ZANSHIN: NGHỆ THUẬT CHÚ Ý VÀ TẬP TRUNG CỦA NHỮNG CUNG THỦ SAMURAI HUYỀN THOẠI

Chuyện Eugen Herrigel học Kyudo

Vào những năm 1920, một giáo sư người Đức tên là Eugen Herrigel chuyển đến Nhật Bản để dạy triết học tại một trường đại học ở thành phố Sandai, cách Tokyo vài giờ về phía đông bắc.

Để hiểu sâu hơn về văn hóa Nhật Bản, Herrigel bắt đầu tập luyện Kyudo, môn cung đạo truyền thống của Nhật Bản. Ông được dạy bởi một cung thủ huyền thoại tên là Awa Kenzo. Kenzo tin rằng những người mới bắt đầu nên nắm vững các nguyên tắc cơ bản của bắn cung trước khi thực hành. Vị cung thủ này đã áp dụng phương pháp này một cách tối đa khi giảng dạy cho Herrigel. Suốt 4 năm đầu tiên, vị giáo sự người Đức chỉ được phép bắn vào một cuộn rơm cách đó chỉ hơn 2 mét.

Khi Herrigel than vãn về sự tiến bộ cực kỳ chậm chạp của mình, Kenzo đã trả lời ông rằng: “Con đường để đạt được mục tiêu là không thể đo lường chính xác được bằng tuần, tháng hay năm.”

Cuối cùng, khi Herrigel được phép bắn vào các mục tiêu xa hơn, kết quả cũng chẳng khá hơn là bao: Những mũi tên luôn bay chệch hướng. Vị giáo sư này ngày càng trở nên chán nản sau mỗi lần bắn tệ. Trong một cuộc trao đổi, Herrigel nói rằng vấn đề của ông nằm ở mục tiêu ngắm bắn. Tuy nhiên Kenzo nhìn người học trò của mình và trả lời rằng không phải là cung thủ có nhắm mục tiêu hay không, mà chính cách người đó tiếp cận nhiệm vụ mới là yếu tố quyết định kết quả của phát bắn. 

Bực bội với câu trả lời này, Herrigel buột miệng, “Nói vậy thì bịt mắt bắn cung cũng không khác gì.” Kenzo dừng lại một lúc rồi nói “Hãy đến gặp tôi tối nay.”

 Bắn cung trong bóng tối

Sau khi màn đêm buông xuống, hai người trở lại sân tập bắn. Kenzo đi đến vị trí bắn quen thuộc của mình, bây giờ tấm bia bắn của người cung thủ đã ẩn trong bóng tối. Bậc thầy bắn cung tiếp tục, theo thói quen bình thường của mình, ổn định tư thế bắn, kéo chặt dây cung và phóng mũi tên đầu tiên vào bóng tối.

Nhớ lại sự kiện đó, Herrigel viết, ” m thanh phát ra cho tôi biết rằng thầy Kenzo đã bắn trúng mục tiêu.” Ngay lập tức, Kenzo kéo mũi tên thứ hai và một lần nữa bắn vào màn đêm.

Herrigel bật dậy và chạy khắp sân để kiểm tra mục tiêu. Trong cuốn sách “Zen in the Art of Archery” của mình, ông đã viết, “Khi tôi bật đèn trên giá đỡ mục tiêu, tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng mũi tên đầu tiên nằm ở ngay hồng tâm, trong khi mũi tên thứ hai cắm xuyên qua nó.” Hôm đó thầy Kenzo đã bắn 2 mũi tên trúng hồng tâm mà không hề nhìn thấy mục tiêu.

 “Mọi thứ bạn làm đều nhằm hướng tới mục tiêu”

Những cung thủ vĩ đại thường dạy học trò mình điều này. Nơi bạn đặt chân, cách bạn cầm cung, cách bạn thở trong khi thả mũi tên – tất cả đều quyết định kết quả cuối cùng.

Trong trường hợp của Awa Kenzo, bậc thầy cung thủ này đã rất tập trung và hành động chính xác toàn bộ quá trình, vì vậy ông có thể thực hiện phát bắn chính xác ngay cả khi không nhìn thấy được tấm bia bắn. Nhận thức đầy đủ về cơ thể và tâm trí liên quan đến mục tiêu như tình huống trên được gọi là Zanshin.

Zanshin là một từ được sử dụng phổ biến trong cung đạo Nhật Bản để chỉ trạng thái tỉnh táo và thoải mái. Theo nghĩa đen, Zanshin có nghĩa là “tâm trí không bị bất cứ thứ gì khác xen vào”. Nói cách khác, đó là khoảnh khắc bộ não của bạn hoàn toàn tập trung vào hành động và nhiệm vụ trong tầm tay cần phải hoàn thành. Zanshin luôn nhận thức được cơ thể, tâm trí của bạn và môi trường xung quanh mà không gây căng thẳng cho bản thân. Đó là một sự cảnh giác không cần nỗ lực.

Tuy nhiên, trên thực tế, Zanshin còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó chính là lối sống được thể hiện qua những hành động có mục đích, chứ không phải làm mọi thứ mà mặc kệ mọi chuyện có thể xảy ra sau đó.

 Kẻ thù của sự tiến bộ

Có một câu tục ngữ nổi tiếng của Nhật Bản, đại ý rằng “Sau khi thắng trận, hãy thắt chặt mũ của bạn.” Nói cách khác, trận chiến không kết thúc khi bạn thắng, mà chỉ kết thúc khi bạn trở nên lười biếng, khi bạn thiếu sự quyết tâm và tập trung vào những việc mình làm. Đây cũng là triết lý của Zanshin: luôn hành động sống một cách tỉnh táo, bất kể bạn đã đạt được mục đích hay chưa.

Chúng ta có thể áp dụng triết lý này vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống:

 Viết: Trận chiến không kết thúc khi bạn xuất bản một cuốn sách. Nó kết thúc khi bạn xem đó là một tác phẩm hoàn chỉnh, khi bạn mất đi sự tập trung cần thiết để tiếp tục cải thiện khả năng sáng tác của mình.

 Thể hình: Trận chiến không kết thúc khi bạn vượt qua kỷ lục nâng tạ của bản thân. Nó kết thúc khi bạn mất tập trung và bỏ qua các bài tập hoặc khi bạn tập luyện sai dẫn đến quá sức.

 Tinh thần kinh doanh: Cuộc chiến không kết thúc khi bạn chốt được một hợp đồng lớn. Nó kết thúc khi bạn trở nên tự mãn với kết quả mình đạt được.

Kẻ thù của sự tiến bộ không phải là thất bại hay thành công mà chính là sự buồn chán, mệt mỏi và thiếu tập trung, là thiếu cam kết với quy trình được đặt ra từ đầu, bởi vì quy trình là tất cả.

 Nghệ thuật Zanshin trong cuộc sống hằng ngày

“Một người nên tiếp cận mọi việc với cùng một sự chân thành, cùng cường độ và cùng nhận thức mà người đó có giống như khi cầm cung tên trong tay.” – Kenneth Kushner trong cuốn sách “Một mũi tên, một cuộc đời”.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi kết quả. Giống như Herrigel, chúng ta thường quá chú trọng vào việc mũi tên có trúng đích hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta dành toàn bộ sự tập trung vào quá trình bắn cung – bao gồm vị trí đặt chân, cách cầm cung, cách thở khi phóng tên – thì việc bắn trúng hồng tâm chỉ là kết quả tất yếu theo sau.

Bạn không cần phải lo lắng về việc bắn trúng mục tiêu. Bạn chỉ cần nắm bắt khoảnh khắc Zanshin – khoảnh khắc hoàn toàn nhận thức và tập trung. Hãy áp dụng triết lý này mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống của bạn. Mục tiêu của bạn không quan trọng bằng cách bạn tiếp cận và hoàn thành mục tiêu đó. Hãy nhớ, mọi thứ đều hướng tới mục tiêu. Đó là Zanshin.

 Nguồn: James Clear

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *