Là một một cuốn sách viết về hệ thống quản lý, những tưởng sẽ khô khan và nhiều kiến thức hàn lâm khó hiểu, thế nhưng qua cách tiếp cận và lập luận độc đáo của tác giả Frederic Laloux lại đặc biệt ấn tượng, người đọc như bị thu hút vào một hành trình thám hiểm đầy mới mẻ.
Tính độc đáo của cuốn sách thể hiện ngay từ hình thức trình bày, qua những hình ảnh trực quan sinh động, các khái niệm về tổ chức, các phân tích về mô hình quản lý trở nên sống động, thu hút và dễ hiểu. Điểm nổi bật và xuyên suốt của cuốn sách chính là thế giới quan màu sắc về quá trình hình thành, phát triển các mô hình tổ chức qua từng giai đoạn tiến hóa của nhân loại, đây thực sự là cách ứng dụng thông minh khi kích thích cả hai bán cầu não, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận và dễ dàng ghi nhớ các loại hình tổ chức (Bốc đồng, Truyền thống, Thành tựu, Phức hợp và Cấp tiến) tương quan qua thế giới màu sắc (màu đỏ, màu hổ phách, màu cam, màu xanh lá cây và màu xanh ngọc).
Đây có thể được xem là một cuốn sách kinh tế cô đọng, nhiều ý nghĩa và gợi mở nhiều góc nhìn. Từ góc độ cá nhân và doanh nghiệp, hoàn toàn có thể tạo nên một tổ chức CẤP TIẾN mà ở đó mỗi cá nhân tự quản lý bản thân, được sống, làm việc với trọn vẹn con người mình và định vị xu hướng bằng sự cảm nhận. Từ góc độ cộng đồng, hoàn toàn có thể tạo nên các tổ chức là các HỆ SINH THÁI hay các hệ thống sống có tri giác, có sự kết nối, có xúc cảm, bình đẳng, trách nhiệm và ở đó sự thay đổi được xem là quy luật tất yếu sẽ diễn ra đúng như bản chất của tự nhiên. Con người thông qua thế giới quan MÀU XANH NGỌC đang từng bước hướng đến một môi trường sống và làm việc mà ở đó tổ chức không còn vô cảm như những cỗ máy, nhiều cấp bậc và cứng nhắc vận hành theo những quy trình, thủ tục chồng chéo; bản thân mỗi cá nhân không cần phải đeo trên mình lớp mặt nạ của lý trí và sự “chuyên nghiệp” hay hàng loạt những cố gắng nhằm dự đoán và kiểm soát tương lai (điều mà không ai có thể đoán định trước).
Giá trị của cuốn sách còn ở chỗ các ý tưởng và lý luận mà tác giả đưa ra được chứng minh một cách sống động từ thực tế vận hành của một số tổ chức trên thế giới đã hoặc đang theo mô hình CẤP TIẾN. Những tổ chức tiên phong này, chính là những bằng chứng sống gợi mở và cho con người có quyền hy vọng vào một thế giới đầy sức sống với CÁC HỆ SINH THÁI tuyệt vời có thể thích ứng với xã hội ngày càng phức tạp và nền công nghiệp không ngừng phát triển.
Cuốn sách này phù hợp với tất cả các đối tượng, từ cá nhân đến các tổ chức. Đối với các tổ chức có mong muốn tái tạo để phù hợp với xu hướng phát triển, thì đây thực sự là một cuốn cẩm nang hữu dụng, mặc dù chưa phải là toàn diện về các điều kiện cần thiết để tạo nên một mô hình tổ chức CẤP TIẾN. Đối với các cá nhân có dự định tham gia hoặc đang làm việc trong một mô hình tổ chức CẤP TIẾN, thì cuốn sách chính là những kiến thức nền tảng giúp cho việc định vị các yêu cầu cần thiết của một thành viên trong HỆ SINH THÁI đó chính là sự độc lập, tự quản, sống trọn vẹn và biết cảm nhận.
(Thom Le)