‘THE PAZZI CONSPIRACY’: VỤ ÁM SÁT LORENZO DE’ MEDICI
[WALL OF TEXT]: Khoảng 4000 từ.
*Do xem phim đu trai đẹp mà vai anh trai tạch thê thảm quá nên mình đi dịch xàm xí một bài về cái chết của nhân vật trong lịch sử. Mình là đứa bánh bèo huê hường nên bài dịch sẽ hơi sến tí :”>
*Nhà Medici thì chắc ai cũng biết rồi, một gia tộc giàu có bậc nhất cai trị thành phố Florence thời kỳ Phục Hưng. Bài này trích ra từ cuốn ‘Medici – Quyền lực, Tiền và Tham vọng thời Phục Hưng’ của Paul Strathern.
*Dù trong bài có nhắc đến bức bích họa ở Tòa thị chính Florence, nhưng mình tìm không có ảnh, mong có cao nhân nào sành về hội họa vào giải đáp số phận bức tranh giúp
*Mình sẽ để link đoạn trích trong phim về vụ này ở phần comment.
=====
MỞ ĐẦU: CHÍNH NGỌ
Chủ nhật ngày 26 tháng 4 năm 1478 tại Florence, tiếng chuông nhà thờ ngân vang từ các tòa tháp bên trên những nóc nhà của thành phố. Lorenzo Vĩ Đại, được hộ tống trong vòng vây của những kẻ thân tín, đang rẽ đám đông lòe loẹt đi về phía Đại thánh đường Santa Maria del Fiore.
Chàng Lorenzo 29 tuổi là người đứng đầu nhà Medici, gia tộc đang cùng các đồng minh của mình và cỗ máy chính trị đầy quyền lực kiểm soát những vấn đề ở Florence dưới lớp vỏ nền dân chủ cộng hòa. Tại đây, giữa sự giàu sang và xa xỉ của thành phố tiến bộ bậc nhất Italy, thế giới bị ám ảnh với Chúa Trời cổ kính thời trung cổ đang dần nhường chỗ cho một chủ nghĩa nhân văn tự tin mới. Ngân hàng Medici hiện là thể chế tài chính được đánh giá cao và thành công nhất tại châu Âu, với những văn phòng và nhân viên ở mọi trung thương mại lớn từ London đến Venice. Ngay cả mất mát gần đây trong việc làm ăn béo bở với giáo hoàng vào tay các đối thủ ở Florence của họ, nhà Pazzi, cũng chỉ được xem là một thất bại nhỏ nhoi; những khoản lợi nhuận từ Ngân hàng Medici đã biến Florence thành một trong số các kỳ quan kiến trúc và văn hóa của Châu Âu, cho phép gia đình đặt hàng những họa sĩ như Donatello, Botticelli và Leonardo da Vinci. Thế nhưng giữa những thiên tài ấy, chính Lorenzon mới là hình ảnh mẫu mực của chủ nghĩa nhân văn mới thời Phục Hưng. Không phải ngẫu nhiên mà chàng thường được biết đến với tên gọi ‘il magnifico’; chàng là ông hoàng không ngai của Florence, và những người ủng hộ mong chàng trở thành cha đỡ đầu cho con trai đầu lòng của họ. Lorenzo xem sự cai trị của mình như một lễ kỷ niệm: người dân bị ve vãn bằng các lễ hội và những cuộc chè chén. Khi đặt hàng những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ, sự tinh tế của chàng được thể hiện rõ; chàng hiểu các nghệ sĩ mà mình thuê về, khuyên khích họ vượt trội hơn theo cách riêng – và họ tôn trọng chàng như một người ngang hàng trong các vấn đề về nghệ thuật. Bản thân chàng là một nhạc công, vận động viên kiêm kiếm khách đã đạt đến sự hoàn mỹ; chàng cũng thông thạo triết học, và trên đà biến bản thân thành một trong số những nhà thơ Italy giỏi giang nhất thời đại của mình; nhưng đối với thảy điều này, chàng tự hào mình là con người của dân chúng: quần áo của chàng ít đồ thêu trang trí hơn quần áo mà nhiều nhà quý tộc Florence khác mặc. Thực vậy, một phần hào quang gắn liền với quyền lực tuyệt đối của chàng, ngoại hình của chàng không tạo thiện cảm ở mức độ nào đó; bức chân dung nổi tiếng của chàng – bức tượng bán thân bằng đất nung được tô màu do Verrocchio thực hiện – miêu tả hình ảnh chàng đang cau mày với những đường nét thô kệch đáng ngạc nhiên: chàng có cái mũi đặc trưng của nhà Medici và hàm dưới nhô ra, đôi mắt to nặng mí, nhưng vô cảm một cách lạ lùng, môi mỏng. Thật khó để nhìn thấu được con người đặc biệt phía sau nét mặt hài hòa ấy, dẫu chẳng nghi ngờ gì khi đi cùng với điểm mạnh trong tính cách của chàng thì chúng toát ra sức hút hấp dẫn, cái khiến chàng trở nên cực kỳ quyến rũ, và cũng là cái thu hút sự khâm phục yêu mến từ các triết gia, nghệ sĩ, thậm chí cả dân chúng.
Khi những tiếng chuông rền vang khắp thành phố, Lorenzo cùng tùy tùng của mình đã đi đến cuối đường Via Larga và tiến về phía quảng trường nhà thờ. Trước họ, mái vòm của Brunellechi vươn lên chọc trời; mái vòm này có lẽ là thành tựu kiến trúc cầu kỳ nhất châu Âu đầu thời kỳ Phục Hưng, chỉ thua kém mái vòm đền thờ Pantheon ở Rome, công trình được xây dựng từ hơn một ngàn năm trước đó: mãi tận bây giờ Châu Âu mới bắt đầu bắt kịp với sự vĩ đại trong quá khứ của nó. Lorenzo và các bằng hữu bước vào phía bên trong mờ ảo, mát lạnh của nhà thờ.
Trở lại đường Via Larga, cậu em trai Giuliano của Lorenzo đang vội vã theo kịp chàng, khập khiễng vì cơn đau thần kinh tọa. Cậu được Francesco de’ Pazzi cùng người bạn Bernardo Bandini hộ tống, và khi họ bước xuống đường Francesco choàng cánh tay thân tình lên vai Giuliano, giúp cậu đỡ khập khiễng, dám chắc cậu không cần vội vã. Chàng trao cho Giuliano cái ôm chặt tinh nghịch, lưu ý rằng chàng không mặc bất kỳ bộ giáp thân nào dưới chiếc áo doublet sặc sỡ của mình. Khi họ đến nhà thờ, Giuliano nhìn thấy anh trai Lorenzo đang đứng trước Cung Thánh, xung quanh chàng là bạn bè và hai linh mục, Giuliano nhận ra một trong số họ là gia sư cho nhà Pazzi. Buổi lễ bắt đầu và Giuliano de’ Medici quyết định ở lại cạnh cửa với Francesco de’ Pazzi, Bernardo Bandini và đám bạn bè của mình. Tiếng hát hòa vào dàn hợp xướng ngân bổng, vang vọng bên trong nhà thờ dưới mái vòm vươn cao, thế rồi những tiếng cầu kinh lặng đi và linh mục tiến hành nghi lễ chuẩn bị cử hành Thánh Lễ Tối Cao. Chuông phòng áo lễ rung leng keng phủ lên những cuộc trò chuyện rì rầm trong cuộc hội chúng không chính thức, và tiếng nói của họ cũng tắt lịm khi linh mục nâng Bánh Thánh lên trước Cung Thánh.
Khoảnh khắc linh mục đưa Bánh Thánh lên, hai sự cố đồng thời xảy ra. Ở cánh cửa, Bernardo Bandini rút ra con dao găm, quay lại và đâm nó vào đầu Giuliano de’ Medici bằng lực mạnh đến nỗi hộp sọ của Giuliano bị tách ra với một tia máu. Kế đến, Francesco de’ Pazzi bắt đầu đâm điên cuồng vào thân mình ngã gục của Giuliano, hết nhát này đến nhát khác, giống như một kẻ bị quỷ ám. Trong cơn điên cuồng mất trí, khi lao mình về phía thân thể phủ phục của Giuliano, hắn bị máu làm cho mù mắt và thậm chí đã tự găm dao vào đùi mình.
Cùng lúc đó, trên Cung Thánh, hai linh mục đứng sau Lorenzo ngay lập tức rút dao găm từ phía dưới áo choàng. Một người đặt tay lên vai Lorenzo chuẩn bị đâm vào lưng, nhưng Lorenzo xoay người và mũi dao găm đột ngột chỉ còn cứa vào da cổ chàng. Khi lảo đảo quay lại, chàng giật mạnh chiếc áo choàng của mình, cuộn nó lại quanh cánh tay tạo thành một cái khiên, đồng thời tay còn lại của chàng nhanh nhẹn rút kiếm. Hai linh mục bớt kinh hãi, dao găm của họ vẫn giơ cao. Tức thì, tiếng la hét và chém giết, có một mớ hỗn độn những xác chết xung quanh Lorenzo, các bạn bè tùy tùng của Lorenzo rút kiếm, bảo vệ chàng khi chàng nhảy qua lan can thánh cung và chạy hết sức đào thoát về phía cánh cửa phòng áo lễ đang để ngỏ. Lúc này Bernardo Bandini để mặc Giuliano de’ Medici chết và lao xuyên qua đám hội chúng, thanh kiếm đã rút sẵn. Hắn cố chặn đường lui của Lorenzo, nhưng người bạn Francesco Nori của chàng lao mình chắn giữa họ và Bandini lướt qua chàng ta bằng một nhát kiếm, đoạt mạng ngay tắp lự. Giữa hỗn loạn một người bạn khác bị thương ở cánh tay, và khi Bandini có thể bình tĩnh lại, Lorenzo cùng các bạn chàng đã ở trong phòng áo lễ, đang kéo những cánh cửa đồng nặng nề đóng lại.
Lorenzo vỗ tay vào cổ; chàng có thể cảm nhận được máu đang tuôn, nhưng đó chỉ là vết thương bên ngoài. Antonio Ridolfi, người đứng cạnh Lorenzo, hấp tấp nhoài mình ra phía trước, nắm lấy bờ vai Lorenzo, dường như hôn lên cổ chàng; Lorenzo nhận ra bạn mình đang mút vết thương và sau đó nhổ máu ra – con dao găm của linh mục có lẽ đã được tẩm độc. Thậm chí qua những cánh cửa bằng đồng họ cũng có thể nghe được tiếng ồn ào nổ ra giữa hội chúng, nơi có tiếng khóc lóc và la hét ầm ĩ. Lorenzo bắt đầu tiến lên, hỏi, ‘Giuliano? Nó an toàn chứ?’ Bạn bè chàng liếc nhìn nhau: không ai trả lời.
Giữa sự hỗn loạn bên trong nhà thờ, những kẻ ám sát Giuliano và hai linh mục tan biến vào đám đông, cùng lúc ấy đủ loại tin đồn bắt đầu lan truyền trong đám người phía ngoài nhà thờ. Một vài kẻ nói mái vòm lớn đã sập, và người dân bắt đầu bỏ chạy ngược lại, băng qua các con phố về nhà; những người khác hò hét tiến vào trong nhà thờ; phần lớn tập hợp lại thành những nhóm hoang mang, an ủi những người đang đau buồn và khóc lóc. Vài phút trôi qua và chẳng điều gì tệ hơn xảy ra, bạn bè Lorenzo vẫy chàng ra ngoài qua cửa bên của nhà thờ, hộ tống chàng xuống đường, hướng về dinh thự Palazzo Medici.
Nhưng chỉ được một phần tư dặm thì phần khác của mưu đồ tiếp tục tuân theo kế hoạch. Tổng giám mục Salviati, dẫn đầu nhóm những kẻ lập mưu thứ hai, đã tiến vào Palazzo della Signoria, tòa thị chính, cùng kẻ đồng mưu Jacopo Bracciolini và một vài đồng bọn của hắn. Tổng giám mục yêu cầu gặp gonfaloniere, người cai trị trên danh nghĩa của thành phố Florence: ông ta nói với người hầu rằng mình có một lời nhắn quan trọng từ giáo hoàng Sixtus IV cho Gonfaloniere Cesare Petrucci. Khi người hầu đi lên cầu thang để đến nơi ở của gonfaloniere, đám tùy tùng của tổng giám mục lặng lẽ đi thành hàng qua cánh cửa trước tòa thị chính. Những kẻ này không giống nhóm tùy tùng của một tổng giám mục, sự vờ vịt khi ngụy trang không làm dịu đi được khuôn mặt lỗ mãng đáng sợ của chúng – kỳ thực chúng là lính đánh thuê từ Perugia, tất cả đều được vũ trang đầy đủ.
Khi người hầu bước vào và chuyển lời nhắn, Gonfaloniere Petrucci đang ăn bữa trưa với các thành viên trong Signoria (hội đồng thành phố), tám người đồng nghiệp được bầu của ông.
Gonfaloniere Petrucci yêu cầu đưa tổng giám mục vào căn phòng tiếp khách chính, trong khi đó những người đi cùng ông ta có thể đợi ngoài hành lang; không thành viên nào khác trong đoàn tùy tùng của ông ta được phép lại gần văn phòng thị trưởng. Khi Gonfaloniere Petrucci quay lại ăn nốt bữa, ông loáng thoáng nhận ra tiếng la hét đằng xa bên ngoài cửa sổ, dưới những con phố. Cuối cùng lúc Gonfaloniere Petrucci bước vào phòng khác và nắm lấy tay tổng giám mục, ông chú ý rằng nó đang run: Salviati dường như đang trong trạng thái kích động. Khi tổng giám mục bắt đầu chuyển thông điệp của giáo hoàng, giọng ông ta trở nên lắp bắp một cách khó hiểu; máu rút cạn khỏi khuôn mặt ông ta và ông ta bắt đầu liếc về phía cánh cửa. Khi Gonfaloniere Petrucci nghi ngờ và gọi lính canh, tức thì tổng giám mục xông tới cửa, hét gọi đồng bọn ngoài hành lang, ra lệnh cho chúng triệu tập những tên lính đánh thuê Perugia.
Nhưng đám người Perugia không thể đáp lời: Căn phòng thị trưởng mà chúng bị đưa vào có những cánh cửa không thể mở từ bên trong, và người ta có thể nghe tiếng đập cửa gỗ, rống lên đòi thả ra. Ngay sau khi Gonfaloniere Petrucci bước ra hành lang, kẻ đồng mưu của tổng giám mục Jacopo Bracciolini nhảy về phía ông ta, rút vũ khí của mình, nhưng gonfaloniere tóm được tóc hắn và xô hắn xuống đất. Chộp lấy món đồ đầu tiên nhìn thấy, gonfaloniere bắt đầu tận dụng một chiếc xiên nướng thịt bằng kim loại, ngăn cách tổng giám mục và đồng bọn của hắn. Lúc này lũ người Perugia nghe có vẻ như đang thoát ra khỏi văn phòng bị khóa, thúc giục Gonfaloniere Petrucci cùng các đồng nghiệp bổ đến lối vào tháp, giữ lấy cánh cửa cửa nặng trịch khi họ bắt đầu xích nó đóng lại phía sau mình một cách điên cuồng. Thế rồi họ chạy lên cầu thang và bắt đầu rung chuông, những tiếng trầm to vang khắp các mái nhà trong thành phố: lời cảnh báo theo phong tục, triệu tập tất cả thị dân đến Piazza della Signoria vào những lúc cấp bách.
Chẳng mấy chốc, đám đông lo lắng tập trung dưới quảng trường mở rộng, khi chuông tiếp tục được rung khắp thành phố. Thình lình Jacopo de’ Pazzi, một trong số những kẻ chủ mưu, xuất hiện từ con phố ngang dẫn đầu một hàng những kẻ được vũ trang, bắt đầu hét lên: ‘Popolo e Liberià!’ (‘Người dân và Tự do’), câu khẩu hiệu truyền thống của Florentine trong cuộc nổi dậy chống lại chính quyền chuyên chính. Những kẻ vũ trang hướng về phía quảng trường cố cổ vũ đám đông gia nhập, nhưng họ vẫn còn ngờ vực. Sau đó, từ trên tháp cao, gonfaloniere và người hầu bắt đầu ném đá xuống Jacopo de’ Pazzi cùng người của hắn, những kẻ nhanh chóng cảm nhận được rằng sự hoài nghi của đám đông đang hóa thành cơn phẫn nộ chống lại mình.
Trong khi một nhóm vài tá người được vũ trang trên lưng ngựa đi ra từ con đường ngang đến phía bắc quảng trường, dẫn từ hướng dinh thự Palazzo Medici. Những người này ủng hộ nhà Medici, họ đi xuyên đám đông trước Pallazo della Signoria, nơi họ xuống ngựa, rút vũ khí, và bước qua cánh cửa. Khi vào trong, họ xông lên tầng và bắt lũ người Perugia, nhanh chóng tàn sát chúng bằng giáo và kiếm. Sau vài phút, những người ủng hộ nhà Medici đi ra từ tòa thị chính, mang theo cao trên giáo của mình vài cái đầu Perugia bị cắt đứt đang rỉ máu. Bị mất nhuệ khí, Jacopo de’ Pazzi và người của hắn rút lui, theo phía đông ra khỏi quảng trường về dinh thự Palazzo Pazzi.
Cả thành phố chìm trong hỗn loạn, nhan nhản tin đồn: đã có một âm mưu, Lorenzo bị đâm, nhà Pazzi dẫn quân đến chiếm thành phố… Hình ảnh khủng khiếp về những cái đầu bị cắt đứt của lũ người Perugia nhanh chóng thôi thúc đám đông đến với sự khát máu. Giận dữ và sợ hãi, những nhóm la hét bắt đầu chạy qua các con phố, lùng tìm người nhà Pazzi và những kẻ ủng hộ, tấn công những kẻ thù tưởng tượng và thực tế, trong khi các nhóm khác nhanh chóng đi về phía dinh thự nhà Medici. Lorenzo còn sống hay đã chết? Ai dẫn dắt họ? Ai cứu thành phố trong giờ phút nguy nan? Lorenzo được thuyết phục lộ diện ở ban công dinh thự nhà Medici, nơi mà sự xuất hiện của chàng được chào đón bằng những tiếng reo hò. Thế nhưng đám đông lại bị làm cho hoảng sợ, vì cổ Lorenzo bị băng bó và bộ áo tunic của chàng đã vấy máu một cách đáng kể.
Lorenzo trò chuyện với đám đông từ ban công, nói với họ rằng đó là âm mưu do nhà Pazzi dàn xếp, nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp của thành phố. Chàng quả quyết với những khuôn mặt phía dưới âm mưu đã thất bại, và dù em trai Giuliano của chàng bị những kẻ mưu mô sát hại, chàng vẫn an toàn, chỉ bị thương nhẹ. Không cần hoảng loạn – tất cả mọi người nên giữ bình tĩnh; không ai được tự mình phán quyết hoặc cố trả thù dưới bất kỳ hình thức nào; những kẻ thù của thành phố sẽ bị trừ bỏ tận gốc và bị chính quyền xử lý. Nhưng nỗ lực trấn an đám đông của Lorenzo lại có tác động trái ngược; yên tâm rằng mình an toàn, dân chúng giờ đây quyết tìm những con dê tế thần – đám người chủ mưu hoặc bạn bè, hay bất kỳ đồng minh nào của chúng. Họ tỏa ra khắp thành phố theo nhóm, đi đòi nợ máu.
Ở dinh thự Palazzo Pazzi, người ta tìm thấy Francesco de’ Pazzi nằm trên giường, đang hồi phục sau vết thương do dao mà hắn vô tình gây ra trên đùi mình. Hắn bị kéo ra khỏi giường trong tình trạng lõa thể, bị kéo lê qua những con phố đến Palazzo della Signoria và lên tầng tới văn phòng của gonfaloniere. Tại đây Gonfaloniere Petrucci lãnh trách nhiệm, ban phát công lý tàn khốc: ông ta ra lệnh treo cổ Francesco de’ Pazzi ngay lập tức. Đứng khỏa thân, máu nhỏ ra từ vết thương bị rạch dài và sâu trên chân, một cái thòng lọng chòng qua đầu Francesco de’ Pazzi; đầu dây còn lại được buộc nhanh vào thanh lanh tô bằng kim loại chắc chắn đang chia đôi một trong số các cửa sổ, và sau đó hắn bị đẩy mạnh ra ngoài. Đám đông hò reo và chế nhạo tấm thân trần truồng đang đung đưa, quằn quại giãy chết của hắn khi nó lủng lẳng trên không, bên dưới cửa sổ nhô ra. Kế tiếp đến lượt tổng giám mục Salviati, người vẫn mặc tấm áo thụng màu tía của mình khi bị lôi ra trước gonfaloniere; thế rồi, với một vòng dây thòng lọng quanh cổ, và hai tay ông ta bị trói chặt sau lưng bằng dây da thuộc, ông ta cũng bị ném ra ngoài cửa sổ. Tổng giám mục đung đưa dưới thòng lọng, vật lộn điên cuồng, đôi mắt ông ta long ra khỏi hốc mắt; tổng giám mục cố cứu bản thân một cách tuyệt vọng, gắng sức cắn vào cái thây lõa lồ đang lắc lư bên cạnh mình trong khi những khuôn mặt ngước nhìn của đám đông cười rú lên vui sướng.
Vài ngày sau, dân chúng lang thang khắp thành phố để báo thù khi họ thấy thích hợp. Hai linh mục đã cố sát hại Lorenzo được tìm thấy đang lẩn trốn trong Badia, tu viện dòng Benedictine gần Palazzo Pazzi; ngay lập tức cả hai bị kéo lê trên phố, áo choàng của họ bị giật khỏi người, sau đó bị thiến trước khi bị lôi ra treo cổ. Có rất nhiều ví dụ khủng khiếp như vậy cho sự điên cuồng của dân chúng, khi những kẻ thắng cuộc trút cơn giận dữ lên các phe phái bị đả bại và những món nợ cũ được giải quyết; theo Machiavelli, viết trong cuốn ‘History of Florence’ của mình vào non nửa thế kỷ sau đó, có ‘nhiều người chết đến nỗi các con phố được chất đầy những mảnh thây người.’
Tin tức về âm mưu thất bại của nhà Pazzi nhanh chóng truyền ra khỏi Florence đến Rome, nơi Giáo hoàng Sixtus IV, người ủng hộ những kẻ chủ mưu, bị chọc giận – thậm chí còn hơn thế nữa khi ông biết rằng một trong số các giám mục của mình đã bị treo cổ công khai, trên người vẫn mặc trang phục giáo hội. Chuyện này chẳng hơn gì một sự báng bổ! Một sắc lệnh của giáo hoàng được ban ra rút phép thông công Lorenzo, kẻ được miêu tả như ‘đứa con của tội lỗi và đứa trẻ hẵng còn đang bú mớn của kiếp đọa đày trong địa ngục’; sắc lệnh đi cùng với lệnh cấm tổ chức Thánh Lễ trong bất kỳ nhà thờ nào trên toàn Cộng hòa Florentine. Sau khi liên lạc với đồng minh của mình, Vua xứ Naples, và viện dẫn hiệp ước đồng minh, giáo hoàng tuyên bố rằng Naples và Lãnh địa Giáo hoàng sẽ gây chiến chống lại Florence.
Quay trở lại Florence, Người Vĩ Đại đang hành xử theo lối kiểu cách đặc trưng – ông quyết định rằng chiến thắng trước âm mưu của nhà Pazzi nên được ăn mừng theo cách độc đáo. Ông để chính phủ thân tín, Hội đồng Tám người (hội đồng của các cảnh vệ mật và quan tòa), biết rằng mình muốn có một lời nhắc nhở nghệ thuật lâu dài về chiến thắng trước những kẻ mưu phản này. Ngay sau đó, Hội đồng Tám người triệu tập Sandro Botticelli, họa sĩ yêu thích của Lorenzo, và đưa ra khoản thù lao hào phóng: 40 đồng vàng florin để ông ta vẽ, trên bức tường ở mặt tiền bên cạnh Palazzo della Signoria, một bức bích họa kỷ niệm những sự kiện gần đây. Theo phong tục của Florentine trong việc đối xử với những công dân thất sủng hoặc phản bội, bức họa này sẽ bao gồm tám bức chân dung những kẻ cầm đầu đám phản loạn nhà Pazzi – những kẻ đã bị bắt sẽ có thòng lọng vẽ quanh cổ, thể hiện hình phạt của chúng, trong khi đó Bernardo Bandini, kẻ đầu tiên đâm em trai Giuliano của Lorenzo, và đã tìm cách chạy trốn, sẽ bị vẽ lộn ngược, treo chân. Dưới mỗi bức chân dung này, Botticelli sẽ đề những từ ngữ trong một câu thơ chế giễu ngắn, do chính Lorenzo sáng tác riêng cho sự kiện. Câu thơ phía dưới tên Bandini bị lộn ngược, hắn sẽ được miêu tả như sau:
Tên trốn chạy, kẻ không thoát khỏi số phận,
cho sự trở về của y, cái chết thảm khốc hơn nhiều đang đợi sẵn.
Botticelli đang tiến gần đến đỉnh cao, và những bức chân dung này đòi hỏi tất thảy các kỹ năng của ông. Khách hàng yêu cầu tranh phải cực kỳ chân thực, khắc họa những khuôn mặt mà người dân trước đây của chúng có thể nhận ra ngay lập tức. Giống như vậy, chúng cũng nên được vẽ trong những trang phục có màu sắc và thiết kế tương tự trang phục chúng thường mặc liên quan đến thành phố. Tổng giám mục Salviati tất nhiên được thể hiện trong bộ áo thụng tía đầy đủ. Sẽ cần đến 12 tuần cả thảy để Botticelli hoàn thành bức họa, tác phẩm chắc chắn là một kiệt tác ở thể loại này.
Tuy nhiên, chỉ 7 tháng sau đó bức chân dung của Tổng giám mục Salviati sẽ bị xóa sạch, một yêu cầu được Giáo hoàng Sixtus IV đặc biệt thêm vào hiệp ước hòa bình giữa Florence và Lãnh địa Giáo hoàng. Vài tháng sau đấy, chân dung Bandini cũng sẽ được vẽ lại. Sau thất bại trong âm mưu làm phản, Bernardo Bandini đã tìm cách trốn thoát ra bờ biển, nơi hắn leo lên một con tàu của người Venice hướng về Constantinople. Lorenzo vẫn truy tìm ráo riết kẻ sát hại em trai Giuliano yêu quý của chàng, và một yêu cầu ngoại giao đã được gửi tới sultan Thổ Nhĩ Kỳ, người ra lệnh bắt giữ Bandini. Sau đó hắn bị xích lại, rồi được gửi trả về Florence, nơi người ta treo cổ hắn. Việc vẽ lại hình Bandini trong bức bích họa được xem là chuyện quan trọng, nhưng Botticelli đã không thể hoàn thành nhiệm vụ này; thay vào đó công việc được giao cho không ai khác ngoài Leonardo da Vinci. Trong các cuốn số ghi chép của họa sĩ, có một bản phác họa Bandini treo cổ – gần như chắc chắn là bản vẽ nháp cho bức tranh.
Sẽ không có thêm sự thay đổi nào nữa trên bức bích họa tuyệt vời này, bức họa duy nhất chứa đựng cả tác phẩm của Botticelli và Leonardo da Vinci, cái sẽ còn đó trên bức tường Piazza della Signoria để mọi người chiêm ngưỡng. Đây là bức tranh kỷ niệm: một màn phô diễn quyền lực và tài năng, cũng là lời cảnh báo cho bất cứ ai nghĩ đến việc đối đầu với nhà Medici. Nó sẽ ở đó chừng nào nhà Medici còn cai trị Florence.
*Tranh: La congiura dei Pazzi của họa sĩ Stefano Ussi