Có lẽ nhiều bạn sẽ bất ngờ với câu trả lời. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có 7 đại học, bao gồm 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 3 đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, 2 đại học mới được chuyển là Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế TPHCM.
Ơ vậy những trường còn lại, không gọi là “đại học” thì gọi là gì?
Thực tế, trong hệ thống giáo dục bậc học ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh các đại học, học viện, trường cao đẳng thì còn lại được gọi là các “trường đại học”. Như là Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Trường đại học Ngoại thương, Trường đại học Y Hà Nội, v.v. Một số trường đại học là thành viên của một đại học, ví dụ: Trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, v.v.
Điều này được quy định trong Luật giáo dục đại học của Quốc Hội, ban hành năm 2012. Trong đó nêu:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
8. Đại học là cơ sở giáo dục đại học bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.”
“Điều 7. Cơ sở giáo dục đại học
1. Cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm:
a) Trường cao đẳng;
b) Trường đại học, học viện;
c) Đại học vùng, đại học quốc gia (sau đây gọi chung là đại học);
d) Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.”
Luật giáo dục đại học (2012) cũng quy định về cơ cấu tổ chức của các đại học và các trường đại học:
“Điều 14. Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện
1. Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện công lập gồm:
a) Hội đồng trường;
b) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học; giám đốc, phó giám đốc học viện;
c) Phòng, ban chức năng;
d) Khoa, bộ môn; tổ chức khoa học và công nghệ;
đ) Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
e) Phân hiệu (nếu có);
g) Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.
Điều 15. Cơ cấu tổ chức của đại học
1. Hội đồng đại học.
2. Giám đốc, phó giám đốc.
3. Văn phòng, ban chức năng.
4. Trường đại học thành viên; viện nghiên cứu khoa học thành viên.
5. Trường cao đẳng thành viên; khoa, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ.
6. Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
7. Phân hiệu (nếu có).
8. Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.”
Kết lại, trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam hiện có 2 khái niệm thường được sử dụng lẫn lộn, không phân biệt bởi hầu hết mọi người là “đại học” và “trường đại học”. Thực tế theo quy định pháp luật, 2 khái niệm này có những tính chất khác nhau. Một “đại học” sẽ phải có các trường đại học thành viên, được quản lí bởi một hội đồng đại học mà đứng đầu là giám đốc đại học. Trong khi đó, một “trường đại học” có thể là thành viên hoặc không phải thành viên của một đại học, được quản lí bởi hội đồng trường, đứng đầu là hiệu trưởng.
Lưu ý: Bài này đọc để biết cho vui thôi nhé. Mình không yêu cầu các bạn phải thay đổi cách dùng từ theo đúng định nghĩa.
đáng lẽ các “trường đại học” ở VN khi dịch sang tiếng anh thì là college nhưng khum hiểu sao mọi ng dùng luôn chữ university cho “trường đại học” luôn, trừ 5 trường trên thì gọi là university thì phải ròi