Vụ ám sát Julius Caesar là kết quả của một âm mưu của nhiều vị Nguyên lão, những người đã tự gọi mình là Người giải thoát (Liberatores). Chủ mưu của vụ ám sát là Gaius Cassius Longinus và tên thuộc hạ được Caesar hết mực tin tưởng là Marcus Junius Brutus ( được cho là hậu duệ của Lucius Junius Brutus, người đã lật đổ vị vua Tarquinius chuyên quyền tàn bạo của La Mã trước kia, mở đầu cho nền Cộng Hòa La Mã – vấn đề quá khứ gia tộc có thể là động cơ phản bội của Brutus hiện tại ). Julius Caesar bị các Liberatores đâm chết tại một vị trí liền kề với Nhà hát Pompey vào ngày Ides tháng 3 (tức 15 tháng 3) năm 44 TCN. Vào thời điểm đó Caesar là nhà độc tài của Cộng hòa La Mã và tuyên bố là dictator perpetuo ( độc tài suốt đời ) của Viện nguyên lão. Tuyên bố đã khiến nhiều Nguyên lão sợ rằng Caesar có ý muốn lật đổ Viện nguyên lão để ủng hộ chế độ độc tài. Hậu quả của vụ ám sát dẫn đến cuộc nội chiến vào một năm sau đó
Vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN một nhóm các Nguyên lão gọi Caesar đến để đọc đơn thỉnh cầu ông giao trả quyền lực cho Viện Nguyên Lão. Lá đơn này là giả mạo; tùy tướng thân cận Mark Antony cảm thấy nghi ngờ một kẻ trong nhóm Liberatores tên là Servilius Casca, và cảm thấy lo lắng tột độ khi nghe tin Caesar đi lại không vệ sĩ như mọi khi, đến gặp một nhóm các nguyên lão; ông vội vàng đi chặn Caesar lại. Nhưng đã quá muộn, khi đi qua Nhà hát Pompey Caesar bị một nhóm các Nguyên lão chặn lại và dẫn ông vào một căn phòng ở cửa Đông.
Khi Caesar đang đọc lá đơn giả mạo, Servilius Casca tiến lại giật áo choàng của Caesar và sượt tay qua cổ ông. Caesar quay lại và nắm lấy cằm của Casca la to bằng tiếng Latin: “Tên khốn Casca, ngươi đang làm gì đó?” Casca hoảng sợ, kêu những Nguyên lão đồng mưu bằng tiếng Hy Lạp: “Anh em làm ơn giúp đỡ!” (αδελφοι βοήθει!, adelphoi boethei!). Ngay lập tức, toàn bộ nhóm nguyên lão, kể cả Brutus, xông lên tấn công Caesar. Brutus được cho là đã bị thương ở tay và ở chân. Caesar tìm cách thoát thân, nhưng mờ mắt vì máu và vì cái áo choàng quá dài Caesar vấp ngã. Rốt cục những kẻ ám sát chỉ giết được ông khi ông ngã xuống và không thể chống cự trên bậc thềm của cánh cổng. Theo Eutropous, có hơn 60 người tham gia vào âm mưu giết ông và Caesar đã bị đâm tổng cộng 23 nhát.
Điều cuối cùng Caesar nói là gì? Điều này còn đang được tranh cãi. Trong tác phẩm Julius Caesar, William Shakespeare viết rằng câu cuối cùng Caesar nói là: Et tu, Brute? (“Kể cả anh sao, Brutus?”). Nhưng đó là sáng tạo của Shakespeare. Nhà sử học La Mã Suetonius ghi lại rằng những lời cuối của Caesar bằng tiếng Hy Lạp là “καί σύ τέκνον”-“Cả con nữa à?”. Nhưng hầu hết người La Mã tin rằng ông đã nói câu cuối cùng bằng tiếng Latin:”Tu qouque, Brute, fili mihi?”-“Cả ngươi nữa sao, Brutus, con trai của ta?”. Plutarch cho rằng ông không nói gì cả, chỉ kéo áo dài lên đầu khi nhìn thấy Brutus trong đám người ám sát.
Sau cuộc ám sát, các nguyên lão ra khỏi tòa nhà và nói chuyện với nhau một cách đầy kích động. Brutus còn la to: “Nhân dân La Mã, một lần nữa chúng ta lại tự do !”. Về phần Caesar, nhà độc tài nằm chết ở đó cho tới khi ba nô lệ của ông khiêng xác đặt lên kiệu, và đưa ông về nhà với một cánh tay buông thõng xuống.
Cái chết của Caesar, mỉa mai thay, đã đánh dấu sự sụp đổ của Cộng hòa La Mã – cái mà vì muốn bảo vệ nên những nguyên lão kia đã giết ông.Caesar đã luôn luôn được dân chúng La Mã thuộc các tầng lớp trung lưu và hạ lưu ngưỡng mộ. Rất nhiều người xem ông là vị lãnh tụ tài ba, là cứu tinh của toàn La Mã trong những năm tháng chiến tranh và xem Viện Nguyên Lão như một tầng lớp quý tộc bất tài, tham nhũng. Thời điểm Caesar bị ám sát, thành Rome rơi vào cảnh bạo loạn, Mark Antony nhanh chóng nắm bắt thời cơ khi đã hùng biện một cách giàu cảm xúc trong đám tang của Caesar, lôi kéo sự ủng hộ của nhân dân La Mã đang thịnh nộ. Cộng hòa Lã Mã lại rơi vào một cuộc nội chiến tranh giành quyền lực và dẫn đến sự sụp đổ khi Brutus cùng tàn dư những kẻ phản loạn bị tiêu diệt trong trận Philippi.
Cuối cùng Octavianus, kẻ được Caesar trước đó đã chọn làm người kế thừa mình đã chấm dứt được chiến tranh sau khi đánh bại được nốt đối thủ cạnh tranh Mark Antony và trở thành hoàng đế của La Mã dưới cái tên Caesar Augustus. Năm 42 TCN, Caesar được thánh hóa với tên Divus Iulius (“Thần thiêng Julius”), còn Augustus thì trở thành Divi filius (“Con của một vị thần”).
