“Nếu so với trước đây, thì những vụ án thời nay quả thực còn kém xa!”
Trong một buổi gặp mặt hồi Tết Dương lịch năm 2016 của Đội Cảnh sát Hình sự, trung đội trưởng đùa rằng, tay nghề của hung thủ thời nay quá kém, cả một năm vừa rồi, chẳng có vụ án nào khó nhằn đến nỗi không thể phá giải và đáng để đào sâu phân tích cả.
Khi ấy, tôi vẫn chỉ là một cảnh sát mới vào nghề, ngồi ở góc bàn hội nghị bóc quýt, cắn hướng dương với đồng nghiệp, vừa ăn vừa nghe mọi người trò chuyện. Có người đã hỏi chính trị viên Tôn Văn Trạch rằng, những vụ án trước đây khó phá đến mức độ nào. Thành viên cốt cán trong Đội Cảnh sát Hình sự của chúng tôi – Tôn Văn Trạch, hiện đang là chuyên gia điều tra hình sự của Bộ Công an, ngẫm một lúc, rồi chỉ đáp lại vỏn vẹn có mấy chữ: “Phanh thây vứt xác ở mương nước thải”.
Trong trí nhớ của anh, vụ án này gắn liền với bầu không khí u ám và bao trùm bởi hơi ẩm của mùa mưa ở phía Nam sông Dương Tử. Và, nó đã quanh quẩn trong tâm trí ông, suốt 20 năm qua…
____________________
Vụ án giết người vứt xác xuống mương nước thải kể từ khi lập án đến nay cũng đã được 3 tháng, thế nhưng lúc này, Đội Hình sự lại rơi vào cảnh dở khóc dở cười, vô cùng bối rối.
Trịnh Châu, người từng đứng đầu tổ điều tra vụ án này, nay lại bị giáng chức và điều đến đồn công an khác cách đó hơn 3km để công tác. Cả ngày anh chỉ ôm cuốn sổ ghi chép, đi lại hỏi han hàng xóm xung quanh chuyện nhà cửa, thi thoảng giúp những góa phụ và người già neo đơn dọn than tổ ong.
Tôn Văn Trạch – người từng được mệnh danh có chuyên môn cao thâm trong Sở, bây giờ ngày ngày cũng chỉ chui trong phòng giải quyết các vấn đề kỹ thuật cho người khác, còn vụ án giết người vứt xác ở mương nước thải do chính mình phụ trách thì lại chẳng có chút tiến triển nào.
Thế nhưng, khi tiết trời vừa trở mình sang thu, bỗng có một người phụ nữ xông vào văn phòng của Đội Hình sự, ném một lá thư lên bàn, rồi không ngừng gào khóc: “Chồng tôi chết rồi!! Là ai? Là ai mà lại thất đức như vậy chứ?!!”
Người phụ nữ này chính là vợ của Ngô Quân – nạn nhân trong vụ án vứt xác dưới mương nước thải. Sáng ngày hôm đó, khi cô ấy vừa ra khỏi nhà, thì đột nhiên thấy một phong thư giấy kraft màu vàng nâu kẹp trên cánh cửa gỗ rơi xuống.
Đó là một bức thư nặc danh.
Tấm phong thư này không được dán tem, cũng không viết tên người nhận, thậm chí còn không dùng keo dán miệng bì thư lại. Bên trong chỉ có một mảnh giấy trắng với những đường xé nguệch ngoạc, phía trên dán 9 ô chữ hình vuông màu xám được cắt ra ghép lại từ những tờ báo khác nhau.
“Một nam một nữ lấy mạng mày. Lỗ đấy!”
Người bị đòi mạng hiển nhiên chính là Ngô Quân, Tôn Văn Trạch cho rằng lá thư nặc danh này muốn báo điều gì đó tới cảnh sát.
Sau 3 tháng, vụ án ở mương nước thải đột nhiên xuất hiện một manh mối mới với phương hướng khá rõ ràng, vì vậy, Tôn Văn Trạch lập tức báo cáo thông tin này với Cục trưởng.
Trong cuộc họp nội bộ của Đội Hình sự, mọi người đều nhất trí cho rằng đây là dư âm từ câu chuyện bịa đặt của Mã Thỉ.
Ban đầu, để trả thù người đã bắt mình là Trịnh Châu và Tôn Văn Trạch, Mã Thỉ đã dựng lên các tình tiết giết người mà bản thân thăm dò được từ người hàng xóm – cũng là thành viên đội tình báo, sau đó đổ hết lên đầu ả tình nhân đã vứt bỏ hắn.
Do không giữ được mồm miệng, làm rò rỉ tình tiết quan trọng của vụ án, nên thành viên đội tình báo đó đã bị đuổi việc. Nói không chừng, anh ta đã ghi hận trong lòng và học theo Mã Thỉ để báo thù cảnh sát.
Thế nhưng, ngay sau đó, suy đoán này đã bị gạt bỏ, bởi sau khi bị đuổi việc, người này đã chuyển đến Quảng Đông, căn bản không thể có thời gian rảnh rỗi đi gửi thư nặc danh.
Tôn Văn Trạch cho rằng, người gửi lá thư này dù không phải là hung thủ, thì ít nhất cũng biết rõ ngọn ngành sự việc, bởi vậy nhất định phải tìm ra hắn!
Lãnh đạo quyết định giao phó cho Tôn Văn Trạch đảm nhận và chịu trách nhiệm chính trong vụ án lần này.
Tuy nhiên từ trước đến nay, công việc chính của Tôn Văn Trạch là về mảng kỹ thuật và thủ tục giấy tờ, anh tuyệt nhiên không hề có kinh nghiệm điều tra tội phạm.
Từ khi được giao vụ án này, Tôn Văn Trạch luôn nghĩ: nếu là Trịnh Châu, anh ấy sẽ làm thế nào?
Tôn Văn Trạch biết Trịnh Châu nhất định sẽ lùng sục khắp nơi, tìm cho ra tất cả các manh mối, thậm chí còn triệu tập cảnh sát đặc nhiệm đến Đội Hình sự họp bàn về vấn đề này.
Trước đây, Trịnh Châu từng dẫn dắt, huấn luyện đặc nhiệm, do đó, dáng vẻ căn dặn hành động đối với các tình huống đặc biệt và sắp xếp nhiệm vụ của anh giống như Cục trưởng đang mở họp với các sĩ quan cảnh sát vậy.
Thế nhưng, Tôn Văn Trạch thì lại không được như vậy, cách anh nói chuyện cũng từ tốn, ôn hòa, phong thái khi dạy bảo người khác có lẽ cũng chẳng khác gì mấy bà cô uỷ ban khu phố nói chuyện là mấy.
Cục trưởng cũng từng nói với Tôn Văn Trạch: “Bản lĩnh của Trịnh Châu, người làm kỹ thuật như anh khó mà học theo được.”
Một tháng sau khi nhận được lá thư nặc danh, Tôn Văn Trạch gần như mất dạng hoàn toàn khỏi Đội Hình sự.
Do vụ tiết lộ chuyện cơ mật trước đó, lần này Cục cảnh sát yêu cầu tất cả thành viên nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật. Thế nên, khi điều tra vụ án, Tôn Văn Trạch cũng chỉ dẫn theo một người trợ lý.
Bức thư có đề cập đến kẻ sát hại Ngô Quân gồm một nam, một nữ. Nếu đây không phải trò đùa quái đản của tên gàn dở nào đấy, vậy thì ắt hẳn người gửi thư sẽ phải nắm rõ chân tướng vụ án như những gì cảnh sát đang phỏng đoán.
Cả ngày, Tôn Văn Trạch chỉ ngồi canh trên đỉnh tòa nhà 3 tầng đối diện nhà Ngô Quân, anh ẩn mình trong căn gác xép bằng gỗ nhỏ hẹp – nơi chỉ vừa chỗ cho hai người, quan sát tỉ mỉ từng người qua lại trên con hẻm. Căn gác xép nồng nặc mùi ẩm mốc khó chịu cùng đám muỗi vo ve, khát máu, thế nhưng lại là nơi lý tưởng để “nằm vùng”.
Tôn Văn Trạch chắc mẩm sẽ lại có thêm một lá thư nặc danh khác xuất hiện, do đó, anh quyết định sử dụng phương pháp ngu ngốc nhất, nhưng đồng thời cũng lại an toàn nhất vào lúc này, đó chính là đợi người gửi thư xuất hiện.
Nhà của Ngô Quân nằm ở phía đông con mương phát hiện ra thi thể và trong một con hẻm ngắn ở phía bắc của khu khai thác mỏ. Quanh nhà anh chỉ có 2 đến 3 hộ gia đình sinh sống và tất cả đi chung một lối ra vào duy nhất. Bởi vậy, chỉ cần quan sát kỹ những người lạ ra vào nơi này vào ban đêm, ắt hẳn sẽ tìm ra được kẻ tình nghi.
Thế nhưng, mọi chuyện cũng chẳng hề dễ dàng như vậy. Mặc dù Tôn Văn Trạch đã “nằm vùng” ở nơi này suốt 20 ngày, tuy nhiên, bóng hình xuất hiện trong con hẻm nhỏ mỗi ngày đều chỉ là những gương mặt quen thuộc của các hộ gia đình quanh đây. Còn người gửi thư vẫn không thấy tăm hơi đâu cả.
Trong khoảng thời gian đó, Tôn Văn Trạch không làm bất cứ một việc gì khác, chỉ tập trung điều tra cho ra chân tướng kẻ chủ mưu gây ra vụ án mạng thương tâm này. Cục trưởng thấy vậy liền khen anh: “Cậu nhóc non trẻ ngày nào, nay đã lột xác thành con lừa ngoan cố rồi đấy!”
Mặc dù, sau một tháng “nằm vùng” không thu về bất cứ kết quả gì, thế nhưng Tôn Văn Trạch vẫn không muốn trì hoãn công cuộc điều tra thêm lần nữa. Vào ngày nọ, anh bỗng nảy ra một ý tưởng kỳ quái. Tôn Văn Trạch cảm thấy những người làm nghề nhận thi thể ở nhà tang lễ đã từng gặp không ít người chết, nói không chừng họ lại có thể cho anh chút “linh cảm”.
“Nhà của người sống không có, vậy anh đã thử tìm ở mấy chỗ mồ mả chưa?” Người nhận thi thể này đã hợp tác nhiều năm với phía cảnh sát, do đó thấy Tôn Văn Trạch trẻ người non dạ tìm đến liền không ngần ngại mà khuyên anh.
Tôn Văn Trạch nghe vậy, thực sự đi tìm theo những gì được gợi ý.
Phần mộ tổ tiên nhà Ngô Quân nằm trên một ngọn núi trẻ cách thành phố 3 đến 4 km, để lên ngọn núi này chỉ có một con đường duy nhất, khá vòng vèo, hai bên đều là rừng cây tán rộng phủ kín bầu trời, thi thoảng sẽ trông thấy những ngôi mộ lấp ló phía xa xa.
Tôn Văn Trạch dựng một cái lán thô sơ ngồi canh chừng cả mấy ngày liền, thế nhưng đến một bóng ma cũng chẳng thấy.
Toàn bộ ngọn núi tràn ngập mùi thối rữa của lá cây và xác động vật, thỉnh thoảng còn xuất hiện những ngọn lửa ma trơi lập lòe, mờ ảo. Ngoại trừ Tôn Văn Trạch và một đồng chí nữa cũng thuộc đội tình báo, nơi đây không còn bất kỳ “người sống” nào khác.
Cả nơi ở của người sống lẫn người chết đều đã canh gác, thế nhưng vẫn chỉ thu về tay trắng, Tôn Văn Trạch không tài nào nghĩ ra còn có thể điều tra thứ gì khác nữa.
Khi trở về Đội Hình sự trực ca đêm, tất cả những gì quanh quẩn trong đầu Tôn Văn Trạch chính là hình ảnh Ngô Quân bị hung thủ sát hại. Có lẽ vì quá nhập tâm suy nghĩ, anh bắt đầu mô phỏng lại từng động tác giết người, thậm chí biểu cảm trên gương mặt cũng trở nên hung ác, dữ tợn hơn thường ngày đôi phần.
Đồng nghiệp đang trực ca cùng anh cũng bị làm cho giật mình, hoảng sợ: “Ông bị muỗi rừng đốt nên phát rồ rồi hay sao?”
Ngay khi đã tỉnh táo lại, Tôn Văn Trạch lập tức đến phòng vật chứng, sau đó mở hai lớp cửa bảo mật và lấy lá thư nặc danh ra, nâng niu nó vô cùng cẩn thận.
Tấm phong thư này thực sự quá đỗi bình thường, mảnh giấy trắng bên trong có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, phong bì giấy kraft màu vàng nâu này cũng vậy. Lướt mắt xuống góc dưới bên phải của mặt sau lá thư, Tôn Văn Trạch thấy 4 chữ in màu đỏ “Con phố Xuân Sơn”.
Đây là một cái tên hết sức quen thuộc.
Tòa nhà văn phòng nằm ở phố Xuân Sơn chỉ cách Đội Hình sự 2 con đường, không quá vài trăm mét. Ngày trước nơi đây vốn là một xưởng may, sau đó đã đóng cửa, nay được sửa sang, tu bổ và trở thành tòa nhà văn phòng như bây giờ.
Tôn Văn Trạch muốn đến đó xem thử.
Vừa bước vào sân, anh đã thấy mấy đứa trẻ con đang ngồi dưới đất chơi trò “đập giấy” (giống trò Ddakji của Hàn Quốc). Chúng đập những hình vuông được gấp từ loại giấy dày chồng lên nhau, ai khiến cho vẩy đập của đối phương lật ngửa lại trước thì sẽ lấy cái vẩy đập đó. Ai thu được nhiều vẩy đập nhất sẽ là người chiến thắng.
Tuy rằng trò chơi này rất phổ biến, có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong địa phương, thế nhưng Tôn Văn Trạch lại bị thu hút đặc biệt bởi tấm vẩy đập được làm bằng tờ báo dày cũ đang nằm trên tay một đứa trẻ.
Thùng các-tông chễm chệ chắn trước lối ra vào của tòa nhà văn phòng, chứa đầy những tờ báo cũ đã quá hạn. Trong căn phòng trực ban cạnh chiếc cửa sắt lớn, Văn Trạch thấy những xấp phong thư làm từ giấy kraft được xếp ngay ngắn trên chiếc bàn gỗ. Phía sau những tấm phong thư này đều in dòng chữ “Con phố Xuân Sơn”, hoàn toàn giống với bức thư nặc danh kia.
Tôn Văn Trạch đứng trước bàn, tiện tay lấy đi một lá thư giấy kraft, nhưng không một ai phát hiện ra.
Anh cho rằng, kẻ nặc danh chắc hẳn là người ở đây, hơn nữa còn quen thuộc với môi trường xung quanh, biết rõ nơi lấy vật liệu làm phong bì thư ở đâu.
Nói không chừng, người gửi thư lại chính là hung thủ, hắn muốn thách thức cảnh sát chăng?
Nhìn tấm phong bì trên tay, Tôn Văn Trạch cảm nhận được rằng, người gửi thư vẫn còn lảng vảng gần đây, cũng có thể hắn đang quan sát mọi động tĩnh của cảnh sát.
Ba ngày sau, vợ của Ngô Quân lại bực tức tìm đến.
“Tôi bây giờ đã là góa phụ rồi, thế mà hắn vẫn tìm đến gây sự, rốt cuộc lũ cảnh sát vô dụng các người làm ăn kiểu gì vậy?!” Cô ta lại ném một bức phong thư nữa xuống mặt bàn.
Phong thư lần này giống hệt với chiếc bì thư “Con phố Xuân Sơn” lần trước, bên trong cũng dán 9 chữ cái được cắt ghép từ báo giấy, còn có vài chữ rất to, giống như được cắt ra từ mục tiêu đề vậy.
“Không còn chồng nữa. Có người khác. Mày thảm.”
Cả đội không một ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của những con chữ trên, tuy nhiên, thời điểm thư được gửi đến trùng hợp chính vào mấy ngày sau khi Tôn Văn Trạch từ bỏ việc “nằm vùng”. Điều này chứng tỏ, có thể kẻ nặc danh không những biết nhiều hơn những gì cảnh sát đang có được trong tay, mà thậm chí còn nắm rõ tiến độ điều tra của cả đội.
Nếu suy tính đến trường hợp tệ nhất, có thể có nội gián!
Bởi vì hai bức thư nặc danh kia đều được gửi đến nhà họ Ngô ngay trong đêm, do đó Cục trưởng hạ lệnh:
“Trong một tháng tới chúng ta sẽ không đả động đến vụ án này, buổi tối, tất cả mọi người đều phải ngủ tại đơn vị, không một ai được phép về nhà!”
Mục đích của Cục trưởng rất rõ ràng: Nếu trong vòng 1 tháng này, không nhận được bức thư nặc danh nào nữa, vậy thì chứng tỏ “nội gián” không có thời gian gửi thư, do đó, một cuộc điều tra nội bộ là không thể tránh khỏi.
Sau khi mệnh lệnh này được công bố, ai nấy đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên, họ nghĩ rằng, thế cũng tốt, “người nào đó” sắp gặp xui xẻo, thế nhưng vẫn tốt hơn là tất cả mọi người đều gặp phải nguy hiểm.
Buổi tối, mấy chục người ở lại ký túc xá, chỉ có thể chơi bài để giết thời gian. Trong những ngày này, bầu không khí kỳ lạ bao trùm cả đội, ánh mắt ai nấy đều thoáng nét hoài nghi chính đồng nghiệp của mình.
Nếu người gửi thư là nội gián và đồng thời cũng là hung thủ, vậy mục đích của hắn là gì? Nếu cứ để vụ này thành án treo, liệu hắn ta có lộ diện hay không? Và, nếu có kẻ làm nội gián, vậy thì cứ nói thẳng là được rồi, sao phải tỏ ra thần bí như vậy làm gì cơ chứ?
Không giống những người khác, Tôn Văn Trạch vẫn chui vào phòng kỹ thuật cả đêm, lầm lũi trong đó một mình. Đồng nghiệp phát hiện anh ấy thường xuyên cầm báo cáo khám nghiệm thi thể, xem xét hồi lâu, chẳng một ai biết ý đồ của Tôn Văn Trạch là gì.
Mãi sau này, trong một lần uống rượu với tôi, anh mới thổ lộ rằng, năm đó bản thân anh thực sự cũng chẳng nghĩ ra phương hướng nào để có thể phá được án, khi đó cũng chỉ đờ đẫn cầm tập báo cáo như vậy mà thôi.
Sau đó một thời gian, lá thư nặc danh thứ 3 vẫn không xuất hiện, dường như muốn xác thực suy đoán tồi tệ trong đầu mọi người là chính xác: Kẻ gửi bức thư nặc danh kia chính là nội gián.
Trong khi Đội Hình sự lâm vào tình thế không khả quan nhất, thì bất ngờ có một bà cô đến báo án.
Sáng hôm đó, bà cô thức dậy, tắm rửa, giặt giũ, lau dọn nhà cửa, mở hòm thư để nhận báo như thường nhật, thì phát hiện ra báo hôm nay lại không được gửi đến. Bà ngẫm kỹ lại, tính ra cũng đã hơn 10 ngày bà không thấy tờ báo nào bên trong hòm thư rồi.
Báo đó vốn là do con trai của bà đặt. Tuy rằng bà không biết chữ, thế nhưng thường ngày luôn có thói quen dùng báo để dán tường và bọc thức ăn.
Nhận thấy sự khác thường, bà thậm chí còn mang ghế ra ngoài cổng ngồi chờ bưu tá.
“Rõ ràng ngày nào cũng đưa đến mà.” Bưu tá nói.
Nghe vậy, bà cô nghĩ ngay rằng có kẻ hèn mọn nào đấy đã ăn trộm đến cả những thứ rẻ mạt nhất như báo giấy, hoặc cũng có thể là do một đứa bé nghịch ngợm nào đó bày trò chăng.
Thế nhưng khi nghe chuyện này, các thành viên của Đội Hình sự đều liên tưởng đến những chữ cái bên trên lá thư nặc danh khiến mọi người ai nấy đều lo lắng suốt thời gian qua. Chúng được cắt ra từ báo giấy.
Cả một buổi chiều, Đội Hình sự gần như dồn hết nhân lực vào tập trung điều tra nguyên nhân tại sao những tờ báo nhà bà cô bỗng dưng không cánh mà bay.
Chi cục nhờ Tòa soạn gửi những tờ báo đã phát hành trong vòng 3 tháng trở lại đây, kể từ ngày vụ án bắt đầu đến ngày xuất hiện bức thư nặc danh thứ 2. Tất cả được đựng trong một chiếc hộp lớn đầy ắp, nặng trịch.
Các tấm hình chụp lại hai mặt của những bức thư nặc danh được dán đầy trên bốn bức tường trong phòng họp. Trên bàn, ghế và đất thì xếp đầy những tờ báo giấy. Mọi người nằm bò trước chồng báo, so sánh kỹ càng từng con chữ, giống như đang chơi trò “tìm điểm khác biệt” vậy.
18 chữ cái được cắt ra từ tờ báo, đặc biệt là những chữ cái có kích thước to hơn hẳn giống như được cắt ở mục tiêu đề, trở thành trọng điểm trong việc tìm kiếm, so sánh và đối chiếu.
Sau khi làm việc hết năng suất, cuối cùng kết quả cũng đã có, chữ cái to nổi bật trong bức thư nặc danh thứ 2 được cắt ra từ tờ báo quý 1 của tháng 8.
Những sĩ quan cảnh sát điều tra bên ngoài cho biết, nhà của bà cô cách con mương nước thải nơi xảy ra vụ án chưa đầy 20 mét, cách văn phòng của Đội Hình sự chưa đến 400, 500 mét.
Vợ chồng con bà cũng sống ngay bên cạnh. Cậu con trai tên Trần Học Binh, hơn 30 tuổi, kiếm sống nhờ làm thêm những công việc lặt vặt quanh đó. Vợ anh ta – Thích Hồng, là đồng nghiệp của Ngô Quân, hiện đang làm việc trong nhà ăn của khu mỏ than.
Ngoài ra cảnh sát còn biết thêm, Trần Học Binh đã không về nhà 2, 3 tháng nay rồi.
Như vậy ta có thể thấy: Tờ báo mất tích, người gửi thư, nhà cạnh con mương nước thải và việc Trần Học Binh mất tích sau khi vụ án mạng kia xảy ra, tất cả thông tin dường như đang cố tình dồn sự chú ý của cảnh sát vào nhà họ Trần này.
Cho dù không phải kẻ tình nghi, vợ chồng Trần Học Binh cũng khó mà tránh khỏi những liên can tới vụ án.
Tôn Văn Trạch tỏ ra thận trọng, trước tiên anh lên kế hoạch tiếp cận Đảng viên của mỏ than để tìm hiểu thêm về tình hình của Thích Hồng, nhưng khéo léo không hề để lộ tình tiết vụ án.
Hơn 10 giờ sáng, công nhân vẫn chưa ra khỏi hầm. Trong nhà ăn rộng lớn, những chiếc bàn, ghế dài đã được xếp ngay ngắn, nhân viên nhà ăn đang bận rộn nấu nướng.
Tiến đến đứng cạnh cánh cửa lưới sau nhà ăn, lãnh đạo quặng than hất cằm, chỉ cho Tôn Văn Trạch biết người phụ nữ đang cán bột chính kia là Thích Hồng.
Nhận được thông tin, tay trái anh đẩy cửa lưới, tay phải đặt lên bao súng, hét lớn một tiếng: “Thích Hồng!”
Cô ta quay đầu nhìn, vừa thấy người đàn ông mặc cảnh phục xanh, toàn thân đã trở nên run rẩy, đến mức đánh rơi cả gậy cán bột xuống đất.
Chỉ một phép thử đơn giản như vậy, Tôn Văn Trạch gần như có thể lập tức khẳng định, Thích Hồng chính là kẻ tình nghi.
Cô ta toàn thân cứng đờ, hai mắt trống rỗng, bị đưa lên xe cảnh sát. Tôn Văn Trạch nắm lấy cổ tay của cô ta, trên cẳng tay trái ấy có một vết sẹo đã lành.
Song song cùng lúc đó, đội bắt giữ cũng đang túc trực bên ngoài công trường nơi Trần Học Binh làm việc và sẵn sàng hành động ngay lập tức. Trần Học Binh chuyển sang làm thợ xây tại một công trường xây dựng, thi thoảng cũng được phân công xây nhà cho người dân. Đội xây dựng ở địa phương không nhiều, do đó, chỉ mất chút ít thời gian cảnh sát đã có thể khoanh vùng được vị trí của anh ta.
Khi cảnh sát phá cửa xông vào, Trần Học Binh đang vắt chân chữ ngũ (五), ngồi đọc tạp chí trong phòng ký túc, hoảng hốt đến mức không khép nổi miệng.
Tôn Văn Trạch áp giải Thích Hồng về Đội Hình sự, sau đó lập tức chạy đến nhà hai vợ chồng họ Trần. Đồ đạc bên trong căn nhà được sắp xếp vô cùng gọn gàng và sạch sẽ. Tôn Văn Trạch đóng kín cửa, lấy thuốc khử Luminol ra phun lên tường và sàn nhà.
(* Luminol được sử dụng bởi các nhà điều tra pháp y để phát hiện dấu vết của máu trái tại địa điểm phạm tội vì nó phản ứng với sắt trong hemoglobin. Phương pháp thí nghiệm Luminol như sau: Trong phòng tối, dùng thuốc thử phun lên vị trí nghi có vết máu, nếu như ở đó có máu thì sẽ hiện lên ánh huỳnh quang màu xanh.)
Dần dần, những ánh huỳnh quang xanh lam đã hiện ra bên trong căn phòng u tối, đặc biệt là trên sàn nhà tắm, có cả một vùng màu xanh lan rộng.
Cả căn nhà này đã từng thẫm đẫm máu tươi!
Hiện trường đầu tiên của vụ án vứt xác ở mương nước thải, đã được tìm thấy!
Trần Học Binh và Thích Hồng bị giam trong hai phòng thẩm vấn khác nhau. Ngồi trên chiếc ghế sắt, cả hai bọn họ đều bật khóc nức nở. Văng vẳng dọc hành lang của Đội Hình sự là tiếng gào khóc đến chói tai, vang lên không ngừng.
Thế nhưng, các điều tra viên lại chẳng hề ghét bỏ những âm thanh như thế, ngược lại còn cảm thấy nhẹ nhõm đến lạ thường. Khi tiếng gào khóc dừng lại, cũng là lúc Trần Học Binh và Thích Hồng thành thật khai báo.
Đầu mùa hạ năm 1998, khi mùa mưa đang cận kề, Trần Học Binh phát hiện ra vợ hắn – Thích Hồng ngoại tình.
Đối tượng ngoại tình chính là người mặc âu phục màu be, làm việc ở mỏ than, lái chiếc mô tô Suzuki 125 màu đỏ phân khối lớn, thường lạng lách trong thành phố – Ngô Quân.
Tôi từng đến mỏ than, tìm lãnh đạo nghe ngóng tình hình thì biết rằng, “chuyện tình cảm” của hai người đó gần như là một bí mật, rất ít người nghe ngóng được.
Ngoại trừ nhà ăn và các quầy buôn bán nhỏ lẻ, khu mỏ chẳng có công nhân nào là nữ cả. Mà vừa hay, dù làm việc ở nhà bếp, nhưng đôi khi Thích Hồng cũng đến quầy lễ tân phụ giúp, mặc cho có đội mũ, đeo khẩu trang nhưng đôi mắt bồ câu long lanh của cô vẫn cực kỳ thu hút cánh mày râu khu mỏ này. Cũng bởi vậy, Thích Hồng cũng thường xuyên bị đám thợ mỏ trêu đùa, chọc ghẹo.
Mỗi lần như vậy, Ngô Quân lại đến giúp cô giải vây. Chỉ cần nhìn thấy có người động tay động chân với Thích Hồng, anh ta đều sẽ lao đến trước mặt chào hỏi tên công nhân đó, đổi chủ đề, sau đó kéo hắn đi chỗ khác.
Mái tóc rẽ ngôi của Ngô Quân được chải chuốt gọn gàng, ăn mặc lịch thiệp, hơn nữa lại lái chiếc xe máy cực kỳ đắt giá trong mắt những người thợ làm nghề khai thác than. Thế nên, sau một thời gian dài tiếp xúc, Thích Hồng dần dần cảm thấy so với Ngô Quân, người chồng ngày ngày đi khắp nơi nhận mấy việc vặt vãnh của cô kém cỏi hơn rất nhiều, nên đã động lòng với anh bạn đồng nghiệp lịch thiệp này. Thực ra, mục tiêu Ngô Quân nhắm đến cũng chính là cô thợ bếp Thích Hồng.
Anh ta là một người theo chủ nghĩa khoái lạc (đề cao việc mưu cầu lạc thú và tránh né khổ đau như là mục đích chủ yếu trong cuộc sống).
Lãnh đạo mỏ than cũng tiết lộ thêm, vào khoảng năm 1990, tại mỏ than đã xảy ra một vụ cháy nổ khí gas rất nghiêm trọng, lúc đó trong mỏ vẫn còn 7 công nhân không may bị mắc kẹt, bao gồm cả Ngô Quân.
Đội cứu hộ tới nơi, vác ra từng cỗ thi thể không còn lành lặn, nói rằng: “Tất cả bọn họ đều đã bị nổ tung, chỉ có duy nhất người đàn ông cuối cùng là còn nguyên vẹn. Sau một hồi kiểm tra mới biết, người đó không hề có bất cứ thương tích nào!”
Ngô Quân chính là người giữ được mạng sống duy nhất trong vụ tai nạn tại hầm mỏ năm đó. Nhưng cũng kể từ sau khi gặp đại nạn mà không chết, anh ta bắt đầu thay đổi, có hành vi phóng túng hơn trước rất nhiều.
Còn về chồng của Thích Hồng – Trần Học Binh, thì lại không có được sức hấp dẫn như Ngô Quân toả ra. Thân hình anh ta gầy gò, vẻ ngoài bình thường, cùng đôi mắt xếch khiến cả khuôn mặt toát lên vẻ nham hiểm và độc ác. Anh ta gầy yếu, không thể kham nổi công việc đòi hỏi nhiều thể lực như ở mỏ than, vậy nên chỉ có thể làm thợ xây ở địa phương.
Thời đó, không có một công việc ổn định cực kỳ mất mặt, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc cưới xin. Nếu không phải gia cảnh Thích Hồng cũng nghèo khó bần hàn, nương nhờ Trần Học Binh, thì việc anh ta có thể cưới vợ trước 30 tuổi hay không là điều vô cùng khó nói.
Bởi nếu xét về ngoại hình, anh ta luôn bị hàng xóm lôi ra đàm tiếu rằng không hề xứng đôi với Thích Hồng – một cô gái xinh đẹp với đôi mắt quyến rũ chết người.
Cũng bởi chịu nhiều lời chê cười kém duyên, Trần Học Binh dần trở thành một người nhạy cảm, ngay khi biết tin vợ mình ngoại tình với Ngô Quân từ một người đồng nghiệp của mình, anh ta đã không kìm được lòng mà nổi giận đùng đùng, thế nhưng, nào có gan đánh ai bao giờ, huống hồ là việc tìm đến một gã to con như Ngô Quân để trả thù.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn, Trần Học Binh đã nhắc đến một điểm bất thường. Mặc dù lòng thù hận trong anh ta vẫn nhen nhóm từng ngày, thế nhưng mãi cho đến khi được một người đàn ông bí ẩn đổ thêm dầu, ngọn lửa ấy mới thực sự bùng cháy.
Ngô Quân vẫn hiên ngang lái chiếc môtô, phóng trên bờ đê như mọi khi. Còn Trần Học Binh cũng bắt đầu chuỗi ngày rình rập gã tình địch tằng tịu với vợ mình trên cung đường hắn hay đi.
Đây là con đường Ngô Quân bắt buộc phải đi qua mỗi khi đi làm. Tuy nhiên, anh ta chẳng ngờ rằng, phía xa xa kia đang có một đôi mắt tóe lửa dõi theo.
Lòng thù hận dâng cao, Trần Học Binh ngồi bên bờ đê, suy tính kế sách trả thù. Ngày nào cũng thấy hình bóng Ngô Quân phóng qua trước mặt, tức đến nghiến răng nghiến lợi, nhưng chẳng thể làm gì, lại không có chỗ nào để xả, Trần Học Binh đành ủ rũ ngồi hút thuốc.
Anh ta cứ quan sát kẻ địch trong vô vọng như vậy liên tiếp vài tuần.
Tối hôm xảy ra vụ án, Trần Học Binh vẫn lên bờ đê hóng gió như mọi hôm, thế nhưng, bỗng nhiên có một điếu thuốc giơ ra trước mặt anh. Không hiểu sao, khuôn mặt người đàn ông đó mờ nhòe, không thể nhìn rõ.
“Anh cứ như thế này thì không thể báo thù được đâu!” Người đàn ông kia lắc đầu, ngồi xuống.
Trần Học Binh trở nên cảnh giác với người đàn ông lạ mặt.
“Hai kẻ bọn họ đã lên giường với nhau, thế nhưng, một tên làm chồng như anh lại chỉ có nước chịu đựng.” Người kia nói.
Dưới bóng tối của đêm khuya trầm mặc, Trần Học Binh không nhìn rõ diện mạo của người đàn ông đó, chỉ có thể nhận định được rằng ông ta để đầu cắt cua, dáng vóc tầm trung, không cao lắm.
Sau khi hút hết điếu thuốc ban nãy, Trần Học Binh im lặng hồi lâu. Hắn ta thực sự không thể chịu đựng thêm được nữa, liền than thở với người đàn ông lạ mặt: “Tôi như thế này, còn có thể làm gì được cơ chứ.”
Hai kẻ vốn chẳng quen biết, giờ lại đứng trước bờ sông giữa đêm khuya hút thuốc. Người đàn ông lạ mặt dường như biết rất rõ về Ngô Quân, anh ta nói, Ngô Quân thường xuyên nhân lúc Trần Học Binh không có nhà, lén lút đến “thăm” Thích Hồng.
Người đàn ông này không chỉ hiểu rõ Ngô Quân, mà thậm chí còn vô cùng tường tận nỗi lòng của Trần Học Binh. Ông ta nói: “Giết chết nó đi! Không thì anh chẳng xứng là một thằng đàn ông.”
Sau khi thú nhận với cảnh sát, Trần Học Binh nói bản thân khi đó quả thực đã tức giận đến mức hồ đồ, thậm chí còn quên hỏi người đàn ông lạ mặt đó là ai, chỉ một mực muốn moi được cách trả thù Ngô Quân từ ông ta.
Tên đàn ông đó nhẹ nhàng chỉ bảo: “Đầu tiên phải bắt gian bọn chúng ngay tại giường, sau đó đập cho tên kia nát tươm, cuối cùng chém thành trăm phần, ném xuống sông. Còn cái xe của tên đó, cũng vứt luôn xuống sông, như vậy sẽ không ai có thể tìm ra manh mối.”
“Được, tôi nghe theo anh!”
Đêm hôm xảy ra án mạng, trời mưa như trút nước.
Sau khi tan làm, Ngô Quân thay bộ quần áo màu be treo trong tủ đồ, mặc thêm chiếc áo mưa, phóng xe đến nhà Trần Học Binh hẹn hò với người tình như đã hẹn.
Sau khi tiễn người đàn ông lạ mặt và quay về nhà, sải bước từ xa, Trần Học Binh đã trông thấy con mô tô đỏ đến chướng mắt của Ngô Quân đang dựng trước cửa nhà mình. Hắn biết rằng hai bọn chúng lại đang tằng tịu với nhau, dù tức giận nhưng hắn ta chợt nhớ lại lời nói của người đàn ông lạ mặt khi nãy, nên không vào nhà ngay mà đứng đợi trong một con ngõ nhỏ, rút từng điếu thuốc ra hút.
Hơn 10 phút sau, hắn mở cửa đi vào, vén tay áo, kéo lê thanh chốt cửa dài chừng 1m. Tiếng mưa lớn át hết không gian, vậy nên Ngô Quân và Thích Hồng đều không hề hay biết sự tồn tại của người thứ ba.
“Boong!” Trần Học Binh dùng hết sức mình, đập mạnh thanh chốt cửa xuống người tên Ngô Quân đang nằm trên giường.
Thích Hồng trần truồng, nhận thấy sự xuất hiện của chồng liền vội vàng dùng tay che mặt, cô ta bị dọa đến nỗi đờ đẫn, sợ hãi không nói được lời nào.
Sau cơn điên tình, thanh chốt cửa lăn từ trên tay hắn ta rơi xuống đất. Dù đã trả thù thành công kẻ phá hoại gia đình mình, thế nhưng Trần Học Binh không hề cảm thấy có chút khoái cảm nào, ngược lại, hắn ta còn sợ hãi, lo rằng hành động của bản thân sẽ bị người khác phát hiện.
Thế là, hắn quyết định xử lý thi thể.
Nhìn người vợ vẫn chưa hoàn hồn ngồi trên giường, Trần Học Binh tạm gác tội đồ của cô ta lại, gọi Thích Hồng đến khiêng Ngô Quân vào nhà vệ sinh.
Thế nhưng, lo sợ rằng chỉ với một nhát đập của kẻ vốn chẳng được khỏe mạnh như mình, Ngô Quân có lẽ chưa chết hẳn, nên hắn còn dùng dây thừng thắt cổ tên kia, sau đó tìm lấy một cái búa, không ngừng đập nát đầu Ngô Quân.
Tiếp đó, hắn dùng dao bếp cắt cổ tên tình nhân của vợ, máu chảy lênh láng, tưởng chừng như nhuốm đỏ cả căn phòng.
Nhìn thân thể trần như nhộng của Ngô Quân, Trần Học Bình cảm thấy quá đỗi ghê tởm, nên đã mặc lại quần cho anh ta.
Để chia thân hình chắc nịch của Ngô Quân ra thành nhiều phần, Trần Học Bình phải dùng hết sức bình sinh, chặt đứt từng khúc thi thể, chỉ riêng phần cánh tay cũng đã khiến hắn mệt lả đến mức thở không ra hơi.
Cho đến 3 giờ đêm, sợ rằng không kịp xử lý xong xuôi trước khi trời sáng, Thích Hồng vội vàng cầm lấy con dao bếp đang nhỏ máu đỏ tươi, tiếp tục chặt thay chồng. Một tay cô ta giữ lấy cái xác, một tay dứt khoát chặt mạnh xuống, chỉ như vậy mới không chém lệch. Thế nhưng đến phần xương sống ở thắt lưng của gã nhân tình, cô ta lại không đủ sức để chặt, trong lúc cuống cuồng, chẳng may quệt phải lưỡi dao, bị rạch một vết dài trên tay.
Thích Hồng đau điếng, lắc tay như một phản ứng tự nhiên của cơ thể, khiến một vệt máu tươi văng ra, dính vào ống quần Ngô Quân.
Trong cơn mưa, đôi vợ chồng vác theo bao đựng thi thể đã được bọc kín đựng xác Ngô Quân bên trong để tìm chỗ giấu, thế nhưng khiêng được một đoạn, họ hết sức, chẳng thể nhấc chân đi tiếp nên đã vứt bao tải xuống ngay con mương nước thải cách nhà không xa. Mương nước thải này vốn đổ ra con sông lớn đằng xa, vậy nên họ thầm cầu nguyện mưa to liên tiếp nhiều ngày sẽ đưa thi thể trôi dạt về phía sông lớn và biến mất.
Còn bộ đồ, cùng với mớ nội tạng đang bầy nhầy khắp nơi trong nhà vệ sinh của nạn nhân, cũng được bọn họ nhét vào cốp xe máy và đẩy xuống sông nhằm che giấu tội trạng.
Thích Hồng thu dọn đồ đạc, lau rửa dấu vết phạm tội, sau đó mở toang cửa sổ, mùi bùn đất sau cơn mưa xộc vào, đánh bay đi phần nào mùi tanh tưởi của máu tươi trong nhà. Những vết máu khô còn sót lại trong nhà vệ sinh cũng được cô ta dùng con dao nhỏ, cẩn thận cạo đi từng vết một.
Trời tờ mờ sáng, mưa cũng đã ngớt hẳn.
Đêm khuya u tối và cơn mưa lớn đã che đi tội ác mà chúng gây ra, chỉ sau một đêm, mọi thứ ngỡ như chưa từng có gì xảy ra.
Người đàn ông bí ẩn, gián tiếp sai khiến Trần Học Binh giết người tối hôm ấy, cũng biến mất không để lại chút dấu vết nào.
Trần Học Binh không muốn chết, nên cố gắng nhớ lại mọi chi tiết bên bờ đê hôm ấy để kể lại với cảnh sát, với mong muốn được nhận khoan hồng.
Tôn Văn Trạch đã cùng mọi người xem xét và thảo luận nhiều lần, tất cả đều cho rằng 2 bức thư nặc danh kia rất có khả năng chính là do người đàn ông xui khiến Trần Học Bình giết người gửi đến.
Có vẻ như, tên đó cũng căm hận Ngô Quân không kém gì kẻ sát nhân này, thậm chí còn từng lên kế hoạch làm thế nào để giết nạn nhân, sau đó lợi dụng Trần Học Binh, đứng sau sai khiến, mượn dao giết người mà không phải đích thân ra mặt.
Một người đồng nghiệp từng đi uống rượu cùng Trịnh Châu đã hỏi anh ấy: “Nếu là anh, anh có thể tìm thấy được người làm ra bức thư này không?”
Trịnh Châu trả lời: “Không có chữ viết tay, tướng mạo cũng bình thường, không có dấu hiệu nhận biết cụ thể, chẳng khác nào chui từ dưới đất lên. Vậy thì tìm kiểu gì cơ chứ?”
Nửa năm sau, Trần Học Binh lĩnh án tử hình, Thích Hồng bị phán tù chung thân.
5 tệ tiền đạn bắn tử hình, là do mẹ của Trần Học Binh nộp cho phía cảnh sát.
Chỉ một tiếng súng vang lên, tất cả manh mối về người đàn ông lạ mặt kia đã hoàn toàn biến mất.
Chỉ còn 2 bức thư nặc danh hiện đang nằm ngay ngắn trong tủ vật chứng mới có thể chứng minh sự tồn tại của người đàn ông thần bí đó mà thôi.
16 năm sau, thư sinh non nớt Tôn Văn Trạch ngày nào, giờ đây đã trở thành chuyên viên điều tra tội phạm của Bộ Công an. Trịnh Châu, quân nhân giải ngũ từng phá nhiều vụ án động trời, cũng đã được điều từ Đồn cảnh sát địa phương về Đội Cảnh sát Hình sự, sau đó nỗ lực và trở thành Cục trưởng.
Năm 2014, Cục Cảnh sát thành phố đã phát động chiến dịch giải quyết sạch sẽ các vụ án giết người còn tồn đọng một cách toàn diện. Vụ án ở mương nước thải do vẫn chưa tìm thấy người gửi bức thư, lại được ghi chép rất tỉ mỉ, do đó lại được đem ra thảo luận một lần nữa.
Tháng 9, Tôn Văn Trạch đã đưa một nhóm cảnh sát mới được bổ nhiệm vào Đội Cảnh sát Hình sự đi tham quan phòng kỹ thuật. Mở ra hai lớp cửa sắt bảo mật, ai nấy đều có thể cảm nhận được nhiệt độ trong này thấp hơn bên ngoài rất nhiều. Trong phòng cất giữ vô số dao, súng, gậy, nỏ, cung tên và thậm chí còn có cả dụng cụ nhà nông. Đằng sau mỗi vật chứng đó, lại chứa đựng vô số thảm án khác nhau.
Tôn Văn Trạch nhận thấy một số thanh niên trẻ tuổi nhát gan, không dám lại gần các loại hung khí, liền có chút tức giận. Anh mở hộp đựng đồ, lấy ra một chiếc áo dính máu đã sờn cũ, phê bình: “Cảnh phục các cậu mặc trên người chính là thứ tránh tà ma tốt nhất, còn sợ cái gì cơ chứ?!”
Sau khi chuyến tham quan kết thúc, Tôn Văn Trạch sắp xếp lại đồ đạc, chợt nhớ đến bức thư nặc danh vẫn luôn được cất giữ cẩn thận trong nhà kho với nhiệt độ và độ ẩm không đổi năm đó. Anh liền mở tủ, lấy ra 2 bức thư được làm từ giấy kraft màu vàng nâu.
Giờ đây, giấy đã ngả màu đôi ba phần, hồ dán cũng đã hết dính, có những chữ được cắt ra từ báo giấy cũng đã bay gần hết mực.
Năm đó, 2 bức thư này là manh mối duy nhất để giải quyết vụ án, bởi vậy, vô cùng đáng quý. Dựa vào nó, họ mới có thể lần mò ra được nguồn gốc mọi chuyện, thế nên ai ai cũng sợ làm hỏng, không bóc tách bức thư. Thế nhưng, không một ai biết rằng, câu trả lời, thực ra đã nằm trong chính bức thư này suốt 16 năm qua.
Sau khi quan sát những mẩu báo cắt bị rơi ra, lúc này Tôn Văn Trạch mới nhận thấy điều đặc biệt. Đằng sau một trong số những mảnh giấy đó, có một dấu vân tay không hoàn chỉnh, nhìn khá giống ngón cái in trên lớp keo đã khô.
Khai thác và so sánh dấu vân tay không hoàn chỉnh chính là kỹ năng chính của Tôn Văn Trạch, món nghề này anh đã thực hành suốt nhiều năm nay.
Tôn Văn Trạch dùng một cái nhíp gắp từng mảnh giấy, cẩn thận đặt chúng vào thiết bị lấy vân tay, lật mặt sau của mảnh giấy, để lộ ra dấu vân tay còn sót lại trên lớp keo đã khô.
Sau đó, anh đợi trích xuất dấu vân tay thành công, nhập vào kho số liệu để so sánh.
Tôn Văn Trạch như nín thở ngồi trước màn hình máy tính, im lặng chờ đợi kết quả.
“Triệu Đình, nam, 49 tuổi, năm 2010 bị bắt giam vì tội trộm cắp, bị kết án 6 năm tù, do biểu hiện tốt nên được giảm án, sẽ được ra tù vào 2 tháng sau.”
Đội Cảnh sát Hình sự bắt đầu khởi động thủ tục điều tra hình sự với vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Người đàn ông bí ẩn trong vụ án mương nước thải cũng bởi thế mà sẽ sớm được tiết lộ.
Ngày 3 tháng 10 năm 2014, Đội Cảnh sát Hình sự điều động 2 xe và 7 nhân viên đến nhà tù tỉnh để bắt Triệu Đình, nơi này là khu vực giam giữ những phạm nhân có mức án dưới 10 năm tù.
Bước ra khỏi khu nhà giam, trên đường đi, Triệu Đình luôn mồm đòi các cai ngục tháo còng tay. Thấy thái độ kỳ lạ của cai ngục, hắn ta bực tức: “Người cũng đã thả đi rồi, không phải các anh nên tháo còng ra cho tôi hay sao?”
Thế nhưng, Triệu Đình không ngờ rằng, trước cửa nhà giam đang có một nhóm cảnh sát mặc cảnh phục màu xanh lam đứng đợi hắn. Họ đưa cho hắn ta tờ giấy thông báo tạm giữ hình sự, trên đó có ghi “cố ý giết người”.
Triệu Đình sững sờ trong vài giây, sau đó bật cười thành tiếng: “Đến cuối cùng, vẫn bị bắt rồi.”
Trước đó, Tôn Văn Trạch đã chủ động nộp đơn xin cấp trên được tham gia cuộc thẩm vấn. Khi đồng nghiệp đưa nghi phạm về đến đội, tâm trạng anh có chút phức tạp: “Tôi còn tưởng là nhân vật ghê gớm thế nào, không ngờ lại là một ông già, hơi bị thất vọng đấy.”
Vẻ ngoài của Triệu Đình trông rất phổ thông, nom như một người nông dân bình thường, cắt đầu cua như bao phạm nhân trong tù, mái tóc điểm bạc, da tay lốm đốm nhiều vết nhám và khuôn mặt hằn các vết nhăn của năm tháng.
Tôn Văn Trạch nhìn chằm chằm Triệu Đình, chờ ông ta mở lời trước.
“Mấy anh không còn trẻ nữa, tôi cũng thế. Chuyện này, cũng nên có kết quả rồi.”
Nhiều năm qua, Triệu Đình vẫn luôn học luật, đặc biệt là kể từ sau khi vào tù, ông ta đã đọc hết tất cả sách viết về luật hình sự trong phòng đọc của trại giam. Do đó, ông ta hiểu rõ, tuy rằng bản thân không trực tiếp tham gia sát hại Ngô Quân, nhưng chắc chắn cũng phạm phải tội xúi giục giết người.
Bởi thế, Triệu Đình không hề né tránh mà kể lại toàn bộ quá trình xảy ra vụ án.
Năm 1988, mỏ than ở địa phương đã trở thành đơn vị khai thác và cung cấp than cho cả nước, với quy mô lên đến 30000 nhân công và Triệu Đình cũng là một trong số đó.
Hắn ta thường xuyên lui đến tiệm thẩm mỹ viện ở trước mỏ than. Thời điểm ấy, ở quanh khu mỏ chỉ có chỗ này là cạo râu, cắt tóc cho đàn ông. Hơn nữa, vào cuối những năm 80, việc tự do yêu đương cũng rất thịnh hành, do đó, qua một thời gian ngắn, Triệu Đình đã theo đuổi được bà chủ xinh đẹp ở đây.
Ông ta ham mê cá cược, thậm chí còn thích “rít mấy hơi” ở sòng bài. Thế nhưng ngày ấy, vì có rất nhiều người lầm lỡ sa vào con đường hút thuốc phiện, khiến mặt mũi thay đổi rõ rệt, gây ra nhiều hệ lụy, nên ai dính phải thứ này đều sẽ bị mọi người xung quanh ghét bỏ, đơn vị trực tiếp đuổi thẳng tay.
Mùa xuân năm 1989, sáng sớm trời rất lạnh. Sau khi chơi cả đêm ở quán mạt chược, Triệu Đình đem theo sắc mặt u ám quay trở về mỏ than, trốn vào ký túc xá dành cho nhân viên để ngủ.
Thế nhưng vào giấc chưa lâu, đội bảo vệ đã đập cửa xông vào phòng, tóm cổ hắn ta lôi lên đồn cảnh sát. Do lạm dụng thuốc phiện và cá cược, Triệu Đình bị phạt cải tạo lao động trong vòng 2 năm.
Năm 1991, Triệu Đình ra tù, mất hết việc làm, bị người thân trong nhà xa lánh. Không chỉ vậy, hắn còn phát hiện, cô gái mình không dễ gì mới theo đuổi được đã gả cho người đồng nghiệp từng làm cùng ở khu mỏ ngày trước – Ngô Quân.
Trong 2 năm hắn không có ở đây, Ngô Quân đã lập tức thay thế và lấp đầy vị trí sát cánh kề bên cô gái ấy, anh ta đối xử tử tế và vô cùng nồng nhiệt, cuối cùng thành công “rước nàng về dinh”.
Không lâu sau đó, một con bạc khác quen biết với Triệu Đình đã kể lại rằng, việc hắn bị bắt đi năm đó là do có kẻ nặc danh tố cáo qua điện thoại. Sau này họ mới biết, kẻ tố cáo đó, không ai khác chính là Ngô Quân.
Khi xưa, Ngô Quân và Triệu Đình cùng làm việc ở một công xưởng, nhưng không thân quen cho lắm. Mãi đến khi Ngô Quân trông thấy người bạn gái xinh đẹp của Triệu Đình, anh ta mới bắt đầu để ý đến từng cử chỉ hành động của ông ta và chẳng bao lâu đã phát hiện ra hắn ta đang sử dụng thuốc phiện.
Những năm 80, việc sử dụng thuốc phiện, bị đuổi việc công khai, hay bị “cắm sừng” đều là những chuyện hết sức mất mặt. Vậy mà Triệu Đình lại dính phải tất cả những thứ đó.
Điều tra viên hỏi Triệu Đình, vào năm 1991 ông đã biết Ngô Quân là kẻ tố cáo và còn cướp đi người bạn gái của mình, vậy tại sao lại không thực hiện hành vi giết người ngay tại thời điểm đó?
“Nếu trả thù ngay sau khi ra tù, vậy thì ắt hẳn cảnh sát sẽ rất dễ dàng tóm được tôi.” Triệu Đình suy nghĩ khá thấu đáo.
Sau khi bị đuổi việc khỏi mỏ than, Triệu Đình từng đến các nhà xưởng ở Quảng Đông và Quảng Tây để làm việc, sau đó mới chuyển về công trường địa phương. Quãng thời gian ấy, ông ta luôn sống ẩn dật một mình.
Vào những năm 90, hắn còn từng sống ở viện tâm thần một thời gian dài với lý do giá giường ở đây khá rẻ.
Về sau, Triệu Đình ở cùng phòng với những người đồng nghiệp chân lấm tay bùn quanh năm và từng vào trại tạm giam 2 lần vì hành vi trộm cắp tài sản ở công trường.
Nhưng ở thời điểm ấy, trái ngược với nhiều điều tồi tệ xảy đến trước đó, Triệu Đình đã có một khoảng thời gian được sống và làm việc vui vẻ, thoải mái.
Mỗi lần uống rượu với bạn cũ, ông đều bị bọn họ lôi mối tình tay ba năm xưa ra trêu đùa. Dần dà, cảm xúc không cam tâm lại dấy lên trong ông, dựa vào đâu mà cuộc sống của Ngô Quân lại tốt đẹp hạnh phúc, còn mình thì phải lưu lạc khắp chốn như thế này cơ chứ?
Hắn ta phải cam chịu 6, 7 năm trời, thế nhưng lòng thù hận chẳng hề phai nhạt, thay vào đó còn dâng trào mạnh mẽ hơn gấp bội.
Và từ ấy, hắn bắt đầu quan tâm đến nhất cử nhất động của Ngô Quân, ngầm chờ thời cơ thích hợp để ra tay hành động. Cho đến một ngày, hắn đột nhiên phát hiện ra chuyện Ngô Quân đang dan díu với người phụ nữ khác ở bên ngoài, mà người tình của anh ta lại chính là vợ của Trần Học Binh. Vậy là thời cơ đã ngỏ.
Mùa hè năm 1998, Triệu Đình đang nằm trên bờ đê hóng gió cho tỉnh rượu, thì bỗng trông thấy một người đàn ông gầy gò đang đi đi lại lại phía đằng xa.
Trùng hợp thay, đúng lúc đó Ngô Quân lại lái mô tô đi ngang qua bờ đê, Triệu Đình dõi mắt, cay đắng nhìn chằm chằm vào hình bóng đó, đợi anh ta đi khuất, hắn mới quay đầu nhìn lại, lúc này chợt phát hiện người đàn ông kia cũng đang nhìn về hướng Ngô Quân như mình.
Bỗng một ý nghĩ nảy ra trong đầu hắn: Không lẽ người này lại chính là chồng của ả nhân tình mà Ngô Quân đang qua lại?
Nghĩ vậy, Triệu Đình liền tới gần, đưa cho người đàn ông gầy gò một điếu thuốc. Sau khi thám thính mấy câu và xác nhận được đây chính là Trần Học Binh – chồng của ả đàn bà lăng loàn kia, Triệu Đình lập tức đem kế hoạch giết người vứt xác mà mình ấp ủ bao lâu nay truyền lại cho anh ta.
“Tôi đi đây đó không ít nơi, thế nên chỉ cần liếc qua thôi là đã biết khi đó Trần Học Binh 80% là muốn giết người.”
“Vậy tại sao ông lại gửi thư nặc danh?” Tôn Văn Trạch đem câu hỏi đã chất chứa trong lòng bao lâu nay ra hỏi ông ta.
Triệu Đình thừa nhận, hắn ta chính là người gửi bức thư đó.
Ban đầu, Triệu Đình vốn chuẩn bị 2 bức thư với nội dung tống tiền bắt cóc, hắn ta cho rằng, khi người nhà Ngô Quân báo án mất tích, ông ta sẽ gửi thư để hướng cảnh sát đi điều tra về việc bắt cóc, tránh lộ chuyện tày trời. Thế nhưng không ngờ rằng, thi thể lại được tìm thấy quá nhanh, thế nên, Triệu Đình đành xé hai bức thư đó đi và chuẩn bị một bức thư nặc danh khác.
Khi xưa, việc Tôn Văn Trạch và Trịnh Châu bắt nhầm Mã Thỉ đã khiến Triệu Đình bị dọa sợ phát khiếp. Hắn ta lo rằng sớm muộn gì cảnh sát cũng sẽ tóm được mình, vì vậy, quyết định dùng thư nặc danh để “dụ” cảnh sát bắt Trần Học Binh.
Triệu Đình chắc chắn rằng Trần Học Binh không hề biết ông ta là ai, do đó, chỉ cần Trần Học Binh bị phán án tử hình, bản thân ông cũng sẽ thoát tội hoàn toàn và chẳng còn liên quan gì đến vụ án này nữa.
Khi nghe tin Trần Học Binh bị tử hình, Triệu Đình từ Quảng Châu về lại quê nhà, bắt đầu ngang nhiên đi khắp nơi tìm việc, sống cuộc sống hắn tự cho rằng rất an toàn.
“Vậy tại sao 2 bức thư nặc danh lại gửi cách nhau tận 1 tháng?” Năm đó, chính chuyện này đã khiến Đội Hình sự vô cùng đau đầu.
“Đã 1 tháng trôi qua mà mấy người vẫn chưa bắt được “hung thủ”, tôi đợi mà cũng phải sốt ruột.”
Cuối cùng Tôn Văn Trạch cũng đã có thể yên tâm rằng, trong đội mình thật sự không có gián điệp tiết lộ bí mật.
Từ năm 1998 đến năm 2014, đã 16 năm trôi qua.
Tôn Văn Trạch bấm số, gọi điện thoại: “Trịnh Châu, vụ án được phá giải rồi, cấp giấy bắt người đi.”
Đầu bên kia của điện thoại, Trịnh Châu chỉ “ừ” một tiếng đáp lại.
▲
Mãi cho đến khi vào đến trại giam, Triệu Đình vẫn luôn cảm thấy mình mới là người bị hại.
Những người như vậy luôn mang trong mình cảm giác “bị người khác hãm hại”, đơn giản mà nói, họ cảm thấy mọi người đều có lỗi với bản thân họ và cho rằng mình xứng đáng được đối xử tốt hơn thế. Thậm chí còn quy chụp tất cả sai lầm của mình đều là do hoàn cảnh và những người xung quanh gây nên.
“Thời báo Washington” từng tổng kết rằng: Thời thế loạn lạc không nhất định sẽ tạo nên những con người ác độc, kẻ ác là do phẩm giá xấu xa bên trong bản thân họ tự định hình lên.
Triệu Đình chỉ nhớ Ngô Quân là người tố mình hút thuốc phiện, nhưng lại quên mất rằng người chọn việc dấn thân vào con đường hút chích đó lại chính là bản thân hắn ta.
Nhưng điều đáng để chúng ta lưu ý hơn cả chính là, “cảm giác bị hại” này ít nhiều trong chúng ta ai ai cũng có.
Ví dụ như khi trẻ em bị ngã và bắt đầu gào khóc, người nhà phần lớn đều sẽ đập tay xuống đất mà “mắng”, đổ lỗi cho mặt đất đã làm đau con mình.
Cho dù chuyện như vậy xảy ra bao nhiêu lần, thì mặt đất sẽ luôn ở đó, người bị đau vẫn chỉ là bản thân các bé mà thôi!
– HẾT –
