Việt Nam là một đất nước có văn hóa dùng đũa trong bữa ăn. Ở nước ta, trẻ con từ rất nhỏ đã được dạy cầm đũa để gắp, và, trộn… đồ ăn. Có bao giờ bạn tự hỏi đôi đũa có ý nghĩa văn hóa như thế nào không?
Đôi đũa ta thường dùng hàng ngày đơn giản và thân thuộc ẩn chứa rất nhiều triết lý đấy. Cùng mình tìm hiểu nhé!
1. Cách cầm đũa theo triết lý Viễn Đông.
Chiếc đũa có phần vuông ở trên tượng trưng cho âm và phần tròn ở dưới tượng trưng cho dương.
Cầm đũa theo vị trí âm dương
Khi cầm đôi đũa để gắp thức ăn, phần đũa nằm dưới ở thể tĩnh (âm), phẫn đũa nằm trên thì động để kẹp chặt miếng gắp (dương). Vì vậy mà đôi đũa được ví như cặp khí âm dương.
Cầm đũa theo ý nghĩa tam tài : Thiên, Địa, Nhân
Đôi đũa đặt trên ngón trỏ và ngón cái ở trên (Trời), ngón út và ngón đeo nhẫn ở dưới cùng (Đất), ngón giữa nằm giữa hai chiếc đũa (Người).
Biết bao bài học cuộc đời được người Việt gửi gắm vào cách cầm đũa:
– Khi vào bữa cơm, người nhỏ tuổi sẽ so đũa sao cho bằng, sắp đũa theo độ tuổi, người nhỏ tuổi hơn phải đợi người lớn tuổi nhất cầm đũa mới được cầm, khách chờ chủ nhà cầm đũa mới cầm đũa: học cách kính trọng đối với người trên, tôn trọng người khác.
– Khi gắp thức ăn tránh việc bới móc, chọn miếng nào gắp miếng ấy, không dùng đũa đảo thức ăn trong đĩa chung; Khi chấm nước chấm chung không nên chấm cả đũa vào bát, đã cắn rồi không chấm trở lại: bài học về phép lịch sự…
2. Đôi đũa thể hiện triết lý của người Việt về hôn nhân.
Như đã giới thiệu ở trên, đôi đũa có âm có dương giống như một cặp vợ chồng trong gia đình vậy. Người Việt xưa thường coi sự cân xứng hòa điệu trong tình yêu, trong hôn nhân như sự cân xứng của hai chiếc đũa trong một đôi đũa. Trong ca dao, tục ngữ của người Việt có những lần ví von:
– Vợ chồng như đũa có đôi
– Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng
Bởi chưng thầy mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau
– Đôi ta như đũa trong kho
Không tề, không tiện, không so cũng bằng.
3. Triết lí đoàn kết và đôi đũa
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng được học câu chuyện dân gian “Bó đũa”. Người Việt coi bó đũa là hiện thân của sự đoàn kết. Bẻ gãy một chiếc đũa thì rất đơn giản, nhưng không thể bẻ gãy cả bó đũa. Chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Hình ảnh bó đũa trở thành bài học về sự đoàn kết, hòa thuận của người Việt.
4. Đũa trong triết lý nhân sinh của người Việt
Người Việt phê phán cách nhận xét, khái quát vấn đề một cách hồ đồ, thiếu cơ sở, thiếu phân tích, thiếu dữ liệu bằng câu tục ngữ: Vơ đũa cả nắm.
Người Việt xưa cũng phê phán những ảo tưởng, những ý muốn không thực tế về hôn nhân: Đũa mốc lại chòi mâm son.
Không chỉ là những triết lý đã kể, đôi đũa còn ý nghĩa với mỗi người Việt bởi nó gắn liền với bữa cơm, có biết bao câu chuyện đã xảy ra, biết bao kỷ niệm gắn liền với đôi đũa. Đôi đũa có ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người con Việt.
Đôi đũa vô tri: tre, gỗ khô cằn
Nhưng khăng khít bên nhau không ganh tị
Hai chiếc đũa cùng nhau chung một ý
Bữa ăn nào cũng phải có mặt cả đôi.
Cùng với nhau theo ta trọn cuộc đời
Dẫu bằng: gỗ, tre, ngà,…hay bằng nhựa
Nhưng vẫn bên nhau cùng giữ gìn lời hứa
Gắn bó cả đời suốt bữa tiệc cùng mâm.
[Bài thơ Đôi đũa]
—
Nguồn tham khảo: viethocjournal.com; thanhdiavietnamhoc.com…
Ảnh: Vietnamculture
