Việc một người có khiếm khuyết sinh học, về mặt thể chất hay tinh thần, truyền lại mã gene của họ có được xem là đạo đức không? Có hay là không?

Câu trả lời ngay lắp tự mà mọi người hay đưa ra là Có. Tất cả mọi người xứng đáng theo đuổi một cuộc đời trọn vẹn và hạnh phúc. Tuy vậy, hãy để tôi chỉ ra cho các bạn. Con người sinh ra với khiếm khuyết sinh học cố gắng tìm kiếm bạn đời và truyền lại bộ gene đó cho con cháu họ. Bọn họ biết rõ rằng một vài đứa conhậu duệ của mình sẽ chịu khổ vì khiếm khuyết đó. Và mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy. Ngoài ra, điều này cũng làm suy yếu nguồn gene của loài người khi để mặc cho khiếm khuyết ấy hòa lẫn vào đó thay vì loại bỏ chúng.
Lấy một thí nghiệm tưởng tượng là, bạn có nghĩ một cặp đôi nên có con nếu họ chưa ổn định về tài chính? Câu trả lời rõ là không. Con cái là một trách nhiệm khổng lồ, do đó không thể quyết định tùy tiện, đứa trẻ xứng đáng có một tuổi thơ đàng hoàng yên ổn, điều mà phải có tình hình tài chính nhất định mới đảm bảo được. Vậy, trong Trường hợp B này, việc tài chính không ổn định ảnh hưởng đến tuổi thơ của đứa trẻ khiến việc có con là sai về mặt đạo đức, thì tại sao ta không thể lập luận tương tự với Trường hợp A?
Mặt khác, một người có thể nói rằng việc những người có khiếm khuyết về mặt di truyền tiếp tục sinh nở là điều hoàn toàn hợp đạo. Đơn giản là dựa trên việc các nhiễm sắc thể khiếm khuyết chưa hẳn sẽ trội ở thế hệ con cháu. Phản biện của lập luận trên là có sự rủi ro nhất định trong việc này và cuộc đời của đứa trẻ không nên dựa trên tiền đề may rủi như vậy. Nhưng kể cả thế, vẫn có thể lý luận lại được rằng ngay cả trẻ em thừa hưởng những đặc điểm di truyền khỏe mạnh vẫn phải đối mặt với vô số nguy cơ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh ra. Do đó, rủi ro là một phần tất yếu của cuộc sống.
Cả hai hướng nghĩ đều có vẻ rất thuyết phục với tôi.


Ồ, nếu bạn muốn biện luận rằng điều này là sai bởi vì bạn đang làm hại đứa trẻ được hoài thai bởi bố mẹ có khiếm khuyết về mặt sinh học di truyền, thì bạn phải định nghĩa cho được ‘làm hại’ là sao cái đã.
Triết gia Derek Parfit đã giải thích rằng chúng ta thường định nghĩa việc gây hại là làm cho người khác trở nên tệ hơn. Đây là cách nhìn nhận mang tính so sánh (comparative view) về gây hại. Tuy vậy, Parfit đã chỉ ra rằng với định nghĩa ‘tác hại’ như vậy, thì nếu một chủ thể S cần phải được sinh ra dưới một điều kiện nhất định, thì S không ‘bị hại’ bởi những điều kiện này. Đó là vì bạn không thể nói rằng những điều kiện nói trên khiến S trở nên tệ hơn; mà những điều kiện này là cần có để S tồn tại.
Do đó, trong trường hợp của khiếm khuyết di truyền, bạn không thể nói là bạn đã để mặc cho đứa trẻ trở nên tệ hơn (trừ khi bạn đã lựa chọn không thay đổi những gene “khiếm khuyết” ấy ngay từ trong bụng mẹ, nhưng ngay cả thế thì điều này vẫn có khả năng dẫn đến những tác hại khác, bao gồm tác hại thuộc thuyết ưu sinh). Đứa trẻ chỉ có thể được sinh ra với những khiếm khuyết như vậy.
Bạn có thể phản biện lại dựa theo quan điểm không mang tính tương quan (non-comparative view) về định nghĩa của ‘gây hại’ để phục vụ cho luận điểm của bạn. Cơ bản, định nghĩa của tác hại không tương đối (non-comparative harm) đó là: Tình trạng T là tác nhân có hại cho chủ thể S chỉ khi T có hại không mang tính tương quan (non-comparatively bad) cho S.
Vậy là, bạn có thể nói việc sinh S ra với những khiếm khuyết di truyền có tác hại không mang tính so sánh bởi chúng khiến S bị đau, gặp khó khăn, và khổ sở. Nhưng điều ấy đã thuyết phục chưa? Như ta đã điểm qua, trừ khi chúng ta có thể sửa đổi được mã gene từ trong tử cung, thì S không tồn tại mà không có những khiếm khuyết ấy được. Cho nên, có vẻ như góc nhìn không tương quan này chỉ có thể đủ sức thuyết phục căn cứ theo mức độ của tác hại không mang tính tương quan (non-comparative harm).
Ví dụ như, mối lưu tâm về tác hại không so sánh này có sức thuyết phục trong trường hợp đứa trẻ được sinh ra với khiếm khuyết di truyền nghiêm trọng đến mức không thể sinh hoạt hoặc chịu đau đớn hàng ngày. Nhưng điều này lại kém thuyết phục đi nhiều trong trường hợp đứa trẻ được sinh ra với khiếm khuyết tương đối nhỏ và vẫn có thể sống một cuộc sống “tươi đẹp” mặc cho các khiếm khuyết như vậy. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh sau đó là định nghĩa “cuộc sống tốt đẹp” của chúng ta phần lớn đến từ những con người kiện toàn và chưa từng thật sự trải nghiệm sự khuyết tật, nên chúng ta có thể có những niềm tin sai lầm rằng một đứa trẻ sẽ không thể sống trọn vẹn được vì khiếm khuyết của chúng.
Elizabeth Barnes khi nói về khuyết tật thể chất đã đưa ra quan điểm rằng khuyết tật cũng có giá trị, bởi chúng mang lại cho thế giới này một góc nhìn khác, và góc nhìn này làm giàu cho xã hội chúng ta. Quan điểm này, cùng với tác hại không thể so sánh với chừng mực thấp hơn đối với đứa trẻ (và kết hợp cả quyền được có con cũng như mặt tối của thuyết ưu sinh) là đủ căn cứ để biện minh cho việc sinh ra những đứa con có khả năng bị khiếm khuyết di truyền.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *