Có rất nhiều hiện tượng xã hội khiến chúng ta ngứa mắt: Những người trung thực thật thà thường không được trọng dụng, mà luôn bị chèn ép và bài xích, những kẻ bợ đỡ, xu nịnh thì lại có thể sống ngang nhiên thoải mái, thậm chí còn một bước lên trời. Lúc này, bạn không thể tránh khỏi cảm giác thế gian lạnh lùng, lòng người hiểm ác, cảm thấy xã hội này đã mất đi trật tự, con người trở nên lãnh đạm và giả tạo. Nhưng thế giới từ trước đến nay vẫn luôn như vậy, người nói thật chưa chắc đã được hoan nghênh, còn kẻ a dua lại thường ăn nói kín kẽ, nói những chuyện vui vẻ làm người nghe thoải mái.
Thực ra, đây chính là cách đối nhân xử thế trong cuộc sống, là nghệ thuật giao tiếp, bởi vì bản thân ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp. Mục đích của việc chúng ta nói chuyện là bày tỏ quan điểm của bản thân và giành được sự ủng hộ của người khác. Nếu chúng ta nói ra những lời khiến đối phương phản cảm thì tốt nhất không nên nói. Hiển nhiên, ai cũng thích nghe những lời có cánh, và không có cách nào để từ chối người khác nói tốt về bạn, bởi vì trong sâu thẳm trái tim mỗi người đều khao khát được thấu hiểu và khen ngợi, cho nên khi có người xu nịnh, dù biết rõ là dối trá nhưng bạn nhất định vẫn sẽ cảm thấy ngất ngây.
Nhiều người cho rằng người giỏi ăn nói thường là kẻ tiểu nhân, mọi thứ họ làm là vì danh vọng và giàu sang hoặc họ có những bí mật gì đó không thể tiết lộ, nhưng trên thực tế, nhiều người nói những lời xu nịnh chỉ là để bảo vệ bản thân, tạo không gian sinh tồn và phát triển cho mình. Chính vì thế, chúng ta không thể trói buộc những người này bằng đạo đức cá nhân, cũng không thể dùng đạo đức để phán xét lời nói của họ liệu có phù hợp hay không. Đôi khi những lời hay ý đẹp có thể chứng tỏ trình độ giao tiếp và trí tuệ của mỗi người.
