Theo Định luật bảo toàn năng lượng: Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hay truyền từ vật này sang vật khác.
Trong toàn vũ trụ, tổng năng lượng không đổi, nó chỉ có thể chuyển từ hệ này sang hệ khác. Người ta không thể “tạo ra” năng lượng, người ta chỉ “chuyển dạng” năng lượng mà thôi, nên không có động cơ nào hoạt động “vĩnh cửu”.
Định luật bảo toàn phúc đức cũng tương tự như vậy.
Ta có:
“nhận” vs “cho” = “tranh đoạt” vs “mất” = “X” + “phúc đức”
Hoặc “tranh đoạt” vs “cho” = “nhận” vs “mất” = “X” + “phúc đức”
Trong đó: “nhận” và “cho” mang hàm nghĩa tích cực; “tranh đoạt” và “mất” mang hàm nghĩa tiêu cực. Riêng “X” là ẩn số. Khi X là số dương giúp tăng phúc đức và “X” là số âm làm giảm phúc đức.
Các vế trên tùy trường hợp mà “X” mang giá trị là dương (giúp tăng phúc đức) hay âm (làm giảm phúc đức) hoặc bằng 0 (phúc đức không tăng không giảm).
Nếu “cho” > “nhận” và “cho” > “tranh đoạt” thì “X” là số dương và ngược lại.
Nếu “nhận” = “mất” và “tranh đoạt” = “cho” thì kết quả là 0, phúc đức không tăng không giảm.
Riêng trường hợp có người cả đời đều là “mất” > “nhận” hay “mất” > “tranh đoạt” là do phúc đức bị âm từ trước khi chào đời. Nguyên do rất nhiều, là tiền kiếp trả chưa hết nợ hoặc vì tổ tiên làm nhiều việc tổn đức nên con cháu gánh nợ thay. Hoặc bản thân biết vợ/chồng/con cái/họ hàng tạo nghiệp mà bản thân không ngăn cản, đã vậy còn hưởng thụ lợi ích từ nghiệp nêu trên thì bản thân phải có nghĩa vụ chia sẻ phần nghiệp đã tạo đó.
Ví dụ:
Cho 10 đồng = mất 10 đồng
Nhận 10 đồng = lấy 10 đồng
Ví dụ đơn giản: nhận 10 đồng, cho 8 đồng thì X là dương. Lấy 10 đồng, cho 2 đồng thì X là âm.
Phức tạp hơn: kiếm được 10 đồng, xài 5 đồng, cho 3 đồng, trữ 2 đồng.
Thì X = (10 – 5 + 3 – 2) = +6.
Kiếm được 10 đồng, xài 4 đồng, cho 1 đồng, trữ 5 đồng.
Thì X = (10 – 4 + 1 – 5) = +2.
Kiếm được 2 đồng, vay 8 đồng, xài 5 đồng, cho 1 đồng, trữ 4 đồng.
Thì X = (2 – 8 – 5 + 1 – 4) = -14.
Nếu kiếp này không trả khoản nợ 8 đồng đã vay thì kiếp sau phải trả vốn gốc và lãi. Lãi này được tính bởi lợi ích bị hao tổn của chủ nợ. Vì nếu chủ nợ có khoản tiền đó sẽ tạo ra lợi nhuận abc, làm việc thiện giúp tăng phúc đức, hoặc trả nợ cho chủ nợ khác, nuôi con ăn học thành tài… Nên phần thiệt hại nói trên sẽ được tính thành lãi suất, gộp với vốn gốc theo cấp số nhân và tăng dần theo thời gian. Khi con nợ đang ở lằn ranh sinh tử, khoản nợ sẽ được khấn trừ vào phúc đức của con nợ cũng như người có quyền lợi liên quan đến khoản nợ. Nếu phúc đức không đủ, con nợ sẽ trả tiếp vào kiếp sau cho đến khi xong mới thôi.
Giả sử vì lí do chủ nợ không có tiền để trang trải cuộc sống, con cái bỏ học, vận mệnh cả gia đình bị ảnh hưởng thì mọi hậu quả đều tính hết lên đầu con nợ. Thời gian vay nợ càng dài, khoản nợ càng lớn nên khi con nợ chết đi sẽ không lựa chọn đầu thai ngay mà đi theo chủ nợ để trả nợ dần. Chúng ta gọi đó là nốt ruồi son may mắn trong lòng hoặc má ngoài của bàn tay. Song song đó, chủ nợ trước khi chết cũng được nhìn lại các khoản nợ – vay trong kiếp đó. Nếu chấp niệm quá mạnh cũng lựa chọn không đầu thai mà đi theo con nợ để đòi. Chủ nợ sẽ hiển thị bằng nốt ruồi đen xui xẻo trên bàn tay. Bao giờ các khoản nợ – vay đã thanh toán xong, các nốt ruồi sẽ biến mất.
Đây chỉ là ví dụ mang tính tương đối, đơn giản dễ hiểu mà không bao gồm tất cả ý nghĩa của nốt ruồi. Vì mỗi vị trí khác nhau, nốt ruồi sẽ mang hàm ý khác nhau.
Vậy với người sinh ra đã ngậm thìa vàng, cả đời đều gặp may mắn thì sao? Là do phúc đức tiền kiếp của họ lớn đến độ cho họ mặc sức tiêu xài phung phí. Và vì sinh ra trong gia đình có điều kiện tốt, họ có cơ hội làm việc thiện tích đức nên cả đời đều hanh thông, giàu càng thêm giàu vậy. Còn người chỉ biết hưởng thụ, không vun bồi thì miệng ăn núi lở: lúc trẻ nhàn hạ về già cực khổ, cô đơn dù con cháu khá giả, đông đúc.
Lưu ý: với một vài loại bùa chú chiêu tài, giải hạn sẽ mang hàm ý “vay nợ”, “giãn nợ”. Nghĩa là vay tiền, xin ứng trước hoặc dời thời hạn trả nợ. Có vay đương nhiên có trả và phải trả đủ vốn lẫn lãi. Không ai quỵt nợ được vì tài sản thế chấp là “phúc đức” của bản thân người vay. Nhân – quả của việc vay nợ đã liệt kê ở trên.
Biện pháp an toàn vẫn là vay nợ người thân, cụ thể là khấn xin tổ tiên. Một nén nhang, ba chun trà, dĩa trái cây tươi, bình hoa nhỏ. Giỗ lễ thì thêm mâm thức ăn chay. Hạn chế cúng đồ mặn không cần thiết.
Đã là ông bà, tổ tiên thì lãi suất đương nhiên bằng 0, thậm chí có khi là cho luôn không cần hoàn lại. Cùng chung máu mủ ruột rà, ai lại ki bo tính toán bao giờ. Càng huống chi, người cùng huyết thống thường chọn đầu thai vào chính dòng họ của mình. Vấn đề này sẽ bàn vào dịp khác.
Làm sao để tăng phúc đức? Tùy phong tục tập quán của mỗi vùng miền mà bao gồm: gửi tiền cho người thân, báo hiếu cha mẹ ông bà, giúp đỡ con cháu trong nhà, chăm lo mồ mả tổ tiên, thả cá phát gạo, quyên góp cho các quỹ từ thiện, trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo, giúp đỡ người khó khăn….
——-
Quan điểm của tôi là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Hiểu rõ sở trường – sở đoản của bản thân, từ đó lựa chọn ngành học và công việc phù hợp tính cách để bản thân luôn vui vẻ, thoải mái; xây dựng nguyên tắc sống, tuân thủ và bảo vệ nguyên tắc đó; nhận biết nhân – quả mà tự răn mình đi đúng con đường đã chọn. Khi bản thân đã hoàn thiện, công việc thuận lợi liền nghĩ đến báo hiếu gia đình. Tuổi vừa đến lại thành gia lập thất. Có người cùng chăm lo ngôi nhà nhỏ, san sẻ buồn vui thì an tâm bước ra biển lớn thi thố tài năng, thể hiện bản lĩnh cho mọi người nể phục. Danh tiếng vang xa, ấy là công thành danh toại vậy.
——–
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.