3 công việc tệ hại nhất trong lâu đài thời trung cổ
Người bắt chuột, Người làm vườn và Người rung kẻng
Người viết: JL Matthews
Trong cảnh hai của kiệt tác hài lịch sử Monty Python và Chiếc Chén Thánh, bộ phim hài này đã cho thấy một điều về quá khứ dễ bị lãng quên: đó là một nơi bẩn thỉu. Bẩn thỉu đến trần trụi.
Máy quay dõi theo chiếc xe đẩy đang đi ngang qua một khung cảnh chết chóc và hỗn loạn, khi chủ nhân chiếc xe đẩy thúc giục người dân thị trấn “mang thi thể ra đây” trong lúc anh ta lắc chiếc chuông đeo cổ bò.
Để khép lại cảnh này, Vua Arthur ‘cưỡi ngựa’ đi qua, bỏ lại đằng sau một đoạn trao đổi:
KHÁCH: Ai thế nhỉ?
CHỦ XE ĐẨY: Tôi không biết. Hẳn phải là một vị vua.
KHÁCH: Sao ông nghĩ thế?
CHỦ XE ĐẨY: Anh ta không có phân dính trên người.
Tuy hài hước và khó tin, nhưng cảnh đó đã phơi bày một sự thật đáng buồn. Cuộc sống thời trung cổ khổ như chó vậy. Nước sinh hoạt khan hiếm, thức ăn ít ỏi và ‘chăm sóc sức khỏe’ là một cụm từ không tồn tại.
Dưới tiền đề như vậy, đâu là một số công việc thực sự khổ sở mà người ta buộc phải làm? Hãy cùng nhau xem xét một chút nhé.
Những người bắt chuột, tiền thân của các loại thuốc diệt sâu bọ hiện đại, vô cùng bận rộn vào thời kỳ trung cổ. Chuột và các loài sâu bọ khác sống nhung nhúc trong những bức tường ở các thị trấn.
Các lâu đài – được thiết kế để chống lại một cuộc vây hãm – thường chứa đựng nhiều nhà kho dự trữ rau củ, thảo mộc, ngũ cốc. Nội thất bên trong lâu đài tối tăm, lạnh lẽo, cho nên những kho chứa này trở thành môi trường sống lý tưởng cho các loại chuột.
Dù bắt chuột là một công việc tệ hại, nhưng bạn lại nhận được sự tôn trọng của cư dân bạn bè nơi bạn sống. Ngay từ khi mối liên quan giữa chuột và dịch bệnh chưa được hiểu rộng rãi, những nông dân thời trung cổ vẫn ghét chuột. Tại sao ư? Thì trong một xã hội thường xuyên mấp mé bên bờ vực của nạn đói, sự xâm lấn của đám chuột có thể quyết định sống chết của một thị trấn thời trung cổ.
Không may cho cả người dân lẫn người bắt chuột, các phương pháp diệt chuột và sâu bọ thời kỳ này chẳng có bao nhiêu hiệu quả. Những biện pháp đi từ kỳ cục đến nực cười. Họ dùng lời nguyền để ám lũ chuột; dùng thảo mộc hay gia vị để ‘đầu độc’ chúng; nhiều khi họ còn tra tấn và hành hình lũ chuột để lấy đó làm tấm gương ‘răn đe’ những loài chuột bọ khác.
Tất nhiên, những người bắt chuột cũng áp dụng các phương pháp vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay như: tìm bắt, thuốc độc mạnh, loại bỏ nguồn cung cấp thức ăn của chúng.
NGƯỜI LÀM VƯỜN
Có thể bạn sẽ nghĩ, “Tôi thích làm vườn. Tại sao người ta lại nghĩ đó là một công việc khủng khiếp vậy?” Chà, công việc làm vườn thời trung cổ hơi khác một chút với sở thích trồng trọt thời hiện đại.
Một câu thôi, những người làm vườn thời trung cổ không có các công cụ hiện đại ngày nay.
Cần cắt tỉa một chút cỏ xanh? Không có máy cắt cỏ – chỉ có liềm hoặc kéo cắt thô sơ.
Cần tưới hoa? Không có vòi tưới – người ta phải xách thùng đi múc nước từ nguồn nước gần nhất.
Kiểu công việc tốn công mất sức này thường xuyên bị tạm dừng bởi nhu cầu cắt tỉa và làm cỏ bằng tay liên tục trong các khu vườn. Vì không có phân bón hoặc thuốc trừ sâu nhân tạo, mỗi cái cây đều có giá trị cao. Vì vậy, nếu có cái cây bị sâu bệnh, người ta cần phải nhanh chóng loại bỏ nó đi để ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Ngoài công việc lao động chân tay trong vườn, một người làm vườn thời trung cổ có rất nhiều nhiệm vụ bên lề ‘vui vẻ’. Trong lâu đài, người làm vườn chịu trách nhiệm dọn sạch các bức tường trọng yếu, loại bỏ dây nho hay các loại cây cối khác có thể tiếp tay cho kẻ địch đột nhập tấn công lâu đài. Khỏi phải nói, vô số người làm vườn đã ngã xuống khi đang thực thi nhiệm vụ, kết quả không chết cũng liệt người. Ngoài ra, đào mương để phòng thủ, xử lý chất thải hay đào hố cũng thuộc trách nhiệm của họ.
NGƯỜI RUNG KẺNG (GONG FARMER)
Nếu phải nhắc đến những công việc khủng khiếp trong lâu đài, người rung kẻng hẳn phải đoạt chức vô địch. Người rung kẻng còn được biết đến với cái tên người đổ thùng, chịu trách nhiệm dọn dẹp chất thải của người ra khỏi bể chứa phân (cesspit) trong lâu đài.
Những con người khốn khổ này sẽ vận chuyển chất thải ra bên ngoài lâu đài, đến các địa điểm đã được sắp xếp trước để đổ xuống và chôn.
Bể chứa phân, tiền thân thời trung cổ của hố tự hoại thường được đặt ở vị trí thấp nhất trong lâu đài. Những người rung kẻng sẽ phải đào lượng phân chất chứa hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm từ những cái hố này ra. Họ được trả theo tấn – bằng chứng cho thấy khối lượng công việc họ đã làm. Vì hoạt động trong một phạm vi chật hẹp và phải đào bới những thứ dơ bẩn như vậy cho nên có nhiều trường hợp những người rung kẻng đã bị chết ngạt trong chính môi trường làm việc của mình.
Khác với người bắt chuột, những người đổ thùng không được xã hội coi trọng. Phương thức làm việc của họ – chắc kèo là cả cái mùi khó giấu trên cơ thể họ nữa – đồng nghĩa với việc họ phải sống ở ngoài rìa xã hội.
___________________________________________________
Source: https://medium.com/exploring-history/the-three-worst-jobs-in-a-medieval-castle-9201c008ce0a