Bố: Mọi người tập trung lại đây nào. Bố có tin tốt đây.
Con: Chuyện gì thế bố?
Bố: Bố vừa được thăng chức lên giám sát sát viên cấp cao, do đó lương bố tăng thêm 5$ một giờ… thêm vào đó bố cũng được tặng thêm một tấm séc 1000$ cho tờ khai thuế cá nhân nữa.
Mẹ: Tuyệt vời quá Charles, nhưng điều đó có ý nghĩa đối với mẹ con em đây?
Bố: Điều đó có nghĩa là chúng ta sắp tậu một con xe mới và đi nghỉ mát vào cuối tuần ở Bahamas!
—
Điều này không hẳn đúng với mọi nơi nhưng ngay đây ở Trinidad và có lẽ là cả khu vực Caribbean nữa, có rất nhiều người nghèo phải vận lộn với một vấn đề dường như không thể giải quyết được:
Sự tăng dần của thu nhập thường đi kèm với sự gia tăng theo cấp số nhân trong việc chi tiêu.
Điều này có nghĩa là:
- Làm tăng ca gấp đôi ở tiệm tạp hóa cả tháng trời = Mua một chiếc Iphone.
- Bán được một vài bộ phận từ chiếc xe cũ và lời được 800$ = Tậu con xe Subaru mới toanh.
- Ông bà để lại cho 2 hec-ta đất trong di chúc = Đi xõa ở bữa tiệc sinh nhật sắp tới.
- Tiền trả nợ cho xe hơi = Chiếc tivi màn hình cong 55 inch.
- Mã giảm giá 500$ cho đồ ăn dịp Giáng sinh = hóa đơn 6000$ và những tấm rèm mới.
- Con trai vừa có công việc đầu tiên = Sửa sang nhà cửa.
- Giá tiền mua sữa giảm 50 xu = Nhiều tiền hơn để mua rượu.
————————————————–
Những sai lầm lớn nhất là:
1. Chi nhiều tiền hơn khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn (lạm phát lối sống – lifestyle inflation).
Chúng ta không thể sống như thể mình vẫn còn là sinh viên mãi được. Mặc dù thế, rất nhiều người vẫn cứ tăng chi tiêu mỗi khi họ kiếm ra nhiều tiền hơn.
Đây là một trong những lí do tại sao nhiều người dù có thu nhập cao mà vẫn rơi vào cảnh túng quẩn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 20% những người có thu nhập cao sẽ rơi vào cảnh nợ nần (chỉ có thể sống dựa vào tháng lương này đến tháng lương khác), đối với tầng lớp trung lưu và tầng lớp trung lưu cao hơn thì tỉ lệ này còn lớn hơn.
Có hai lí do tại sao nhiều người có xu hướng chi tiêu như thế này: thói quen xấu đã ăn sâu vào họ, hoặc họ đang cố làm ra vẻ giàu có để thể hiện bản thân mà thôi. Có lẽ Instagram sẽ không tồn tại nếu chẳng có ai thích khoe mẽ cả.
2. Mắc nợ thẻ tín dụng.
Không phải lúc nào nợ cũng là điều xấu. Hầu hết những doanh nhân thành công đều sử dụng nợ làm đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, thẻ tín dụng và nợ tiêu dùng lại là một thứ rất đáng sợ (đối với những ai không hiểu chúng).
3. Chi tiêu rất nhiều tiền vào những tiêu sản giảm dần giá trị theo thời gian, ví dụ xe hơi, thay vì những tài sản có thể tích lũy và tăng trưởng.
4. Xem nhẹ những rủi ro.
Có rất nhiều thứ có thể xảy ra trong cuộc sống. Nhưng nhiều người vẫn cứ bỏ hết trứng vào một rổ, ví dụ như đầu tư hết tiền vào một công ty, một bất động sản nhà ở hay một cổ phiếu duy nhất.
5. Tài sản có tính thanh khoản thấp.
Nếu tất cả tài sản của bạn là nhà cửa hay việc kinh doanh, điều đó có nghĩa là bạn đang chịu nhiều rủi ro hơn so với việc bạn sở hữu các tài sản trên thị trường chứng khoáng thông qua các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (ETF – Exchange Traded Fund) hay các phương tiện khác.
[Người dịch: tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt có thể sử dụng ngay được. Các tài sản có thanh khoản cao bao giờ cũng được ưu tiên và được ưa chuộng hơn các tài sản khó thanh khoản]
6. Dành quá nhiều thời gian cho những người tiêu cực, độc hại thay vì dành thời gian cho những người tích cực.
7. Không xây dựng lối sống học tập suốt đời.
8. Chỉ tiết kiệm mà không đầu tư. Điều này cực kì rủi ro, nhất là khi bạn sống ở những quốc gia có tỉ giá hối đoái hoặc rủi ro lạm phát cao. Nhiều người đã mất nhiều tiền của, tài sản vì những vấn đề này trong quá khứ rồi.
(mời mọi người đọc một bài báo viết về hậu quả của lạm phát ở Việt Nam, khiến những tài sản có giá trị một căn nhà ở Hà Nội giờ chỉ tương đương ba tô phở: https://vietnamnet.vn/…/12-so-tiet-kiem-tri-gia-can-nha…)
Điều quan trọng cần phải biết, đó là giàu có và thu nhập không có mối tương quan với nhau. Một khoản tiền mặt như là một phần thanh khoản dành cho những trường hợp khẩn cấp là một điều cần thiết và nên chiếm một phần vừa đủ trong khối tài sản của bạn.
Do đó, cho dù một người có một khối tài sản trị giá 5 triệu đô trên giấy tờ, nhưng tất cả đều gắn với những tài sản có thanh khoản thấp sẽ không giống với một người có 5 triệu đô trong danh mục đầu tư có thanh khoản cao như các quỹ ETF.
Tương tự như vậy, một người kiếm được 500.000 đô một năm nhưng sau đó lại chi tiêu hết 500.000 đô đó, không giống với một người chỉ kiếm được 70.000 đô nhưng chỉ chi tiêu 50.000 đô.
Thực ra, nguyên nhân khiến một người nghèo đi là rất nhiều. Cho dù nhìn chung mọi người cho rằng một người kiếm được 500.000 đô là giàu đi nữa, vẫn sẽ có khả năng họ nghèo đi, chẳng hạn vì không biết cách quản lí tài chính.
Trong thực tế, nếu một người chỉ sống dựa vào tiền lương mỗi tháng, và một chuyện không may xảy đến, ví dụ như bệnh tật là đủ để đẩy họ vào cảnh nghèo rớt mồng tơi rồi.
Theo: Khám Phá Thế Giới
