Văn minh Phương Tây và Khoa học

Hôm trước có một bạn post một bài dịch về chuyện tại sao văn minh Trung Quốc không có khoa học và có nhiều kiến giải được đưa ra. Mình không bàn về những nội dung được đưa ra trong post đó, mà muốn nói đến một kiến giải mà mình thấy khá hợp lí, đó là về chuyện độc thần giáo và đa thần giáo.
  1. Văn minh Phương Tây không chỉ là đường thẳng nối liền từ Hy Lạp, La Mã cho đến Magna Carta, đến Thời kì Phục hưng, rồi Thời đại Khai Minh và Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Vinh Quang như các nhà sử gia phái Whig nói đến, mà nó là một nồi lẩu pha trộn rất rất nhiều các ảnh hưởng từ các dân tộc của những vùng đất mà nó lan tỏa đến, từ Ai Cập, Ba Tư cho đến tận Ấn Độ. Về tôn giáo, nền văn minh phương Tây có đặc trưng là các tôn giáo độc thần (Abrahamic religion) bao gồm đạo Kyto và đạo Hồi và Do Thái giáo, nhưng bản thân Kyto giáo cũng như xã hội phương Tây vẫn còn tồn tại rất nhiều văn hóa dị giáo (paganism) của các dân tộc châu Âu trước khi cải sang đạo Thiên Chúa.
  2. Toàn bộ khoa học đều dựa trên một tiên đề, một ý niệm về Sự đồng nhất của Tự nhiên (Uniformity of Nature), tức là một quy luật nếu đúng ở nơi này thì cũng sẽ đúng ở nơi khác với cùng điều kiện, đúng trong hôm nay thì cũng sẽ đúng vào ngày mai và mãi mãi. Tất nhiên bản thân kiến thức và phương pháp luận khoa học đã thay đổi rất nhiều kể từ thời của Aristotle cho đến nay. Nhưng sự thay đổi này không phải là thay đổi dần dần, tuyến tính, mà nó tích tụ những điểm kì dị không thể lí giải (singularity) rồi đến một lúc nào đó số lượng điểm kì dị quá lớn đòi hỏi việc thay đổi toàn bộ hệ quy chiếu khoa học đương thời như một sự bùng phát đột ngột, gọi là cách mạng khoa học. Rồi lại lặp lại. Đây là lí thuyết về “paradigm shift” của triết gia vĩ đại Thomas Kuhn, viết trong cuốn The Structure of Scientific Revolution.
  3. Đối với đa thần giáo (polytheism), mỗi nhân tố trong tự nhiên là hiện thân hay một biểu hiện hay một sản phẩm của một vị thần. Thần gió, thần sông, thần mưa, thần biển, thần núi, thần chiến tranh, thần tình yêu, thần rượu, .v.v. Các vị thần này có sức mạnh siêu nhiên, nhưng có tính cách và bản chất cũng giống như con người, với đầy hỷ, nộ, ái, ố, thù hằn, ghen tuông. Có vị thần thiện cũng như có vị thần ác. Tự nhiên là tổng hòa những tương tác giữa các vị thần này, và nó mang tính chất không thể dự đoán, bởi vì nó phụ thuộc vào tính cách và tâm trạng các vị thần này. Khi một con sông vào lũ đúng thời điểm và mang lại một mùa màng tốt cho nông dân, thì người ta coi như thần sông vui vẻ và ban ơn cho dân. Khi một con sông vào lũ quá mức hoặc là hạn hán, người ta cho rằng thần sông giận giữ.

    Ngược lại, đối với độc thần giáo (monotheism), tự nhiên hoặc là sản phẩm hoặc là hiện thân của một Đấng Thiên Chúa tối cao. Bởi vì tự nhiên được tạo ra bởi 1 thực thể duy nhất, và thực thể này mang tính toàn năng, toàn trí và toàn thiện (theo giáo lí) nên thế giới Ngài tạo ra mang tính thống nhất, phổ quát, đồng nhất, tức là nó tuân theo một quy luật nhất định. Đối với những người theo độc thần giáo, quy luật này có thể nắm được, học được, và việc tìm hiểu nó để mà tôn kính được tác phẩm của Đấng Tạo Hóa, là một phần của việc phụng sự đấng thần linh này. Đó chính là nền tảng của khoa học, rằng là tự nhiên có một quy luật nhất định, và quy luật này con người có thể nắm được bằng cách quan sát tự nhiên.

  4. Ngoài chuyện bên trên ra, tôi cho rằng việc vào thời Trung Cổ, nhà thờ Thiên Chúa giáo tồn tại như một thực thể cai trị song song với các chính quyền thế tục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo trợ cho sự học, sự nghiên cứu về tự nhiên. Các trường Đại học cổ nhất trên thế giới như Oxford, Cambridge hay Harvard đều có nguồn gốc từ trường dành cho tu sĩ mà ra. Cái diễn ngôn cho rằng khoa học và tôn giáo đối lập nhau chỉ là sản phẩm của một số nhà tư tưởng từ Thời đại Khai Minh muốn đánh đổ quyền lực thâu tóm tư tưởng con người của nhà thờ Kyto giáo, nhưng phần lớn trong số học không hề muốn loại bỏ Kyto giáo, mà họ muốn đặt nó lên một nền tảng duy lý vững chắc hơn.
  5. Kiến giải này chỉ là một ý tưởng nhỏ từ quyển Western Civilization: Ideas, Society and Politics của Marvin Perry và cộng sự mà ra. Mình không nắm được sâu cho lắm về triết học của Trung Quốc, nhưng nếu ai muốn có thể tìm đọc cuốn Lược sử Triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan. Nói chung để bàn về lĩnh vực này thì nắm được lịch sử thôi chưa đủ, phải nắm được triết học và lịch sử tư tưởng nữa, nên ai không rành không nên lạm bàn.

    ẢNh: cảnh Paris phân vân không biết đưa quả táo vàng cho ai giữa ba vị nữ thần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *