Thảm họa môi trường kép trong Chiến tranh Vùng Vịnh và sáng kiến kỹ thuật khó tin của người Hungary!

Thảm họa môi trường kép trong Chiến tranh Vùng Vịnh và sáng kiến kỹ thuật khó tin của người Hungary!
Bạn sẽ nghĩ gì khi nghe đến Xe tăng T-34 và máy bay Mig-21? Kể cả là vào 30 năm trước đi nữa, thì 2 loại vũ khí này cũng sẽ bị coi là ”cổ lỗ sĩ”, tưởng chừng chỉ có trong bảo tàng Chiến tranh Thế giới thứ 2. Vậy mà vào năm 1991, trong chiến tranh Vùng Vịnh, chúng đã đóng vai người hùng thực sự, cứu thế giới khỏi thảm họa kinh hoàng. Thú vị hơn, 2 vũ khí này không đứng riêng biệt mà đã được kết hợp với nhau để tạo nên điều thần kì.
Nhưng điều thần kì chúng ta đang nói tới ở đây không phải là một chiến công mang màu giết chóc trên chiến trường, mà là cách người ta đã sử dụng T-34 cùng Mig-21 để cứu đất nước Kuwait và xa hơn là thế giới khỏi thảm họa môi trường nặng bậc nhất thế kỉ 20: thảm họa cháy và tràn dầu Kuwait.
1/ Sơ lược về chiến tranh Vùng Vịnh (vì bài viết này không phải là về diễn biến Chiến tranh Vùng Vịnh).
Cuộc chiến vùng Vịnh nhắc tới ở đây là vào năm 1991, giữa Iraq với Kuwait và sau đó là liên quân do Mỹ đứng đầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, trong đó có thể kể tới:
-Iraq coi Kuwait là một phần lãnh thổ bị tách ra trái phép
-Iraq nợ Kuwait 14 tỷ USD tiền tài trợ cho Iraq trong chiến tranh với Iran từ năm 1980-1988, trong khi Kuwait từ chối xóa nợ
-Xung đột giữa 2 nước trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC): Iraq định giảm sản lượng để tăng giá, trong khi Kuwait tăng sản lượng.
-Cảng Basra, cảng duy nhất của Iraq bị phá hủy nặng nề trong chiến tranh với Iran, làm mất con đường xuất khẩu dầu mỏ của Iraq, khiến họ phải tìm đường qua Kuwait.
-Kuwait hỗ trợ người Shia ở Iraq chống chế độ của Saddam Hussein.
-Và cái cớ để phát động chiến tranh: Iraq cáo buộc Kuwait khoan trộm dầu.
Ở đây tô đậm 2 lý do liên quan đến dầu mỏ, để nhấn mạnh mục tiêu dầu mỏ của Quân đội Iraq khi phát động chiến tranh. Với những lý do đó, ngày 2 tháng 8 năm 1990, quân đội Iraq tràn vào Kuwait, nhanh chóng đè bẹp quân đội nhỏ bé của nước này. Chưa đầy 1 tuần sau, Saddam Hussein tuyên bố sáp nhập Kuwait thành tỉnh thứ 19 của Iraq, xóa tên quốc gia này trên bản đồ thế giới.
Hành động của Iraq bị Quốc tế lên án, kể cả những nước Arab vốn thân cận với Iraq trước đây. Liên hợp quốc phải áp đặt trừng phạt, đòi Iraq rút quân nhưng không được đáp ứng. Đến tháng 8 năm 1990 đến tháng 2 năm 1991, Quân đội Mỹ lập ra mộtliên quân 35 nước, trong đó nhiều nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Arab Saudi, Syria, Ai Cập,… Lý do mình tô đậm tên Syria là để lưu ý Syria vào lúc đó đang bị Mỹ liệt vào ”trục ma quỷ” – danh xưng người Mỹ tự tiện áp đặt cho những kẻ thù nguy hiểm nhất của nước Mỹ cùng với Iraq, Iran, Triều Tiên, Cuba và Libya. Tuy nhiên, bất chấp mối thù đó, Syria vẫn tham gia cùng quân đội Mỹ tấn công Iraq vì ”tinh thần chính nghĩa” theo lời tuyên bố của Tổng thống Syria Hafez al-Assad.
Liên quân đã tấn công quân đội Iraq và giải phóng Kuwait thành công trong 2 tháng đầu năm 1991, với một chiến dịch quân sự chớp nhoáng nhưng tàn khốc. Chiến tranh vùng vịnh kết thúc với thất bại của Iraq và nền độc lập của Kuwait được khôi phục.
2/ Hành động phá hoại của quân đội Iraq cuối cuộc chiến.
Từ tháng 1 năm 1991, khi bị liên quân quốc tế đánh bại, quân đội Iraq trên đường rút lui khỏi Kuwait đã có các hành động: đốt cháy các giếng dầu của Kuwait, mở van và phá hủy các đường ống dẫn dầu, đem dầu trong các nhà máy đổ xuống biển,… Hành động này của Iraq nhằm nhiều mục đích. Bên cạnh mục tiêu tàn phá nền kinh tế Kuwait và làm xáo trộn thị trường dầu mỏ, nó còn là chiến thuật quân sự nhằm ngăn chặn máy bay, vệ tinh, vũ khí chính xác,…của quân Mỹ vốn đã gây rất nhiều thiệt hại cho Iraq trước đó. Ngoài ra, để ngăn chặn trên bộ, quân đội Iraq cũng lần đầu tiên sử dụng một chiến thuật mới gọi là ”chiến hào lửa”: các rãnh rộng 3m, sâu 3m và dài hàng trăm km được đổ đầy dầu và đốt cháy để ngăn binh lính và xe cơ giới vượt qua. Còn trên biển, dĩ nhiên là để ngăn một cuộc đổ bộ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Các chiến thuật đó thực tế đã phát huy hiệu quả. Một trong những ”chiến tích” lớn nhất của đám dầu này là khi một máy bay C-130 của Arab Saudi đang trở 92 binh sĩ Senegal đến Kuwait chiến đấu, khói đen phủ đầy bầu trời đã khiến máy bay hạ cánh chệch đường băng, nổ tung khiến toàn bộ 92 binh sĩ Senegal và 6 người Arab Saudi thiệt mạng. Vì vụ tai nạn này, Senegal nghiễm nhiên trở thành nước hứng chịu thương vong lớn thứ 2 trong liên quân, chỉ sau Mỹ dù họ không góp nhiều công sức trong thực chiến. Khá ”nhọ” cho Senegal!
Các báo cáo sau đó cho biết quân đội của Saddam Hussein đã mở tất cả các van và phá vỡ các đường ống dẫn dầu, đốt cháy các giếng dầu, đổ các thùng dầu đã khai thác xuống biển. 732 giếng dầu đã bị quân đội Iraq đốt cháy, chiếm 85% các giếng dầu của Kuwait, trong khi ghi nhận 14 giếng dầu bị cháy do trúng bom của liên quân. Số dầu cháy tương đương khoảng 5 triệu thùng (790.000 m3) mất một ngày. Hàng triệu thùng dầu cũng bị đổ xuống biển. Người ta tính toán ít nhất 336 triệu gallon dầu đã đổ ra vịnh Ba Tư thời điểm tháng 4 năm 1991. Diện tích dầu loang có kích thước tương đương đảo Hawaii, lan đến lãnh hải của Iran, Arab Saudi trong những ngày sau.
Các nhà máy, cơ sở lọc dầu của Kuwait cũng bị phá hủy nặng nề, thiệt hại với toàn bộ nền kinh tế của Kuwait theo ước tính lúc đó khoảng 21 tỷ USD vì phải mất đến 9 năm để Kuwait khôi phục lại sản lượng sản xuất dầu trước chiến tranh. Trong 2 năm đầu tiên sau chiến tranh, Kuwait từ 1 nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới phải nhập khẩu dầu. Việc đốt dầu của Iraq cũng gây nên ”cú sốc giá dầu năm 1990” giá dầu tăng đột ngột từ 21 USD/thùng tháng 7 lên 46 USD/thùng tháng 10, thị trường toàn cầu chao đảo.
3/Tác động lên môi trường
Ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa này không phải là lên kinh tế mà là lên môi trường và người dân, thậm chí với cả binh lính nước ngoài. Khói từ dầu thô cháy chứa nhiều hóa chất, trong đó có lưu huỳnh dioxide, carbon monoxide, bồ hóng, benzopyrene, Poly aromatic hydrocarbons, và dioxin. Hàng trăm nghìn lính Mỹ lính Mỹ sau khi trở về đã bị phát hiện gặp các vấn đề sức khỏe được cho là do hít phải quá nhiều khí độc từ các đám cháy dầu. Các vấn đề đó được gọi là ”Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh” (Gulf War syndrome) , ngày nay vẫn là một trong những vấn đề tranh cãi nhất nước Mỹ. Bởi vì ngoài cháy dầu, hai nguyên nhân khác khiến lính Mỹ nhiễm bệnh là do uranium nghèo trong bom và vắc xin chống bệnh than được tiêm quá liều.
Còn với người dân Vùng vịnh, từ năm 1991, 40.000 ca tử vong ở Kuwait, Qatar, Iran, UAE và Arab Saudi được cho là liên quan đến khói độc do dầu cháy. Một số lượng lớn thai nhi được sinh ra có dị tật, được ghi nhận trên tất cả các quốc gia xung quanh vịnh Ba Tư. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại không phải là Kuwait mà là Arab Saudi với một nửa số người nhiễm bệnh do thảm họa là ở quốc gia này, sau đó là Kuwait, Iran và Iraq.
Một trong những hậu quả lớn nhất mà các đám cháy dầu gây ra là các cơn mưa dầu, được tái hiện khá nhiều trên phim ảnh. Đại đa số các cơn mưa dầu đã đổ xuống lãnh thổ Kuwait, khiến 14.000 hecta đất trồng trọt của đất nước vốn đã không có nhiều đất sản xuất, bị ô nhiễm đến không sử dụng được. Hàng trăm nghìn con gia súc của Kuwait cũng bị chết vào thời điểm đó. Bên cạnh ngành dầu mỏ, nông nghiệp của Kuwait cũng coi như bị triệt tiêu.
Hậu quả đối với môi trường của Kuwait được ước tính kéo dài đến 50 năm. Trong hội nghị khí hậu thế giới tháng 11 năm 1991 tại Geneva thậm chí đã cảnh báo nguy cơ “Mùa đông hạt nhân” có thể xuất hiện lần đầu tiên kể từ vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 do ảnh hưởng của các đám cháy dầu Kuwait. Tại hội nghị, các báo cáo cũng chỉ ra nhiệt độ trung bình ở các khu vực Châu Phi và Nam Á đã giảm từ 2 đến 3 độ C, trong khi nhiệt độ nước biển tại vịnh Ba Tư có nơi đã tăng đến 6 độ C, được kết luận là do thảm họa ở Kuwait. Nhiều nhà khoa học lo sợ mọi chuyện sẽ xảy ra giống năm 1816, năm được gọi là ”năm không có mùa hè” do khói bụi từ núi lửa Tambora của Indonesia phun trào làm giảm nhiệt độ toàn cầu.
Tại thành phố Dhahran và Riyadh của Arab Saudi tháng 5 năm 1991 ghi nhận lượng mưa nhiều bất thường, nhưng là mưa axit. Ở các vùng xa hơn như Iran, Thổ Nhĩ Kì, Nga hay thậm chí là Tây Tạng, tháng 5 năm 1991 ghi nhận hàng loạt sự kiện ”tuyết đen”. Các nhà khoa học còn liên hệ đám cháy dầu ở Kuwait với sự tan băng bất thường ở núi Muztagh Ata, Tây Tạng năm 1991, sau khi ghi nhận lượng cacbon đen nhiều bất thường
Cho đến nay, thảm họa dầu ở Kuwait năm 1991 là vụ tràn dầu lớn thứ 2 và vụ cháy dầu lớn nhất lịch sử trong lịch sử. Chính phủ Kuwait quy trách nhiệm cho Iraq về thảm họa và đòi bồi thường thiệt hại tương đương thiệt hại kinh tế 21 tỷ USD của Kuwait. Toàn bộ số tiền Iraq phải bồi thường cho Kuwait là 50 tỷ USD thông qua Liên Hợp Quốc. Đến năm 2019, LHQ đã giải ngân 48,7 tỷ USD tiền bồi thường cho Kuwait. Tháng 7/2019, Iraq tiếp tục trả 270 triệu USD tiền bồi thường.
4/Nỗ lực ngăn chặn thảm họa
Ngay lập tức các tổ chức môi trường quốc tế tuyên bố tình trạng thảm họa mức cao nhất tại vịnh Ba Tư. Tuy nhiên vì lúc đó chiến tranh đang diễn ra nên phải đến tháng 3 năm 1991, người ta mới có thể bắt đầu giải quyết thảm họa. Một liên minh gồm 70 quốc gia, gấp 3 lần liên minh quân sự chống Iraq, đã tham gia giúp Kuwait khắc phục hậu quả. Tuy nhiên vì quy mô quá lớn của thảm họa, phải đến ngày 6 tháng 11 năm 1991, đám cháy dầu cuối cùng mới được dập tắt. 90% các đám cháy được dập tắt bằng nước biển, được phun từ các vòi rồng khổng lồ trên máy bay của quân đội Mỹ. Để bảo vệ nguồn nước khỏi bị nhiễm bẩn, họ đã phải huy động khoảng 40 km thanh hút dầu nổi trên mặt nước và 21 máy tách dầu khỏi nước. Cùng với hàng loạt xe hút dầu, họ đã thu lại được 58,8 triệu gallon dầu. Phần lớn số dầu đã bay hơi, chỉ một phần tám được thu lại, còn một phần tư khác dạt vào đất liền. Phần nhiều trong kinh phí 1,7 tỷ USD của công tác khắc phục do Mỹ và Arab Saudi tài trợ cho Kuwait. Nếu không có chiến dịch này, các chuyên ra cho rằng các giếng dầu sẽ cháy trong lâu nhất 5 năm cho đến khi hết dầu, lượng khói tỏa ra sẽ ”đủ để đưa thế giới gần lại kỷ băng hà”. Nhiều người còn gọi chiến dịch này là chiến dịch thứ 3 của chiến tranh vùng vịnh, sau 2 chiến dịch quân sự ‘‘Bão táp sa mạc” và ”Thanh kiếm sa mạc’‘. Nó được gọi với cái tên “Chiến dịch Sa mạc Địa ngục”.
Tuy nhiên, cháy giếng dầu rất khó dập tắt hơn đám cháy thường do dầu là nguồn cung cấp nhiên liệu khổng lồ cho đám cháy. Khi bắt đầu dập tắt các đám cháy, quân đội Mỹ hoàn toàn bối rối, bởi họ không có cách nào dập tắt hoàn toàn các giếng dầu cháy giữa sa mạc. Nhiệt độ ngọn lửa khi đó có thể đạt tới 1.000 độ C. Không khí xung quanh cũng có thể ở mức hơn 300 độ C, còn cát chỗ lửa cháy khoảng 700 độ. Giữa lúc này, một sáng kiến của người Hungary đã tới và giải quyết vấn đề.
Từ những năm 80, các kỹ sư người Nga và Hungary đã có ý tưởng dùng động cơ máy bay để chữa cháy. Tuy nhiên, với sức gió có thể thổi bay một ngôi nhà bình thường, người Hungary chưa thể áp dụng trong nước. Phải đến khi sự kiện cháy dầu Kuwait xảy ra, người Hungary mới đem phát minh của mình ra áp dụng.
Sử dụng các vũ khí có sẵn trong kho của mình, các kĩ sư Hungary đã lắp đặt 2 động cơ Tumansky R-25 của Mig-21 lên xe tăng T-34, tạo thành máy phun nước khổng lồ mang tên ”The Big Wind” (gió lớn). Big Wind nặng khoảng 46 tấn, với khoảng 3.000 lít dầu óc ách được ví như một quái thú dạng rùa khổng lồ bò về phía ngọn lửa với tiếng ồn kinh hoàng. Khi cách giếng dầu cháy khoảng 8 m, xe dừng lại để phun nước vào giếng dầu.
Một ống vòi rồng đưa nước lên xe từ một vũng nhân tạo ngay gần đám cháy. Có hàng trăm vũng nước kiểu này được đào sẵn để sẵn sàng dập những đám cháy tương tự và có thể chứa hơn 15.000 mét khối nước. Nước mặn ở các vũng được lấy từ hệ thống đường ống dẫn chạy dài 145 km từ Vịnh Ba Tư.
Khi máy bay phản lực được bật, kết quả thật phi thường. ”Big Wind” phun 220 gallon nước mỗi giây, biến nó thành một luồng hơi nước khổng lồ. Tốc độ nước được dự tính 770 dặm một giờ, tức 344m/s, bằng tốc độ của âm thanh. Bên cạnh đó, sức gió được tạo ra từ Big Wind ngăn không cung cấp thêm Oxi cho đám cháy.
Nhờ Big Wind, các đám cháy dầu lần lượt được dập tắt. Vào tháng 11 năm 1991, giếng dầu cháy cuối cùng của Kuwaiti đã bị dập thành công. The Big Wind nhờ đó được coi là một người hùng trong công cuộc tái thiết đất nước Kuwait sau chiến tranh. Một thảm họa đã được ngăn chặn. Nhưng Big Wind vẫn tiếp tục duy trì sức mạnh, dập tắt các đám cháy dầu và dọn đường băng trên khắp thế giới, một sự tôn vinh cho những kết thúc phi thường mà công nghệ quân sự có thể được hướng tới.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *