thay phiên hàng ngày nuôi ba, thỉnh thoảng phải tranh thủ về nhà người thân chợp mắt một chút mà đứa nào đứa nấy mặt mũi phờ phạc, hốc hác thấy rõ. Vậy mà chẳng lúc nào thấy anh nghỉ ngơi bồi dưỡng, ăn uống thất thường, thức đêm thức hôm sao chịu nổi.  Đôi khi tôi tự hỏi anh cần tiền nhiều để làm gì bởi có lần hiếm hoi anh tâm sự với tôi là chỉ còn duy nhất người mẹ ở Rạch Giá, vợ con đã bỏ đi cách đây hơn mười năm mà hiện giờ anh cũng không biết đâu mà tìm.

*

Rồi mãi lo cho ba, tôi cũng quên béng đi chuyện ấy. Trưa hôm đó, một người bịnh nhập viện và được chuyển ngay về phòng cấp cứu. Đó là người đàn bà nằm thoi thóp trên băng ca, gương mặt hốc hác, mắt hõm sâu, làn da tái nhợt, tay chân chỉ còn da bọc xương chứng tỏ bịnh đã lâu, nằm liệt một chỗ. Bà đâu chừng bảy chục tuổi, gương mặt thất thần, môi khô rộp. Có lẽ tôi chẳng quan tâm nếu Ba Trọng không kể:

– Bà nầy ở vùng U Minh Thượng dưới Rạch Giá, quê tui. Nhà con bả gần đầu vàm nên tôi biết. Coi vậy chứ mấy đứa con Việt kiều ở Mỹ, ở Úc giàu có lắm ông à. Sáng nay họ mướn tui nuôi bả, ngày hai trăm ngàn lận đó…

– Vậy ở đây không có đứa con chăm sóc cho bả hết à? Tôi ậm ừ hỏi lại.

Ba Trọng lấy bình thủy rót ra ly cà phê đặc sánh làm một hơi trước khi trả lời tôi:

– Ôi, con cái bả cả đống nhưng có ai ngó ngàng gì tới mẹ đâu ông ơi. Nghe nói bả bịnh lâu rồi mà chẳng ai quan tâm. Bữa trước mấy thằng con Việt kiều gửi cho ít tiền nên tụi nó mới chịu chuyển viện cho bả lên đây. Nhưng có ai đi theo nuôi đâu. Tụi nó nói ở dưới quê mắc công chuyện, kêu tui nuôi giùm, mai mốt mấy đứa Việt kiều gửi tiền về trả.

– Rồi khi nào họ về? Ông nuôi bịnh mướn thế nầy rủi có chuyện gì bất tử làm sao?

Ba Trọng khoát tay:

– Chuyện gì mà lo. Có gì tui điện thoại cho tụi nó về. Sáng nay mấy đứa nó tạm ứng tui cả mười ngày nuôi mướn rồi. Ông tính coi. Đám con bả kỳ cục lắm, đứa nào thấy tiền gửi về cũng giành giựt, xâu xé, lo tranh giành, chẳng ai ngó ngàng gì tới mẹ. Chẳng như mẹ tôi…

Anh nói tới đó rồi cắt ngang nửa chừng, rân rấn nước mắt. Tôi muốn hỏi thêm chuyện gia đình, về người mẹ mà anh buột miệng nói ra trong lúc xúc động nhưng thôi, sợ anh buồn. Chuyện thiên hạ ở đời nầy trăm muôn ngàn cảnh, biết làm sao được.

Mà mình thì có giúp gì được cho ai đâu. Thôi thì đành làm bộ cười cười, nói lảng :

– Vậy là hôm nay ông có tiền nhiều rồi, còn muốn gì hơn. Bộ tính cưới vợ nữa sao để dành tiền nhiều vậy.

Câu chuyện đột ngột cắt ngang nửa chừng vì lúc đó lại thêm chiếc băng ca người bịnh khác trờ tới. Ba Trọng xăng xái chạy đẩy tiếp vô phòng cùng mấy cô y tá trực, loay hoay hỏi thăm, chỉ chỗ người nuôi bịnh nằm và cuối cùng là… lôi ra chiếc chiếu rách năn nỉ cho mượn. Tôi bật cười thầm vì người nuôi bịnh lần nầy là một phụ nữ đâu chừng trên bốn chục tuổi, gương mặt và dáng dấp coi cũng thanh thoát, có điều đôi mắt buồn xa xăm, luôn ngân ngấn nước và hình như nghèo lắm thì phải. Chị mặc bộ đồ bông trắng nhưng đã ngã qua màu cháo lòng, nhàu nhĩ. Qua câu chuyện với Ba Trọng, tôi biết quê chị ở Vĩnh Long, chồng mất sớm, sống nuôi hai đứa con còn nhỏ, mẹ bịnh nặng nhưng không có tiền chữa trị, phải bán máu mình rồi cả vay mượn hàng xóm mới đủ tiền đưa bà lên đây. Còn nước còn tát, miễn là mẹ sống, chị nói vậy rồi thẩn thờ lấy chiếu của Ba Trọng cho mượn trãi ra, thấp thỏm ngồi chờ bác sĩ kêu tên, kêu số vào chăm sóc mẹ.

Ba Trọng lăng xăng hỏi thăm ríu rít, chỉ dẫn cặn kẽ nội quy của phòng cấp cứu rồi không biết cao hứng thế nào kêu ly cà phê sữa mời chị phụ nữ kia. Tôi đọc trong mắt anh niềm vui khi giúp đỡ cho người khác. Hoặc anh vui cũng có thể chị là người đầu tiên mà từ ngày tôi vào đây mới thấy chịu mượn… chiếc chiếu rách bươm, đen mủn của anh ngồi nghỉ.

Một ý nghĩ dễ chịu mơ hồ vụt qua len lỏi trong đầu tôi. Coi cũng đẹp đôi đó chứ giỡn chơi. Bên vợ bỏ, bên chết chồng. Lại là những người tốt, hết lòng vì người khác. Rổ rá cặp lại không chừng vui hơn. Giá mà …

Rồi tôi bật cười, tự chế giễu mình khi nghĩ đến những chuyện bâng quơ, vô lối như vậy. Chỉ một khoảng trống nhỏ trước cửa phòng cấp cứu nầy thôi đã diễn ra trước mắt tôi bao nhiêu cảnh đời khắc nghiệt, mà chưa đủ sao?

Nhưng thú thật, điều tôi nghe qua lời kể về đám con nào đó đối xử với mẹ sao mà chạnh lòng, không hiểu nổi. Tôi cứ băn khoăn vẫn còn nhiều người coi nhẹ tình máu mủ thiêng liêng đến như vậy. Nhất là bà mẹ, người đã từng sinh đẻ, cưu mang, nuôi nấng mình từ nhỏ cho đến trưởng thành mà khi mẹ bịnh, không một ngày vào hỏi han, chăm sóc. Không biết đạo đức con người đi đến đâu nữa khi đồng tiền vô tri, vô giác đang ngự trị âm ỉ trong đầu họ.

Lại còn nhiều chuyện khác xảy ra ở khoảng trống nhỏ nhoi trước phòng cấp cứu mà tôi tận mắt chứng kiến. Ấy là có người khi cha mẹ đang nằm hấp hối chờ chết lại mang đến lủ khủ nào là giấy tờ nhà, tờ khai phân chia tài sản, đất đai… đòi người thân phải ký vào. Mà bệnh nhân đã hôn mê, đâu còn biết gì nữa. Vậy là họ dúi vào tay người bệnh cây viết nguệch ngoạc vào khoảng trống tờ giấy, hí hoáy ký bằng tay của họ, gương mặt ai nấy đều hớn hở. Có người còn mướn cả luật sư đến để chứng kiến giây phút lâm chung mà làm bằng chứng đi kiện đòi tài sản trước tòa sau nầy. Thôi thì trăm muôn nghìn cảnh éo le, đau xót, nhất là tận mắt thấy người sắp qua đời chảy dài nước mắt, miệng lắp bắp phều phào mà không làm gì được.

Bệnh tình của ba ngày một nặng hơn nên tôi không có thì giờ nói chuyện với Ba Trọng nữa. Bẵng đi mấy ngày, khi vào phòng làm vệ sinh cho thân nhân, anh ghé tai tôi, nói nhỏ:

– Chút nữa ra phòng tui nói chuyện nầy cho nghe. Ngộ lắm!

Gì nữa đây? Tôi đang rầu thúi ruột nhưng cũng gật đầu chờ nghe chuyện. Mới ra khỏi phòng, Ba

Trọng kéo tôi vào một góc, thầm thì:

– Cậu biết gì chưa? Hôm nay mấy đứa Việt kiều về nước, ghé qua bịnh viện thăm mẹ. Cái bà tôi nói với cậu hôm trước đó. Hổm rày nuôi bả tôi thấy bịnh tình càng ngày càng nặng, chắc không qua. Tội nghiệp. Lúc tỉnh lại, bả cứ đòi gặp con, hỏi thăm tôi tụi nó về nước chưa, có ai lên thăm không?

– Ông cho bả biết hôm nay con từ nước ngoài về thăm chưa? Tôi hỏi.

– Thăm hỏi gì cậu ơi. Hôm trước tui điện bảo bịnh mẹ tụi bây nặng lắm, về mà lo hậu sự. Nghe vậy tụi nó mới chịu đăng ký máy bay đó chứ! Hai đứa cứ càm ràm vé máy bay đột xuất mua mắc quá nhưng cũng ráng về gặp bả lần cuối. Nghĩa tử nghĩa tận mà cậu…

– Rồi mấy đứa con dưới Rạch Giá có lên thăm mẹ không?

Ba Trọng xua tay :

– Tụi nó lên phi trường đón Việt kiều chứ hơi sức đâu ghé đây. Cậu tính chưa gì mà tụi nó định xin tiền, đứa thì làm nhà, đứa sắm ghe cào lưới. Chẳng đứa nào hỏi thăm mẹ mình một câu. Tôi là người nuôi mướn thôi mà cũng thấy bực. Chẳng ai như cô Tám…Anh nói rồi bỏ lửng, dáo dác nhìn quanh.

–  Cô Tám nào. Tôi hỏi.

– Thì cái cô hổm rày nuôi mẹ ở đây tôi cho mượn chiếu đó. Tội nghiệp. Hôm qua hết tiền nộp viện phí, cô ấy hỏi tôi chỗ nào mua máu, cô bán kiếm ít tiền nuôi mẹ. Ở đời có người nầy người khác, cậu ơi.

Ba Trọng nói xong rồi ngúc ngắc bỏ đi trước khi tôi định chọc quê anh về cái ý tưởng lẩn thẩn vướng vít trong đầu hổm rày.

*

Trong thâm tâm, thực ra tôi cũng mong gặp mấy đứa con Việt kiều của người mẹ bất hạnh đang nằm thoi thóp trong phòng cấp cứu kia coi thế nào. Ít ra, tôi nghĩ để tự an ủi mình, là chúng có thể bận bịu công việc nhiều quá, đường về thì xa, nên lần cuối thăm mẹ chắc cũng bù đắp chuyện vô tâm của mình. Nói gì thì nói, ở đời ai bằng được mẹ. Nghèo đến nỗi phải đi bán máu cứu mẹ như chị Tám kia cũng đâu phải chuyện nhỏ. Còn Ba Trọng nữa. Không biết hổm rày có gì vui mà cứ lăng xăng giúp cô gái, mừng ra mặt. Hôm qua, anh kêu xe đưa chị qua bệnh viện huyết học bán máu. Về đến nơi còn mua ly trà đá đường cho chị uống lấy sức. Nhìn hai người bên nhau, tôi cũng vui lây niềm vui họ dù đang nằm trong hoàn cảnh khốn khó, đau thương, đong đầy nước mắt. Tôi cứ thầm mong ông trời có mắt…

Chỉ vài mươi mét vuông kia mà đủ phận người!

Một ngày nữa trôi qua mà chẳng thấy ai đến thăm người đàn bà đang mòn mỏi đợi gặp mặt con lần cuối. Ba Trọng còn nôn hơn tôi vì đợi trả tiền nuôi bịnh. Mắt anh cứ đăm đăm nhìn về hướng cổng bệnh viện, chốc chốc lại điện thoại liên tục hỏi thăm chuyến bay. Anh nốc cà phê liền tù tì nhưng hai mắt cứ nhíu lại và một lát đã thấy nằm còng queo ú ớ, ngủ khoèo trên nền gạch. Cái bụng anh phơi ra đủ để tôi thấy bọc ni lông đựng tiền lép kẹp. Hôm nay chắc hết tiền thật rồi. Tôi ngạc nhiên vì ở bên anh suốt tuần, có thấy tiêu xài gì đâu mà lẹ thế không biết!

Bác sĩ trực bất ngờ kêu tôi đi mua thuốc. Khi trở về tôi đã thấy một tấm chăn đắp lên ngực anh. Nhìn quanh chẳng có ai ngoài chị Tám, vẻ mặt ngại ngùng.

Có tiếng điện thoại reo. Ba Trọng choàng dậy bật máy, mặt háo hức nhưng nhanh chóng thất vọng. Tôi nghe tiếng được tiếng mất. Mấy đứa con Việt Kiều đã về đến phi trường Tân Sơn Nhất nhưng không chịu đến bệnh viện mà lại đặt phòng ở khách sạn ở quận 1 để nghỉ ngơi và kêu anh đến. Sao lạ vậy cà?

Chỉ khi dứt điện thoại, Ba Trọng nói chuyện tôi mới hiểu ra. Anh không giấu vẻ tức tối, chửi thề lầm bầm :

– Cậu tính coi. Tụi con về rồi nhưng báo cho tôi đến khách sạn lấy tiền nộp viện phí, trả tiền công nuôi bịnh, sợ đến đây rồi rủi nhiễm bịnh bà già. Tụi nó nói trước khi về, bác sĩ dặn không được đến gần người bệnh lao, dễ lây nhiễm. Mẹ, con cái gì lạ vậy trời!

Tôi lắc đầu ngó mông ngoài sân. Chỉ ở đây vài tuần, trong mắt tôi, bao câu chuyện người, chuyện đời xảy ra không ngờ được. Buồn vui, hỉ nộ, ái ố, cảm kích, tuyệt vọng, hạnh phúc, khổ đau… đủ cả. Khi tôi hiểu rằng trên cõi đời nầy, ngoài mãnh lực ghê gớm của đồng tiền phù phiếm, vô nghĩa thì vẫn còn có tình người bao la đầy ắp yêu thương, những con người tuy bình thường, nghèo khổ nhưng trái tim lấp lánh lòng nhân ái, sẵn lòng hy sinh vì người khác, chịu dành về mình những mất mát, thiệt thòi chỉ để mang lại cho người thân yêu niềm yên vui, hạnh phúc.

Chiều hôm đó người đàn bà bất hạnh qua đời. Khi chiếc băng ca trắng toát đẩy ra khỏi phòng, ngoài mấy cô y tá, Ba Trọng lại hì hục trợ giúp, đưa tay sắp lại thi hài, kéo cho vuông vức tấm drap trắng phủ mặt bà lão bất hạnh. Chẳng thấy đứa con nào có mặt làm thủ tục nên anh thay mặt thân nhân ký tên vào sổ xác nhận để đưa bà vào nhà xác.

Nhìn anh vuốt mấy tờ giấy bạc thẳng thớm cẩn thận cho vào túi ni lông bọc ngang bụng, tự nhiên tôi thấy buồn buồn. Cả chị Tám cũng giúp anh đẩy xe chở băng ca. Cái dáng nhỏ nhắn chị lọt thỏm bên thân hình to lớn của Ba Trọng. Tôi nhìn theo cho đến khi hai người mất hút bên dãy ngoặc của khu hành lang nhà xác.

…  Ba tôi mất sau đó một ngày. Trước khi đưa ba về hỏa thiêu, còn chiếc ghế xếp nhà mang theo nằm nghỉ, má tôi bảo cho luôn Ba Trọng. Anh có vẻ hí hửng lắm. Từ nay tôi không còn nằm lăn dưới nền gạch mà ngủ nữa đâu. Anh cười hề hệch nói thế rồi háy mắt nhìn chị Tám trước khi chia tay tôi.

*

Mới đây, nhân ngày giỗ đầu của ba, tôi từ Rạch Giá lên, sẵn ghé bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm bác sĩ Lân, trưởng khoa, các bác sĩ, y tá khoa lao đã từng chăm sóc ba tôi khi còn sống. Đang định ra về thì tôi thấy ai như Ba Trọng từ ngoài cổng bệnh viện đi vào, trên tay cầm bịch cháo. Lại có cả chị Tám bươn bả theo sau.

Hai người gặp tôi mừng ra mặt. Hóa ra giờ anh và chị Tám đã về ở chung với nhau sau mấy tháng chị nuôi mẹ bịnh. Mẹ chị sau đó cũng mất, nhà không còn ai, lại được anh ngõ lời nên chị đưa hai đứa con về ở luôn trên nầy với anh. Hai vợ chồng giờ nhận nuôi bịnh mướn ở khoa lao, ngày cũng kiếm được vài trăm, đủ nuôi con và trang trãi cuộc sống. Thôi cũng mừng cho họ. Hình như ông trời cũng còn thương những kiếp người lầm lũi, khổ đau. Hóa ra, trời không cho ai hết cái gì mà cũng không lấy hết điều gì của ai.

Uống với tôi hết ly cà phê lần đầu tôi thấy Ba Trọng bỏ đường ngọ nguậy, trong khi anh nghệch mặt ra thì chị Tám nói nhỏ :

– Hồi đó cũng nghĩ không đến với ổng nhưng lại thấy thương. Nhớ lần đầu mới lên nuôi mẹ, chưa quen chưa biết, ổng đã cho tôi …mượn chiếu. Mấy người nghèo quá lên nằm bịnh trên nầy ổng giúp chăm sóc mà đâu có lấy tiền ai, có khi còn dấm dúi cho họ tiền đi xe về quê.  Cậu biết không? Tiền nuôi bịnh mướn ổng cúc cu không dám ăn dám mặc hàng tháng gửi về nuôi người mẹ già ở Rạch Giá. Bả già yếu rồi, cũng bịnh hoạn quanh năm, nhà chỉ có đứa con độc nhất là ổng. Thấy vậy nên tôi động lòng. Ở đời mà gặp được người như ổng cũng có phước lắm, phải không cậu…/

Sưu tầm

Ảnh không liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *