1. Tấn công (attack) và phòng thủ (defense) là hai hình thức chiến đấu cơ bản trong chiến tranh. Trong khi phòng thủ chỉ có một mục đích mang tính bị động (bảo vệ/bảo toàn) quân ta, tấn công mang tính chủ động. Chủ động để dành lấy các mục tiêu chính trị. Khi mà cán cân lực lượng đã thay đổi cùng thường dẫn đến việc bên mạnh hơn một cách tương đối sẽ đảm nhận vai trò kẻ tấn công, và ngược lại.
Tuy nhiên, bên tấn công chưa chắc đã luôn là bên mạnh hơn. Cán cân lực lượng có thể thay đổi theo thời gian. Có những trường hợp trong đó một bên mạnh hơn nhưng vẫn muốn hoãn việc tấn công kẻ địch, bởi vì thời gian càng kéo dài thì sự chênh lệch sức mạnh càng lớn, chiến thắng càng được đảm bảo. Ở vào tình cảnh đó, bên yếu hơn sẽ muốn tấn công ngay lập tức, trong khi cán cân sức mạnh còn chưa lớn đến mức không thể vượt qua được. Ai hay chơi LMHT chắc cũng sẽ nhận ra chuyện này.
2. Phòng thủ không có nghĩa là bị động hoàn toàn, chịu đựng cuộc tấn công của quân địch, vì như thế không còn là chiến đấu nữa. Phòng thủ vẫn phải bao hàm việc đánh trả quân địch.
3. Tấn công là hình thức chiến đấu yếu hơn phòng thủ, bởi vì bất cứ sự mất mát nào của phe tấn công đều trở thành lợi thế của phe phòng thủ, nhất là về thời gian. Một cuộc tấn công tiến càng xa thì đà (momentum) của nó càng giảm bởi vì tiêu hao về sinh lực (lính bị chết, bị thương, lính đi lạc, lính phải dành để chiếm đóng những nơi đã chiếm được), sĩ khí, tài nguyên (nhiên liệu, lương thực, đạn dược, thuốc men trở nên tốn kém, khó khăn và chậm chễ hơn để vận chuyển ra tiền tuyến khi mà khoảng cách giữa tiền tuyến và hậu tuyến tăng lên). Tất cả sự tiêu hao này là cái giá mà người lãnh đạo chính trị phải trả để đạt được mục tiêu chiến tranh của mình. Khi mà cái giá này vượt quá giá trị của mục tiêu chiến tranh, người ta sẽ phải từ bỏ cuộc chiến. Nhưng đồng thời, chiến thắng vượt quá mục tiêu chiến tranh cũng không phải điều lợi: trong chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871, người Đức thành công trong việc bắt sống toàn bộ quân chính quy Pháp cùng với người đứng đầu chính quyền Pháp là Napoleon III, nhưng điều này lại gián tiếp tạo nên một cuộc cách mạng ở Pháp (công xã Paris). Người Đức lo sợ rằng nếu một chính phủ nhân dân được bầu ra và họ quyết định đánh tới cùng với người Đức, thì chiến tranh sẽ phải kéo dài hơn rất nhiều và không có lợi gì cho họ.
4. Tốc độ là thứ vô cùng quan trọng đối với việc tiến công, bởi vì thường thì người ta không bao giờ có thể tiêu diệt được hết hoàn toàn quân địch. Chiến thắng trên chiến trường đến khi quân địch rời bỏ hàng ngũ và tháo chạy, khi mất mát và hy sinh và tình hình trận đánh khiến họ tin rằng có đánh nữa cũng vô ích. Napoleon từng nói rằng thành quả đích thực của một chiến thắng nằm ở việc truy kích. Bởi vì truy kích quân địch là lúc chúng ta thực sự phá hỏng được hệ thống chỉ huy của chúng, giống như khi ta làm tê liệt hệ thống thần kinh của một con người, tín hiệu chỉ huy từ não không điều khiển được các cơ quan nữa. Trận Jena-Auerstedt là một trận thắng quyết định dành cho ông ta khi mà Murat thành công trong việc mở một cuộc truy kích kéo dài gần 3 ngày, bắt sống được gần như toàn bộ quân Phổ. Trong khi đó trận Borodino cũng là một chiến thắng dành cho của quân Pháp (tính theo việc là đến cuối ngày quân Nga phải rút lui), nhưng vì Grand Armée đã quá kiệt sức nên không thể truy đuổi quân Nga, nên chiến thắng thật sự đã vuột mất khỏi tay của Napoleon.
5. Tấn công và phòng thủ đều diễn ra trong cả hai cấp độ cơ bản của chiến tranh là chiến thuật và chiến lược. Nếu một bên đang ở vào thế phòng thủ về chiến lược, anh ta vẫn có thể thực hiện các cuộc tiến công chiến thuật, và ngược lại. Ví dụ: đối với người Mĩ, mục tiêu chiến lược của họ ở miền Nam việt nam là bảo toàn chế độ VNCH, và bắt buộc chính quyền miền Bắc từ bỏ các kế hoạch quân chống lại VNCH. Để làm được điều này, tuy nhiên, họ phải ném bom vào miền Bắc, đồng thời càn quét các ổ du kích của MTGP ở miền Nam. Đối với phe miền Bắc và MTGP thì ngược lại, mục tiêu chiến lược của họ là đánh đổ chế độ VNCH, thống nhất Việt Nam, nhưng về mặt thực lực quân sự quy ước họ yếu hơn rất nhiều so với người Mĩ, vì vậy họ tổ chức chiến tranh du kích ở Nam Bộ và các cuộc đột kích bằng quân chính quy vào Tây Nguyên. Những hành động này thực chất vẫn là một hình thức tác chiến phòng thủ, các đòn tấn công mang tính quấy rầy, thể hiện sự hiện diện của họ, buộc người Mĩ phải tấn công và bị tiêu hao.
6. Mỗi cuộc tấn công đều có điểm cao chiến thắng của nó (culminating point of victory). Nghĩa của của thuật ngữ thay đổi tùy vào hoàn cảnh: Ở mặt chiến thuật, đây là lúc đà tiến công đã hết và người ta buộc phải dừng lại để nghỉ ngơi hồi phục trước khi tấn công tiếp. Ở mặt chiến lược, nếu ta hình dung chiến tranh như một cuộc mua bán, mặc cả bằng máu, thì đây là lúc mà những chiến thắng tiếp theo của ta có thể khiến kẻ thù cảm thấy bị đe dọa đến mức làm hắn tăng nỗ lực chiến tranh của mình lên gấp nhiều lần, làm cho khả năng chúng ta kết thúc chiến tranh trong một vị trí có lợi bị giảm đi đáng kể. Thường thì chiến thắng và thất bại đều có ảnh hưởng đến cả phe tấn công và phòng thủ. Nhưng trong khi thất bại có thể khiến cho phe phòng thủ hoặc là trở nên nản trí, hoặc là vì cảm thấy bị dồn vào đường cùng nên đánh trả mãnh liệt hơn, thì thất bại thường chỉ có làm nản trí quân tấn công.
7. Tiêu thổ kháng chiến (scorched earth) là một trong những hình thức phòng thủ cơ bản nhất trong chiến tranh, bởi vì nó tiêu hao quân tấn công trong khi tạo thời gian cho quân phòng thủ củng cố lại lực lượng, hoặc chờ sự trợ giúp của đồng minh. Tiêu thổ kháng chiến tận dụng các yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan: thời tiết, bệnh dịch, sự rộng lớn của lãnh thổ, sự quấy rầy của du kích phía sau hậu tuyến địch. Tất cả đều nhằm mục đích tiêu hao quân địch cho đến khi cán cân sức mạnh bị thay đổi.
8. Sự tác động của công nghệ vũ khí dẫn đến việc trong mỗi thời kì, hoặc mỗi khu vực địa lí, cán cân lợi thế chiến thuật giữa tấn công và phòng thủ thay đổi rất nhiều. Lúc thì nghiêng về phòng thủ, lúc thì nghiêng về tấn công, có lúc thì cân bằng.
Một ví dụ của tác động của hình thái tổ chức xã hội và địa lí tự nhiên đến hình thức chiến tranh và cán cân lợi thế chiến thuật: ở những khu vực thảo nguyên như ở Nga, Trung Á, Mông Cổ, nơi ít có các rào cản tự nhiên, nguyên vật liệu không sẵn có và điều kiện kinh tế du mục không cho phép xây dựng các thành lũy, thì kỵ binh là lực lượng chiến đấu chủ yếu. Các cuộc cướp phá (raid) vào trại của bộ lạc đối địch sẽ là hình thức chiến tranh chủ yếu, bởi vì việc phòng thủ khó khăn, và hầu như không có cách nào đánh chặn các đoàn quân kị binh cơ động trên thảo nguyên rộng lớn.
Từ kể từ sau cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt là từ nửa sau thế kỉ 19, tốc độ phát triển của công nghệ tăng theo cấp số nhân. Một loại vũ khí tấn công ra đời, người ta tìm ra một loại phương tiện/vũ khí để khắc chế nó, rồi lại xuất hiện một vũ khí/phương tiện mới để khắc chế cái vũ khí khắc chế nói trên… Hiện tượng này trước kia diễn ra chậm chạp, có thể tăng tốc lúc chiến tranh diễn ra, nhưng thường mất hàng thập kỉ. Còn ngày nay nó diễn ra với tốc độ chóng mặt, khiến cho việc dự đoán được trong một cuộc chiến tương lai cán cân lợi thế chiến thuật sẽ nghiêng về bên nào gần như bất khả thi, ngay cả đối với các nhà quan sát chuyên nghiệp. Điều này gia tăng một yếu tố bất định nữa cho chiến tranh.