Cũng là một đời người, tại sao số phận dành cho mỗi người lại khác nhau tới vậy? Đứng trước một người nghèo khổ tàn tạ, ai mà chẳng áy náy xót thương? Nhưng đứng trước cả một tập hợp người nghèo khổ và vô vọng, đang gắng tìm kiếm từng miếng cơm hàng ngày, thì người ta có thể nghĩ ra điều gì? Dưới con mắt sắc sảo của Thạch Lam, khi ông phơi bày một hiện thực buồn của xã hội đương thời theo cách tinh tế đến thế, bạn đọc có thể chiêm nghiệm ra nhiều điều…
Những người hiểu đạo lý cũng có thể băn khoăn: “Kiếp trước họ đã làm những gì mà kiếp này họ lại phải cùng nhau chịu khổ nhục như vậy?”. Rồi có khi họ lại thở dài mà tự trả lời: “Kiếp nhân sinh đúng là một cõi mê, nơi con người gắng quờ quạng mà đi cho hết phận”.
“Hai đứa trẻ” để lại những ấn tượng, những bâng khuâng trong lòng người đọc, qua những chân dung gợi cảm về những cuộc đời tàn trong đêm nơi phố huyện.
Có thể hình dung những thân phận tàn tạ ấy là những hình nhân mờ nhạt, được gắn vào lồng đèn kéo quân đã khô kiệt những giọt dầu cuối cùng. Cây đèn kéo quân ấy, lừ đừ, chậm chạp, kéo những hình nhân quẩn quanh, bế tắc, bất động…
Kiếp đời tàn thứ hai xuất hiện trên ‘cây đèn kéo quân’ phố huyện là bà cụ Thi hơi điên điên.
Hai chị em Liên vào cửa hàng tạp hóa bé xíu của mình để đếm lại những món hàng mà mình bán được trong ngày chợ phiên. Cả hai không muốn tính toán khoản tiền ít ỏi. Trong lúc buồn nản như vậy thì đột nhiên sau lưng Liên có tiếng nói: “A, cô bé làm gì thế?”.
Theo sau là tiếng cười khanh khách. Liên đã biết là ai, “chị lẳng lặng rót một ly rượu đầy”. Cụ già cầm ly rượu ấy soi lên dưới ánh hoàng hôn chạng vạng, cười giòn giã, rồi ngửa cổ uống một hơn cạn sạch. Và rồi cụ đi sâu vào trong bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng. Bà cụ Thi xuất hiện rất đột ngột cùng với tiếng cười khanh khách như ma trơi. Điểm làm người ta đặc biệt chú ý ở nhân vật này là khi nhận được li rượu đầy, bà lão đã giơ ly rượu lên để ngắm, để soi ly rượu trong ánh sáng của buổi chiều tàn.
Rõ ràng bà coi đó là thần dược, là vật quý giá. Chỉ có rượu mới mang lại một vài giây phút tìm lãng quên để có hạnh phúc cho bà. Cách thức uống rượu cũng rất đặc biệt. Đó là ngửa cổ ngẩng mặt lên trời rồi dốc tuột ly rượu vào họng chóng vánh. Cụ Thi như sợ ai ăn cướp mất bảo vật của mình… Cách uống ấy gợi cho ta nhớ tới nhân vật Mị ừng ực uống từng bát rượu khi nghe tiếng sáo đêm xuân.
Cụ uống như để tìm chút lãng quên cuộc đời:
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai.
(Nguyễn Du)
Hành động “để ba đồng xu vào tay Liên, xoa đầu chị một cái” đã cho thấy nguyên nhân của bà cụ Thi hơi điên chính là sự thiếu thốn của tình cảm gia đình. Đến cái tuổi làm bà nội, bà ngoại, muốn được cháu con yêu chiều mình và mình được chăm sóc cháu con nhưng không thể nào được toại nguyện.
Mẹ con chị Tí cơ cực nhưng còn ríu rít tình mẫu tử. Bà cụ Thi chỉ một thân một mình già nua gợi cho ta bao nhiêu ái ngại. Ra khỏi bóng tối và rồi lại đi sâu vào trong “bóng tối”. Đó đúng là một thân phận đáng thương.
___
Nội dung được trích từ bài viết của La Vinh – Nhà văn, nhà thơ La Vinh là người thầy giáo dạy văn vô cùng tận tâm và đáng kính của nhiều thế hệ học trò.