Xã hội nào cũng có quan niệm về những gì người ta nên tin và cách cư xử để tránh bị ngờ vực và không ưa

Một số quy ước xã hội được nêu rõ ràng dưới hình thức luật lệ, những quy ước khác được thể hiện một cách trực giác hơn trong bộ phận rộng lớn gồm các phán xét mang tính đạo đức và thực tiễn được mô tả là “lẽ thường” – chúng quy định ta nên mặc gì, nên tuân thủ những giá trị tài chính nào, nên quý trọng ai, nên theo những quy tắc nào và nên xử lý đời sống gia đình ra sao. Việc đặt câu hỏi về những quy ước này sẽ bị xem là kỳ cục và thậm chí là gây sự. Người ta không đặt câu hỏi về “lẽ thường” đơn giản là vì những phán xét của nó được cho là quá hợp lý để bị săm soi.

Người Hy Lạp cổ đại có nhiều quy ước về lẽ thường và tuân thủ chúng rất nghiêm túc. Họ tin vào rất nhiều vị thần: thần tình yêu, săn bắn và chiến tranh, thần có quyền năng đối với mùa màng, lửa và biển cả. Trước khi làm gì, họ đều cầu khấn các vị thần ở đền thờ hoặc ở điện thờ nhỏ tại gia và hiến tế súc vật để tỏ lòng tôn kính.

Người Hy Lạp coi việc sở hữu nô lệ là điều tốt. Vào thế kỷ 5 trước Công nguyên, chỉ riêng ở Athens lúc nào cũng có từ 80.000 đến 100.000 nô lệ, với tỷ lệ là một nô lệ trên ba người tự do.

Người Hy Lạp cũng rất coi trọng chiến đấu và tôn thờ lòng can đảm trên chiến trường. Một người đàn ông chỉ được coi là đàn ông đích thực khi biết chém đầu đối thủ.

Phụ nữ hoàn toàn phục tùng chồng và cha. Họ không có bất kỳ vai trò nào trong chính trị hay đời sống công, không được thừa kế tài sản hay sở hữu tiền. Họ thường lấy chồng lúc 13 tuổi, lấy người được cha họ lựa chọn bất kể có phù hợp về mặt tình cảm hay không.

Họ sẽ tức giận nếu được hỏi lý do chính xác của việc tại sao đàn ông phải giết người thì mới được coi là có đạo đức. Hỏi những điều đó cũng bị coi là ngu xuẩn giống như hỏi tại sao tiếp sau mùa đông lại là mùa xuân hay sao đá lại lạnh. Ta dập tắt những nghi ngờ của mình và thuận theo đám đông vì không thể tin rằng mình là người tiên phong phát hiện ra những sự thật khó khăn mà đến nay chưa ai biết. Bởi một giác quan nội tại cho rằng các quy ước xã hội hẳn phải có cơ sở vững chắc, ngay cả khi ta không chắc cơ sở ấy là cái gì, bởi vì từ xưa đến nay biết bao nhiêu người vẫn tuân thủ những quy ước đó.

Để vượt qua sự nhu mì của bản thân, chúng ta nên tìm đến Socrates. Mỗi khi có ai đó đến gặp và trò chuyện với Socrates thì mọi việc luôn diễn ra như sau: cho dù lúc đầu người đó nói về một chủ đề hoàn toàn khác thì Socrates cũng sẽ liên tục ngắt lời cho đến khi bẫy được họ nói về lối sống hiện tại của mình cũng như cách mà họ đã sống trong quá khứ. Và một khi đã bẫy được thì Socrates sẽ không để người đó đi cho đến khi ông đã khai thác một cách đầy đủ và chân thực ở mọi góc độ.

Để chỉ ra sự thụ động một cách khác thường của họ, Socrates đã so sánh việc sống mà không suy nghĩ một cách có hệ thống với việc thực hiện một hoạt động như làm đồ gốm hay đóng giày mà không tuân theo hay thậm chí không biết các quy trình kỹ thuật. Chúng ta khó có thể tưởng tượng rằng một cái bình gốm tốt hay một chiếc giày tốt lại được làm ra chỉ nhờ trực giác; vậy thì tại sao lại cho rằng có thể thực hiện một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều như sống một cuộc đời mà lại không cần đến bất kỳ sự suy ngẫm nào về những giả định hay mục đích của nó?

Có lẽ là vì chúng ta không tin rằng sống cuộc đời của mình lại là một việc phức tạp như vậy. Chắc chắn có những việc khó nhìn bên ngoài rất khó, trong khi những việc khác cũng khó thì nhìn lại rất dễ dàng. Có được quan niệm đúng đắn về việc sống như thế nào rơi vào loại thứ hai, làm một chiếc bình gốm hay một chiếc giày rơi vào loại thứ nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *