VIỆT VƯƠNG TRIỆU QUANG PHỤC

VIỆT VƯƠNG TRIỆU QUANG PHỤC

Thời điểm hiện tại có rất nhiều nguồn tư liệu viết về Triệu Quang Phục, nhưng chúng ta thử tìm hiểu đánh giá các nguồn tài liệu chính xem sao ?

– Lịch sử Việt Nam (tập 1) do Viện sử học biên soạn (năm 2017) cho biết sau khi rút vào động, sức khỏe đã giảm sút nhiều, Lí Nam Đế đã quyết định bàn giao quyền bính cho Triệu Quang Phục, để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Triệu Quang Phục chỉ huy lui về xây dựng căn cứ ở đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên)

– Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim (viết năm 1919) cho biết vào năm 549 Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch tự xưng là Việt Vương, bấy giờ quân của Quang Phục đã sắp hết lương, mà mãi không phá được quân Tàu, may nhờ gặp lúc bên Tàu có loạn Hầu Cảnh, nên Trần Bá Tiên bị triệu về và để người tì tướng là Dương Sân ở lại chống cự với Triệu Quang Phục. Việt Vương mới thừa thế đem quân ra đánh phá quân Tàu, rồi lấy lại thành Long Biên.

– Bộ chính sử thời Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết khi Lí Bôn mất ở động Khuất Lạo thì anh ruột là Lí Thiên Bảo cùng người trong họ là Lí Phật Tử chạy vào Cửu Chân, nhưng bị Trần Bá Tiên đuổi đánh nên phải chạy vào vùng người Di Lạo chỗ biên giới với Ai Lao, rồi tự xưng là Đào Lang Vương, trú tại động Dã Năng. Khi Thiên Bảo mất, vì không có con nên mọi người tôn Phật Tử lên nối ngôi. Vào năm 557 Lí Phật Tử kéo quân xuống phía đông đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình.

– Nhận xét 1: Tất cả những ghi chép trên (về cơ bản) đều dựa vào bộ chính sử thời Lê là Đại Việt sử kí toàn thư, tuy nhiên lại chính bộ sử này chú thích rất rõ rằng: Xét sử cũ không chép Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương, nay nhặt trong dã sử và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của (Việt) vương và phụ chép Đào Lang Vương để bổ sung -> sử cũ mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến là bộ chính sử thời Trần do sử gia Lê Văn Hưu soạn, có tên là Đại Việt sử kí.

– Nhận xét 2: Những tài liệu liên quan tới nước ta giai đoạn này như Việt sử lược, An Nam chí lược và các tài liệu sử của người phương bắc, đều không thấy chép đến Triệu Quang Phục, nhưng (Bắc Tề thư – Văn Tuyên đế kỉ) lại có chép đến một vị (giữ chức) thứ sử Giao Châu là Lí Cảnh Thịnh vào tháng 3/551 xin được nội phụ nhà Bắc Tề. Vị thứ sử kia, xin nội phụ chẳng qua là mượn cái danh để chống lại nhà Lương chứ Giao Châu và Bắc Tề bị ngăn cách bởi lãnh thổ nhà Lương, thì làm sao mà Bắc Tề quản lí được Giao Châu.

– Nhận xét 3: Người viết thấy một tài liệu thời Trần là Việt điện u linh, có chép truyện Triệu Việt Vương Lí Nam Đế rất giống với ghi chép của Toàn thư, nên ngờ rằng “dã sử và các sách khác” mà sử gia Ngô Sĩ Liên nhắc đến là Việt điện u linh hoặc một tài liệu tương tự có chép truyện Triệu Việt Vương Lí Nam Đế.

– Nhận xét 4: Người viết tìm hiểu truyện Triệu Việt Vương Lí Nam Đế thì thấy gồm 3 phần: Phần 1 nói về Lí Bôn, chỗ này chép giống sách sử; Phần 2 nói về Triệu Việt Vương; Phần 3 nói về Lí Phật Tử. Trong toàn truyện người viết thấy vài chi tiết mà có thể bắt gặp ở đâu đó như: chuyện con trai Lí Phật Tử là Nhã Lang lấy con gái Triệu Quang Phục là Cảo Nương như một version của chuyện Mị Châu Trọng Thủy, người viết còn thấy thêm Nương là tên ngày xưa thường dùng để chỉ gọi người con gái, còn Cảo thì được Việt sử lược nhắc đến là tên một vùng đất thuộc về mạn Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông rất gần với địa điểm giao chiến (bãi Quân Thần) của Triệu Quang Phục và Lí Phật Tử; hoặc như Nam Đế Lí Phật Tử phong cho người anh là Xương Ngập làm Thái Bình hầu (Xương Ngập gợi nhớ đến con trai của Ngô Vương Quyền là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập; Thái Bình là nơi mà Nam Tấn Vương Ngô Xương Vương đem quân đi đánh rồi bị chết); hoặc phong Đại tướng quân Lí Tấn Đỉnh làm An Ninh hầu (An Ninh gợi nhớ tới tước hiệu của Trần Liễu, anh trai của Thái Tông Trần Cảnh); hoặc khi Phật Tử mất thì con trai là Sư Lợi nối ngôi (Sư Lợi gợi nhớ tới người con trai của Giao Châu đại tổng quản Khâu Hòa) -> cứ theo như trên thì người viết cho rằng truyện Triệu Việt Vương Lí Nam Đế là 1 truyện được kiến tạo từ rất nhiều các chi tiết khác nhau, nên nó không khả tín, có lẽ vì thế mà các sử gia thời Trần đã không chép nó vào chính sử.

-> Tóm lại: người viết cho rằng Việt Vương Triệu Quang Phục như chính sử Toàn thư chép là không tồn tại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *