vung-nang-gio-bac-binh-o-binh-thuan-da-“thay-da-doi-thit”…

Vùng nắng gió Bắc Bình ở Bình Thuận đã “thay da đổi thịt”…

Đã nhiều lần lái ô tô đi trên cung đường Hòa Thắng – Hóa Phú (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) nhưng mỗi lần đi chúng tôi lại có một cảm giác và cứ ngỡ như mình đi lạc và vùng sa mạc rộng lớn… Và cung đường này, được dân du lịch ví nhưng “thiên đường sống ảo”…

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Mô tô, ô tô địa hình trên Đồi cát Bàu Trắng huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận hiện là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan. Ảnh: TTXTDL Bình Thuận.

Lễ hội Ka Tê

Có thể nói, nhờ những chính sách, chủ trương kịp thời của Đảng và Nhà nước, những năm qua, các cơ quan chức năng huyện Bắc Bình( Bình Thuận) luôn tích cực triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội…

Những ngày đầu tháng 10 này đang diễn ra lễ hội Ka Tê 2024, trên khắp tuyến đường ở các xã thuần Chăm của huyện Bắc Bình, đi đâu chúng tôi cũng nghe tiếng cười vui rộn rã của bà con người Chăm đón lễ hội Ka Tê.

Theo UBND huyện Bắc Bình, hằng năm, vào ngày 1/7 Chăm lịch (thường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10) lễ Katê của người Chăm được khai diễn và kéo dài trong 3 ngày.

Bắc Bình là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận với 25 dân tộc sinh sống. Dân số toàn huyện hơn 132 nghìn người, trong đó có 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt có 3 xã và 2 thôn xen ghép thuần đồng bào Chăm.

Đồng bào Chăm huyện Bắc Bình hiện có 5.300 hộ/23.189 khẩu, chiếm 15,47% dân số toàn huyện. Năm 2024, đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Chăm đã cùng với nhân dân trong huyện đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của huyện.

Nhìn chung, tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện Bắc Bình trong những năm qua cơ bản ổn định. Đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức sinh hoạt đạo theo quy định của Hiến chương, giáo luật của giáo hội đã được Nhà nước công nhận và quy định của pháp luật.

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Lễ hội Ka Tê năm 2024 của bà con người Chăm huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Ảnh: ĐS

Phát triển kinh tế

Có thể nói, huyện Bắc Bình cũng là vùng đất nắng và gió, có lượng mưa ít và khí hậu thuộc tầm khắc nghiệt nhất tỉnh Bình Thuận.

Nhưng du khách mỗi lần về thăm vùng đất Bắc Bình như cứ ngỡ mình đi lạc và vùng sa mạc rộng lớn khi đi trên cung đường Hòa Thắng – Hòa Phú. Bởi cung đường này, một bên là đại dương bao la và một bên là những đồi cát trắng trùng trùng, điệp điệp và phía xa xa là những cánh đồng quạt gió khổng lồ đã làm hút hồn du khách…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, vùng đất Bắc Bình “thay da đổi thịt” có phần nhờ hệ thống hồ thủy lợi chứa nước tiêu tiêu cho nông nghiệp. Các xã được hưởng lợi nhất là xã Sông Bình, Phan Sơn, Phan Lâm, Bình An…

Các xã này hưởng lợi từ nguồn nước trong mát của các hồ Sông Quao, Sông Lũy… và vùng đất này ngày xưa hoang hóa, dựa vào nước tự nhiên là chính, nay phát triển mạnh thấy rõ từ những ruộng đồng, vườn thanh long, vườn xoài, ổi, dừa đến các trang trại công nghệ cao. Và vùng cao này hiện rất nhộn nhịp nhờ giao thông thuận tiện, xe tải ngược xuối chở hàng nông sản của bà con nông dân đi cung cấp cho nhà hàng, siêu thị…

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Nghề làm gốm truyền thống của bà con người Chăm huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Ảnh: ĐS

Lãnh đạo huyện Bắc Bình cho biết, trước đây Bắc Bình trước đây cằn cỗi, hoang hóa… thì bây giờ có  thêm 3 loại hình điện năng gồm điện mặt trời, điện gió và thủy điện, đã góp phần hình thành rõ nét hơn ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Và những công trình này cũng đã tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Theo UBND huyện Bắc Bình, tình hình đời sống, những năm qua kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên rõ nét, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm rõ rệt và nâng dần mức theo chuẩn mới. Đặc biệt những hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ cao hơn trước. 

Việc đất đai sản xuất được ổn định, bà con nông dân nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Hệ tầng kết cấu giao thông nông thôn được tập trung đầu tư mạnh đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn tại các xã vùng đồng bào DTTS.

Văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy

DTTS trong huyện Bắc Bình sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp là chính, có một số ít kinh doanh thương mại, dịch vụ, buôn bán nhỏ, đời sống đại bộ phận đồng bào được ổn định, đời sống văn hoá tinh thần ngày càng được nâng lên.

Nhân dịp các ngày Lễ, Tết của dân tộc các ngành các cấp đều phối hợp tổ chức thăm hỏi, tặng quà các vị già làng, chức sắc, chức việc, cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đã tạo mối quan hệ cởi mở và đoàn kết, thân thiện.

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Lễ hội Ka Tê năm 2024 của bà con người Chăm huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Ảnh: ĐS

Có thể nói, về thăm Bắc Bình ngày hôm nay ai cũng nhìn nhận vùng đất này đã có nhiều thây đổi lớn, nhiều ngôi nhà mới, các công trình phục vụ dân sinh như điện – đường- trường – trạm được đầu tư khang trang…

Các chủ trương, chính sách phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế – xã hội, xây dựng quốc phòng, an ninh và hệ thống chính trị đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển bền vững…

Bắc Bình xưa và nay

Được biết, địa danh huyện Bắc Bình có trên bản đồ tỉnh Bình Thuận từ tháng 4/1951, trên cơ sở hợp nhất 3 huyện Hoà Đa, Phan Lý, Tuy Phong. Quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Bắc Bình nhiều lần thay đổi địa danh.

Thực hiện Quyết định số 204-HĐBT, ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số huyện và thị xã thuộc tỉnh Thuận Hải (cũ), huyện Bắc Bình được chia thành hai huyện: Tuy Phong và Bắc Bình.

Huyện Bắc Bình (mới) có 15 xã và trụ sở đóng tại xã Hải Ninh. Đến ngày 1/6/1983, sau khi hoàn chỉnh bộ máy cấp ủy, HĐND, UBND huyện Bắc Bình chính thức đi vào hoạt động. Từ 15 xã lúc mới tái lập, đến nay, Bắc Bình lần lượt có thêm 3 xã Bình An, Phan Tiến, Sông Bình.

Đến năm 1992, hoàn thành việc chuyển trung tâm hành chính huyện về Chợ Lầu. Xã Chợ Lầu được nâng lên thành thị trấn huyện lỵ, đến năm 2007, Lương Sơn tiếp tục trở thành thị trấn phía Nam huyện.

Là địa phương có mức xuất phát điểm khá thấp với nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Bắc Bình vẫn luôn đoàn kết một lòng vượt qua những chặng đường đầy gian khó để sau hơn 40 năm tái lập, Bắc Bình hôm nay đã thay đổi vượt bậc, chuyển mình mạnh mẽ, bức phá trên nhiều lĩnh vực.

Đạt được những thành tựu trên, trước hết là do Đảng bộ Huyện đã vận dụng đúng và sáng tạo các nghị quyết của cấp trên phù hợp với đặc điểm của địa phương. Đồng thời với sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền theo hướng tập trung quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, có hiệu quả gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Cùng với việc coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo, bố trí cán bộ hợp lý, thường xuyên chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên,và đặc biệt là sự đồng thuận, hỗ trợ của người dân. Những thành tựu to lớn này còn là kết quả nỗ lực phấn đấu không ngừng qua nhiều thế hệ của cán bộ và nhân dân trong Huyện.

Theo UBND huyện Bắc Bình, tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 9 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều phát triển đáng ghi nhận. Tổng thu ngân sách ước đạt năm 308/410 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 370 tỷ đồng (không tính doanh thu từ các dự án điện). Hoạt động sản xuất, chế biến các ngành nghề công nghiệp ổn định, một số ngành nghề sản xuất tăng do vào thời vụ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và vui chơi giải trí của Nhân dân.

Các mô hình du lịch tại địa phương tiếp tục mở rộng, phát triển thêm nhiều gói sản phẩm du lịch mới…

Tình hình lưu thông hàng hóa thông suốt, giá cả thị trường và giá cả hàng hóa ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức.

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Du khách sử dụng dịch vụ mô tô địa hình trên đồi cát Bàu Trắng của Công ty Du Lịch Triều Trang, xã Hoà Thắng, Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận

Qua 9 tháng đầu năm đã thu hút hơn 263.898 lượt khách đến tham quan, du lịch đạt 209% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch: 125.867 lượt) và tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023 (9 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 245.923 lượt).

Khách trong nước chiếm 75%, khách quốc tế 25%; tích cực nắm tình hình và tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xã hội đối với các dự án du lịch.

Khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái ven biển Hòa Thắng, Hồng Phong. Khôi phục bảo tồn các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội như: di tích căn cứ kháng chiến Khu Lê Hồng Phong; chương trình lễ hội văn hóa Chăm (Katê, Ramưwan), đền thờ Pônít, Kho mở Hoàng Tộc Chăm, kết hợp các mô hình du lịch Homestay tại nhà dân. Mở rộng phát triển các loại hình du lịch sinh thái ở các hồ thủy lợi (Hồ Sông Lũy, Hồ Cà Giây, Hồ Piscin, đập Đồng Măng..)

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Hồ Sông Lũy huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Ảnh: ĐS

Sản xuất nông, lâm nghiệp

Huyện Bắc Bình tập trung quản lý, điều hành sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) và Kế hoạch số 98-KH/HU ngày 15/12/2021 của Huyện ủy (khóa XII). Huyện cũng triển khai tập huấn 26/40 lớp với gần 780 lượt nông dân tham dự.

Diện tích thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm đạt khoảng 5.888 ha. Diện tích sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiếp tục được duy trì với diện tích khoảng 3.738,7 ha, bao gồm 2 nhóm cây: Nhóm cây sản xuất trong nhà màn, nhà bạc (dưa lưới, rau các loại…), và nhóm cây sản xuất trong điều kiện tự nhiên. Triển khai, thực hiện 7 mô hình khuyến nông theo hướng Gap, hữu cơ, liên kết…

Nhóm cây sản xuất trong nhà màn, nhà bạc (dưa lưới, táo dây, rau các loại…): tổng diện tích hơn 101,1 ha/463 nhà màn/47 hộ; công nghệ ứng dụng: tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học….

Các loại cây ăn quả khác (thanh long, xoài, mít, nhãn,…): khoảng 3.193 ha; chủ yếu ứng dụng tưới tiết kiệm theo hướng tự động, sử dụng các loại phân bón hóa, thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly.

Cây dược liệu (Đinh Lăng, bạc hà): khoảng 56,1 ha/29 hộ, ứng dụng tưới tiết kiệm theo hướng tự động hóa.

Công an Bình Thuận cấp căn cước và tặng quà tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình

Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh về tiếp tục triển khai mô hình “Dân vận khéo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình trong năm 2024, cuối tháng 9 vừa qua, Đảng ủy Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Đảng ủy Công an huyện Bắc Bình tổ chức Chương trình tuyên truyền pháp luật, cấp căn cước lưu động, hướng dẫn cài đặt VNeID và tặng quà cho một số gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo; học sinh hiếu học và lực lượng tham gia đảm bảo ANTT tại xã Phan Thanh.

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Công an Bình Thuận cấp căn cước và tặng quà tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Ảnh: CABT

Phan Thanh là 1 trong 3 xã thuần đồng bào Chăm của huyện Bắc Bình với tổng dân số là 2.075 hộ/10.217 khẩu. Tính đến ngày 15/9/2024, toàn xã đã cấp được 7.177 căn cước/căn cước công dân (còn giá trị sử dụng), vẫn còn 2.994 trường hợp đủ điều kiện chưa tiến hành làm thủ tục cấp căn cước.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, giúp người dân nắm vững các quy định của pháp luật, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền những điểm mới của Luật Căn cước năm 2023 và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 đến bà con nhân dân và các em học sinh.

Anh chị trong ngành công an đã hướng dẫn đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và thành lập 2 tổ cấp căn cước lưu động tiếp nhận hơn 280 hồ sơ đề nghị cấp căn cước cho quần chúng nhân dân và các em học sinh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian đi lại trong thực hiện thủ tục cấp căn cước.

Vùng nắng gió Bắc Bình đã

Công an Bình Thuận cấp căn cước và tặng quà tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Ảnh: CABT

Cũng tại chương trình, Đảng ủy Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã trao tặng 18 phần quà cho các gia đình chính sách khó khăn, 2 hộ nghèo, 12 em học sinh hiếu học và 21 đồng chí là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT của xã.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *