vi-sao-nhieu-cu-nhan-dai-hoc-giau-bang-di-lam-cong-nhan?

Vì sao nhiều cử nhân đại học giấu bằng đi làm công nhân?

“Học nghề vì đây con đường ngắn nhất đến với thị trường lao động”

Chiều nay (19/8), Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức buổi tọa đàm “Xu hướng đào tạo nghề – Góc nhìn đa chiều”. Buổi tọa đàm là cơ hội để các bên chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Đại diện ban tổ chức cho biết, giáo dục nghề nghiệp có tầm vai trò quan trọng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho hoạt động sản xuất kinh tế. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Từ thực tế, hoạt động đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp cũng đã có những bước phát triển mới, với những xu hướng mới. Thông qua tọa đàm, ban tổ chức mong muốn các bên sẽ chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Lý do học sinh thích đi học nghề hơn học đại học?- Ảnh 1.

Vũ Thu Hường (bên trái ảnh) chia sẻ về lý do em chọn học nghề. Ảnh: KTĐT

Có mặt tại buổi tọa đàm, Vũ Thu Hường – sinh viên K15 lớp cơ điện tử, khoa cơ khí (Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội) cho biết, với số điểm 39,5 trong kỳ thi vừa qua em có rất nhiều cơ hội vào học tại các trường THPT công lập tại Thạch Thất, Hà Nội tuy nhiên Hường đã chọn học nghề 9+ tại Trường Cao đẳng nghề.

Chia sẻ lý do chọn học nghề, Vũ Thu Hường thẳng thắn chia sẻ, hiện nay xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp đã thay đổi, theo đó thay vì ưu tiên bằng cấp thì yếu tố kỹ năng mềm, năng suất đặt lên hàng đầu khi tuyển dụng. Chính vì vậy, em chọn học nghề để trong thời gian ngắn nhất có thể học được nhiều kỹ năng nhất. Hường cũng cho rằng đây là con đường ngắn nhất để tiếp cận thị trường lao động. Ngoài ra, cô gái trẻ cho biết ngôi trường cô theo học là ngôi trường chất lượng, đảm bảo đầu ra sau đào tạo cho sinh viên.

Để minh chứng cho sự lựa chọn của mình, Vũ Thu Hường cho biết, trong gia đình nhà Hường đã có nhiều người thân lựa chọn học nghề và có việc làm ổn định với mức lương khá lý tưởng sau khi học nghề (15 triệu đồng/tháng).

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Quyết Long – Giám đốc Công ty TNHH xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long cho biết hiện nay khi tuyển dụng lao động, doanh nghiệp rất coi trọng kỹ năng mềm và khả năng thực hành vận hành cho công việc chuyên môn. 

Hiện doanh nghiệp của ông Long cũng cần nhiều nhân viên kỹ thuật nhưng việc tuyển dụng được nhân viên đảm bảo đủ tiêu chí trên khá khó. Chính bởi vậy, doanh nghiệp đã đặt hàng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đào tạo lao động.

Ông Long cho biết, công ty có nhiều chế độ đãi ngộ với học sinh. Năm đầu học sinh được học tự do, năm 2 các em có thể đi thực tập tại doanh nghiệp và được trả lương.

“Nếu khi ký hợp đồng đảm bảo đầu ra cho học sinh, nhưng sau khi tốt nghiệp các em không có nhu cầu gắn bó với doanh nghiệp thì chúng tôi cũng sẵn sàng thanh lý hợp đồng. Bạn sinh viên đó có thể hoàn lại các chi phí hỗ trợ đào tạo và ra đi”, ông Long nói.

Nhiều cơ chế ưu đãi nhằm “nâng chất” cho trường nghề

Phân tích về thị trường lao động, ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội cho biết, thống kê của Tổng cục thống kê cho thấy năm 2023 số doanh nghiệp phá sản nhiều hơn số thành lập. Điều này khiến số lao động thất nghiệp tăng cao. Cao nhất là số thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học, số này chiếm tỷ lệ cao hơn so với lao động học nghề, lao động phổ thông. Hiện nay, nhiều em thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt 14 -15 điểm là đã đậu đại học. Mỗi năm có 600-700.000 học sinh vào đại học.

“Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế của nhà nước có thể tạo ra được từng ấy việc làm cho từng ấy cử nhân không. Đây chính là nguyên do khiến cho nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng giấu bằng đi làm công nhân”, ông Khánh nói.

Lý do học sinh thích đi học nghề hơn học đại học?- Ảnh 2.

Nghề Cơ điện tử trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là một trong 4 nghề đào tạo hệ Cao đẳng chất lượng cao (theo chương trình của Australia). Ảnh: CĐCNC HN

Tuy vậy, theo quan sát của ông Khánh, xu hướng học và làm nghề cũng đang có những chuyển biến tích cực. Ông cho biết những năm gần đây, trường liên tục tăng quy mô, vì có nhiều ngành nghề đào tạo ra không đủ cung cấp cho thị trường. 1/3 số học sinh đăng ký học nghề tại trường có điểm số thi THPT từ 20 điểm trở lên, có cơ hội đỗ các trường đại học, nhưng chọn học nghề.

“Rõ ràng xu hướng cọn ngành, chọn nghề của gia đình, xã hội và chính các em học sinh đã có sự thay đổi”, ông Khánh nói.

Ở góc độ quản lý, ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã được nâng cấp, nhiều năm liền thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số đào tạo lao động.

Tuy nhiên, ông Thảo thừa nhận bên cạnh những mặt được đào tạo nghề trên địa bàn Thủ đô cũng đối mặt với nhiều khó khăn. “Hà Nội có ít trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại, trong khi đó xu hướng đào tạo nhân lực cần tiệm cận với phương pháp, máy móc hiện đại tầm quốc tế”, ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng dự báo, xu hướng đào tạo nghề thời gian tới sẽ thiên về các ngành nghề làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ. Đại diện cơ quan quản lý nhà nước cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chú ý nâng cao chất lượng đào tạo chứ không đơn thuần chỉ là chạy theo số lượng.

Về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, ông Thảo cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Phía nhà trường phải tự khẳng định được chất lượng, công tác đạo tạo phải gắn với thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp.

“Thủ đô cũng nhận thấy những bất cập trong công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp, thời gian tới Thủ đô nói riêng và nhà nước nói chung sẽ có nhiều giải pháp, chính sách điều chỉnh đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng lao động, qua đó nâng thu nhập cho người lao động”, ông Thảo chia sẻ thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *