Chủ nhật, ngày 11/05/2025 14:50 GMT+7
Lái xe ô tô tranh cãi với nhân viên: “Mất tiền mua, sao phải nhờ mở nắp bình xăng” – ai đúng, ai sai?
Tào Nga Chủ nhật, ngày 11/05/2025 14:50 GMT+7
Cộng đồng mạng xôn xao trước một đoạn video ghi lại cuộc tranh cãi giữa một nữ tài xế ô tô và nhân viên tại trạm xăng dầu về việc: “Mất tiền mua xăng, sao phải nhờ?”.
Trên mạng xã hội Facebook và TikTok mới đây xuất hiện video ghi lại cảnh tranh cãi giữa chủ xe và nhân viên tại một trạm xăng dầu. Clip dài chưa đầy 30 giây với một câu chuyện thường ngày không đáng mâu thuẫn nhưng đã xảy ra và lan truyền nhanh chóng, thu hút hàng loạt bình luận với nhiều quan điểm khác nhau.
Video này được chính khách hàng quay với mục đích “bóc phốt” nhân viên trạm xăng dầu. Theo đó, nữ tài xế hỏi với thái độ không hài lòng: “Cây xăng yêu cầu khách phải xuống tận nơi mở nắp thì mới được đổ xăng à?” và “Em đi đổ xăng chưa ở đâu bắt khách tự xuống mở nắp cả, toàn nhân viên tự biết mở nắp bình xăng”; “Cho em xin tên chị cái”…
Trong khi đó, nhân viên cây xăng cho rằng không có nghĩa vụ phải mở, nếu chủ xe nhờ cậy họ sẵn sàng giúp đỡ. Chủ xe lập tức phản bác: “Em không phải nhờ! Khách hàng mất tiền mua xăng, sao phải nhờ hả chị?”.
Chưa biết trước và sau clip này đã xảy ra tình huống như nào nhưng vụ việc ngay lập tức gây ra 2 luồng ý kiến. Nhiều người chỉ trích lái xe không nên quay clip, không khó khăn gì khi mở nắp bình xăng hay chắc có thái độ gì đó nên nhân viên mới như vậy. Thậm chí có người nhận xét nặng nề: “Có tí tiền mà lên mặt”, “hách dịch”, “coi thường người khác”.
Ở chiều ngược lại, nhiều người bất ngờ trước hành động của nhân viên cây xăng. Bởi vì xưa nay nhiều người vẫn ở trong xe, bật nắp, nhân viên tự mở nắp bình xăng để đổ. Sau đó nhân viên đến thanh toán tiền là xong. Trong trường hợp này nhân viên chưa làm tròn nhiệm vụ, dịch vụ chưa tốt.
Trước tranh cãi trên, một nhân viên cây xăng cho biết: “Nhiều khi chúng tôi rất đông khách xe máy chờ để đổ xăng. Chỉ cần khách hạ kính nhờ nhân viên chúng tôi 1 câu cũng cảm thấy nhẹ lòng nhưng đây toàn thấy ra lệnh. Đúng quy trình bán hàng, khách hàng phải xuống xe để xác nhận màn hình đã về số 0 và xác nhận số tiền trên màn hình cột bơm, sau đó thanh toán tiền”.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Tùng Lâm, làm trong trong lĩnh vực xử lý truyền thông, nêu quan điểm: Chuyện không phải cái nắp bình xăng – mà là cách ta sống với nhau”.
Theo anh Lâm, đây là một ví dụ điển hình cho câu nói “Chuyện bé xé ra to”. Mở nắp bình xăng – xét về bản chất – là một hành động đơn giản, không đòi hỏi kỹ năng, không tốn sức lực và càng không đáng để cãi vã.
Vấn đề không nằm ở việc ai đúng theo quy định: Nhân viên có buộc phải mở nắp không hay khách phải tự làm? Đây không phải là điều chúng ta cần tranh cãi.
Vấn đề thực sự nằm ở cách con người cư xử với nhau. Chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng, một đề nghị đủ tử tế, một ánh mắt có thiện chí: “Chị ơi, mở giúp em nắp bình được không?”, vậy là xong.
Nhưng khi sự khó chịu trong lòng lại đi trước lời nói. Khi cái tôi bị tổn thương dẫn dắt cách ta giao tiếp thì mọi việc – dù nhỏ nhặt nhất – cũng có thể trở thành mồi lửa.
Phản ứng của nhân viên tỉ lệ thuận với năng lượng mà khách hàng phát ra. Giao tiếp không còn là tương tác – mà trở thành va chạm. Và càng gửi đi nhiều khó chịu trong lời nói, trong hành vi, câu chuyện càng rối rắm, vượt xa bản chất ban đầu của nó.
“Từ một hành động lẽ ra chỉ mất vài giây – mở nắp bình xăng, chúng ta biến nó thành một cuộc tranh cãi tiêu tốn thời gian, năng lượng và cả lòng tôn trọng lẫn nhau. Thế giới này không cần thêm nhiều quy định để ép buộc nhau, không cần thêm lý lẽ để tổn thương nhau. Điều chúng ta thật sự cần – là học cách sống tử tế với nhau”, anh Lâm bày tỏ.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội: “Cần nâng cao chất lượng dịch vụ của người bán xăng cũng như xây dựng văn hóa của người tham gia giao thông khi đổ xăng. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như người lái xe ô tô biết tôn trọng người khác và nhân viên cây xăng có thái độ ứng xử phù hợp hơn”.