Khắc khoải nhớ bố mẹ khi Tết về
Với người Việt, Tết không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà Tết còn là thời gian khiến mọi người nhớ về gia đình qua những ký ức thân thuộc. Đối với người Việt xa xứ, Tết càng tới gần thì nỗi nhớ nhà càng lớn lên trong lòng họ. Bởi với họ, dù sống ở nơi đâu, cuộc sống có đủ đầy ra sao, họ vẫn không thể tránh khỏi cảm giác nhớ nhung, cô đơn, lạc lõng.
Chị Thu Hường (41 tuổi, quê Thái Bình, sang định cư tại Nga được 2 năm) chia sẻ, là một người con xa quê khi ở độ tuổi không còn quá trẻ với nhiều hoài bão, cũng không còn phải quá bon chen trong cuộc sống, nhưng hình ảnh mà chị luôn đau đáu trong lòng đó là hình ảnh bố mẹ già.
Bước chân sang một đất nước xa xôi, không còn được gần bố mẹ, không còn được sự che chở chăm sóc của bố mẹ như những ngày sống bên cạnh bố mẹ. Mỗi lần đi trên phố, nhìn xung quanh toàn cảnh tượng xa lạ, người không quen, ngôn ngữ cũng khác, hình ảnh mà chị Hường nhớ nhất đó là bố mẹ.
“Nhớ hình dáng còng lưng của mẹ, nhớ bố mỗi chiều ngồi đầu ngõ chờ con chở các con đi học và đi làm về, tôi nhớ cả tiếng ho của bố mỗi khi trời trở lạnh, lúc đó tự nhiên lòng tôi như se sắt lại, nước mắt như muốn rơi. Nhưng bố mẹ ơi, thật khó trở về như ngày xưa, để được cạnh bố mẹ, để được cùng bố mẹ ăn bữa cơm chiều cuối năm”.
Với chị Hường, mỗi khi nghe đâu đó vang câu hát: “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi…”, hay gọi điện về cho bố mẹ, chị Hường được nghe bố mẹ kể về đường phố nhộn nhịp, mọi người sắm Tết, chị lại cảm thấy chạnh lòng và không nói nên lời, vì chị nghĩ, nếu bố mẹ chị nghe được tâm trạng của chị, chỉ khiến bố mẹ thêm buồn lòng và thêm nhớ về các con, các cháu.
Đây cũng là cái Tết thứ 2, chị Vũ Vân Anh (42 tuổi, hiện đang làm việc tại Nga) không được ăn Tết cùng gia đình, cái Tết thứ 2 chị xa quê hương và những người thân yêu.
Chị Vân Anh bảo, Tết ai chẳng muốn sum vầy, đoàn viên với gia đình, ở nơi xa chị nhớ không khí rộn rã của ngày cuối năm cùng mẹ đi chợ, cùng cha dọn dẹp nhà cửa đón Tết, tuy mệt nhưng vui.
“Mẹ ơi, con nhớ vị Tết quê hương, nhớ mùi bánh chưng vừa vớt lúc luộc xong, mùi của các loại mứt mẹ làm, mùi củ hành, củ kiệu trong mâm cơm… Những hương vị giản dị nhưng gắn liền với biết bao ký ức của mỗi người Việt Nam.
Trên các trang mạng xã hội ai ai cũng chia sẻ không khí đón Tết quê nhà, khiến con thấy chạnh lòng quá mẹ à, giọt nước mắt con vô thức cứ thế rơi. Mỗi năm Tết đến là cha mẹ thêm tuổi, sức khỏe sẽ già yếu hơn, con vẫn biết là thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh, con chưa thể về”, chị Vân Anh xúc động chia sẻ với PV Dân Việt.
Đã 30 năm rời Việt Nam sang Nga và chưa một lần trở về quê ăn Tết cùng người thân, nhưng bà Lê Thị Kim Liễu (57 tuổi, quê Thái Bình) chưa khi nào ngừng nhớ về Tết Việt.
“Nghẹn ngào, nao lòng là những cảm xúc khi Tết cận kề. Tôi sang Nga làm việc chuyên về các món ăn Việt Nam, đặc biệt là phở nhằm phục vụ kiều bào và công dân nước Nga. Mỗi dịp Tết, để anh chị em công nhân làm việc với tôi, vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, tôi đều tổ chức buổi gói bánh chưng truyền thống, và cùng tề tựu đón giao thừa”, bà Liễu chia sẻ.
Dạy con cháu gói bánh chưng để nhớ về Tết cổ truyền
Chị Thu Hường có 4 đứa con trong độ tuổi khác nhau, nhưng luôn hướng các con nhớ tới quê hương, ông bà, người thân… Vào mỗi dịp Tết, vợ chồng chị sẽ cùng các con trang trí Tết, cùng nhau gói bánh chưng, cho các con nghe các bài hát về quê hương, về ngày Tết, để chúng hiểu được ý nghĩa của ngày Tết, với ước muốn chúng cũng mong ngóng về quê ăn Tết như bố mẹ.
“Hy vọng, khi cuộc sống ổn định, điều mà tôi mong muốn nhất đó là mỗi dịp Tết đến cả gia đình được về quê ăn Tết cùng với gia đình hai bên nội, ngoại vì mình luôn luôn nhớ trong lòng rằng: Còn bố mẹ là còn lối về, là còn tất cả… Ngoài ra, mỗi người con Việt Nam dù ở đâu, làm gì cũng đều mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Họ luôn quý trọng những giá trị truyền thống và lưu giữ những điều tốt đẹp này đến thế hệ mai sau”, chị Hường bộc bạch.
Cũng không ngoại lệ, bà Lê Thị Kim Liễu tổ chức cho anh chị em công nhân gói bánh chưng, là cách để các cháu nội của bà biết tới hương vị và nhớ về Tết cổ truyền.
“Khoảnh khắc quây quần bên nhau, cùng nhau gói bánh, cùng nhau thức trông nồi bánh chưng, chia sẻ câu chuyện Tết xưa là cách rất tuyệt vời để các cháu nội tôi hiểu về ý nghĩa của Tết Việt: đó là sự biết ơn tổ tiên, sự sum vầy ấm áp, những yêu thương mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Những bài học giản dị, lại chứa biết bao ân tình, và những bài học ấy mang lại giá trị to lớn để các cháu tôi làm hành trang mang theo trong cuộc sống dù ở bất kỳ nơi đâu”, bà Liễu trải lòng.