ĐÂU PHẢI ĐỂ TỨC GIẬN?

Một vị lão hòa thượng có trồng một chậu hoa lan, ông rất chăm sóc và bảo vệ chậu hoa lan thanh nhã này, thường xuyên tưới nước, nhặt cỏ và bắt sâu cho nó. Hoa lan cũng nhờ vào sự chăm sóc của lão hòa thượng mà lớn lên khỏe mạnh và vô cùng xinh đẹp. Một lần, lão hòa thượng phải đi ra ngoài có việc một thời gian, ông liền đem chậu hoa lan giao lại cho tiểu hòa thượng nhờ chăm sóc.

Tiểu hòa thượng rất có trách nhiệm, cũng một lòng để tâm chăm sóc hoa lan như lão hòa thượng vẫn làm khiến hoa lan phát triển khỏe mạnh.

Một hôm, tiểu hòa thượng sau khi đã tưới nước cho chậu hoa lan liền đặt nó ở trên bệ cửa sổ rồi đi ra ngoài làm việc.

Thế rồi mưa to xối xuống, gió to làm chậu hoa lan rơi xuống mặt đất vỡ tan. Tiểu hòa thượng sau khi trở về nhà nhìn thấy trên mặt đất cành lá gãy tan nát, héo úa dưới đất. Tiểu hòa thượng vừa đau lòng vừa lo sợ lão hòa thượng sẽ quở trách.

Mấy ngày sau, lão hòa thượng trở về nhà, tiểu hòa thượng kể lại sự tình đã xảy ra và cũng sẵn sàng tiếp nhận sự trách mắng của lão hòa thượng.

Nhưng lão hòa thượng không nói lời nào trách mắng cả khiến tiểu hòa thượng vô cùng bất ngờ, bởi vì trong lòng tiểu hòa thượng biết rõ rằng ông vô cùng yêu mến chậu hoa lan kia.

Lão hòa thượng chỉ cười cười rồi nói với tiểu hòa thượng: 

“Ta nuôi dưỡng hoa lan, đâu phải để tức giận?”

Chỉ một câu nói đơn giản nhưng lại thể hiện ra một người có tấm lòng bao dung rộng lượng và cởi mở với cuộc đời.

Chúng ta làm việc không phải để tức giận…

Chúng ta yêu thương nhau không phải để tức giận…

Thứ gì đó một khi bị mất đi không thể vãn hồi được nữa có nhất thiết phải oán trách hay thù hận không? Người nếu như trong lòng có căm hận thì ở đâu cũng thấy hận, người nếu như có lòng biết ơn thì ở đâu cũng thấy biết ơn, người nếu như trưởng thành thì mọi sự cũng trưởng thành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *