Truyện ngắn của Phạm Xuân Đào
Tôi ở làng chài ven biển. Nhà tôi nghèo lắm. Có lẽ tài sản có giá trị nhất là chiếc tivi và chiếc điện thoại bố mua cho tôi để lúc buồn, tôi chơi games.
Người làng kể rằng, trong một lần bố tôi cùng đám ngư phủ đi biển thì ở nhà mẹ tôi trở dạ. Một mình bà quằn quại chịu đau để cố sinh ra tôi… Đến khi kiệt sức, ngất đi thì bà mới được mấy bà ở quanh đi chợ chiều về chạy sang. Họ đưa bà lên bệnh viện trong tình trạng sự sống của bà ngàn cân treo sợi tóc. Các bác sỹ kịp mổ, lôi tôi ra, còn bà thì ra đi mãi mãi.
Dân làng lo làm ma cho mẹ và thay nhau chăm sóc tôi, chờ bố tôi đi biển trở về. Gần nửa tháng sau, thuyền bố cập bến. Nghe tin vợ chết, con thơ…ông chạy một mạch về nhà, bế tôi trên tay, nước mắt lưng tròng. Ông gào khóc thương cho vợ rồi một mình hương khói cho mẹ tôi và ở nhà chăm sóc tôi.
Khi tôi bốn, năm tuổi , do mối lái, bố tôi cưới dì Năm ở xóm bên về làm vợ. Ông nói với mọi người là để có người trông tôi cho bố yên tâm đi biển. Có người khen dì Năm, nhưng không ít người chép miệng “ôi giời…khen gì mà khen. Cứ chờ đấy xem sao. Hức, mấy đời bánh đúc có xương…”.
Dì Năm về được hơn tháng thì bố giao tôi cho dì trông coi để bố cùng mọi người đi biển. Vậy là từ đấy, hầu như ở nhà chỉ có tôi và dì Năm. Chả biết người làng khen dì kiểu gì mà tôi chỉ thấy ghét, chỉ muốn dì đừng ở ngôi nhà của cha con tôi nữa. Người gì mà suốt ngày bắt tôi phải học hành cho chu đáo, không đánh bạn với lũ mảng chơi trong xóm. Rồi còn đè tôi ra cắt móng chân, móng tay. Ngày nào cũng bắt tôi tắm rửa sạch sẽ và cấm cả tôi chơi ghêm. Tôi cãi lại thì dì lừ mắt “có muốn khi bố về, dì mách bố không?”. Tôi miễn cưỡng làm tất cả những việc đó và tìm cách chống đối dì. Nhưng hình như tôi càng chống đối, dì lại càng nghiêm khắc hơn. Đã có lần, tôi gắt lên “dì mặc tôi, tôi không khiến dì quan tâm”. Dì nhìn tôi, mắt ngân ngấn nước. Rồi dì lại “thiết quân luật nghiêm hơn”. Những lần họp phụ huynh về, dì thường gọi tôi ra ngồi ngoài hiên tỉ tê. Nào là cô giáo bảo Quyết học môn toán tốt, môn văn chưa tốt. Nào là hôm nọ Quyết đánh nhau với bạn…như thế là không hay… Nghe dì nói nhiều quá, tôi phát ớn. Có lần tôi la lên “học tốt hay học kém thì kệ tôi, mắc mớ gì đến dì…”.
Vui nhất có lẽ là những lần bố tôi đi biển về. Tôi chạy ra tận mép nước đón bố. Ông nhảy từ trên tàu xuống, lao vào bờ công kênh tôi lên vai, miệng cười hể hả. Hai cha con đi trong làn gió biển mặn mòi, khi hoàng hôn đang nhuộm tím ngôi làng nghèo ven biển.
Những hôm bố về, gia đình tôi vui lắm. Bữa cơm được dì Năm dọn ra tươm tất. Cả ba ngồi trên một manh chiếu đã sờn cũ quanh mâm cơm dưới ánh điện nhạt nhòa. Vừa ăn cơm, bố vừa kể những chuyện xảy ra khi đánh bắt cá trên biển. Dì Năm khoe thành tích học tập của tôi. Bố vui lắm. Nhìn thấy tôi sạch sẽ, gọn gàng, bố quay sang dì Năm “anh cảm ơn em đã chăm nom thằng Quyết. Nó được như thế này, anh mừng lắm”. Tôi thì nghĩ khác. Tôi được thế này là dì bắt chứ tôi đâu muốn. Tôi còn chưa kể tội dì đã rút roi dọa đánh tôi những lần tôi bị điểm kém. Lại còn đe về mach bố. Nhưng bố tôi về, dì có dám mach đâu. Hức, đúng là hèn. Người lớn mà hèn. Bảo về mách bố nhưng khi bố về thì lại im re.
Một hôm, bọn trẻ chúng tôi đang chơi thì một cơm mưa biển ập vào. Chúng tôi chạy không kịp. Đã vậy thì chả chạy nữa, cả bọn cứ nhảy múa lung tung trên bãi cát, trong cơm mưa như trút. Dì Năm từ nhà chạy tới, tay cầm chiếc nilon choàng qua người tôi, lôi xềnh xệch tôi về. Tôi cố thoát ra để tiếp tục vui với bọn bạn nhưng không được. Tức mình, tôi cắn vào tay dì một cái. Dì buông ra nhưng ngay sau đó lại tiếp tục kéo tôi về. Tới nhà, dì múc nước giếng tắm gội cho tôi, lấy khăn khô lau sạch rồi bắt tôi mặc quần áo ấm. Dì bảo “tắm mưa là nguy hiểm lắm. Nước mưa là cưa của trời, con có biết không”. Tôi chả nói gì, chỉ nhìn dì bằng đôi mắt căm thù. Đêm ấy, tôi lên cơn sốt. Dì Năm tay cầm đèn pin, cõng tôi trên lưng chạy ra trạm xá. Nghe dì kể, mấy bác sỹ khám cho tôi. Thấy tôi sốt cao, họ tiêm rồi cho tôi uống thuốc. Dì Năm chạy về nhà, nấu cháo rồi lại lận đận đem ra cho tôi ở trạm xá bắt tôi ăn bằng hết. Tôi vẫn sốt, dì lấy khăn dấp nước mát đắp lên trán rồi nằm xuống cạnh, ôm tôi vào lòng. Dì vỗ cho tôi ngủ. Vừa vỗ, dì vừa thì thầm “con có làm sao thì dì biết ăn nói thế nào với bố con đây”. Lần đầu tiên, tôi không ghét dì mà thấy dì gần gũi quá. Tôi chưa một lần được mẹ bế ẵm, vỗ về nhưng tôi đã hiểu thế nào là tình mẫu tử từ hành động của dì…Sau cái đận ấy, tôi yêu quý dì hơn. Dì nói, tôi nghe. Dì bảo gì tôi cũng làm theo.
Năm tôi lên 10, một trận bão từ biển tràn vào làng chài. Dì và tôi phải chống chọi quyết liệt mới qua khỏi cơn thịnh nộ của ông trời. Hai hôm sau, vào một buổi chiều biển vẫn động sau bão, những chiếc tầu cá tránh bão lần lượt cập bến. Dì cùng tôi chạy ra đón bố. Nhưng những ngư phủ thông báo “con thuyền của bố tôi không tránh kịp nên đã bị trôi vào vòng xoáy của cơn bão. Có lẽ tàu đã chìm và đoàn thủy thủ 6 người đã chết. Tin như một tia sét giáng xuống đầu dì và tôi. Dì khuỵu xuống bãi cát. Tôi lao lại ôm dì, khóc thét lên. Mấy người đàn bà ra đón người thân cùng dìu dì trở lại căn nhà tuềnh toàng mà bố tôi để lại…kể từ đó, chỉ còn tôi và dì sống trong căn nhà đó. Dì lập ban thờ bố trong ngôi nhà rồi động viên tôi gắng học hành, sau này bằng chị bằng em. Còn dì theo những người dân chài ra bờ biển, đón những tàu đi khơi trở về, mua cá rồi đem đi chợ bán kiếm lời, nuôi tôi ăn học…
Riết rồi tôi cũng học xong cấp ba rồi đỗ đại học. Dì mừng lắm. Hôm liên hoan cho tôi đi, dì làm mâm cơm đặt lên ban thờ cúng bố. Dì khấn “ông sống khôn, chết thiêng phù hộ cho thằng Quyết mạnh khỏe, không đua đòi, chí thú học hành để công thành danh toại…”. Lần đầu tiên nghe dì khấn bố mà nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi đi lại ôm dì từ phía sau, thì thầm “con cảm ơn mẹ. Mẹ là một bà mẹ tuyệt vời của con…”. – Lần đầu tiên tôi gọi dì bằng mẹ. Dì quay lại ôm tôi vào lòng. Tôi nghe rõ nhịp tim thổn thức của mẹ.
Tốt nghiệp Đại học, tôi may mắn được một cơ quan trên thành phố nhận vào làm việc. Tôi trở về báo tin cho mẹ. Mẹ nhìn tôi âu yếm “mẹ biết thế nào anh cũng học hành thành đạt mà. Giờ có công ăn việc làm rồi thì cố gắng làm cho tốt. Sau này còn lấy vợ, sinh con…”. Tôi nhìn mẹ, nói như đinh đóng cột “con cảm ơn mẹ đã nuôi con khôn lớn. Con sẽ cố gắng làm việc, tích cóp để mua nhà trên thành phố, lấy vợ rồi đón mẹ lên ở cùng…”. Mẹ cười đôn hậu “con nghĩ được thế là tốt rồi…nhưng mẹ không muốn đi đâu, mẹ còn ở đây để hương khói cho bố con…”. Tôi nói với mẹ “khi có nhà, con sẽ rước bát hương lên thành phố để mẹ con mình thờ cúng bố. Con không bao giờ để cho mẹ phải khổ, phải ở một mình trong cái xóm chài heo hút này đâu”. Mẹ nhìn tôi, nhoẻn cười. Tôi biết, đó là nụ cười hạnh phúc. Hai hàng nước tứa ra từ hai đuôi mắt mẹ…
Một chiều thứ bảy, tôi đưa bạn gái về ra mắt mẹ. Mẹ vui lắm. Trong bữa ăn, mẹ nói với Thúy – người yêu tôi – rằng, Quyết là đứa con ngoan, hiếu thảo. Hai đứa hãy thương yêu nhau và sống cho hạnh phúc. Quyết nó thiệt thòi nhiều rồi, đừng để nó buồn. Mẹ cũng sẽ cố gắng bù đắp những mất mát, thiệt thòi mà Quyết đã phải chịu đựng từ lúc còn thơ. Thúy nghe mẹ nói thì bùi ngùi, hứa với mẹ sẽ yêu thương và chăm sóc cho tôi như lời mẹ dặn.
Chiều hôm sau, tôi và Thúy đang đứng trước nhà chào mẹ để về cơ quan thì từ xa có một chiếc ô tô sang trọng lao tới. Từ trên xe, một người đàn ông ăn vận lịch sự và một người phụ nữ trẻ, đài các từ trên xe bước xuống. Họ tiến thẳng về nơi chúng tôi đang đứng. Sau phút ngỡ ngàng, mẹ định thần lại rồi kêu lên:
– Anh Thắng? phải anh Thắng không? Anh còn sống sao?
Tôi cũng bàng hoàng không kém. Thực ra thì trong tiềm thức của tôi, bố tôi là một dân chài, có thâm hình vạm vỡ, nước da bánh mật và sống rất giản dị. Giờ đứng trước mặt tôi là một người đàn ông bề thế, sang trọng…nên tôi có chút nghi ngờ…
Nhưng người đàn ông ấy lại chính là bố tôi. Ông đi cùng người phụ nữ trẻ, đẹp và kiêu kỳ. Mẹ tôi mời hai người vào nhà. Tôi và Thúy cũng quay vào nhà pha nước mời bố và cô gái. Vừa đưa chén nước lên miệng, bố tôi vừa nhìn mẹ, nói:
– Tôi xin lỗi Năm… năm xưa, con thuyền của chúng tôi bị bão đánh vỡ. Tất cả đều đã chết, may thay tôi ôm được mảnh ván, trôi dạt vào bờ và được một người đàn bà cứu sống. Thấy tôi khỏe mạnh…bà giữ tôi lại nuôi. Sau đó, bà giao tôi cho người em trai của mình trên thành phố. Ông là một doanh nhân thành đạt, cần một người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tháo vát như tôi nên ông đã gả con gái cho tôi…- ông chỉ sang cô gái. – Chúng tôi đã sống với nhau từ ngày ấy và đã có hai mặt con. Hôm nay…về lại căn nhà này…tôi cảm ơn Năm đã thay tôi trông nom thằng Quyết, nuôi nó nên người. Nhưng tôi không thể quay trở lại đây sống với Năm được nữa. Tấm lòng của Năm thật rộng lớn, mong Năm tha thứ cho tôi. Tôi gửi Năm chút tiền để bù đắp lại những vất vả trong những năm trước đây khi phải bươn chải nuôi thân và nuôi thằng Quyết. – ông rút ra một tập tiền mệnh giá 500 ngàn dày cộp đặt lên mặt chiếc bàn ọp ẹp rồi tiếp:
– Còn Quyết, bố để nghị anh hãy theo bố và dì về công ty của ông ngoại. Ở đó, bố có tiếng nói. Bố đã đề nghị và ông đã mua cho anh một căn biệt thự, một xe ô tô loại xịn và sẽ bố trí cho anh làm giám đốc của một công ty con. Anh nên thu xếp về đó với bố và dì càng sớm càng tốt.
Tôi nhìn bố và người phụ nữ trẻ… rồi quay nhìn mẹ, lát sau lên tiếng:
– Thế còn mẹ Năm của con thì sao? Bố có đón mẹ cùng về đó không?
Bố tôi nhìn mẹ, bình thản:
– Con còn ít tuổi nên chưa hiểu hết sự đời đâu. Làm sao bố có thể đón dì Năm đi được. Một mình con cũng là gắng lắm rồi.
Nghe vậy mặt mẹ tôi sậm lại. Tôi biết bà đang nén những căm giận cùng uất hận vào trong, cố ghìm không để nước mắt trào ra. Bà nhìn bố tôi và vợ mới của bố, bình thản:
– Anh về thăm con là tốt rồi. Để nó biết bố nó vẫn còn sống… nó vẫn có một người bố ở trên đời. Còn tôi…tôi chỉ làm tròn bổn phận của một người mẹ với một đứa con thôi, có gì ghê gớm đâu… Tôi có phải người ở, hay người làm thuê cho anh đâu mà dám nhận tiền công…
– Năm tha thứ và thông cảm cho tôi…tôi cũng thật là khó xử…- bố tôi nói.
Tôi nhìn bố, kiên quyết:
– Không! Không bao giờ! Con sẽ không đi đâu hết, không bao giờ đi. Trước mắt, con sẽ đi về đây với mẹ con. Rồi con sẽ đưa mẹ con lên thành phố sống với vợ chồng con trong thời gian sớm nhất. Bố hãy đi về nơi đó mà sống cuộc sống vương giả với người vợ trẻ của bố, với cơ ngơi đàng hoàng mà bố đang có đi.
Nói rồi, tôi và Thúy sà xuống, bá vai mẹ, vỗ về. Bà choàng hai tay qua vai tôi và Thúy, thổn thức:
– Mẹ cảm ơn các con. Nhưng các con hãy nghe lời bố, hãy về đó đi. Ở đấy, các con sẽ có cuộc sống tốt hơn và tiền đồ rạng rỡ hơn mà…
– Không! Không bao giờ mẹ ạ. Chúng con sẽ không bao giờ rời bỏ mẹ đâu. Chúng con sẽ ở bên mẹ suốt đời để phụng dưỡng mẹ …mẹ là người mẹ vĩ đại của đời con.
Bố tôi và người vợ trẻ nghe thế thì lắc đầu. Bà ta kênh kiệu đập vào vai bố tôi, nói một câu xanh rờn:
– Đúng là đồ ngu! Sướng không biết đường sướng. Thôi, mặc xác nó, anh.
Không thể chịu thêm được nữa, tôi vùng dậy, chỉ tay vào mặt bà ta, nói như quát:
– Các người hãy cầm tập tiền này mà đi đi! Cút khỏi nhà tôi ngay!
Người vợ trẻ của bố cúi xuống cầm tập tiền nhét vào xắc rồi kéo tay bố tôi đi ra xe.
Chiếc xe nổ máy, lượn nửa vòng rồi phóng đi trên trảng cát cuối chiều. Hoàng hôn như đang nhốt nó vào chiều tím.Tôi và Thúy dìu mẹ ngồi dậy. Bà nhìn chúng tôi, nở một nụ cười và từ đuôi mắt mẹ, những dòng nước mắt cứ lặng lẽ trào ra.