Mình phát biểu ở đây được chứ?
Mình vừa nghe xong sách nói gần đây, thấy cũng hài lòng nhưng không ấn tượng cho lắm. Một tác phẩm ổn, nhưng mình thấy cái ý tưởng cho rằng chủ nghĩa tập thể là cái gì đó xấu xa được trình bày nửa vời. Kiểu như, thời con người hãy còn ăn lông ở lỗ và săn bắt hái lượm? Liệu những kẻ có tư tưởng cá nhân cực đoan sản sinh ra từ muôn người trong bộ tộc sẽ là kẻ kết nối tất cả ư? Không, bởi vì như vậy thì cả cộng đồng lâm nguy mất. Dường như quan điểm của Rand về nhân loại chỉ có thể khả thi khi chúng ta có thặng dư của cải thật cao và ai ai cũng có thể tự do làm theo ý thích của mình.
Rand mơ tưởng về một thế giới của những kẻ khổng lồ, bao gồm cả những người khổng lồ nữ, nhưng bà ấy không mảy may hiểu được vì sao chúng ta chưa đạt đến mức độ đó. Bà ấy ngợi ca tiềm năng của con người bằng tất thảy những gì bà có, nhưng lại không phê phán xã hội hiện thời. Bả là điển hình của những kẻ cánh hữu theo chủ nghĩa không tưởng. Không biết làm sao để biến tầm nhìn thành hiện thực, hào hứng với những gì thuộc phạm trù nhân loại, nhưng bị mắc kẹt trong những hành vi phản kháng bởi vì không có phương án nào đủ tốt để hóa giải mâu thuẫn ấy. Bà không bao giờ chấp nhận thực tế, và trở nên cuồng loạn.
Từ góc nhìn văn chương, thì chủ đề về sự đúng đắn tuyệt đối, hay cái hoàn hảo vĩnh cửu vốn chẳng xa lạ gì trong văn chương hay triết học. Những anh hùng khả kính, những vị thần tôn giáo, những hình tượng chính trị – Những giả định về cá nhân hoặc số đông ấy đều sẽ “tác động” đến suy nghĩ của chúng ta về thế giới. Siêu anh hùng có siêu năng lực cứu rỗi chúng ta. Còn ở Công giáo thì Jesus là hình mẫu tối cao mà chúng ta phải tuân theo. Còn Marx thì vẽ ra một xã hội không tưởng cho tất cả mọi người.
Mỗi lần có một thớt nào đó bàn về Ayn Rand, y như rằng sẽ có người phàn nàn tác phẩm của bà ấy quá lý tưởng, hay không áp dụng được trong xã hội hiện tại vv
Còn Marx thì vẽ ra một xã hội không tưởng cho tất cả mọi người.
Mình lên tiếng chỉ vì đây là một sự hiểu lầm khá phổ biến. Marx tấn công học thuyết không tưởng và thường chế giễu những đối thủ của mình là những kẻ theo đuổi sự không tưởng. Những gì ông ấy viết chỉ là chỉ trích xã hội đương thời, và hầu như không chỉ ra rằng cái gì nên thay thế thực tiễn.
Tôi đọc rất nhiều tác phẩm của Rand, và luôn ấn tượng với cái cách kỹ năng viết của tác giả đã tiến bộ nhanh thế nào. Tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của bà ấy, rất dễ nhận thấy khi đọc những cụm từ chuyển văn cảnh. Những truyện ngắn đầu tay của bà giàu cảm xúc nhưng quả thật không hay lắm.
Điều tôi muốn nói là, bà ấy mang niềm tin của một con chiên mới cải đạo về chủ nghĩa tư bản. Bà ta thấy được rằng nêu lên ý kiến của bản thân rằng muốn xã hội công bằng hơn thì không cải thiện được thực tế, nhưng thay vì thấy ra quyền lực cũng là tác nhân gây ảnh hưởng xấu trên diện rộng, thì bà ta lại hết lòng tin tưởng chủ nghĩa tư bản có thể hoài thai ra một chế độ nhân tài thực thụ. Những người như chúng ta biết rõ từ kinh nghiệm bản thân rằng, cuộc đời không phải một cuộc thi tài năng, và chủ nghĩa tư bản cũng gây ra nhiều vấn đề chẳng kém. Sự công chính chỉ có thể hiện diện dưới sự vận hành của một cấu trúc xã hội, nhưng những cấu trúc này có thể sai lầm. Và điều này lại dẫn đến một băn khoăn muôn thuở, thế nào mới thực sự là công bằng?
Cuối cùng thì, tôi gạt Rand sang một bên bởi vì bà ấy đơn giản là không hiểu được là không phải mọi mối quan hệ và tương tác tình cảm giữa người với người đều chỉ mang ý nghĩa giao dịch. Không lý nào lại như thế được. Bả cũng không hiểu luôn rằng không phải ai cũng được ban phát tài nghệ ngang nhau, và dù vậy ta không nên bỏ mặc những người kém tài hơn đằng sau và coi họ thành vô dụng. Dù một người không đóng góp hay sản xuất ra giá trị cho xã hội tư bản, thì họ vẫn có giá trị nội tại. Rand không tin điều đó.
Nhưng ngòi bút của bà ấy thì tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết, tôi không tiếc vì đã đọc sách của bà, tôi cũng không thấy những quyển ấy vô dụng.
Cảm ơn bạn vì góc nhìn đa chiều!
Là một đứa hay hóng hớt những chủ đề thế này và khá là không ưa Rand với tư cách một nhà văn, thì tui muốn nói là tui thích suy nghĩ của bạn. Đây chắc là ý kiến bênh vực bả hay ho nhất mà tui từng đọc.
Điều tốt đẹp nhất mà ai đó từng nói về Rand mà tôi không thể phản đối.
Mình không thấy tình yêu gì trong văn của bả, nếu có thì chắc cũng đã chìm nghỉm trong sự thù hận và sợ hãi. Có điều gì đó rất đáng buồn khi có người lại căm ghét lòng vị tha và đức hy sinh đến vậy. Cứ như bà ấy sợ gần gũi với con người. Những người như bà xem người khác là mối nguy hoặc công cụ. Khi bạn nhìn mọi thứ dưới con mắt cân đo đong đếm lợi ích cá nhân của bản thân, thì bạn đã mất đi một phần “người” quan trọng rồi đấy.
Cái gọi là xã hội nhân tài của bà ấy cũng không công chính như nhiều người tưởng. Với bà ấy, có nhiều tài năng hơn đồng nghĩa xứng đáng được nhiều hơn. Nhưng những người chăm chỉ cần cù có thể nghĩ khác đấy. Trong thế giới của bà, những người tàn tật thì vô dụng. Và đừng quên, bà ấy căm ghét những hành động từ thiện đến mức nào. Vậy thì đâu là giải pháp cho những ai chưa hoàn thiện về thể chấttinh thần và không thể độc lập sống được?
Vậy thì đâu là giải pháp cho những ai chưa hoàn thiện về thể chấttinh thần đến nỗi không thể độc lập sống được?
Đó là lý do vì sao vũ trụ của Rand không có bất kỳ đứa trẻ hay bậc phụ huynh nào. Thế giới thực tế đã phát sinh những phản biện không lấy gì làm thuận tiện lắm cho cái gọi là ‘đức hạnh của sự ích kỷ’ của bà ấy, cho nên bà ấy loại đi hết.
A=A.
Có một trích đoạn trong tiểu thuyết về việc Katie Halsey (người yêu cũ của Peter Keating) mở lòng với chú của cô là Ellsworth Toohey rằng công tác hỗ trợ xã hội khiến cô không hạnh phúc, rằng niềm vui khi giúp đỡ người khác đã cạn kiệt, và kinh sợ hơn cả là sự căm ghét con người đang lớn dần trong cô. Chú của cô đã phản ứng lại bằng cách lên án cô chỉ biết quan tâm đến hạnh phúc của bản thân, kết tội cô dám lấy sự thỏa mãn cá nhân làm động lực đằng sau công việc mang tính nhân đạo của cô.
Hoàn toàn tư lợi không phải sinh ra đã có, nhưng hoàn toàn phủ định bản thân cũng vậy. Nhiều sự tử tế, vị tha và từ thiện mà con người làm cho nhau được thúc đẩy bằng việc cảm thấy tốt đẹp về chính họ, hay cố gắng khiến thế giới gần hơn với điều họ tin tưởng, hay là để chứng minh với người khác. Những điều này có thể sẽ không đẹp lòng những ai tin tưởng vào cái thiện tuyệt đối, nhưng nếu chúng ta bắt họ phải đạt được một chuẩn mực như Toohey yêu cầu, thì đó là đã đi ngược lại với tâm lý tự nhiên, và chỉ khiến họ đau khổ.
Mặt sáng là, “Suối Nguồn” đã nói lên tâm tư của những con người sống trong một xã hội đè nén cái tôi ngột ngạt. May mắn thay, ngày nay tầm quan trọng của việc tự chăm sóc và thấu hiểu bản thân đã được giáo dục trong nhiều nền văn hóa, nên có lẽ chúng ta không cần Ayn Rand dạy nó nữa, nhưng sự tình không được như thế vào những năm 40 thời ấy đâu.
Ý mình là, mình đồng ý rằng đức hy sinh có thể trở nên tai hại trong một số trường hợp, bản thân mình cũng biết một số người đã phải khổ sở vì nó. Nhưng mình không nghĩ cách giải quyết hay ho lại là yêu cầu họ phải thay đổi 180 độ để trở nên ích kỷ hoặc cá nhân. Không khác gì tìm một tín đồ Mặc Môn và bảo họ hay là chơi ma túy đá đi bạn nè.
Khi bạn nhìn mọi thứ dưới con mắt cân đo đong đếm lợi ích cá nhân của bản thân, thì bạn đã mất đi một phần “người” quan trọng rồi đấy.
Bạn là ai mà có quyền phát xét con người phải như thế nào?
EDIT: Tại sao quan điểm của bà ấy lại không đáng tin bằng cái nhìn của bạn?
Chúng ta là động vật xã hội. Chúng ta không phải loài kiến, sống trong một chế độ toàn trị mà nơi đó cá nhân không quan trọng (kể cả kiến chúa), nhưng cũng chẳng phải rắn – loài sinh vật không sống bầy đàn cũng chẳng có cảm xúc gì với đồng loại. Con người sống trong một cộng đồng được liên kết chặt chẽ nơi mà mỗi cá nhân có nhu cầu riêng rồi lại móc nối với những cá nhân khác. Chúng ta tìm kiếm sự quan tâm, chúng ta có những nơ-ron thần kinh bé tí tẹo nhưng có quyền năng khiến ta hiểu được cảm giác của người khác. Nếu chúng ta thấy một chú khỉ trong bầy của mình khát nước, bản năng sẽ bảo chúng ta đưa nước cho chú khỉ ấy, hơn là bảo con khỉ kia đổi chuối đây rồi tao mới cho nước mày. Chúng ta có thể làm ra những chuyện tồi tệ (con khỉ nào cũng vậy) nhưng tự thân mỗi người đã có lòng vị tha. Đó là lý do mà chúng ta khai quật được hài cốt của những người già từ thời tiền sử, họ không thể sống đến chừng đó nếu những cá nhân trẻ hơn không chăm sóc họ. Bất chấp thực tế là, chiến lược khôn ngoan nhất là để người già chết đi.
Mình nghĩ triết lý theo đúng ý của bà ta, nói chân thành luôn, là không cách nào tồn tại trong thực tế. Lập luận về những người không có khả năng tự đáp ứng nhu cầu cơ bản của bản thân họ là lập luận đầu tiên và tiên quyết nhất chống lại bà ấy. Những bậc cha mẹ góa, trẻ mồ côi, người già, người bị thương tật, bệnh nhân tâm thần, và những con người vừa trải qua một giai đoạn khó khăn trong đời đều gần như thuộc nhóm đó.
Và vâng, sẽ có những kẻ khốn nạn nhưng không muốn tự nhận mình xấu xa sẽ tìm kiếm sự an ủi trong văn chương của bà ấy, ngay cả khi những hành vi của bọn chúng gần hơn với nhân vật phản diện trong sách của bà. Khốn nạn vẫn mãi hoàn khốn nạn dù chúng có tự nhận mình theo triết lý gì đi nữa.
Nhưng, cá nhân mình không nghĩ bà ấy viết vì sợ hãi hay căm ghét. Bà ta say mê lý tưởng của mình và khát khao được nói ra cái phiên bản thế giới tươi đẹp của bà ấy.
Mình nghĩ triết lý theo đúng lý của bà ta, nói chân thành luôn, là không cách nào tồn tại trong thực tế.
Trong thế giới thực, hầu hết mọi người có con cái. Nhưng không có một đứa trẻ nào được sinh ra suốt 18+ năm ròng trong tiểu thuyết của Rand. Bà ấy đục đẽo một bối cảnh thuận tiện để biện minh sự vị kỷ của một kẻ thái nhân cách, nhưng nó không phải là thực tế. Không hề. Một dạng phản địa đàng như trong phim “Giống nòi nhân loại” (Children of Men) thôi.
Lối viết dở tệ, lạm dụng từ ngữ, đối thoại khiên cưỡng, trình bày rườm rà, và được viết bởi một kẻ đạo đức giả có kiến thức tuyệt vời về kiến trúc. Tôi đúc kết được chừng ấy sau khi đọc xong.
Mình đọc quyển này vào độ đôi mươi. Mình chẳng biết gì chuyện nó liên quan đến cánh hữu hay chính tác giả Ayn Rand như thế nào. Một người bạn tặng cho mình và nói “bất cứ ai làm nghệ thuật đều nên đọc”. Cho nên, mình đã tiếp cận cuốn sách qua lăng kính như thế. Thật lòng thì, mình đã yêu nó. Đó là câu chuyện về rằng chúng ta phải trung thành với nguyên tắc của mình, dù rằng bạn là nghệ sĩ hay ai đi nữa, và cường quyền không giải quyết được gì cả, những thông điệp ấy đã làm mình rung động.
Sau này đúng là mình có đọc những quyển sách hay hơn, và giờ mình cũng nhận ra được những ý lồng ghép chính trị của nó, nhưng mình không thể phủ nhận rằng câu chuyện và nhân vật đã ảnh hưởng sâu sắc đến mình. Nó thực sự có tác động tích cực lên cuộc sống của mình. Có chăng, thì quyển đó cũng là một bước đệm tuyệt vời để tiếp cận những đầu sách sắc sảo hơn, và mình vẫn biết hơn người bạn năm nào đã đề cử nó!
Cảm nhận của mình y vậy! Là một người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội nghiêm trong, thì đọc về một anh chàng đếch quan tâm gì hết những gì người ngoài nghĩ về anh ta (dù anh ta có vẻ cực đoan quá haha) và luôn chiến đấu vì điều anh ta muốn, thật sự đã giúp ích cho mình.
Đó đúng là quyển sách nặng tính lý tưởng. Nguyên lý cốt lõi của nhân vật Howard Roark này là ý thức về mục đích và sự nhất quán của anh ta, điều đó tốt thôi. Và cũng như nhiều hình mẫu nhân vật anh hùng khác, anh ta không khoan nhượng. Hầu hết những gì anh ta nói về những “kẻ sống thứ sinh” cũng đúng nếu ta đặt mình vào nhân vật, nhưng ở nửa sau, cả câu chuyện đã vỡ tan tành. Cái kết thì ngớ ngẩn đến cạn lời.
So với “Người khổng lồ nghiêng vai” (Atlas Shrugged) còn chán ngán và nặng nề nữa, thì tui thích “Suối Nguồn” hơn nhiều, nhưng cũng chỉ có vậy.
Với tư cách là kẻ nói không với chủ nghĩa tự do lẫn chủ nghĩa Khách quan, thì “Suối Nguồn” làm tôi ngạc nhiên bởi nó khác hoàn toàn ấn tượng cố hữu của tôi về người hâm mộ Ayn Rand vào thời điểm ấy. Tôi có ấn tượng rằng Rand là vị thánh bảo trợ cho những tập đoàn lớn, hay những vị doanh nhân hoặc chính trị ham mê đọc những quyển sách lươn lẹo kiểu Carnegie, tức những kẻ sẽ mỉm cười giả lả và nịnh bợ để bò lên tầng cao nhất ấy. Nhưng hóa ra không phải, quyển sách là sự lên án gay gắt toàn bộ nền văn hóa doanh nghiệp như vậy. Hỡi ơi, khuyết điểm lớn nhất của nhân vật chính là gã ta đần độn trong mọi việc khác. Chiến lược kinh doanh của anh ta, với tư cách là một kiến trúc sư độc lập, là ngồi trong văn phòng qua ngày đoạn tháng chờ những khách hàng cũng thông minh như anh ta tìm đến. Cũng tốt khi anh ta quan tâm đến sự nhất quán trong nghệ thuật của mình và những người làm xây dựng, nhưng nếu không nhờ Tác giả độ cho, thì mỗi quyết định trong số hàng tá quyết định điên rồ mà anh ta đưa ra sẽ khiến anh ta phá sản (và, có thể là ngồi tù).
Tôi không nghĩ Ayn Rand là một tác giả tồi, bà ấy là một tác giả điên thì đúng hơn. Ừ thì, các nhân vật không cư xử giống người, nhưng có vẻ như đấy không phải mục đích của họ. Và với việc khía cạnh ngớ ngẩn nhất trong triết lý của bà ta khi đó chưa được hoàn thiện (ví dụ A=A), thì điều làm ảnh hưởng đến tôi là cách quyển sách này đã xoáy sâu vào quan niệm duy vật thế tục trong tâm thức con người, cũng như sự ủng hộ với kiến trúc hiện đại. Cái ý sau đặc biệt đáng lưu ý, bởi vì trớ trêu thay, với sự thù ghét của người theo cánh hữu dành cho kiến trúc hiện đại, thì tôi lại tìm thấy sự biện minh hay ho nhất dành cho nó ở ngay trong một văn bản gắn liền với cánh hữu. Và Rand cũng có một số đoạn văn xuôi rất đẹp, rất thăng hoa:
“Ngôi nhà trên những bản vẽ đã được thiết kế không phải bởi Roark, mà là bởi vách đá trên đó ngôi nhà sẽ đứng. Như thể mỏm đá đã lớn lên, tự hoàn tất bản thân nó và tuyên bố cái mục đích mà nó đã tồn tại để chờ đợi. Ngôi nhà được chia thành nhiều tầng, bám theo những gờ của khối đá, nhô lên khi tảng đá nhô lên, bằng những khối thoai thoải, trong những mặt phẳng cùng nhau vươn lên thành một hòa âm trọn vẹn. Những bức tường, cũng cùng chất liệu đá granit như khối đá, tiếp tục vươn những đường thẳng của nó lên trời; những mái hiên bê tông rộng, nhô ra ngoài, cùng màu bạc như mặt biển, lượn theo đường nét của những con sóng và của đường chân trời thẳng tắp”
Tôi khá chắc rằng cốt truyện này có thể viết lại thành câu chuyện của một chàng nhạc sĩ độc lập với cá tính không chịu thỏa hiệp, và như thế có thể gây tiếng vang trong giới họa sĩ và nhạc sĩ, sẽ không ai còn nghĩ đó là chiêu trò truyền thông của cánh hữu nữa (ờ, trừ khi người ta nhận ra nguồn này ở đâu). Có lẽ, vấn đề nằm ở việc Kiến trúc là nghệ thuật có điều kiện, bởi bản chất của nó là một thiểu số ưu tú định hình không gian sinh sống của một số đông, và vì thế, không nên xem Kiến trúc như thể đó là một phương tiện để thể hiện cái tôi cá nhân của tác giả.
Rand là một hình tượng cực kỳ gây tranh cãi, và, đôi khi, quan điểm của một người về cá nhân bà ta sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận sách của bả. Khuyết điểm của cả “Suối Nguồn” và “Người khổng lồ nghiêng vai” là những trường đoạn thuyết giảng – Bà ấy tạo ra một siêu hiện thực như mong muốn của bà, với những nhân vật có cá tính vượt ngoài thực tiễn và có lẽ nên nằm trong khung “giả tưởng”, nhưng không có cuốn sách nào được gọi là hay, khi chúng đầy rẫy những đoạn trình bày cồng kềnh làm trì trệ mạch truyện.
Cá nhân tôi, tôi thấy cuốn “Chúng ta thực thể sống” (We the Living) là quyển được nhất của bả – Một quyển sách truyện lịch sử hay về nước Nga thời Soviet.
Có một vài bài phỏng vấn ngày xưa của bả mà mọi người có thể tìm được trên YouTube, trong một chương trình trò chuyện tầm những năm 70-80 gì đó.
Nhân vật mâu thuẫn của bà ta (Peter) còn hấp dẫn hơn cả người hùng và phản diện, bởi vì khi Rand pha trộn góc nhìn đen và trắng của bả, thì kết quả ta thu được một hỗn hợp mới trông có vẻ giống sự đa chiều.
Howard Roark là một tên tội phạm. Thực tế thì anh ta sẽ đi tù.
Triết lý của Rand lạc lõng đến ngộ nghĩnh với thực tế, và bản thân nó cũng không được rành mạch nữa. Bả thần tượng những kẻ đả phá cô độc nhưng được việc, nhưng nhân vật chính lần này là một kiến trúc sư, một nghề nghiệp mà ai cũng biết là một mắc xích trong một hệ thống rộng lớn hơn, hòng khai thác và vận chuyển tài nguyên đến đúng nơi và tiến hành xây dựng. Tôi nghĩ, sự sai sót này đến từ suy nghĩ cơ bản “Người hùng của bản hùng ca Khách quan này nên là một nhà văn đã trốn chạy khỏi chủ nghĩa cộng sản, ờ khoan… nên là một kiến trúc sư thì hơn. Những người đó cũng kiểu như là tác giả của những công trình rồi, nhỉ?”
Dù vậy, bả đã rất có thể trở thành nguồn đóng góp đáng kể cho vũ trụ ABO đấy.