Không phải vì chúng ta không yêu họ, chỉ là cảm thấy ngại ngùng, mãi chẳng nói nên lời.
“Thôi. Sến lắm”
Ngày 20.10 vừa rồi, tôi tiếp hàng chục khách hàng nam đặt giỏ quà tặng phụ nữ. Tôi để ý rằng, nếu khách tặng cho vợ, đồng nghiệp hoặc người yêu, họ sẽ yêu cầu viết thiệp tay bằng những lời chúc bay bổng và thân mật như “Chào buổi sáng em yêu, ngày 20.10 thật vui vẻ nhé”, hay “Em thật tuyệt. Cảm ơn em, cô gái của anh”.
Ngược lại, nếu khách mua để tặng mẹ, trên thiệp sẽ chỉ có một dòng chữ đơn thuần là “Chúc mẹ ngày 20.10 vui vẻ”, hoặc thậm chí… chỉ có tấm thiệp.
Tôi có từng hỏi một vị khách nam rằng: “Anh có muốn em ghi gì trên thiệp không ạ?”, anh gửi cho mình một cái icon mặt cười và rep: “Thôi khỏi đi em. Sến lắm!”
Tôi khựng lại. “Hình như… mình cũng đang mắc phải tình trạng tương tự”. Yêu nhưng không dám thổ lộ.
VÌ SAO LẠI NHƯ VẬY?
Vì… lớn rồi
Tình trạng này đang rất phổ biến ở giới trẻ. Không phải vì chúng ta không yêu bố mẹ, chỉ đơn giản là lớn rồi, đi qua một số chuyện nên cảm thấy những việc đòi hỏi chút mềm mỏng thật sự rất khó khăn và ngại ngùng, mãi chẳng thể nói thành lời. Vì thế, lời yêu thương trở nên khan hiếm.
Không có thói quen biểu lộ tình cảm
Có thể từ nhỏ, chúng ta đã ít được dạy cách để thổ lộ tình cảm, vì ba mẹ cũng y hệt như chúng ta. Có vấn đề trong việc biểu lộ tình cảm ra ngoài. Do đó, những người con lớn lên trong sự vô cảm và hờ hững được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những tình cảm thiêng liêng nhất được chôn giấu sâu tận đáy lòng, chờ đợi ngày được cất tiếng.
Ít giao tiếp với bố mẹ
Có một sự thật là những người con trong gia đình hiện đại thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp, trò chuyện với bố mẹ vì khoảng cách thế hệ và lối suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Chúng ta không hiểu đối phương nên ít khi tâm sự, khiến khoảng cách ngày càng xa.
Chúng ta biết rõ bố mẹ rất yêu thương mình, và mình cũng yêu thương họ rất nhiều. Chỉ là để sự yêu thương được cất thành lời lại cần quá nhiều sự dũng cảm.
Nhưng nếu không bao giờ chúng ta thể hiện rằng mình yêu họ, họ sẽ chẳng bao giờ biết được tình cảm của mình. Cũng giống như tình yêu, cần một sự khẳng định, lặp đi lặp lại và liên tục.
VẬY PHẢI LÀM SAO ĐÂY?
Dùng hành động thay lời nói
Thể hiện tình cảm trực tiếp thì sẽ rất tuyệt vời và đầy ý nghĩa. Nhưng nếu chúng ta không thể vượt qua cái sự “sến” để nói lời yêu, biện pháp tốt nhất là cứ dùng hành động.
Như bao người, từ nhỏ mình đã không biết cách biểu lộ tình cảm bằng lời, nên đến ngày sinh nhật bố, mình đã tự vẽ một bức tranh, bên trong có một trái tim gấp mở được với dòng chữ “Cả nhà yêu bố”. Nhận tranh xong bố mình cười toe toét.
Con bạn chung nhà với mình, 20.10 rồi nó dùng cả tháng lương mua tặng mẹ con Robot hút bụi và sẽ tận tay đưa đem về trong chuyến thăm nhà sắp tới thay vì chuyển bưu điện. “Tao ít khi nói miệng rồi nên còn đưa tận tay được thì tao sẽ đưa, nhìn mẹ vui thì mình vui lây ấy mà”.
Sống như một đứa trẻ
Nghe phi lý quá ta, lớn rồi làm sao mà cư xử như trẻ con được? Được chứ. Vì ai ai cũng từng là một đứa trẻ chính hiệu, chỉ cần là chính mình, tháo bỏ lớp mặt nạ của người lớn và cư xử vô tư, đúng như con người chúng ta là được.
Bố mẹ có lẽ sẽ rất ngỡ ngàng khi nghe lời yêu được cất lên từ chính miệng chúng ta, nhưng đảm bảo khi nghe xong, ta yêu họ 1 thì họ yêu ta 10.
—–
“Mẹ yêu, nay mẹ xinh thế”.
“Hết tiền rồi à?”
“Hí hí, không. Con iu mẹ”
“Cha bố nhà cô.”