“Nếu Hà Nội giải quyết được vấn đề người ăn xin, vô gia cư một cách triệt để là điều rất tốt”
Ngày 14/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đối thoại với thanh niên thủ đô với chủ đề “Thanh niên tham gia xây dựng thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Chia sẻ tại cuộc đối thoại, ông Thanh cho biết, mới đây khi tham dự hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào, khi được hỏi về những thành tựu của thủ đô, ông không khoe khoang về sự giàu có và cũng thẳng thắn nhìn nhận thành phố còn một số tồn tại như ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông tự tin khẳng định trước bạn bè quốc tế rằng: “Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư”.
Theo ông, những người ngủ đêm ở gầm cầu, ở chợ không phải bởi người dân không có nhà mà là do đặc thù công việc. Vấn đề này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội dựa trên báo cáo như thế nào? Tiêu chí nào để xác định như vậy?…
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội xác định: “Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư” có thể là dựa trên số liệu báo cáo của các phòng ban chuyên môn hoặc là quan điểm cá nhân dựa trên trực quan quan sát trong quá trình di chuyển qua các tuyến phố ở Hà Nội.
Theo luật sư Cường, là người lãnh đạo thủ đô, khi tiếp cận những thông tin báo cáo về việc Hà Nội không còn người ăn xin, không còn người vô gia cư hoặc khi thị sát không phát hiện ra người ăn xin trên đường phố thì đó là điều rất đáng vui mừng.
“Các thế hệ lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn mong muốn xây dựng thủ đô văn minh, giàu đẹp, đảm bảo được đời sống cho người dân thủ đô, đặc biệt là quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Nếu Hà Nội giải quyết được vấn đề người ăn xin, vô gia cư một cách triệt để, những nơi như gầm cầu, ngã tư đường, trên đường phố không còn người lang thang vạ vật ăn xin thì đó là điều rất tốt, thể hiện văn minh đô thị cũng như đảm bảo những quyền lợi tối thiểu của những người yếu thế trong xã hội”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường lấy ví dụ, trước đây những khu vực ngã tư đường như khu vực Ngã tư Sở, ngã tư Tôn Thất Tùng – Trường Chinh, khu vực gần các bệnh viện (Bệnh viện Đại học Y, Bạch mai, Bệnh viện K..), trên nhiều tuyến phố thuộc quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy… có không ít phụ nữ, trẻ em, người già xin tiền. Về đêm thì các khu vực gầm cầu vượt, chân cầu Chương Dương có nhiều người vật vờ, ngủ qua đêm ở gầm cầu… Đây là những hình ảnh thực sự không đẹp của thủ đô, cũng là những xót xa của người dân thủ đô khi còn có những người vô gia cư, lang thang ăn xin.
“Hiện nay xuất hiện những người ăn xin theo hình thức là ‘bán hàng rong’, họ bán những thứ hàng hóa có giá trị nhỏ (bông tai, bấm móng tay, kẹo cao su hoặc ở khu vực phía nam là bán vé số..) nhưng mục đích là muốn được người khác giúp đỡ, mong sự thiện nguyện của những người xung quanh, những người này cũng thường là những người vô gia cư hoặc có những khu trọ rẻ tiền, không đảm bảo an sinh, an toàn.
Dù là người vô gia cư, người ăn xin, bán hàng rong, bán vé số thì họ đều là những người yếu thế trong xã hội, là những người nghèo và phần nào gây ra những ảnh hưởng đến bộ mặt, mỹ quan đô thị, là những người cần có sự giúp đỡ của những người xung quanh và cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương”, luật sư Cường chia sẻ.
Làm sao để giải quyết được tình trạng người ăn xin, vô gia cư?
Theo luật sư, mặc dù trên thế giới những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc thì vẫn có những người ăn xin, vô gia cư trên đường phố. Mong muốn giải quyết được vấn đề mưu sinh cho những người vô gia cư là mong muốn của nhà nước và cũng là nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vì biến động xã hội và hoàn cảnh của từng gia đình, từng người nên người nghèo, người vô gia cư, thậm chí lang thang ăn xin phát sinh và tồn tại trong xã hội là điều rất khó tránh.
“Đặc thù của các thành phố lớn, các khu đô thị phát triển là luôn có những người dân nhập cư, trong đó có không ít là người nghèo, người vô gia cư. Bởi vậy, có thể ở thời điểm nào đó theo thống kê báo cáo, theo dữ liệu dân cư thì công dân ở địa phương đều có chỗ ở, có nghề nghiệp, có thu nhập.
Tuy nhiên, những người khác di cư đến tự phát để mưu sinh thì họ không có nghề nghiệp, không có nhà ở, không có thu nhập thì trước mắt đành phải sống lang thang, ăn xin trở thành người vô gia cư ở đô thị là chuyện dễ hiểu. Có lẽ, những người lang thang, ăn xin, vô gia cư ở các đô thị họ không đăng ký tạm trú, không thuộc diện quản lý của thành phố nên trong các số liệu thống kê báo cáo về dân cư sẽ không có nhóm người này”, luật sư Cường phân tích.
Chính vì vậy, theo luật sư Cường, nếu các địa phương quan tâm đến người vô gia cư, những người ăn xin thì có thể thống kê ở những khu vực họ thường xuyên xuất hiện, có những giải pháp để bảo vệ họ, tạo công ăn việc làm và chỗ ở hoặc ít nhất là đưa họ đến các cơ sở bảo trợ xã hội.
“Có thể giải quyết được vấn đề người vô gia cư phải người ăn xin ở một thời điểm nào đó, tuy nhiên sau đó quá trình nhập cư, di cư tự phát ở các địa phương, các vùng ven đến đô thị thì vẫn sẽ xuất hiện những người vô gia cư, lang thang trên đường phố. Bởi vậy, việc giải quyết vấn đề người lang thang, vô gia cư, những người ăn xin hoặc bán hàng rong trên đô thị sẽ là công việc thường xuyên, liên tục chứ không chỉ đánh giá ở một thời điểm. Nếu Hà Nội đã giải quyết được vấn đề người ăn xin, người vô gia cư thì đó là điều rất đáng mừng, là thành tích đáng ghi nhận của chính quyền Thủ đô trong thời kỳ đổi mới”, luật sư Cường nêu.
Cùng với đó, Luật thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc Hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp, mọi người dân thủ đô đều được chính quyền, nhà nước quan tâm, đặc biệt là những người yếu thế, người dân nghèo đô thị.
Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho hay, thời gian qua xuất hiện không ít những trường hợp trẻ em bị lợi dụng để người lớn xin ăn trên đường phố. Không ít những đứa trẻ được bế, lê la trên đường phố cùng với người lớn để xin ăn. Không rõ mối quan hệ giữa họ có phải là mẹ con, bà cháu hay không nhưng rõ ràng những hoàn cảnh như vậy là rất đau lòng, dễ đánh vào lòng thương của người khác để được hỗ trợ.
Luật sư Cường cũng nêu, trước đây đã có những phản ánh của cơ quan báo chí về việc “chăn dắt” người ăn xin, có những đối tượng tổ chức cho những người ăn xin, họ dùng những đứa trẻ như công cụ để kiếm tiền bất chính. Bởi vậy, cần có những thanh tra kiểm tra, rà soát, thống kê những người bán hàng rong, những người lang thang vô gia cư để có những giải pháp hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ họ, đặc biệt là đối với trẻ em.
“Nếu phát hiện ra những trường hợp lợi dụng trẻ em để xin ăn, trục lợi thì cần phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Với những trẻ em có những hoàn cảnh khó khăn, phải lang thang mưu sinh cùng cha mẹ thể chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp để hỗ trợ, đảm bảo về chỗ ở và cơ hội được học tập”, luật sư Cường nói thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tại các thành phố lớn đơn vị vẫn nhận được thông tin người dân thông báo ở địa điểm này khác có người ăn xin ăn mày, người vô gia cư, đặc biệt là trẻ em.
“Thường thì tại Sài Gòn hoặc khu du lịch thì có nhiều. Hà Nội làm khá tốt vấn đề quản lý, xử lý trường hợp ăn xin ăn mày, lang thang cơ nhỡ nhưng khó để nói tuyệt đối. Hà Nội có nơi để thu gom, sàng lọc, trả về địa phương, có Trung tâm Bảo trợ xã hội làm được việc này. Chính vì vậy có lúc phát sinh người vô gia cư, người ăn xin từ địa phương khác đến trong ngắn hạn như những dịp lễ, cuối tuần thì rất khó nói.
Tổng đài chúng tôi nhận được thông tin phản ánh của tất cả các tỉnh đặc biệt là các thành phố lớn. Khi tiếp nhận thông tin thường cán bộ trực tổng đài sẽ ghi chép, gửi cho địa phương trực tiếp xử lý, làm trong báo cáo hàng tháng”, vị đại diện này thông tin.